Những chiêu trò “móc túi” trong kinh doanh đa cấp
Như thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với nhiều lãnh đạo Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc này đã lật tẩy những mánh khóe, chiêu trò tinh vi hòng “móc túi” khách hàng của tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp.
Một buổi lễ hoành tráng của Liên kết Việt (Ảnh: lkv.com.vn)
MB24 và các gian hàng “ma”
Tháng 5-2011, Ngô Văn Huy (SN 1973), Lê Văn Cường (SN 1975) đều trú ở quận Nam Từ Liêm và Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980) trú tại Sóc Sơn, Hà Nội thành lập Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến. Theo thỏa thuận của các đối tượng, Nguyễn Tuấn Minh (hiện vẫn bỏ trốn) giữ chức Chủ tịch HĐQT, Huy làm Giám đốc, Cường giữ chức Phó giám đốc, còn Hà chịu trách nhiệm về kỹ thuật của doanh nghiệp.
Mặc dù không được cấp phép hoạt động về thương mại điện tử nhưng ngay sau khi thành lập, Huy cùng đồng bọn vẫn quảng cáo MB24 gắn với trang web: www.muaban24.vn là doanh nghiệp chuyên cung ứng sàn giao dịch thương mại điện tử. Phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử bất hợp pháp trên muaban24.vn, các đối tượng đã tạo lập ra các gian hàng ảo có tính năng, tác dụng như một gian hàng thương mại điện tử thật và kêu gọi đầu tư.
Không chỉ vậy, MB24 còn vận dụng triệt để phương thức kinh doanh đa cấp. Theo đó, Hà trực tiếp lập trình muaban24.vn để tạo ra các gian hàng ảo, điểm ảo với quy định 1 điểm tương đương 10.000 đồng, đồng thời thiết lập phần mềm quản lý hội viên và phân chia “hoa hồng”. Khi chưa có người tham gia, MB24 tự ý nhập 17.000 hội viên từ một mạng kinh doanh đa cấp khác vào mạng của các đối tượng làm “mồi nhử”.
Kể từ đây, mỗi người tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử MB24 phải đăng ký thông tin cá nhân và được tặng “văn phòng cá nhân” để lưu trữ thông tin. Hội viên có quyền kích hoạt tài khoản để quy đổi tiền thật thành điểm. Và muốn trở thành hội viên, người tham gia phải mua ít nhất một gian hàng trên MB24 với giá 5,2 triệu đồng, tương ứng 520 điểm.
Từ “văn phòng cá nhân”, người tham gia có thể nâng cấp trở thành hội viên với điều kiện phải chia 520 điểm cho hệ thống hội viên bảo trợ trực tiếp và gián tiếp (bộ máy MB24 và những người tham gia trước). Nếu hội viên giới thiệu được người mua gian hàng tiếp theo thì được hưởng 1,5 triệu đồng; giới thiệu 2 người được thêm 320.000 đồng.
Hội viên đạt cấp VIP cần phát triển đủ 198 gian hàng và được hưởng gần 80 triệu đồng. Khi đạt 3 gian hàng VIP sẽ nâng lên thành “VIP lãnh đạo”; đạt 3 gian hàng “VIP lãnh đạo” được phong Phó Giám đốc toàn quốc; 4 gian hàng cấp Phó Giám đốc toàn quốc sẽ được lên Giám đốc toàn quốc với lợi nhuận lũy tiến.
Bằng thủ đoạn lấy tiền của người mới “nuôi” người cũ và sau 1 năm hoạt động, Huy cùng đồng bọn đã bán được 121.349 gian hàng ảo trên muaban24.vn, tương ứng hơn 631 tỷ đồng. Trong số đó, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 30,9 tỷ đồng… Với hành vi này, Ngô Văn Huy, Lê Văn Cường và Nguyễn Mạnh Hà đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt từ 12 năm đến 16 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”.
“Câu nhử” mọi người bằng “hoa hồng”
Video đang HOT
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng đã truy tố các bị cáo vốn là lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Tâm Mặt Trời (gọi tắt là Công ty Tâm Mặt Trời) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”. Đó là Nguyễn Hoàng Vũ (SN 1981) – Tổng Giám đốc, Thiên Sanh Trí (SN 1970) – Phó Tổng Giám đốc, Đỗ Văn Hiền (SN 1976) – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Lê Văn Đình (SN 1983) – Phó Chủ tịch HĐQT.
Tương tự thủ đoạn của MB24, Vũ cùng đồng bọn sử dụng mạng Internet quảng bá cung ứng sàn thương mại điện tử, đồng thời kêu gọi mọi người mua gian hàng với hình thức đa cấp. Theo đó, muốn thành hội viên của Tâm Mặt Trời thông qua website: www.emt.vn và www.emt.com.vn, người tham gia phải bỏ ra 6 triệu đồng. Công ty này cam kết, hội viên lôi kéo người khác tham gia được thưởng 1,5 triệu đồng/gian hàng.
Từ 2010 đến năm 2012, Công ty Tâm Mặt Trời đã mở rộng chi nhánh ở 30 tỉnh, thành và lôi kéo được 39.000 hội viên với 23.348 gian hàng thương mại điện tử. Bằng việc kinh doanh đa cấp gắn với gian hàng điện tử ảo, Vũ cùng đồng bọn đã chiếm đoạt được hơn 8,7 tỷ đồng trong tổng số 122 tỷ đồng của hàng nghìn người tham gia.
Ở vụ Liên kết Việt, bước đầu điều tra đã làm rõ Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) – Chủ tịch HĐQT công ty cùng đồng bọn đã cố tình tự đánh bóng tên tuổi để lừa đảo. Từ năm 2014 đến khi bị phát hiện, các mặt hàng kinh doanh của Liên kết Việt rất nghèo nàn gồm vài máy làm sạch thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng.
Tháng 4-2014, Giang thuê Nguyễn Thị Thủy (sau này giữ chức Phó Tổng Giám đốc) phụ trách một nhóm chuyên quảng bá bán hàng; tổ chức, phát triển hệ thống đa cấp; tư vấn thu hút khách hàng; tổ chức sự kiện; xúc tiến thương mại… Thủy cùng các đối tượng liên quan được cấp mã số đứng đầu toàn bộ hệ thống cộng tác viên.
Thực tế, tất cả cộng tác viên của Liên kết Việt đều là người phải bỏ tiền mua mã hàng hóa của doanh nghiệp với mức thấp nhất là 8,6 triệu đồng. Hàng tháng, ngoài tiền công 25 triệu đồng, Thủy còn được hưởng 300.000 đồng/ mã hàng phát sinh của hệ thống.
Tính đến tháng 7-2015, Thủy và các bị can liên quan đã phát triển hệ thống đa cấp của Liên kết Việt lên đến hơn 45.000 người ở hàng chục tỉnh, thành và thu về hơn 1.900 tỷ đồng. Đa số người tham gia mạng lưới đa cấp của Liên kết Việt đều không nhận hàng hóa khi bỏ tiền ra mua và dành toàn bộ số tiền nộp vào doanh nghiệp để nhận được điểm thưởng và hưởng “hoa hồng” cao. Bằng việc phát triển hệ thống kinh doanh “bong bóng” ấy, Giang cùng đồng bọn đã hưởng lợi bất chính gần 44 tỷ đồng.
Theo_An ninh thủ đô
Những thủ đoạn lừa đảo ngàn tỷ của Liên kết Việt
Để thực hiện lừa đảo, Liên kết Việt mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, làm giả lễ đón nhận bằng khen Thủ tướng, xây dựng hệ thống kinh doanh lãi suất khủng thu hút người tham gia.
Trong toàn bộ thời gian thực hiện việc kinh doanh đa cấp, Liên kết Việt đã cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP do Lê Xuân Giang lập ra mạo danh Bộ Quốc phòng để lấy danh tiếng, lừa đảo người tham gia vào hệ thống của mình nhằm thu lời bất chính.
Các buổi lễ của Liên kết Việt đều được tổ chức hoành tráng - Ảnh: lkv.com.vn
Mạo danh Bộ Quốc phòng, làm giả bằng khen Thủ tướng
Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010 nhưng phải đến năm 2014 mới được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép kinh doanh đa cấp. Thời điểm đầu, doanh nghiệp này kinh doanh một số mặt hàng gồm Dưỡng cốt vương, bổ não vương, đông trùng hạ thảo, một số loại máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe người già.
Các sản phẩm này được Liên kết Việt quảng cáo mua của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP và Công ty cổ phần Biovaccine Việt Nam.
Thực tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP là công ty do chính Lê Xuân Giang lập ra, buôn bán một số sản phẩm gồm máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108, máy khử độc Ozone G13 dán mác đơn vị lắp ráp sản xuất là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, cả hai sản phẩm này đều không liên quan đến các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Các đơn vị trên và những người có trách nhiệm đã lên tiếng về việc các đơn vị của Bộ Quốc phòng không hợp tác, không liên doanh liên kết hay có bất cứ nghiên cứu khoa học gì với Công ty Liên kết Việt.
Cùng với việc mạo danh sản phẩm, Liên kết Việt còn tổ chức nhiều chương trình, cuộc gặp gỡ với nhiều người nguyên là lãnh đạo cấp cao ở Bộ Quốc phòng. Một số clip trên website của công ty này đã giới thiệu nhiều người là đại tá đương chức ở Bộ Quốc phòng tham gia vào Ban lãnh đạo của công ty. Thậm chí còn nêu rõ rất cả đều có chức danh, tham gia vào lãnh đạo công ty, một số đã nghỉ hưu và còn tham gia vào Công ty cổ phần tập đoàn Thiết bị Y tế BQP...
Chính những hành động giả danh, lừa bịp này cùng cái tên viết tắt BQP đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cũng từ đó người dân đặt niềm tin vào công ty, tiếp nhận những thông tin thuyết trình về mô hình bán hàng đa cấp, mong một ước mơ đổi đời và mù quáng mang tiền đầu tư vào hệ thống.
Bằng khen của Thủ tướng (làm giả) của bị can Lê Xuân Giang - Ảnh: lkv.com.vn
Bên cạnh đó, Liên kết Việt còn tổ chức một buổi lễ hoành tráng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với tập thể công ty và hàng loạt cá nhân trong Ban lãnh đạo. Những tấm bằng khen này được treo trang trọng tại trụ sở công ty, được đưa lên trang web với mục đích quảng bá.
Khi tiến hành điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ toàn bộ ảnh, Bằng khen mà Liên kết Việt đón nhận đều được làm giả. Kết quả xác minh tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng Chính phủ cấp bằng khen cho Công ty Liên kết Việt. Hành vi này có dấu hiệu của tội Làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức, cơ quan..., sẽ tiếp tục bị điều tra trong thời gian tới đây.
Chi hoa hồng cao để lừa đảo
Từ những thủ đoạn tạo uy tín trên, Liên kết Việt đưa ra một mô hình kinh doanh đa cấp hấp dẫn để chào mời người tham gia. Cụ thể, theo quy định, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng của Liên kết Việt phải đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được cấp một mã số kinh doanh, được quyền mua một mã hàng gồm một máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng.
Nhà phân phối nào mua nhiều mã hàng hoặc giới thiệu được nhiều người tham gia vào hệ thống sẽ được nhận tiền hoa hồng rất cao, được nâng bậc trong hệ thống thành những nhà quản lý. Thêm vào đó họ được hưởng hoa hồng từ các đại lý cấp dưới phát triển được hệ thống.
Số tiền hoa hồng được tính cho một cá nhân tham gia là 8%, càng nhiều người tham gia tỉ lệ hoa hồng càng cao. Liên kết Việt khẳng định với 8,6 triệu đồng đầu tư, khách hàng có thể được hưởng 449 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng...
Một bản hợp đồng cộng tác viên của Liên kết Việt - Ảnh: otofun
Đáng chú ý, công ty này cũng đưa ra khuyến cáo đóng tiền mua hàng nhưng không nên nhận hàng vì nếu nhận sẽ bị khấu trừ, giảm số tiền hoa hồng nhận được. Chính vì thế nhiều khách hàng tham gia đã không mua hàng mà chỉ nộp tiền để mua mã số với tham vọng kiếm tiền hoa hồng, thưởng.
Để đạt được điều này, họ phải đi mời chào người thân, bạn bè tham gia vào hệ thống, tự biến mình thành người đi lừa đảo và tiếp tay cho hệ thống của Liên kết Việt.
Điển hình cho hoạt động mời chào này là cuộc thuyết trình tham gia hệ thống của Liên kết Việt tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trong buổi hội thảo này, một "chim mồi" của Liên kết Việt quảng cáo công ty có rất nhiều gói đầu tư để mọi người tham gia.
Ví dụ gói 10 sản phẩm có giá trị 86 triệu đồng; 20 sản phẩm có giá trị 172 triệu đồng... và kể cả gói VIP có giá trị lên đến 9,3 tỷ đồng. Càng mua gói sản phẩm có giá trị cao, khách hàng càng có cơ hội đổi đời với số tiền hoa hồng lên đến 65%, được thưởng ôtô, nhà và nhiều quyền lợi khác.
Thực tế, tất cả những gói sản phẩm, những khoản thưởng hấp dẫn này đều được Lê Xuân Giang, Nguyễn Thị Thủy tạo ra để lòe bịp, lừa đảo và đến nay đã có hơn 45.000 người tại 21 tỉnh thành phố bị lừa với số tiền trên 1.900 tỷ đồng. Chỉ đến khi không còn được nhận thưởng, các bị hại đến tìm thì mới biết Liên kết Việt không còn khả năng chi trả nên trình báo cơ quan công an.
Nhiều doanh nghiệp mạo danh Bộ Quốc phòng để lừa đảo Với uy tín lớn, trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng đã bị nhiều cá nhân, doanh nghiệp núp bóng hoặc mạo danh để lừa đảo. Điển hình là Công ty cổ phần Beta BQP do Nguyễn Anh Quân (trú tại phố Đặng Thai Mai, Hà Nội), làm Tổng giám đốc. Với cái tên BQP, Nguyễn Anh Quân đã giới thiệu công ty này của Bộ Quốc phòng, thậm chí còn làm giả văn bản do một thứ trưởng ký tên giới thiệu công ty để lòe bịp đối tác. Năm 2011, công ty này đã ký hợp đồng với Công ty Hanic để vay vốn số tiền hơn 379 tỷ đồng và hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh dự án thứ phát tại Khu đô thị Thanh Hà A - Cienco5. Khi công ty Hanic và hàng loạt nhà đầu tư chuyển tiền cho Beta BQP mới phát hiện Cienco 5 không ký bất cứ hợp đồng kinh doanh nhà đất nào với Beta BQP. Khi vụ việc vỡ lở, bị hại đến trình báo công an thì Nguyễn Anh Quân đã cao chạy xa bay, để lại những khoản nợ hàng trăm tỷ đồng cho các đối tác.
Theo Zing
"Mãnh hổ" đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lắm chiêu, nhiều trò Trong giới kinh doanh đa cấp, cái tên Thiên Ngọc Minh Uy được khá nhiều đồng nghiệp cũng như ngoại đạo biết đến với mạng lưới ngày càng rộng lớn, phình to của mình. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Thiên Ngọc Minh Uy không chỉ để lại những vụ lùm xùm có "dấu hiệu" lừa đảo tai tiếng nhất mà còn...