Những chiêu phá hoại cân điện tử tinh vi của cánh tài xế
Để qua khỏi cửa ải kiểm tra trọng tải, các tài xế đã phổ biến cho nhau cách thức phá hoại trạm cân. Vì là cân điện tử lưu động, mong manh nên có nhiều cách phá
Nguyên nhân khiến đường sá ở Việt Nam luôn bị xuống cấp nhanh, ngoài việc thi công ẩu, bớt xén nguyên vật liệu thì một lí do khác ảnh hưởng rất lớn đó là do các xe vận tải ở Việt Nam thường xuyên chở quá tải. Bởi thế nên mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phải triển khai trạm cân điện tử tại 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, dự án mới đưa vào hoạt động đã nảy sinh nhiều vấn đề như cân nhanh bị hỏng, giá thành các mặt hàng tăng lên đột biến…
Không phải do cân kém chất lượng
Tại trạm cân ở tỉnh X., cách Hà Nội không xa lắm. Quản lý trạm cân gồm 3 đơn vị. Cán bộ Cục Quản lý đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) sử dụng trạm cân; thanh tra giao thông giám sát; cảnh sát giao thông dừng xe, xử phạt. Tuy nhiên, vì trạm cân của tỉnh này liên tục hỏng, nên đơn vị cung ứng trạm cân mới đây đã cử một kỹ sư xuống giám sát, quản lý.
Tập huấn lắp đặt và bảo quản cân điện tử lưu động
Theo người kỹ sư này cho biết, trạm cân vừa được đưa về tỉnh này đã liên tục gặp trục trặc. Lúc thì đứt cáp, lúc hỏng camera, lúc kết quả sai, lúc máy tính nhiễm virus…
Chiếc cân điện tử mặc dù sản xuất bởi Công ty TNHH một thành viên Hanel, nhưng những thiết bị quan trọng đều nhập từ Mỹ và châu Âu, đã được kiểm định chất lượng, nên không thể là đồ kém chất lượng. Vị kỹ sư đã được công ty điều về sửa chữa. Anh nhanh chóng phát hiện các lỗi từ trạm cân đều là do cố ý phá hoại.
Khi đã khắc phục sự cố, giám sát chặt chẽ, khiến những đoàn xe vượt trọng tải cả chục lần không “lươn lẹo” được nữa, thì tài xế lái cả chiếc xe mấy chục tấn tông thẳng vào trạm cân, khiến chiếc cân vốn chịu được sức nặng trăm tấn cũng phải văng tung tóe.
Theo người kỹ sư này cho biết, chiếc xe đâm vào trạm cân, dù có phải đền, dù phải truy cứu hình sự, thì họ cũng không sợ, vì lợi ích quá lớn. Khi cân hỏng, thì đoàn xe vượt trọng tải tiếp tục lầm lũi đi qua, vô tư phá nát những con đường ngàn tỷ, mà lực lượng chức năng không làm gì được. Đó cũng chính là lý do, vị kỹ sư liên tục bị đe dọa, bị khủng bố bằng cả điện thoại lẫn trực tiếp. Không chỉ anh, mà cả đội ngũ quản lý trạm cân cũng phải vất vả đối phó.
Mất ăn mất ngủ vì trạm cân điện tử
Theo chỉ dẫn của người kỹ sư, tôi tìm đến Công ty TNHH một thành viên Hanel, đơn vị sản xuất những chiếc cân di động trị giá bạc tỷ. Cũng giống như vị kỹ sư nọ, Phó Tổng giám đốc Hanel, bà Bùi Thị Hải Yến mang khuôn mặt bơ phờ. Theo bà, từ ngày đưa trạm cân kiểm tra trọng tải xe lưu động ra thực địa, bà mất ăn mất ngủ.
“Mặc dù đây là những chiếc cân được kiểm định chất lượng bởi Viện đo lường Việt Nam, nhưng khi đưa ra sử dụng thì liên tiếp báo hỏng. Nhiều tỉnh kiến nghị, phản ánh, thậm chí khiếu kiện, rồi rêu rao chúng tôi sản xuất cân kém chất lượng” – bà Yến cho biết.
Nói rồi, bà Yến cung cấp cho tôi bảng tổng hợp lỗi từ ngày 1/4 đến ngày 5/5/2014. Chỉ hơn một tháng đã có tới 68 lỗi xảy ra với 32 chiếc cân, trên tổng số 63 chiếc cân được cung cấp cho 63 tỉnh thành.
Tuy nhiên, lại chỉ có 6 sự cố do lỗi thiết bị camera, được xử lý nhanh chóng. Một số lỗi do cách vận hành không đúng, còn lại, trên 50 lỗi là do các lái xe phá hoại trạm cân.
Theo bà Yến, đây là những chiếc cân cực kỳ hiện đại, gần như tự động hóa toàn bộ. Khi xe lên bàn cân, camera sẽ tự động chụp lại biển số, truyền dữ liệu thẳng về trung tâm kiểm soát của Cục Đường bộ ở Hà Nội và báo luôn số tiền phạt.
Chính vì vận hành tự động, nên nhân viên vận hành không can thiệp được vào trạm cân để phát sinh tiêu cực, lái xe cũng không ăn gian được.
Dự án vừa triển khai, các tỉnh đã liên tiếp báo cân hỏng. Có tỉnh kiên quyết không dùng cân và khiếu kiện cân sai. Sau khi các cơ quan kiểm định vào kiểm tra, thì sai số chỉ là 1,3%, trong khi sai số cho phép là 3%. Có cân không hiểu vì lý do gì mà camera lại chiếu… lên trời, có cân rõ rành dấu hiệu bị vặt hỏng cáp, thậm chí có vết dao cắt đứt cáp, khiến cân hỏng luôn. Thậm chí, có cán bộ cắm USB vào máy tính chơi game, nên máy nhiễm virus, cân không hoạt động được…
Điều kỳ lạ nữa, nhiều cán bộ được huấn luyện vận hành cân, được cấp chứng chỉ thì không vận hành, trong khi người chưa đi học, không biết gì vận hành cân sử dụng dẫn đến hỏng cân. Không hiểu vô tình hay cố ý mà họ đặt cân ở chỗ gồ ghề, chèn đá bên dưới, nên khi xe trọng tải lớn trèo lên, sẽ phá hỏng cân. Thậm chí, có nơi còn đặt cân vào chỗ không có sóng 3G, không truyền dữ liệu về Hà Nội được, rồi báo cân hỏng.
Tuy nhiên, tất cả những cách sử dụng sai nhanh chóng bị phát hiện, bởi camera truyền dữ liệu trực tuyến về trung tâm kiểm soát. Ngoài việc có nghi ngờ một số cán bộ vô tình hoặc cố ý làm hỏng cân, thì lái xe rất tích cực phá cân.
Lái xe phá hoại cân điện tử như thế nào?
Theo bà Yến, vì lợi ích quá lớn, nên lái xe, doanh nghiệp tìm mọi cách phá hoại trạm cân. Đã có nhiều vụ lái xe lao thẳng vào trạm cân để phá. Thậm chí, có vụ, khi trạm cân đang hạ, họ cho xe máy đâm đứt cáp, dẫn đến hỏng cân.
Hiện trường vụ phá cân bằng cách lao ô tô vào trạm cân ở Hà Nam
Tuy nhiên, bà Yến cho rằng điều nguy hiểm nhất là các tài xế xe tải đã phổ biến cho nhau cách thức phá hoại trạm cân. Vì là cân điện tử lưu động, khá mong manh, nên họ có nhiều cách phá.
Theo quy định, khi lái xe vào cân, chỉ được đi với tốc độ 5km/h, đi đúng vị trí. Thế nhưng tài xế lao mạnh vào cân, rồi phanh gấp. Trọng lực quá lớn khi phanh gấp sẽ khiến cân bị dồn lại, gây đứt cáp, báo hỏng.
Video đang HOT
Khi cán bộ giám sát chặt tốc độ xe lúc đi lên bàn cân, thì họ lại rồ ga, rồi phanh gấp khi xe đang ở trên cân, khiến cáp đứt. Rồi cố tình đi lệch cân, làm vênh cân, cũng sẽ khiến cân bị hỏng, báo sai. Khi cân hỏng, hoặc báo sai trọng lượng, tài xế sẽ xúm lại phản đối, kiện cáo, gây ách tắc giao thông và thế là cả đoàn xe trọng tải lớn thoát trạm cân, tiếp tục tàn phá đường sá.
Qua đây, có thể đặt câu hỏi: Có hay không chuyện tài xế xe tải phá hoại trạm cân quy mô lớn với mục đích phá hoạt đề án cân điện tử?
Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tìm phương án quản lý trạm cân hiệu quả, làm rõ động cơ phá hoại của các đối tượng.
Theo Giáo Dục
Hướng dẫn tài xế tự xác định xe quá tải
Từ ngày 1/4/2014, các địa phương đã đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên các Quốc lộ trọng điểm theo yêu cầu của Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Tình trạng xe chở quá tải đang phá nát các tuyến quốc lộ (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, việc áp dụng cách tính trọng tải không thống nhất tại các trạm cân kiểm tra đã gây bức xúc cho lái xe. Thực tế, tải trọng được phép theo Thông tư 07/2010/TT-BGTVT thường cao hơn so với tải trọng ghi trong Giấy chứng nhận đăng kiểm nên các chủ xe thường tính tải trọng dựa theo quy định của Thông tư này và hậu quả là bị phạt. Trong cuộc họp với các đơn vị kiểm tra tải trọng xe cuối tháng 4/2014, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tất cả các trạm cân trên cả nước chỉ áp dụng cách xác định tải trọng xe theo Thông tư 07/2010/TT-BGTVT. Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ giới thiệu cách nhận biết xe quá tải theo quy định Thông tư nêu trên.
Thưa ông, thế nào là xe quá tải?
- Khoản 1 Điều 9 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT (đã sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 03/2011/TT-BGTVT và Thông tư 65/2013/TT-BGTVT) quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ quy định: "Xe quá tải trọng của đường bộ (sau đây gọi là xe quá tải trọng) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng vượt quá khả năng chịu tải của cầu; hoặc có tải trọng trục xe vượt quá khả năng chịu tải của đường".
Tổng trọng lượng xe và tải trọng trục xe được luật giải thích thế nào?
- 1. Tổng trọng lượng của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
- 2. Tải trọng trục xe là tổng trọng lượng của xe phân bố trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).
Làm thế nào để nhận biết khả năng chịu tải của cầu, đường?
Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu "hạn chế trọng lượng xe".
Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu "hạn chế trọng lượng trên trục xe".
Như vậy, cách nhận biết thông thường về khả năng chịu tải của cầu, đường là thông qua biển báo hiệu. Còn trường hợp được cơ quan có thẩm quyền công bố thì phải tìm ở đâu?
- Điều 6 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định:
1. Công bố tải trọng trên một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ với tải trọng thiết kế mặt đường đối với xe tải trọng trục đơn quy ước là 10 tấn/trục, tải trọng thiết kế cầu là tải trọng đoàn xe mô phỏng theo sơ đồ tải trọng H30-XB80 hoặc tải trọng HL93 tại Phụ lục 1a kèm theo Thông tư này.
2. Các cầu trên tuyến, đoạn tuyến quốc lộ công bố tại Phụ lục 1a chưa được cải tạo nâng cấp đồng bộ về tải trọng, khổ giới hạn phù hợp với tải trọng, khổ giới hạn công bố tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý đường bộ phải tổ chức đặt biển báo hiệu giới hạn tải trọng, khổ giới hạn thực tế của cầu".
Thế nào là hàng siêu trường, siêu trọng?
1. Hàng siêu trường là hàng không thể tháo rời, khi xếp lên phương tiện vận chuyển có một trong các kích thước bao ngoài (của tổ hợp phương tiện và hàng hóa xếp trên phương tiện) như sau:
a) Chiều dài lớn hơn 20,0 mét;
b) Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;
c) Chiều cao tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên lớn hơn 4,2 mét, đối với xe chở container.
2. Hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có trọng lượng lớn hơn 32 tấn.
Khái niệm về hàng không thể tháo rời?
- Hàng không thể tháo rời (chia nhỏ) là hàng dạng kiện còn nguyên kẹp chì, niêm phong của cơ quan Hải quan, An ninh, Quốc phòng hoặc là tổ hợp cấu kiện, thiết bị máy móc nếu tháo rời, chia nhỏ sẽ bị hư hỏng hoặc thay đổi công năng.
Xe quá tải, xe siêu trường, siêu trọng được lưu hành trong trong trường hợp nào?
- Khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ do cơ quan có thẩm quyền quy định.
- Tuân thủ các quy định được ghi trong giấy phép lưu hành xe.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn?
1. Cục trưởng các Cục Quản lý đường bộ cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoạt động trên mạng lưới đường bộ trong phạm vi cả nước, trừ các xe quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoạt động trên mạng lưới đường bộ trong phạm vi địa phương quản lý, trừ các xe quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép lưu hành cho các trường hợp xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng mà khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định có xe dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cường đường bộ.
Khi kiểm tra trọng lượng xe tại các trạm cân, cách tính nào để xác định xe vượt quá trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ?
- Xe được coi là xe vượt quá trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ khi vi phạm một trong hai điều kiện sau:
1. Điều kiện thứ nhất: Tổng trọng lượng của xe vượt quá trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Thông tư này;
(Khoản 2 Điều 16 quy định: Tổng trọng lượng của xe:
a) Đối với xe thân liền:
- Có tổng số trục bằng hai, tổng trọng lượng của xe 16 tấn;
- Có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe 24 tấn;
- Có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe 30 tấn;
- Có tổng số trục bằng năm hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe 34 tấn;
b) Đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ móc:
- Có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe 26 tấn;
- Có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe 34 tấn;
- Có tổng số trục bằng năm, tổng trọng lượng của xe 44 tấn;
- Có tổng số trục bằng sáu hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe 48 tấn).
2. Điều kiện thứ hai: Tổng trọng lượng của xe nhỏ hơn trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ, nhưng có tải trọng trục xe vượt quá 1,15 lần tải trọng trách xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Thông tư 07/2010/TT-BGTVT."
(Khoản 1 Điều 16 quy định: Tải trọng trục xe:
a) Trục đơn: Tải trọng trục xe 10 tấn/trục.
b) Cụm trục kép (hai trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:
- Trường hợp d
- Trường hợp 1,0 mét d
- Trường hợp d 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe 18 tấn.
c) Cụm trục ba (ba trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:
- Trường hợp d 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe 21 tấn;
- Trường hợp d> 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe 24 tấn).
Cách thức cân kiểm tra trọng lượng xe tại các trạm cân?
- Chỉ áp dụng hình thức kiểm tra tải trọng trục xe khi không đủ điều kiện kiểm tra tổng trọng lượng của xe (trạm cân kiểm tra tải trọng). Trường hợp xe có nhiều cụm trục, lựa chọn trục xe có tải trọng lớn nhất để kiểm tra tải trọng trục xe. Tổng trọng lượng của xe được xác định bằng tổng trọng lượng các trục xe.
Chức năng của Trạm kiểm tra tải trọng xe?
- Trạm kiểm tra tải trọng xe là nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng xe, khổ giới hạn xe đến an toàn cầu, đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép (kể cả xe chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) tham gia giao thông trên đường bộ và xe bánh xích lưu hành trên đường bộ; Trạm có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn của Trạm kiểm tra tải trọng xe?
a) Phát tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu người điều khiển đưa xe vào nơi quy định để kiểm tra khi phát hiện xe có dấu hiệu quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép của cầu, đường và xe bánh xích tự hành trên đường bộ;
b) Yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình: Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (hoặc Giấy phép lưu hành xe đối với xe quân sự); Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; Giấy phép lưu hành xe bánh xích tự hành trên đường bộ;
c) Thực hiện việc kiểm tra về: tải trọng trục xe, tổng trọng lượng và khổ giới hạn của xe (bao gồm cả hàng hóa, hành khách trên xe) đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ (trừ xe quân sự chở vũ khí, phương tiện, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); việc tuân thủ các quy định trong Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích tự hành trên đường bộ;
d) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được phát hiện tại Trạm. Trường hợp hành vi vi phạm ở mức phạt vượt quá thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt;
đ) Đình chỉ lưu hành phương tiện cho đến khi người vi phạm thực hiện xong các biện pháp khắc phục theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Người điểu khiển xe quá tải trọng sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) 1 tháng đối với hành vi: Hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường từ 10% đến 20%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng
- Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành; Điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;
- Phạt tiền từ 5 - 7 triệu và tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
- Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Xahoi
Bình Thuận sẽ lập danh sách những xe có dấu hiệu quá tải Ngày 6.5, Trạm cân Bình Thuận đã hoạt động trở lại sau 5 ngày ngưng vì thiết bị cân bị hỏng. Xe quá khổ, quá tải né tránh trạm cân Bình Thuận Theo ông Huỳnh Ninh Thạch - Chánh thanh tra Sở GTVT kiêm Trạm trưởng Trạm cân Bình Thuận (thay trạm trưởng Nguyễn Thanh Long đi học) - tình trạng xe quá...