Những chiêu dập khuôn khó mà loại bỏ trong game
Chúng ta chắc chắn còn thấy những yếu tố này xuất hiện dài dài trong video game dù là PS4, Xbox One hay PC đi chăng nữa.
Thế hệ console thứ bảy đã để lại một loạt tượng đài hấp dẫn thuộc nhiều thể loại như Mass Effect, Uncharted, Gears of War… Và tạo dựng nền tảng cho hàng loạt sản phẩm khác sau này. Mặc dù các tựa game trên PS3, Xbox 360 hay Wii quả thực đều có những ý tưởng đột phá nhưng có nhiều yếu tố trong đó thực sự cần phải nằm yên trong quá khứ, bởi ý tưởng dù thành công đến đâu nhưng nếu bị khai thác quá nhiều cũng sẽ trở nên tầm thường.
Khi thế hệ console mới ra đời nên là lúc phát triển những ý tưởng mới, dù vậy có những kiểu thiết kế game sẽ khó mà bị loại bỏ trong thời gian ngắn.
Nơi ẩn nấp thuận tiện
Dù là trạm vũ trụ, hầm mộ cổ hay nước Anh thế kỉ 19, mỗi khi xung đột nổ ra thì môi trường xung quanh đều “may mắn” có sẵn chỗ núp cho nhân vật chính. Xu thế này được châm ngòi bởi những game bắn-núp (cover-based shooter) như Gears of War hay Uncharted và vẫn chưa hề có dấu hiệu chững lại trên PS4 hay Xbox One.
Bài trí màn chơi không thể đơn giản hơn khi chỉ cần điểm xuyết những cột đá đổ vỡ, những đống gạch hoặc các chướng ngại vật cao ngang ngực khác. Các game có lối chơi bắn-núp do vậy sẽ còn xuất hiện nhiều trong tương lai. Dù sao cũng hy vọng những chỗ núp sẽ được thiết kế khéo léo hơn thay vì chỉ là những tảng đá hình hộp như Mass Effect 2.
Nhạc Dubstep
Âm nhạc dồn dập, giai điệu gấp gáp, và đột ngột xuất hiện đoạn bass drop. Ánh sáng trên màn hình nhấp nháy, âm thanh như đến từ một binh đoàn robot đập vào màng nhĩ người nghe. Giai điệu dubstep ban đầu thật sôi động và mạnh mẽ. Nhưng tới thời điểm hiện tại, khi mà nhạc dubstep được sử dụng trong cả những video Call of Duty nghiệp dư trên Youtube lẫn nhạc của Enrique Iglesias, sự cuốn hút đã biến mất.
Dù đã biến tướng thành một thể loại nhạc điện tử thị trường, dubstep vẫn ngày càng phổ biến. Nó sẽ còn sống khỏe nhờ những game như Borderlands. Dù vậy, cũng phải thừa nhận sử dụng khẩu Dubstep Gun trong Saint’s Row khá là vui nhộn.
Zombie
Một bối cảnh đang ngày càng phổ biến trong game lẫn điện ảnh: vào năm 20XX, toàn thế giới xảy ra một dịch bệnh bí hiểm, tất cả mọi người biến thành zombie, trừ nhân vật chính. Có lẽ những cây thuốc hồi máu màu xanh cũng có tác dụng chống virus.
Xác sống hiện đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng, không chỉ trong game mà cả phim ảnh, truyện tranh. Thiết kế một game với đề tài zombie cũng tương đối đơn giản khi những gì AI cần làm chỉ là tấn công điên cuồng bất kì vật thể nào di động. Nhờ giảm tải tài nguyên phần cứng cho AI, có thể tạo những game hoành tráng với zombie tràn ngập màn hình.
Chơi chữ thô thiển
Video đang HOT
Chỉ cần lấy 2 từ trong tiếng Anh cắt ghép lại với nhau, vậy là có một từ mới ấn tượng để gây chú ý. Xu thế này trở nên tệ hại tới mức trong E3 2013, chỉ trong vài giờ đã xuất hiện các khái niệm mới như “Drivatar” (Drive Avatar) hay “Levolution” (Level Evolution). Những từ hoa mỹ này không thể tra được trong từ điển, và nghĩa của chúng lần lượt là “AI tạo bởi người chơi”, “cháy nổ ấn tượng”.
Những nhà phát hành có vẻ vẫn hứng thú với cách quảng bá sản phẩm này. Không bất ngờ nếu trong E3 2015, Ubisoft sẽ đưa ra khái niệm “clambineering” (Climb Engineering) để mô tả tính năng leo trẻo mới nhất trong Assassin’s Creed. Mặt tích cực là những buổi giới thiệu trở nên khá hài hước khi các diễn giả phải cố phát âm những từ ngữ ngu ngốc này.
DLC vô tội vạ
Mỗi một game mới được phát hành đều hứa hẹn vô vàn DLC xuất hiện sau đó. Thay vì tốn tiền cho từng DLC, người chơi có thể bỏ 30 USD và mua trọn gói với Season Pass. Nhưng sau khi thời hạn của Season Pass kết thúc, bạn sẽ phải tiếp tục trả tiền cho các DLC mới.
Các hãng game khó có thể từ bỏ món hời này trong tương lai. “Season Pass” là một đề nghị hấp dẫn, tuy nhiên không ai định nghĩa rõ ràng một “mùa” là thế nào, khoảng thời gian người mua được hưởng các DLC mới, kéo dài bao lâu. Trong thời đại DLC đắt ngang game gốc, lẽ ra người ta nên gộp tất cả vào Season Pass hoặc ít nhất bán thêm Season Pass thứ hai.
Hệ thống chế đồ vô lý
Dù đang ở trong vùng đất bị zombie thống trị hay một khu rừng bí ẩn, bạn có thể dùng một mảnh gỗ và vài miếng sắt vụn để chế ra vũ khí, hoặc biến những miếng giẻ thành băng y tế vô khuẩn một cách kì diệu. Kể cả với những game platform dạng Mario, chỉ cần 2 item có vẻ ghép được với nhau, chúng ta sẽ có một công thức đúc đồ.
Thành công của Minecraft đã khiến cho gần như mọi game hiện nay đều sở hữu các hệ thống đúc đồ. Liệu có cách nào khiến game thử thách hơn là yêu cầu người chơi tìm đủ năm loại cỏ khác nhau mỗi khi muốn ép ra bình máu?
Vừa đi vừa nói
Đây là một thủ pháp thường được sử dụng mỗi khi nhà sản xuất muốn phát triển cốt truyện mà không cần đầu tư vào những đoạn phim cắt cảnh đắt đỏ. Những gì cần làm chỉ là ép nhân vật đi chậm như rùa và để họ trò chuyện với nhau.
Mánh khóe ở đây là tạo cho người chơi cảm giác vẫn được điều khiển nhân vật chính trong khi buộc họ lắng nghe những nhân vật khác. Ngay cả những game mới như The Order 1886 vẫn thường xuyên sử dụng biện pháp này, do vậy game thủ sẽ còn phải chịu đựng dài.
Cạo đầu
Người hùng luôn là những nhân vật sâu sắc, ẩn chứa những mảng tối và các xung đột trong tâm hồn. Đôi lúc họ phải đối mặt với cái ác của bản thân trước khi chiến đấu với các ác bên ngoài, và không có cách nào biểu lộ phần tối tâm hồn hơn là… cạo trọc hoặc cắt đầu cua.
Lý do khiến những gã đầu trọc sẽ vẫn nổi tiếng là mọi người đều thích nhân vật nam chính lạnh lùng. Không có cách nào khiến một gã đàn ông trở nên lạnh và ngầu tiện lợi hơn là cạo trọc đầu. Ngoài ra tạo ra một mái tóc thực tế cũng khá là vất vả, tốt nhất nên cắt béng đi cho xong.
Trèo lên cao để mở bản đồ
Nếu ở một thành phố thời Trung cổ hoặc Phục Hưng, bạn chỉ cần trèo lên đỉnh một ngọn tháp cao hay nhà thờ lớn, linh hồn bạn sẽ hòa hợp với Trái Đất và mọi báu vật ẩn giấu trong thành phố sẽ hiện trên bản đồ. Tuy nhiên nếu ở một hòn đảo nhiệt đới, việc này sẽ được thực hiện trên các tháp radio.
Ý tưởng trèo lên những cao điểm và quan sát quang cảnh hùng vĩ đã rất thành công ở dòng game Assassin’s Creed. Nhưng kể từ đó, gần như mọi game của Ubisoft đều bắt người chơi leo tháp. Ngay cả game đua xe The Crew cũng yêu cầu lái tới những chảo vệ tinh để unlock đường đua mới. Không chỉ Ubisoft, một số game của hãng khác như Dying Light cũng có những màn leo trèo mở bản đồ.
Theo Gamek
Những nhân vật phụ xứng đáng có game riêng
Không ít trường hợp trong video game, chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của một NPC nào đó còn lấn lướt cả nhân vật chính.
Bên cạnh nhân vật chính đầy tài năng, mỗi dòng game luôn luôn tồn tại những nhân vật phụ cũng không kém phần nổi bật và hứa hẹn là nguồn tài nguyên dồi dào cho những tựa game spin-off. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi điểm qua một số gương mặt xứng đáng có cho mình một trò chơi độc lập.
Zelda (The Legend of Zelda)
Điều hài hước là mặc dù tên được đặt cho tựa game, Zelda lại không phải nhân vật chính. Trong Hyrule Warriors, người chơi có thể điều khiển Zelda và đạo quân của cô nhưng sự hiện diện của cô vẫn khá mờ nhạt khi phải nhường đất diễn cho anh chàng Link quen thuộc.
Nintendo thực sự nên làm một game mà Zelda không bị bắt cóc và đóng vai trò nhân vật chính trong tương lai. Sẽ dễ dàng tìm cho cô vai trò phù hợp trong series, và thậm chí Zelda có thể không nhất thiết phải là công chúa. Chúng ta có thể cho Zelda luyện phép, biến hình thành Sheik, vượt qua Hyrule và đánh bại Ganondorf. Tên gọi thích hợp nhất cho trò chơi như vậy? Chắc chắn không gì khác ngoài: "The Legend of Link".
Alyx Vance (Half Life)
Dù nhà khoa học kiệm lời Gordon Freeman luôn là biểu tượng của dòng game Half Life, một nhân vật mới xuất hiện trong Half Life 2 lại chiếm được cảm tình của người hâm mộ nhiều hơn. Alyx Vance là một cô gái phức tạp. Lúc mạnh mẽ quyết đoán, lúc yếu đuối và chần chừ. Tuy đôi lúc phải cầu cứu nhân vật chính nhưng khả năng chiến đấu của cô gần như ngang bằng và có lúc còn hơn cả Gordon Freeman (đúng cả theo nghĩa đen vì cô bất tử trong game).
Một game về Alyx sẽ giúp Valve thoát khỏi khuôn mẫu nhân vật chính bị câm. Đó có thể làm một bản prequel khai thác những sự kiện Alyx trải qua trước khi Freeman tỉnh giấc. Nếu cốt truyện như vậy chưa xứng tầm Valve, họ có thể gây shock cho cả thể giới bằng cách cho cô làm nhân vật chính của Half Life 3 và giết chết Freeman trong 10' đầu game.
Falco Lombardi (Star Fox)
Không giống hầu hết những cái tên khác trong danh sách, Falco luôn cố gắng gây ấn tượng ngay từ lần đầu xuất hiện. Không bằng lòng với vai trò hỗ trợ, Falco là một phi công đầy tài nằng luôn tìm cách vượt qua nhân vật chính Fox Cloud. Bất cứ ai chơi qua Super Smash Bros. Melee cũng sẽ biết thêm rằng ngoài khả năng điều khiển phi thuyền, võ nghệ của Falco cũng không hề thua kém Fox. Đã đến lúc Lombardi có được vị trí mà anh xứng đáng.
Từ thời điện tử thùng đến nay, Falco vẫn luôn gắn với bầu trời. Hãy dành cho Fox xe tăng, tàu ngầm và để bản spin-off của Falco tập trung vào những màn không chiến cổ điển đồng thời chỉ huy một dàn phi công mới. Fan của dòng game Starfox truyền thống sẽ được thỏa mãn, đồng thời Falco sẽ có được vị trí chỉ huy mà anh luôn mong mỏi.
Lydia (Skyrim)
Mặc dầu đôi lúc trở thành vật cản ngớ ngẩn đối với người chơi trong những trận chiến kịch tính lẫn ngưỡng cửa ra vào, Lydia vẫn có những nét đặc biệt khiến cô không chỉ là tấm bia để hiệp sĩ Dragonborn tập dượt chiêu Fus Ro Dah. Có lẽ đó là vì cô là người bạn đồng hành xinh đẹp đầu tiên, một vệ sĩ tốt (dù hay dẫm lên chân bạn lúc chiến đấu), một hòm đồ phụ di động, có một quá khứ bí ẩn mà người chơi khao khát được khám phá. Với những lý do đó, Lydia xứng đáng có một game riêng.
Vì cuộc đời Lydia trước khi gặp Dragonborn hiếm khi được đề cập, hành trình trở thành vệ sĩ hàng đầu của cô là một đề tài màu mỡ để khai thác. Lydia đã thành danh và đến với Jarl Balgruuf thế nào, cô đã mắc kẹt trong bao nhiêu ngục tối, và nhất là, cô đã học nấu ăn ở đâu? Đó là những thứ cần có câu trả lời.
Clay Carmine (Gears of War 3)
Trong thế giới đang bị chiến tranh tàn phá, kẻ nào sở hữu một bộ giáp tốt sẽ có lợi thế lớn. Clay Carmine là minh chứng tốt nhất cho chân lý đó khi mà vượt lên những người anh em xấu số để không bị tan xác trước sức mạnh của lũ Locust. Nhờ sức mạnh thể chất và cả lực lượng fan cuồng nhiệt, Carmine có đủ khả năng lẫn sức cuốn hút để sống sót trong một tựa game riêng.
Vì Gears of War là một game hành động tương đối thiếu thốn những cảnh cảm động, người ta có thể cho Clay khóc thương đồng đội trong lúc tiêu diệt kẻ thù. Thực tế là Ben Carmine trước khi chết có đề cập rằng mình có 3 người anh em, vậy nên ý tưởng về game "Giải cứu binh nhì Carmine" với nội dung cho Clay đi tìm kiếm những người anh em ruột thịt của mình xem ra cũng không tệ chút nào.
Theo Gamek
Những tựa game lớn gây thất vọng nhất kể từ năm 2000 Cùng liệt kê một số những trò chơi gây thất vọng nhất trong làng game từ năm 2000 cho đến nay. Năm 2014 tiếp tục đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của thị trường game với hàng loạt bom tấn đều đồng loạt ra mắt và có sự cải tiến lớn về chất lượng đồ họa, âm thanh, gameplay ngày càng...