Những chiêu bài không “mê” nổi của các hãng game
Chất lượng của các video game hiện nay đang ngày một đi xuống, trong khi đó số lượng những thứ rườm rà phụ thêm lại liên tục nhiều lên.
Chúng ta không phải là những người làm việc trong các công ty video game trị giá hàng tỉ USD. Chúng ta không thể thấu hiểu hết những công việc khó khăn, sức ép khủng khiếp của những deadline không bao giờ chấm dứt, và cũng không thể thấy được công sức phải bỏ ra để tạo ra một game bom tấn. Chúng ta, đơn giản chỉ là những người thưởng thức và tận hưởng các sản phẩm đã được hoàn thành. Thế nhưng, dù không tự tạo ra mọi thứ, chúng ta vẫn có thể nhận ra có nhiều yếu tố trong những game hiện tại đang dần trở nên lạc hướng, hay thậm chí, không cần thiết.
Những nhà phát triển và phát hành game thường chỉ có một lượng tài nguyên giới hạn, vậy nên họ cần phải chọn lựa một cách cẩn thận cách sử dụng thời gian và tiền bạc của mình. Mặc dù chúng ta có thể hiểu và thông cảm cho những lí do đăng sau các mánh khóe marketing và những tính năng rườm rà trong game, điều đó không có nghĩa chúng ta thực sự thấy chúng cần thiết. Có một số tính năng phụ, dù được trau chuốt tỉ mỉ thế nào, vẫn có vẻ quá thừa thãi đối với những game thủ như chúng ta.
Các apps phụ trợ trên smartphone và tablet
Ở thời đại hiện nay, gần như ai cũng sở hữu một chiếc smartphone hay tablet. Khi mà chúng ta liên tục sử dụng những sản phẩm công nghệ cao này cả ngày, tại sao không tạo ra một apps nho nhỏ để hỗ trợ, đồng thời cũng làm tăng thêm sự thú vị cho một video game? Những apps như vậy được tạo ra nhằm hỗ trợ 2 mục đích, đó là nó có thể làm một cổng tương tác khác cho game thủ, đồng thời mang đến cho game thủ một sự đổi mới trải nghiệm đáng kể. Nếu những apps này chỉ để theo dõi những chỉ số của game thôi thì không sao – thế nhưng nếu chúng đòi hỏi người chơi phải liên tục nhìn qua chiếc smartphone hay tablet của mình thì quả thật khó có thể chấp nhận được.
Bạn sẽ muốn chọn nhìn vào cái gì: đồ họa tuyệt vời trên một màn hình LCD sắc nét, hay những bản đồ nhỏ xíu, những nút bấm, biểu tượng tí hon trên một thiết bị cầm tay nhỏ xíu? Việc tương tác đa thiết bị sẽ khá vui ở khoảng 15 phút đầu, trước khi bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu và rườm rà. Nếu ai đó muốn nhìn vào chiếc điện thoại của mình khi chơi game, thì đó là để kiểm tra notification facebook hay tin nhắn chứ không phải để ra lệnh cho đồng đội một cách kém hiệu quả.
Những bảng chú giải lắm chữ và rối rắm
Một người viết cốt truyện giỏi chắc chắn cũng phải thực hiện tốt việc tạo ra một thế giới game chi tiết và đầy màu sắc. Chắc chắn rồi, câu chuyện về các nhân vật chính diện cũng như phản diện là rất cần thiết – thế nhưng xung quanh đó còn cần phải có rất nhiều chi tiết nhỏ, từ những truyền thuyết cổ xưa, các sự kiện lịch sử cho đến cuộc đời của các nhân vật NPC. Một thế giới được xây dựng thành công như vậy sẽ rất cuốn hút đối với người chơi, khiến họ phải cố gắng tìm hiểu, lục lọi mọi ngóc ngách có thể trong thế giới game.
Hoặc, cũng có thể người chơi sẽ mặc kệ luôn những tình tiết nhỏ nhặt như vậy. Những bản tiểu sử, những câu chuyện dài dằng dặc đôi khi sẽ phản tác dụng và khiến người chơi không muốn đi thu thập các mảnh dữ liệu, hay giải mã những mật mã chỉ để hiểu thêm về bối cảnh trong game. Những đoạn văn bản dài dòng như vậy thường không phải là rất quan trọng đối với cốt truyện chính của game, nhưng các nhà viết cốt truyện vẫn muốn chúng tồn tại ở đâu đó trong thế giới game. Xui xẻo thay cho họ, những cố gắng của họ rốt cục cũng sẽ bị ai đó rút gọn một cách không thương tiếc trong những entry trên wiki của game.
Những phiên bản game nhai đi nhai lại
Về lí thuyết, việc phát hành lại một game dưới dạng một phiên bản đặc biệt như Game of the Year, Legendary, Gold Edition… Là một lợi thế rất lớn dành cho các game thủ, và cũng là một chiêu bài marketing hoàn hảo. Tựa game đã có tuổi nào đó sẽ trở nên hot trở lại, được bán với một cái giá tốt đến bất ngờ dành cho những ai bỏ lỡ phiên bản đầu tiên. Và với sự hấp dẫn này, game cũng sẽ thu hút được rất nhiều những người chơi mới.
Trong thực tế, những phiên bản này thật sự rất tuyệt vời, trừ khi bạn đã mua game ngay từ lần phát hành lần đầu. Bạn đã bỏ ra 60$ cộng với những bản DLC với khoảng 10$ mỗi bản? Và bây giờ tất cả những thứ này được tung ra với cái giá chỉ… 20 Obama. Tất nhiên bạn vẫn là một trong những người được thưởng thức game sớm nhất, thế nhưng, dù sao điều này cũng vẫn sẽ khiến bạn có chút cảm giác chua xót và hối hận.
Video đang HOT
Phiên bản mobile của những tựa game kinh điển
Hoài niệm quá khứ là một trong những cảm xúc mạnh mẽ bên trong mỗi con người, và game thủ cũng vậy. Những nhà phát hành biết điều này – và trong mắt họ, việc port lại những game kinh điển là một thị trường cực kì có tiềm năng. Game thủ sẽ được cảm nhận lại những trải nghiệm tuyệt vời khi được chơi lại những tựa game đã quá quen thuộc, giờ đây được mang trở lại trên chiếc dế yêu của bạn.
Đôi khi, những bản game mobile này sẽ thành công, nhưng đó là điều rất hi hữu. Hầu hết những tựa game cũ được đưa lên mobile đều tỏ ra khá tệ hại. Thay vì dành tài nguyên để tạo ra một tựa game hoàn toàn mới cho một series cũ, những nhà phát triển lại phải cố gắng port những hình ảnh đồ họa đầy ô vuông thời xưa lên những chiếc smartphone HD đời mới. Tay cầm chơi game với những nút bấm tiện lợi được thay thế bằng những nút bấm hay cần joystick ảo gây ra rất nhiều khó chịu cho game thủ với độ nhạy tệ hại của mình. Ai quan tâm nếu như bạn mua một game chỉ vì thương hiệu, sau đó mới nhận ra phiên bản mobile tệ đến thế nào? Nhà phát hành dù sao cũng đã đút túi tiền của bạn rồi.
Tính năng chỉnh sửa Replay
Bạn không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra trong một trận đấu. Đôi khi, bạn bất ngờ vượt qua được một khúc cua cực gấp, hay thực hiện được một pha drift siêu hạng và vượt lên về đích đầu tiên. Những lúc như vậy, chỉ đơn giản kể lại cho bạn bè là không đủ – bạn muốn cho họ thấy tận mắt bạn đã làm được gì. May mắn thay, các game thường sẽ lưu lại replay sau mỗi trận đấu, cho phép bạn cất giữ những pha hightlight tuyệt vời nhất của mình, chỉnh sửa để chúng có thể được chia sẻ cho người khác.
Những nhà phát triển mang lại công cụ để chia sẻ những thành tựu của mình trong game và hy vọng chúng ta sẽ cảm thấy thích thú trước tính năng đó? Thế nhưng, thực ra giới gamer đã tự làm điều này từ rất lâu rồi, trên một trang web mà chắc là ai cũng biết: YouTube. Và có một thực tế: khoảng 90% các clip của người chơi nghiệp dư thường cực kì tầm thường và chẳng có gì đặc biệt. Có thể bạn nghĩ một cú vẩy no-scope headshot hay khám phá ra được những đường tắt là cực kì đỉnh, nhưng vấn đề nằm ở chỗ bạn là người thứ… vài chục ngàn làm được điều này và muốn khoe với cả thế giới.
Những replay editor khó có thể mang lại cho bạn một ánh sáng vinh quang nào cho những thành tựu của mình. Thậm chí, chúng còn khiến bạn nhận ra những kĩ năng tưởng chừng như bá đạo của mình thực ra lại tầm thường đến mức nào. Tất nhiên, trừ khi bạn là một pro thực sự.
Những DLC có ảnh hưởng lớn đến nội dung của game
Thật khó nói lên cảm xúc khi vừa hoàn thành một game sau hàng chục giờ vùi đầu chơi. Hạnh phúc vì tất cả những cố gắng của bạn đều đã đạt được thành quả; hay đau lòng vì phải nói lời tạm biệt với những nhân vật đã gắn bó với bạn trong suốt một thời gian dài. Nhưng nếu như câu chuyện không thực sự kết thúc ở đây thì sao? DLC vốn là để kéo dài thời lượng chơi của game, và có một số nhà phát triển dùng chúng để mở rộng cốt truyện sẵn có và hé lộ thông tin về những phần tiếp theo sau này của game. Vậy bạn thích điều nào hơn, một bản mở rộng cho cốt truyện; hay chỉ thêm một số thử thách mới trong combat?
Có một lỗ hổng trầm trọng trong logic kiểu này. Các DLC vốn có bản chất là một phần phụ thêm, và các game thủ không phải ai cũng dư dả bỏ tiền mua chúng chỉ để biết được cốt truyện thật sự kết thúc như thế nào. Nêu không có những phần DLC phụ lục của các game như Asura’s Wrath, Castlevania: Lords of Shadow, Prince of Persia, hay cả series Mass Effect, bạn sẽ không thể biết được toàn bộ cốt truyện, cho dù bạn có cố gắng lục lọi kĩ càng trong phần chơi chính đến thế nào di nữa.
Thử tưởng tượng video game như một quyển sách xem, bạn phải bỏ thêm tiền cho tác giả chỉ để biết được kết thúc của cuốn tiểu thuyết ưa thích của bạn, hàng tháng trời sau khi bạn đã đọc xong nó. Thật không thể vô lí hơn!
Theo VNE
Chơi game PC gì trong tháng 3?
Một số tựa game đáng chú ý nhất phát hành trên PC trong tháng 3.
Titanfall (PC, Xbox One, Xbox 360)
Ngày phát hành: 11/3
Tựa game bắn súng do EA phát hành, sản phẩm đầu tay của Respawn Entertainment với 2 thành viên từng làm nên thành công cho Call of Duty: Modern Warfare, Vince Zampella và Jason West - đúng vậy, chúng ta đang nói đến Titanfall. Kể từ khi công bố lần đầu tiên tại E3 2013 trò chơi đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, và cuối cùng thì thời điểm ra mắt chính thức của nó cũng đã cận kề chúng ta: 11/3 trên PC, Xbox One, Xbox 360.
Titanfall sở hữu nhiều nét mới lạ so với các tựa game bắn súng có trên thị trường hiện nay.
Đến với Titanfall, người chơi sẽ có cơ hội được tham gia vào những trận chiến nảy lửa giữa 2 phe Militia và IMC theo hình thức 6 vs 6. Mặc dù số lượng nghe qua có vẻ hạn chế hơn các tựa game bắn súng hiện nay như Call of Duty hay Battlefield, sự xuất hiện của các robot khổng lồ Titan cùng khả năng di chuyển cực kì linh hoạt ở mỗi nhân vật sẽ đảm bảo giữ nhiệt cho gameplay Titanfall, điều này đã được chứng minh qua giai đoạn beta kết thúc cách đây không lâu.
Diablo III: Reaper of Souls (PC)
Ngày phát hành: 25/3
Một năm rưỡi sau khi phát hành chính thức trên PC, Diablo III đang chuẩn bị đón nhận bản mở rộng đầu tiên mang tên Reaper of Souls. Ngoài việc mang lại chương thứ V kể về hành trình đoạt lại viên linh thạch đen của người hùng Nephalem, Reaper of Souls còn mang lại rất nhiều thay đổi trong gameplay dựa trên phản hồi từ chính những người hâm mộ.
Diablo III đang trở lại đầy sức sống hơn bao giờ hết.
Một trong số đó có thể kể đến là việc bổ sung lớp nhân vật mới mang tên Crusader, loại bỏ nhà đấu giá Auction House, thêm nhiều chế độ chơi tăng tính hấp dẫn, thay đổi hệ thống drop đồ... Thêm vào đó ngay cả những người chơi không chi tiền cho Reaper of Souls cũng có thể được hưởng lợi ích từ những thay đổi tích cực này. Sau giai đoạn thử nghiệm cũng như khi patch 2.0.1 chính thức lên sóng cách đây ít ngày, nhiều gamer đã đánh giá rằng đây đáng lẽ mới là trải nghiệm mà Diablo III cần mang lại vào mùa Hè năm 2012.
Dù vậy muộn còn hơn không, hãy cùng trông đợi vào sự lột xác của Diablo III khi Reaper of Souls được phát hành vào ngày 25/3 trên PC.
Dark Souls II (PC, Xbox 360, PS3)
Ngày phát hành: 11/3
Mặc dù có độ khó cao khiến đa phần người chơi khó tiếp cận, Dark Souls vẫn luôn được đánh giá là một trong những tựa game nhập vai hành động thành công nhất ở thế hệ PS3/Xbox 360. Sự ra đời của phiên bản tiếp theo sau những gì mà người tiền nhiệm đạt được là điều khó tránh khỏi, và vào ngày 11/3 tới đây, Dark Souls II sẽ sẵn sàng khăn gói cho hành trình chinh phục fan RPG của mình.
Nhiều fan hâm mộ đang háo hức được "chết" trong Dark Souls II.
Trong hậu bản lần này, From Software ngoài việc giữ nguyên mức độ thử thách đã làm nên tên tuổi cho Dark Souls còn hứa hẹn đưa thêm vào một số yếu tố mới như mở rộng thế giới để tăng thêm độ "mở", tinh chỉnh lại hệ thống class đặc trưng hơn, hỗ trợ những người mới nếu cảm thấy quá vất vả. Bên cạnh đó phiên bản Dark Souls II dành cho PC cũng được cam đoan sẽ có chất lượng tương xứng chứ không tệ hại như người tiền nhiệm trước đây.
Yaiba: Ninja Gaiden Z (PC, Xbox 360, PS3)
Ngày phát hành: 18/3
Ninja Gaiden từ xưa đến nay luôn là cái tên rất xa lạ với PC, nhưng bước sang 2014 Team Ninja đã phá lệ với sản phẩm mới nhất của mình: Yaiba: Ninja Gaiden Z. Tuy không thuộc series chính thống với nhân vật chính là chàng Ninja Ryu Hayabusa, Yaiba: Ninja Gaiden Z vẫn hội đủ những yếu tố làm nên thành công cho dòng game: điên cuồng, máu me và thử thách.
Yaiba: Ninja Gaiden Z sẽ đáng để quan tâm đối với những người yêu thích thể loại hành động chặt chém.
Trong Yaiba: Ninja Gaiden Z người chơi sẽ vào vai Yaiba Kamikaze - một ninja hồi sinh từ cõi chết nhờ công nghệ robot với mục tiêu không gì khác là quay lại trả thù kẻ đã giết mình: Ryu Hayabusha, nhân vật chính quen thuộc của series Ninja Gaiden. Đồng thời cùng lúc đó một đại dịch zombie bí ẩn bùng phát, và tổ chức từng ra tay cứu giúp Yaiba đề nghị sự trợ giúp của hắn trong việc ngăn chặn căn bệnh này. Vậy là hành trình chính tà lẫn lộn của Yaiba Kamikaze từ đó bắt đầu.
Trên đây là những tựa game đáng chú ý nhất đang chuẩn bị ra mắt trong tháng 3 này mà bạn đọc có thể để tâm. Ngoài ra thời điểm cuối tháng 2 vừa qua cũng còn khá nhiều cái tên mới mẻ như Castlevania: Lords of Shadow 2, Thief, Stryder... vừa ra mắt, hứa hẹn mang lại rất nhiều lựa chọn cho các gamer trong thời gian sắp tới.
Theo VNE
Những bài học vui rút ra từ game Nếu muốn nhận được những bài học đơn giản, có giá trị thực tế cao hơn từ video game, chúng ta phải tìm đến những game cũ hơn, quay lại cái thời mà đồ họa và công nghệ không chiếm một phần quá quan trọng như ngày nay. Đối với những game thủ lớn lên và trưởng thành cùng những chiếc máy chơi...