Những ‘chiến sĩ’ áo trắng kiên cường giữa tâm dịch ở Vũ Hán
Tỉnh Hồ Bắc hầu như đã tự cô lập chính mình trong các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus corona chủng mới (2019-nCoV) trên khắp Trung Quốc. Các bác sĩ và y tá của tỉnh này đang túc trực 24/24 để điều trị cho bệnh nhân, mà không hề nề hà đến sự an toàn của chính mình.
Nhân viên y tế động viên lẫn nhau trước khi vào khu vực cách ly để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới tại Sơn Đông, Trung Quốc ngày 28/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyên gia Wu Xing làm việc tại một phòng thí nghiệm lâm sàng thuộc một bệnh viện lớn ở Vũ Hán cho biết: “Chúng tôi phải làm việc suốt ngày đêm, rất mệt mỏi”. Theo cô Wu, các chuyên gia y tế tại các bệnh viện ở thành phố Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung đang rất cần các thiết bị bảo hộ đáp ứng tiêu chuẩn y tế, đặc biệt là mặt nạ N95 và quần áo bảo hộ. Cô cho biết khi các thiết bị y tế mới chưa kịp chuyển đến, các bác sĩ và y tá ở một số bệnh viện thậm chí đã phải sử dụng khẩu trang y tế cá nhân, mũ tắm, kính bơi và áo mưa để tự bảo vệ mình.
Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 24/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chuyên gia Wu Xing, những thiết bị bảo hộ như vậy chỉ được sử dụng trong các tình huống dịch bệnh nghiêm trọng, như dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) 2002 – 2003, do đó số lượng các nhà sản xuất ở Trung Quốc trong lĩnh vực này có phần hạn chế. Khi dịch bệnh do virus Corona chủng mới đột ngột bùng phát, cung và cầu không cân bằng và theo đó phải mất thời gian để cung cấp đủ quần áo bảo hộ dùng một lần, phục vụ cho các chuyên gia y tế (riêng tại Vũ Hán, con số này đã là 100.000 người).
Cô Wu Xing chỉ về nhà mỗi tuần một lần kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Việc đầu tiên cô làm khi trở về nhà là đi tắm và giặt quần áo bằng tay với chất khử trùng trong một chiếc chậu chuyên biệt. Cô chia sẻ: “Các đồng nghiệp của tôi và tôi không sợ bị nhiễm virus, nhưng chúng tôi sợ rằng con cái hoặc cha mẹ mình sẽ bị nhiễm bệnh, trong khi nguy cơ gây tử vong đối với người cao tuổi là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi không dám về nhà để gặp họ”.
Trong khi đó, công việc hằng ngày của ông Chen Aimin, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Tiềm Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc, là đến các phòng khám y tế ở khu vực nông thôn để đánh giá tình hình các trường hợp mới nghi nhiễm virus Corona. Bác sĩ Chen cho biết: “Cả xã hội nên thống nhất và đoàn kết trong các nỗ lực chấm dứt mọi con đường có thể dẫn tới lan truyền virus và mọi người cần có kỷ luật trong từng hành động của mình. Họ nên rửa tay thường xuyên, mở cửa sổ để thông gió, hạn chế ra khỏi nhà và tạm dừng các hoạt động gặp gỡ giao lưu”. Rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm virus Corona chủng mới hiện trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch đến tính mạng đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Tiềm Giang.
Có dân số khoảng 966.000 người, thành phố Tiềm Giang ở cách ga tàu Hankou chỉ 60 phút di chuyển, và khá gần với chợ bán buôn hải sản Huanan của thành phố Vũ Hán – vốn được cho là nơi khởi phát dịch bệnh. Giống như người dân ở các thành phố trên khắp Hồ Bắc, cư dân Tiềm Giang thường đến thăm Vũ Hán vì lý do cá nhân hoặc để phục vụ công việc kinh doanh. Vào dịp cuối năm, nhiều người làm việc hoặc học tập ở Vũ Hán trở về đoàn tụ gia đình tại Tiềm Giang. Ngoài ra, nhiều người từ các tỉnh khác trở về Hồ Bắc cũng thường phải đi qua Vũ Hán – điểm trung chuyển giao thông quan trọng của tỉnh, trước khi họ có thể đến các thành phố khác của Hồ Bắc.
Các chuyên gia tin rằng, việc dễ dàng di chuyển và thiếu nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh là lý do chính khiến virus 2019-nCoV lây lan nhanh đến mức toàn bộ tỉnh Hồ Bắc phải cách ly.
Bác sĩ Chen cho biết: “Chúng tôi đang cần mặt nạ N95 và quần áo bảo hộ. Nếu số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng tăng lên, chúng tôi sẽ cần thêm máy thở. Ngoài ra, nhu cầu về giường bệnh viện cũng đang rất cấp bách”. Theo bác sĩ Chen, chính quyền địa phương đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này, trong khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã quyên góp tiền và thiết bị bảo vệ.
Video đang HOT
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Bệnh viện Trung ương Tiềm Giang luôn triển khai 30 chuyên gia y tế thường xuyên túc trực tại khu vực bệnh nhân cách ly trong vòng 15 ngày, với thời gian làm việc tối thiểu 10 giờ/ngày. Khi thời gian làm nhiệm vụ của các bác sĩ này kết thúc, chính họ cũng sẽ bị cách ly trong vòng hai tuần, tại một khách sạn được chính quyền địa phương thuê riêng cho các bác sĩ trong diện “cần theo dõi”. Một êkip 30 chuyên gia y tế khác sẽ được triển khai thay thế họ làm việc trong phòng bệnh nhân cách ly. Bác sĩ Chen cho biết: “Các biện pháp cần thiết đã được áp dụng để giảm thiểu khả năng các chuyên gia y tế bị nhiễm bệnh”.
Chính quyền địa phương cũng đang rất tích cực trong việc phổ biến thông tin và khuyến cáo người dân tránh ra khỏi nhà khi không thật cần thiết, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn. Các nhân viên y tế cộng đồng sẽ lập danh sách của tất cả những người trở về từ các thành phố khác và tiến hành kiểm tra thân nhiệt nhằm phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới tại một bệnh viện ở Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 28/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cô Song Meizi – chủ sở hữu một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Tiềm Giang cho biết: “Đường phố nồng nặc mùi thuốc khử trùng và gần như tất cả mọi người trên đường đều đeo mặt nạ, kể cả trẻ em”. Khẩu trang, kính bảo hộ và găng tay dùng một lần là những vật “bất ly thân” của cô trong giờ làm việc tại cửa hàng. Vợt cầu lông và dây nhảy được là những sản phẩm được bán hết nhanh chóng, vì người dân địa phương muốn tập thể dục khi bị “mắc kẹt” trong nhà. Cô cho biết: “Trong dịp Tết Nguyên đán, cách duy nhất để chúng tôi “giết thời gian” là chơi mạt chược với người thân và hàng xóm, nhưng bây giờ mọi người chỉ ở nhà cùng với các thành viên gia đình”.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 4/2, nước này đã ghi nhận hơn 20.400 ca nhiễm virus 2019-nCoV, trong đó có 3.235 ca nhiễm mới. Riêng ngày 3/2 có thêm 64 ca tử vong mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát cuối năm ngoái, nâng tổng số trường hợp tử vong tại Trung Quốc đại lục lên 425 người. Dịch bệnh đã lan ra hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Philippines.
Thanh Phương
Theo TTXVN
Chuyến bay như 'xuồng cứu sinh' rời Vũ Hán
Khi máy bay gần hạ cánh xuống Vũ Hán, cơ trưởng Francisco Javier Martínez ngỡ ngàng nhận ra cả thành phố như một hoang mạc.
Francisco Javier Martínez, phi công 61 tuổi, nhận nhiệm vụ điều khiển chuyến bay PLM471P sơ tán công dân Anh và Tây Ban Nha rời khỏi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khi dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) đang hoành hành.
Martínez hoàn toàn hiểu bản chất đặc biệt của chuyến bay, nhưng chỉ khi chiếc Boeing 747 của ông gần hạ cánh, cơ trưởng mới nhận ra chính xác những gì ông, phi hành đoàn và một nhóm nhỏ nhân viên quân y Anh đang tiếp cận là gì.
"Vũ Hán trông như một hoang mạc. Không có xe cộ nào trên đường cao tốc và sân bay hoàn toàn vắng vẻ", ông kể về chuyến bay sơ tán công dân hôm 31/1. Chính quyền Vũ Hán áp lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và hạn chế các phương tiện lưu thông từ hôm 23/1 nhằm ngăn chặn virus lây lan.
"Cứ như một quả bom đã phát nổ, để lại thành phố hoàn toàn trống rỗng. Không người, không xe, không có chuyển động, không gì cả. Mọi thứ vượt sức tưởng tượng của chúng tôi", cơ trưởng kể thêm.
Máy bay thuê của Wamos Air, chở công dân Anh sơ tán khỏi Vũ Hán, đáp xuống sân bay căn cứ Brize Norton, hạt Oxfordshire, Anh hôm 31/1. Ảnh: Reuters
Ông Martínez, người đã làm phi công 40 năm nay, nhận được cuộc gọi từ các lãnh đạo của hãng hàng không Wamos Air vào sáng 27/1 với câu hỏi "ông có sẵn sàng điều khiển chuyến bay hồi hương 120 người, hầu hết là người Anh và Tây Ban Nha, từ thành phố khởi phát dịch viêm phổi virus corona không?"
Martínez có quyền từ chối, nhưng ông đã đồng ý, và ba phi công khác cùng 13 thành viên phi hành đoàn, hai thợ máy và một nhân viên bốc dỡ hàng hóa cũng thế.
Vào 18h ngày 28/1, chiếc Boeing 747 cất cánh từ sân bay Barajas, thủ đô Madrid, tới Hà Nội, điểm dừng chân trên hành trình tới Vũ Hán. Trên khoang còn có 4 chuyên gia y tế của quân đội Anh.
"Các bác sĩ quân y Anh đã dạy chúng tôi cách đeo khẩu trang và găng tay, thông tin ngắn gọn về virus corona và cách nó lây nhiễm", ông Martínez kể. "Họ nói với chúng tôi rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng nhưng không nguy hiểm: điều cơ bản là đối xử với nó bằng sự tôn trọng. Tôi đã nói với phi hành đoàn rằng phải nghiêm túc nhưng cũng có thể vui vẻ".
Sau 20 tiếng nghỉ tại Hà Nội, phi hành đoàn điều khiển máy bay lên đường tới Vũ Hán.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã biết rằng mình đang làm một việc quan trọng, nhưng khi bay từ Hà Nội đến Vũ Hán, chúng tôi nhận ra rằng mình đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ rất trọng đại", ông nói. "Chúng tôi là xuồng cứu sinh cho một nhóm người cần rời khỏi Vũ Hán".
Khi hạ cánh xuống Vũ Hán lúc 14h59 phút ngày 31/1, họ được chào đón bởi một "thành phố ma" và hai quan chức Trung Quốc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Các thành viên phi hành đoàn đeo khẩu trang và găng tay riêng ở trên máy bay, trong khi các trang thiết bị của chính phủ Anh được dỡ xuống.
Hành khách sau đó bắt đầu bước lên máy bay. Việc ai ngồi đâu được ghi lại cẩn thận để chủ động cách ly khi có bất kỳ người nào có triệu chứng nhiễm nCoV. "Cứ như thể họ đang trở về nhà và bỏ lại tất cả sau lưng", Martínez nói.
Chuyến bay từ Vũ Hán về căn cứ Brize Norton, hạt Oxfordshire, Anh, mất 11 tiếng 40 phút và theo cơ trưởng thì "rất dễ chịu" vì thời tiết ở các vùng mà họ đi qua đều thuận lợi.
"Phi hành đoàn luôn kiểm tra xem mọi người có khỏe và bình tĩnh không, có trường hợp nào cần lưu ý không", ông nói. "May mắn là mọi người đều thư giãn, như thể điều tồi tệ đã ở phía sau họ".
Các công dân và y bác sĩ Anh xuống máy bay ở Brize Norton, còn các bác sĩ Tây Ban Nha lên phi cơ để tiếp tục về căn cứ Torrejón, ngoại ô Madrid. "Tất cả hành khách thực sự vui vẻ và háo hức được trở về quê hương, dù biết rằng họ sẽ bị cách ly một thời gian", cơ trưởng cho hay.
Những công dân Anh được sơ tán khỏi Vũ Hán xuống sân bay căn cứ Brize Norton, hạt Oxfordshire, Anh hôm 31/1. Ảnh: Reuters
Martínez và phi hành đoàn của ông được nghỉ phép sau đó và không bị yêu cầu cách ly. Ông rất vui vì nỗ lực của nhóm được ghi nhận.
"Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất sẽ là về một phi hành đoàn làm việc với nhau rất đoàn kết", ông nói. "Chúng tôi giống như một gia đình hơn là một phi hành đoàn".
Một người bạn đùa rằng Martínez là anh hùng. "Tôi đáp rằng 'không, tôi chỉ đang làm công việc của mình'", ông nói. "Nhưng tôi đoán nhiệm vụ này còn hơn cả công việc. Đôi khi như là một linh mục hay lính cứu hỏa. Dù sao cũng phải quay lại với thực tế bây giờ. Tôi sẽ đi mua sắm và sau đó giúp vợ làm bữa trưa".
Các nước có bệnh nhân nhiễm nCoV. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
Anh Ngọc (Theo Guardian)
Theo vnexpress.net
Trung Quốc đã phản ứng chậm trước dịch virus corona nguy hiểm Trung Quốc đã có kinh nghiệm quý giá từ dịch SARS 2002-2003. Nhưng khi đối diện dịch corona mới, họ vẫn lúng túng và đã phản ứng chậm lúc ban đầu. Dịch viêm phổi lạ do chủng mới của virus corona gây ra đang hoành hành ở đất nước Trung Quốc rộng lớn và đông dân. Theo con số thống kê đến sáng...