Những chiến sĩ ngã xuống Tân Sơn Nhất năm 1968 – Họ là ai?
Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.
Cựu chiến binh tiểu đoàn 16 kể lại những đồng đội đã ngã xuống trong sân bay Tân Sơn Nhất
Manh mối về ngôi mộ tập thể liệt sĩ từ một bình luận trên mạng
Từ chiều 6/7, các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM và Quân khu 7 đã được triển khai để tiến hành khảo sát khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất – nơi nghi có ngôi mộ tập thể thứ hai – để tìm kiếm, quy tập hài cốt chiến sĩ giải phóng quân tử trận trong trận đánh vào sân bay tết Mậu Thân 1968.
Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng trong phạm vi 7,5ha, trong đó phần trọng tâm khoảng 4ha.
Cho đến nay, đội quy tập đã tìm thấy một số di vật như mẩu xương, võng, dây nịt, dép cao su… Những di vật này góp phần củng cố nghi vấn nơi đây là hố chôn tập thể thứ hai các chiến sĩ tử trận.
Cuộc tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương
Những di vật được tìm thấy
Công cuộc tìm kiếm xuất phát từ một số thông tin, hình ảnh của cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam giai đoạn 1968 cung cấp.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Thắng và cộng sự là những người lần ra những manh mối đầu tiên từ một bình luận của một cựu binh Mỹ trên internet. Với tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, kỹ sư Thắng đã cố gắng tìm hiểu, liên lạc và trở thành kênh kết nối quan trọng để chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng.
Một số hình ảnh về vị trí nghi có mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất
Trước đó, vào ngày 13/4, ngôi mộ tập thể lớn tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy cũng là từ những thông tin do ông Thắng và cộng sự cung cấp.
Mới đây, ngày 12/7, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai cũng đã làm lễ truy điệu, đưa hài cốt các liệt sĩ tìm thấy ở sân bay Biên Hòa vào nghĩa trang liệt sĩ.
Sau sự kiện phát hiện mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa, nhóm ông Thắng vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch tết Mậu Thân 1968.
Theo tài liệu thu thập được thì khả năng có khoảng 600 chiến sĩ giải phóng quân đang nằm dưới ngôi mộ tập thể mà các cơ quan chức năng đang tìm kiếm trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Có thể là di hài của chiến sĩ tiểu đoàn 16
Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.
Video đang HOT
Tuy nhiên, về các di hài còn nằm lại trong ngôi mộ tập thể đang tìm kiếm, ông Thành nhận định chủ yếu là di hài của các đồng đội của ông ở tiểu đoàn 16.
Khi được phóng viên cho xem các bức hình chụp các di vật đã được tìm thấy trong sân bay là các loại quần áo, dép cao su (hay còn gọi là dép râu), mặt dây nịt… người cựu binh già Vũ Chí Thành xúc động thốt lên: “Nó đấy, nó đấy!”.
Những di vật của tiểu đoàn 16 trong sân bay Tân Sơn Nhất
Ông khẳng định trong các lực lượng đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết Mậu Thân 1968 chỉ có duy nhất tiểu đoàn 16 là có mang dép cao su, vì đơn vị ông là quân chính quy hành quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu nên được trang bị khác với các cánh quân khác.
Ông Vũ Chí Thành xúc động khi xem hình ảnh các di vật được tìm thấy
Theo ông Thành, lúc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất thì đơn vị ông vẫn còn mặc quân phục của bộ đội chủ lực lúc hành quân từ Bắc vào Nam vì chưa có quân phục mới. Riêng đôi dép cao su, dây nịt thì chỉ có tiểu đoàn 16 mới có. Bộ địa phương hầu hết mang dép Lào.
Ngoài ra, ông Vũ Chí Thành cũng khẳng định khu vực mà lực lượng chức năng đang tìm kiếm ngôi mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất là khu vực tiểu đoàn 16 đã tấn công vào.
Theo ước đoán của ông thì khu vực đang tìm kiếm hài cốt là lô cốt đầu cầu của sân bay lúc đó. Đây là vị trí mà tiểu đoàn 16 vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân địch trong lô cốt bắn ra và hy sinh rất nhiều. Sau đó, 1 chiến sĩ đã anh dũng ôm bộc phá cho nổ tung lô cốt thì tiểu đoàn 16 mới vượt qua được cứ điểm này để đánh sâu vào sân bay.
“Vị trí đang tìm kiếm là khu vực tiểu đoàn 16 đánh vào sân bay. Dép cao su thì đúng là của tiểu đoàn 16, còn các đơn vị khác thì không có. Đi hành quân dọc đường thì mỗi người mang đôi giày cao cổ, về nơi tập kết thì cất giày hết và chỉ mang dép cao su đi đánh trận”, ông Thành nhớ lại.
Ông Thành phân tích điểm khác nhau giữa quân trang của tiểu đoàn 16 trong tấm hình mà những người còn sống chụp kỷ niệm ngay sau trận đánh vào sân bay
Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà – Đại đội cối A82, tiểu đoàn 16 – cũng khẳng định thông tin về dép cao su và dây nịt. “Nơi đang khai quật đúng là mũi đơn vị tôi tấn công. Còn dép râu, dây nịt thì trăm phần trăm là của đơn vị tôi”, ông Hà nhấn mạnh.
Còn bao nhiêu chiến sĩ “lạc” dưới lòng đất lạnh?
Theo ông Vũ Chí Thành, ước tính có khoảng 1.700 người tham gia trận đánh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị này đều ở mức cao. Riêng tiểu đoàn 16 đã có 550 chiến sĩ tham gia trận đánh nhưng chỉ có khoảng 100 người trở về. Theo danh sách thống kê của tiểu đoàn 16 thì vẫn còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.
“Tôi nghe tin có mộ tập thể khoảng 600 người, con số này thì tương đối chính xác với số anh em thương vong. Hai tiểu đoàn 12 và 16 đánh vào sân bay thì đã có hơn một ngàn quân, rồi tiểu đoàn 267 cũng có sáu, bảy trăm quân. Ngoài ra, còn có quân của biệt động thành khu vực Gò Môn (Gò Vấp – Hóc Môn) đánh vào sân bay ở cánh Bắc. Như vậy, số hy sinh trong sân bay có thể là cả ngàn người chứ không phải chỉ là 181 liệt sĩ trong ngôi mộ tập thể thứ nhất đã khai quật vào năm 1995″, ông Thành nói.
Trong khi đó, cựu chiến binh Bùi Hồng Hà cho biết trong trận đánh lịch sử ấy đơn vị ông mang theo 20 quả đạn cối. Đến giờ nổ súng thì cho đơn vị pháo thuộc tiểu đoàn 267 mượn 10 quả để hỗ trợ bộ binh tấn công nên ông rõ hơn về số lượng quân của tiểu đoàn 267.
Theo ông Hà, tiểu đoàn 267 có khoảng 1.500 quân, vì thanh niên yêu nước thuộc Bến Tre, Mỹ Tho, Long An tập trung hầu hết vào đơn vị này nên quân số rất đông. Tiểu đoàn 267 đề nghị lên Trung ương cho thành lập trung đoàn nhưng cấp trên chưa cho phép nên thực tế số quân của tiểu đoàn 267 rất đông. Do đây là đơn vị địa phương, rất rành địa bàn nên là đơn vị chủ lực đánh vào sân bay trước.
Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà kể lại những tháng ngày chiến đấu máu lửa năm xưa
Nói về cảm xúc của mình về thông tin tìm thấy dấu vết của ngôi mộ tập thể mới, người cựu binh già không ngăn được Bùi Hồng Hà dòng nước mắt lăn dài trên mặt. Ông nghẹn ngào nói: “Mình cũng sốt ruột và buồn quá! Mình muốn làm sao đưa được đồng đội về nghĩa trang vì nhiều đồng đội còn đang nằm đâu đó dưới lòng đất lạnh. Lần đầu nghe thông tin tìm kiếm, mình mừng lắm nhưng đến nay vẫn chưa nghe được thông tin gì mới”.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành tha thiết: “Tôi mong sớm tìm thấy được các đồng đội và đề nghị Nhà nước vinh danh những anh em đánh vào sân bay, không bỏ sót một ai. Anh em nào đã hy sinh mà còn được lưu giữ danh sách tại Bộ Tư lệnh TP, Bộ chỉ huy quân sự Long An, quân khu 7 thì hãy đưa tên lên bia mộ tập thể để vinh danh và tưởng nhớ công ơn các anh!”.
Ông Thành mong những người đồng đội của ông đã nằm xuống dù đã tìm thấy di hài hay chưa cũng sẽ được khắc tên trên bia kỷ niệm trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968
Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà thì khóc nghẹn: “Đồng đội tôi hy sinh hết rồi! Tôi mong Đảng, Nhà nước phong anh hùng để ghi nhận sự đóng góp của đồng đội tôi, đồng chí tôi chứ tôi không muốn gì hơn!”.
Nguyện vọng của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 16 Anh hùng
Bài: Quốc Anh – Tùng Nguyên
Theo Dantri
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Thấm nhuần đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'
Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, thương-bệnh binh...
Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài viết với tiêu đề: "Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng". Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
"Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Chủ tịch nước tặng quà một thương binh tại Trung tâm điều dưỡng huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: VOV.
Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc", Người căn dặn: "Thương binh là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy"([1]).
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27.7.1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ tháng 7.1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Ngày Thương binh-Liệt sĩ là sự kiện chính trị-xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; quan tâm giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi những chiến công hào hùng, sự hy sinh oanh liệt, cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc, trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".
Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công.
Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp, như các chương trình, chuyên mục "Đi tìm đồng đội", "Trở về từ ký ức" của Đài Truyền hình Việt Nam; "Giải đáp chính sách", "Thông tin liệt sĩ" của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng; "Đền ơn đáp nghĩa", "Thông tin về mộ liệt sĩ" của Báo Quân đội Nhân dân và nhiều chuyên mục về người có công với cách mạng trên các phương tiện truyền thông khác.
Qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn trong xã hội để chăm lo tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.
Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực. Hoạt động chăm sóc người có công ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng.
Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh; các chương trình xây dựng "Nhà tình nghĩa", "Nhà đồng đội", "Áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng", "Áo lụa tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng"... được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương; việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng.
Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ được nỗ lực thực hiện. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ - những người anh hùng "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, cách mạng, thu hút đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng, tưởng niệm, như Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược-Củ Chi, Khu Tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Lam Hạ... Đã tìm kiếm, quy tập hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia.
Việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN được chú trọng, góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Những việc làm đầy tình nghĩa đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ và con em liệt sĩ đang ngày đêm khắc khoải đợi chờ.
Nhiều chế độ ưu đãi đối với người có công trong lĩnh vực y tế, giáo dục... cũng được triển khai thực hiện tốt. Vào các dịp lễ, tết, ngày 27.7 hằng năm, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công.
Nhờ các giải pháp tích cực, đến nay, cả nước có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với ý chí và nghị lực rất đáng khâm phục, đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Để phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong 70 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền những kết quả, thành tích nổi bật trong công tác người có công, nhất là trong việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công; kết quả chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; việc khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của thương binh, bệnh binh, người có công...
Qua đó, thống nhất nhận thức thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh...
Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu hộ người có công được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở theo quy định và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Kịp thời giải quyết những hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo... Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, tích cực đóng góp giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các cấp, các ngành cần tổ chức các hoạt động thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả với quy mô, hình thức phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" bằng những việc làm cụ thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công, góp phần tô đậm nét đẹp văn hóa Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc ta.
Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam, là nguồn lực tinh thần quý báu tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng./.
---
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 175.
Theo PV (VOV)
Nhiều phần quà đến với gia đình chính sách, có công trên mảnh "đất thiêng" Quảng Trị Ngày 20/7, tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, giải đua xe đạp "Về Trường Sơn 2017" - tranh Cúp Báo Quân đội nhân dân bước vào chặng đua thứ 6, cũng là chặng cuối cùng bế mạc giải. Giải đua xe đạp hướng đến Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Trước khi bước vào chặng đua cuối,...