Những chiến sĩ ẩn mặt ngày đêm chống dịch ở sân bay
Đối diện dịch bệnh, làm việc xa gia đình nhiều tuần lễ, phải nghe những lời không hay… là những gì các chiến sĩ, y bác sĩ lẫn tình nguyện viên trải qua khi chặn dịch ở sân bay Nội Bài (Hà Nội).
“Vợ đẻ được 20 ngày rồi tôi vẫn chưa về”
Đêm muộn tại đảo hành lý sân bay Nội Bài, thiếu úy Đặng Phi Long (tiểu đoàn 24 quân y, sư đoàn bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cầm trên tay tập hộ chiếu của hành khách, gọi tên từng người để đưa ra khu vực bãi xe.
Anh nhận lệnh điều động lên sân bay đúng thời điểm người vợ ở nhà sắp sinh cháu thứ 2. Đứa con trai đầu mới 15 tháng tuổi. Anh Long chỉ biết động viên vợ, gửi gắm cho gia đình bên nội chăm sóc rồi lên đường.
Ngày 2/3, vợ anh Long lâm bồn, cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh. Đến nay đã 3 tuần nhưng người chiến sĩ điều dưỡng vẫn chưa được gặp vợ và con.
“Xác định rồi, bộ đội mà, tình hình này thì đầy tháng con cũng chưa về được, đành để cho vợ ở nhà lo hết”, anh Long cười xòa.
Đại tá Nguyễn Hoàng Quân, Trưởng phòng vận tải của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết với nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển công dân về nơi cách ly, khó khăn lớn nhất của các anh là lượng người về rất đông, phải làm việc cả ngày lẫn đêm.
“Các đồng chí đã ở đây gần 1 tháng chưa về nhà. Ăn ở dã ngoại ngay tại sân bay rất vất vả. Cũng có những lo lắng về nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, nhưng chúng tôi vẫn phải xác định làm tốt nhiệm vụ thôi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở sân bay, chắc chắn mọi người còn phải cách ly thêm 14 ngày”, đại tá Quân nói.
Cảng hàng không Nội Bài bố trí cho các chiến sĩ một phòng riêng mà hầu như ít ai dùng đến. Những ngày khách dồn về đông, mọi người phải tranh thủ vài phút ngắn ngủi để chợp mắt ngay trên ghế hành khách, hoặc trải chiếu ra các bậc thềm.
Những ca trực kéo dài 24 giờ
“Hạnh! Lên xe đi em, ưu tiên Hạnh đi chuyến đầu”, người chỉ huy của tổ y tế huyện Sóc Sơn gọi tên nhân viên giữa đám đông hành khách đang bước ra từ nhà ga T2 sân bay Nội Bài.
Hạnh liếc nhìn đồng hồ điện thoại, 22h kém 15 phút. Chị leo lên chiếc xe khách 45 chỗ, ôm theo tập hộ chiếu của toàn bộ hành khách trên xe. Mọi người được thông báo sẽ đến khu cách ly tập trung tại Ninh Bình. Tính cả thời gian bàn giao khách, Hạnh ước chừng mình sẽ trở lại sân bay vào 3h sáng hôm sau.
“Được ngủ vào giờ ấy là sớm nhất trong số các đồng nghiệp. Đó là ưu tiên mà họ dành cho nữ giới như tôi”, chị Hạnh vui vẻ nói.
Đối diện với dịch bệnh, làm việc vượt sức chịu đựng mà không được về nhà, bị điều tiếng khi sân bay quá tải… đó là hoàn cảnh của các chiến sĩ tình nguyện đến Nội Bài chặn dịch.
Ròng rã gần một tháng qua, tổ y tế đặc biệt gồm 30 nhân viên của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn được huy động lên sân bay Nội Bài để phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đưa người nhập cảnh về khu cách ly. Quân số được chia thành 3 ca trực, mỗi ca kéo dài 24 giờ. Ngày nào mọi người ở đây cũng động viên nhau là mai, ngày kia mọi chuyện sẽ kết thúc thôi.
Video đang HOT
Chuyến xe đầy người và hành lý nổ máy rời khỏi nhà ga T2 sân bay Nội Bài, mất hút trên đường Võ Nguyên Giáp. Anh Thỉnh, chiến sĩ lái xe của Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội, lại bắt đầu hành trình dài 2-3 tiếng từ Nội Bài về nơi cách ly ở Ninh Bình.
Điểm đến là một doanh trại quân đội. Anh Thỉnh dừng xe, tranh thủ ngủ trên vô lăng trong thời gian hành khách rục rịch bước xuống.
Ngoài tài xế, trên mỗi chuyến xe còn có một nhân viên y tế huyện Sóc Sơn đi cùng với nhiệm vụ theo dõi sức khỏe cho hành khách trên suốt hành trình. Đặc thù công việc khiến họ phải tiếp xúc với hành khách trong thời gian lâu nhất.
“Chúng tôi nhận hộ chiếu của hành khách, phải khớp số hộ chiếu với số người, sau đó kiểm tra từng hộ chiếu xem có đúng của người đó hay không. Trong quá trình di chuyển, chúng tôi phải giải quyết các vấn đề phát sinh về sức khỏe của hành khách trên xe”, chị Hạnh chia sẻ.
Kỷ niệm khiến Hạnh nhớ nhất là ngày 28/2, hôm đầu tiên chị nhận việc tại sân bay. Từ trong nhà ga đi ra là một hành khách nam chạc 30 tuổi, bế theo em bé mới vài tháng. Anh giới thiệu là chú ruột của bé, bố mẹ bé cố nán lại Hàn Quốc làm việc, nhờ anh bế con về cho ông bà nội chăm sóc. Họ dường như không biết 100% công dân về từ Hàn Quốc đều phải cách ly tập trung, không có ngoại lệ.
“Đứa bé thiếu hơi mẹ, cứ khóc trên tay chú. Chúng tôi phải thay nhau bế hộ, vừa dỗ bé vừa xin lãnh đạo tạo điều kiện cho trường hợp này được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, cả 2 chú cháu vẫn phải lên xe về khu cách ly theo đúng quy định. Tôi vẫn nhớ một chị đồng nghiệp đã khóc khi pha sữa cho cháu bé”, nữ điều dưỡng kể.
Khách đổ về đông, có khi 8 đến 10 chuyến xe cùng xuất phát, vét hết cả kíp trực 10 người. Kíp khác vừa được nghỉ đã phải trở lại làm việc tiếp.
“Chuyến nào chỉ cần mọi người lên xe vui vẻ là đã mừng, thanh thản được mấy tiếng đi đêm. Nhưng cũng có nhiều hành khách không hiểu, nói những lời khiến chúng tôi rất buồn”, Hạnh chia sẻ.
Sau mỗi hành trình, xe khách phải mất thời gian khử khuẩn từ 30 đến 45 phút. Có những xe đưa người cách ly về tận Thanh Hóa, cả hành trình kéo dàì 9 tiếng đồng hồ. Điều này khiến cho tốc độ giải tỏa hành khách đôi khi không thể nhanh như mong muốn.
“Em giấu bố mẹ để lên đây”
“Không! Em không biết gì đâu. Anh hỏi bạn bí thư đoàn ấy!”, T. rảo bước đi dọc hành lang nhà ga khi phóng viên hỏi tên mình. Phóng viên tình cờ bắt gặp T. – nữ sinh năm cuối một trường đại học ở Hà Nội khi cô đang đứng trực tại bàn khai báo y tế ở cửa khẩu sân bay Nội Bài. Một hành khách ngoại quốc với mái đầu trọc bước lại gần bàn khai báo. T. hỏi vị khách vài câu bằng tiếng Anh rồi phiên dịch lại câu trả lời cho nhân viên CDC ngồi gần đó.
Nếu các nhân viên y tế Sóc Sơn hỗ trợ quân đội đảm đương khâu cuối cùng (đưa hành khách rời khỏi Nội Bài) thì các sinh viên tình nguyện như T. có mặt để hỗ trợ CDC Hà Nội thực hiện khâu đầu tiên là phỏng vấn, điều tra hành khách từ các chuyến bay đến.
Công việc tình nguyện đến với T. vào cuối tháng 2, khi có một dòng thông báo được gửi đến các sinh viên ngoại ngữ: “Gấp – tuyển tình nguyện viên hỗ trợ nhập cảnh tại sân bay Nội Bài”. Cũng trong những ngày ấy, sân bay Nội Bài quá tải vì hơn 1.000 hành khách về từ Hàn Quốc mỗi ngày, trong đó có nhiều người Việt dẫn theo cả người thân quốc tịch Hàn.
“Em bảo mẹ là con ở trong ban chấp hành Đoàn trường như thế giờ con không xung phong thì còn ai xung phong, xong bố mẹ em bảo đi thì phải tự lo bảo vệ bản thân. Rồi hôm sau em lên sân bay luôn”, Lê Thị Thu Uyên – Phó bí thư đoàn, sinh viên năm 3 khoa Sư phạm tiếng Anh – nhớ lại. Cô được giao phụ trách nhóm sinh viên Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) lên Nội Bài làm việc.
Không có nhà ở Hà Nội như Uyên, T. từ Yên Bái lên trọ học. Xung phong đến Nội Bài làm việc, cô phải nói dối gia đình vì sợ bố mẹ ở quê lo lắng. Cũng chính vì thế mà nữ sinh tỏ ra lúng túng khi phóng viên tiếp cận.
“Nếu không lên Nội Bài thì chắc em cũng về quê rồi. Ở trên này vừa tốn kém vừa sợ chứ”, T. trò chuyện thoải mái hơn sau khi hành khách đã vãn. Cô tâm sự lúc đầu chỉ nghĩ là đến làm một tuần, không ngờ kéo dài đến vậy.
Chỉ sau vài ngày làm việc, T. quen dần với việc ngủ qua đêm tại sân bay. Có hôm giữa đêm bị dựng dậy vì có chuyến bay đến. Mất thời gian nhất là phải giải quyết vấn đề hộ chiếu và giải thích cho khách nước ngoài hiểu về quy định cách ly tập trung.
Trong giai đoạn thứ 2, khi mối lo dịch bệnh xâm nhập chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc sang các nước châu Âu, lực lượng y tế làm việc tại sân bay Nội Bài được tăng cường lên gấp 3 lần bình thường. Hà Nội phải huy động toàn bộ 65 đội phản ứng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay cho 100% hành khách.
Bất kể ngày đêm, các nhân viên CDC Hà Nội thường xuyên túc trực tại cửa đón hành khách từ máy bay vào nhà ga. Họ yêu cầu khách điền tờ khai y tế, phỏng vấn điều tra và đưa ra hình thức cách ly với từng trường hợp. Nhân viên trực máy quét thân nhiệt không khi nào rời mắt khỏi màn hình. Hành khách có thân nhiệt trên 37 độ C được giữ lại ngay lập tức.
Với hàng loạt biện pháp vừa được bổ sung như tạm ngừng nhập cảnh người nước ngoài, tạm dừng bay quốc tế (đối với Vietnam Airlines)… áp lực phân luồng hành khách tại các sân bay đã giảm đi đáng kể.
Mọi thứ được kiểm soát tốt
Căn phòng làm việc thường ngày lúc 12h trưa của lực lượng an ninh hàng không sân bay Nội Bài đã đủ kíp trực 15 người. Mọi người ăn từ sớm để chuẩn bị đổi ca. Vị kíp trưởng thông báo về tình hình dịch bệnh, yêu cầu mọi người vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vừa tự bảo vệ bản thân trước mọi nguy cơ lây nhiễm.
Từ đầu đợt dịch đến nay, nhân viên sân bay nói chung và lực lượng an ninh hàng không nói riêng đã phải tạm biệt không ít đồng nghiệp về nơi cách ly do vô tình phục vụ các chuyến bay có người bệnh. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ra chỉ thị cho sân bay phải bố trí lao động thay thế kịp thời các trường hợp bị cách ly nhằm đảm bảo không ảnh hưởng gián đoạn đến việc cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không.
Với vai trò “chủ nhà”, lãnh đạo sân bay thường xuyên thị sát công việc của các đơn vị phối thuộc như quân đội, công an cửa khẩu, CDC, y tế địa phương, lắng nghe những yêu cầu của họ để kịp thời hỗ trợ.
“Một ngày, sân bay Nội Bài đón trên dưới 70.000 khách. Với biện pháp quyết liệt, từ đầu mùa dịch đến giờ, chưa có cán bộ công nhân viên nào của cảng bị nhiễm Covid-19. Với phương thức như vậy, cơ bản đến nay chúng ta đã khống chế, kiểm soát tương đối tốt với khách về từ vùng dịch”, ông Tô Tử Hà, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chia sẻ.
27/2 được nhớ đến là ngày vất vả nhất của tất cả các lực lượng ở sân bay. “Nói thật là cũng có một chút bất ngờ. Hành khách từ Hàn Quốc dồn về quá đông. Các nhân viên an ninh sân bay có một thoáng do dự khi tiếp cận hành khách. Nhưng với trang phục bảo hộ kỹ càng, tất cả đều dấn bước thực hiện nhiệm vụ.
Đó cũng là ngày đầu tiên quân đội tiếp quản một góc nhà ga để đưa người về nơi cách ly. Hàng nghìn suất ăn miễn phí cũng bắt đầu được Cảng hàng không Nội Bài phát từ ngày hôm ấy.
Trong giai đoạn đầu chống dịch, Nội Bài cấp phát khoảng 60.000 chiếc khẩu trang y tế cho nhân viên sân bay và hành khách. Đến khi không thể tìm được nguồn mua, sân bay tiến hành đặt may thêm hàng nghìn chiếc khẩu trang dùng nhiều lần để tiếp tục cấp phát.
Theo lãnh đạo sân bay Nội Bài, số tiền chi ra để mua khẩu trang, đồ bảo hộ và phun xịt khử khuẩn sân bay đã lên đến con số khổng lồ, nhưng kết quả đổi lại rất xứng đáng. Đến nay, chưa có lực lượng nào làm việc trên sân bay ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19. Mọi thứ vẫn được kiểm soát tốt.
Việt Linh – Ngọc Tân
Vì sao Bộ Tư lệnh Thủ đô đề xuất không cách ly người Việt ở khách sạn?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, nhiều trường hợp là du học sinh ở châu Âu về đã đề nghị cho cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, vừa qua đơn vị đã kiên quyết không để công dân Việt Nam vào cách ly tại khách sạn.
Ngày 23/3, báo cáo trực tuyến tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, vừa qua Thủ tướng giao cho TP.Hà Nội chuẩn bị các khu vực để sẵn sàng bàn giao cho Bộ Quốc phòng tiếp nhận cách ly 20.000 công dân, thời điểm bắt đầu từ ngày 25/3. Hiện các đơn vị đang chuẩn bị các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra về việc này.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt nêu thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ cách ly công dân về từ vùng dịch thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước hết là lực lượng quân y của Bộ Tư lệnh Thủ đô rất mỏng, tổ chức biên chế khác với quân khu, không có bệnh viện. Cùng với đó, quá trình vận chuyển lực lượng chưa có xe chuyên trách vận chuyển người cách ly, người tàn tật.
Khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tại Trung quân Quốc phòng - An ninh, Trường quân sự ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (ảnh: Thành An).
Đáng chú ý, Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô nêu lên một số trường hợp thiếu hợp tác trong quá trình vận chuyển cách ly của một số công dân.
"Một số du học sinh ở khu vực châu Âu là con cháu gia đình có điều kiện, nên khi về đến sân bay Nội Bài có biểu hiện thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Công an, an ninh hàng không gần như phải cưỡng chế lên xe mới đưa được những thanh niên này về khu cách ly" - Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt nói và cho biết nhiều trường hợp đã đề nghị cho cách ly tại khách sạn.
Tuy nhiên, theo Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, vừa qua đơn vị đã "kiên quyết không để công dân vào cách ly tại khách sạn, vì sẽ sinh ra so sánh giữa người có tiền và không có tiền, gây bất ổn trong xã hội".
"Chúng ta không đủ nhân lực y bác sĩ để hàng ngày đến các khách sạn kiểm tra sức khoẻ, kiểm soát người bị cách ly và đề phòng lây nhiễm" - tướng Duyệt nói và cho rằng, chỉ trường hợp bất khả kháng, khi các đơn vị quân đội, bệnh viện dã chiến, khu lưu trú, ký túc xá... không còn thì mới sử dụng đến khách sạn xa khu dân cư để cách ly.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần thống nhất không cách ly người Việt Nam về nước tại các khách sạn.
Tại cuộc họp, Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng yêu cầu bộ đội tăng cường giải thích chủ trương cách ly tập trung cho người dân hiểu và chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là "biện pháp bắt buộc theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm mục đích tốt cho bản thân mỗi người, gia đình và cộng đồng".
"Quân đội có trách nhiệm lo cho toàn dân, mọi người nên ủng hộ và tự giác chấp hành, không thể xin cách ly chỗ này chỗ kia, hay xin về cách ly ở gần nhà" - Thượng tướng Trần Đơn nói.
Huy động tổng lực y tế chống Covid-19 Y tế nhà nước, tư nhân, quân dân y, trường đào tạo ngành y, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, được Bộ Y tế kêu gọi chủ động tham gia chống Covid-19. Bộ Y tế ngày 20/3 phát động phong trào thi đua "Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19" trước tình hình dịch bệnh bước sang giai đoạn...