Những chiến hạm Mỹ thoát nạn trong trận Trân Châu Cảng
Ba tàu sân bay Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thoát khỏi nguy cơ bị đánh chìm trong trận tập kích Trân Châu Cảng do ra khơi làm nhiệm vụ hoặc đang đại tu.
7h48 ngày 7/12/1941, phát xít Nhật triển khai 183 tiêm kích, oanh tạc cơ bổ nhào và máy bay thả ngư lôi tấn công căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ở Trân Châu Cảng tại Hawaii. Lực lượng tập kích sử dụng bom và ngư lôi bắn phá đường băng và tàu chiến, khiến căn cứ Mỹ chịu thiệt hại nặng nề. Chưa đầy một giờ sau, Nhật phát động đợt tấn công thứ hai với 167 phi cơ.
Đòn tấn công khiến toàn bộ 8 thiết giáp hạm Mỹ tại căn cứ bị chìm hoặc hỏng nặng, ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và một loạt tàu khác cũng hư hại nghiêm trọng. Cuộc tập kích cũng phá hủy 188 máy bay, làm hỏng 157 chiếc và khiến 3.478 lính Mỹ thương vong, trong khi quân Nhật chỉ mất 29 máy bay, 129 binh sĩ thiệt mạng và một thủy thủ đoàn tàu ngầm bị bắt.
Đây là đòn giáng mạnh vào hải quân Mỹ, nhưng cả ba tàu sân bay, những khí tài quan trọng nhất của Washington, lại thoát khỏi cuộc tấn công mà không chịu thiệt hại nào.
Thiết giáp hạm Mỹ bị máy bay Nhật Bản tấn công sáng 7/12/1941. Ảnh: IJN .
Dù hoàn toàn bị bất ngờ trong trận tập kích, Mỹ trước đó vẫn tin rằng chiến tranh với Nhật Bản là khả năng có thể xảy ra. Về kinh tế, Washington đã trừng phạt và đóng băng tài sản của Tokyo sau các động thái quân sự của Nhật ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Về quân sự, Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ đã chuyển căn cứ từ San Diego đến Trân Châu Cảng tháng 4/1940, đồng thời tăng cường phòng thủ ở các vùng lãnh thổ trên Thái Bình Dương. Ngày 27/11/1941, chỉ huy Mỹ ở Trân Châu Cảng nhận thông điệp cảnh báo Nhật Bản có thể khiêu khích trong vài ngày sau đó.
Thời điểm đó, Mỹ có tổng cộng 7 tàu sân bay. Các tàu Ranger, Yorktown, Hornet và Wasp được bố trí ở Bờ Đông nhằm đối phó tàu ngầm Đức. Ba tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương gồm Enterprise, Lexington và Saratoga được triển khai tăng viện ở Thái Bình Dương.
USS Enterprise hiện diện gần Trân Châu Cảng nhất vào ngày 7/12 và thực tế đã góp phần bảo vệ căn cứ này. Ngày 28/11, tàu rời Trân Châu Cảng để thực hiện nhiệm vụ chuyển 12 tiêm kích F4F-3 của thủy quân lục chiến đến đảo Wake dưới sự hộ tống của 3 tuần dương hạm hạng nặng và 9 khu trục hạm. Tàu hoàn thành nhiệm vụ hôm 4/12 và dự kiến quay lại căn cứ sau hai ngày. Tuy nhiên, hành trình bị trì hoãn do thời tiết xấu.
Vào sáng 7/12, tàu Enterprise cách đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii khoảng 346 km. Hàng không mẫu hạm Mỹ triển khai 18 oanh tạc cơ bổ nhào SBD Dauntless tuần tra trên đường trở về Trân Châu Cảng. Phi đội Mỹ dự kiến đáp xuống Hawaii trước khi tàu sân bay đến nơi, nhưng chạm mặt đợt tấn công đầu tiên của chiến đấu cơ Nhật Bản.
Video đang HOT
USS Enterprise di chuyển trên Thái Bình Dương giữa năm 1941. Ảnh: US Navy .
Oanh tạc cơ bổ nhào Mỹ lập tức tham chiến. 7 chiếc rơi do trúng đạn từ chiến đấu cơ Nhật Bản hoặc bị đồng đội bắn nhầm, khiến 8 phi công thiệt mạng và hai người bị thương. Phi đội Mỹ hạ ít nhất một tiêm kích A6M Zero của đối phương.
Sau vụ tập kích, USS Enterprise nhận lệnh điều lực lượng tìm và phá hủy tàu sân bay Nhật, nhưng không thành công do hải quân Mỹ nhận định sai vị trí. Không tìm thấy mục tiêu, các oanh tạc cơ Mỹ trở lại Enterprise, trong khi phi đội tiêm kích bay đến Trân Châu Cảng, trong đó một số chiếc rơi do đồng đội bắn nhầm.
Tương tự Enterprise, tàu sân bay USS Lexington cũng nhận nhiệm vụ chuyển máy bay đến một căn cứ khác của Mỹ. Ngày 5/12, dưới sự hộ tống của 3 tàu tuần dương và 5 tàu khu trục, USS Lexington đưa 18 oanh tạc cơ bổ nhào SB2U Vindicator đến đảo Midway. Sáng 7/12, tàu còn cách Midway 805 km về phía đông nam và được lệnh trở lại Trân Châu Cảng khi cuộc tập kích diễn ra.
USS Lexington sau đó được lệnh tìm kiếm hạm đội Nhật Bản ở tây nam Hawaii. Tuy nhiên, họ không phát hiện quân Nhật và gần hết nhiên liệu nên phải trở lại Trân Châu Cảng sau 6 ngày.
Tàu sân bay USS Saratoga nằm ở cảng San Diego để đại tu và tiếp nhận không đoàn chiến đấu cơ trong ngày căn cứ Mỹ bị tấn công. Nó dự kiến được trang bị một phi đoàn không quân thủy quân lục chiến và nhiều máy bay khác để triển khai đến Trân Châu Cảng. Một ngày sau cuộc tập kích, USS Saratoga lên đường và cập bến Trân Châu Cảng ngày 15/12.
USS Saratoga rời cảng San Diego giữa năm 1941. Ảnh: US Navy .
Nhật Bản biết rõ tàu sân bay Mỹ không có mặt ở Trân Châu Cảng nhưng vẫn quyết định tấn công, bởi đây là cơ hội tốt để phá hủy cả 8 thiết giáp hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, những khí tài mà Tokyo tin rằng vẫn thống trị đại dương thời điểm đó.
Tuy nhiên, các trận đánh ở Thái Bình Dương đã chứng minh tàu sân bay mới là khí tài quan trọng nhất. Hàng không mẫu hạm Mỹ đóng vai trò quyết định trong các trận Coral Sea và Midway, góp phần quan trọng vào chiến thắng của Mỹ trước Nhật Bản. Đến cuối cuộc chiến, Mỹ sở hữu hạm đội 28 hàng không mẫu hạm cỡ lớn và 71 tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ.
Những chiến dịch tập kích của Nhật ở Thái Bình Dương năm 1941
Ngoài trận tập kích Trân Châu Cảng, Nhật còn tiến hành hàng loạt chiến dịch song song, gây thiệt hại nặng cho quân Đồng minh ở Thái Bình Dương.
Những đòn cấm vận nặng nề của Mỹ nhằm vào Nhật Bản đầu Thế chiến II khiến nước này tìm cách giáng đòn chí mạng vào Washington và đồng minh để trả đũa. Họ đồng loạt tiến hành 5 chiến dịch tấn công khắp Thái Bình Dương cùng thời điểm tập kích hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, mở ra một mặt trận mới đầy ác liệt.
Do cách phân chia múi giờ quốc tế, cả 5 chiến dịch đều diễn ra trong ngày 8/12, thay vì 7/12 như trận Trân Châu Cảng. Đảo Guam là một trong những mục tiêu trọng điểm của chiến dịch, khiến nó bị không kích dữ dội cùng thời điểm Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
Căn cứ hải quân ở đảo Guam trước Thế chiến II. Ảnh: US Navy.
Quân Nhật đổ bộ lên đảo ngày 10/12 và nhanh chóng đánh bại lực lượng dân quân tự vệ, sau đó tấn công đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú trên đảo do trung tá William MacNulty chỉ huy. Sau thời gian ngắn kháng cự, thống đốc Guam ra lệnh cho lính Mỹ đầu hàng.
6 lính hải quân Mỹ bỏ trốn vào rừng để tránh rơi vào tay đối phương, 5 người trong số này cuối cùng bị bắt và hành quyết. Chỉ còn một người là George Ray Tweed được bộ lạc Chamorro cưu mang đến khi quân đội Mỹ tái chiếm Guam năm 1944.
Lực lượng Mỹ trên đảo Wake hoàn toàn bất ngờ khi 36 oanh tạc cơ Nhật Bản bắt đầu ném bom sáng 8/12, phá hủy 8 trong 12 tiêm kích F4F-3 Wildcat đỗ trên đường băng. Tuy nhiên, khi quân Nhật tìm cách đổ bộ lên đảo ngày 11/12, lính Mỹ dưới sự yểm trợ của 4 tiêm kích F4F-3 còn lại đã đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương.
Quân Nhật quyết định bao vây đảo Wake. Lính Mỹ trên đảo vẫn trụ vững trước các đợt pháo kích và tấn công dữ dội, trở thành điểm sáng ở Thái Bình Dương trong lúc những khu vực khác liên tục thất thủ.
Ngày 23/12, quân Nhật tiếp tục phát động một đợt tấn công lên đảo. Dù kháng cự quyết liệt, tình trạng thiếu khí tài và không được chi viện khiến quân Mỹ phòng thủ trên đảo phải đầu hàng. Lực lượng Mỹ mất tổng cộng 12 tiêm kích, 52 binh sĩ thiệt mạng, 49 người bị thương và 433 lính bị bắt. Tuy nhiên, quân Nhật cũng phải trả giá đắt khi hai tàu khu trục bị chìm, 30 máy bay bị phá hủy hoặc hư hại, 549 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương.
Khi Nhật tấn công các hòn đảo ở phía bắc Philippines, tướng Douglas MacArthur được lệnh tái ngũ để chỉ huy hơn 31.000 binh sĩ Mỹ và Philippines. Lực lượng này cầm cự ở vùng Luzon suốt ba tuần đầu tháng 12/1941, nhưng MacArthur quyết định rút về bán đảo Bataan để phòng thủ từ ngày 24/12.
Những tháng tiếp theo, liên quân Mỹ - Philippines cố thủ suốt nhiều tháng cho đến khi cạn kiệt nhu yếu phẩm và phải đầu hàng. Những người sống sót được tập hợp và trải qua cuộc "hành quân chết chóc" đến trại tù binh, phần lớn đều thiệt mạng do sự khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh trong chuyến đi.
Một số ít binh sĩ thoát được khỏi Bataan và rút về Corregidor. Lực lượng phòng thủ tại đây có hạt nhân là Trung đoàn 4 thủy quân lục chiến Mỹ, được tăng cường thêm các đơn vị pháo binh với tổng quân số 11.000 người. Ngày 5/5/1942, quân Nhật tấn công cứ điểm này. Chỉ một ngày sau, tướng Jonathan Wainwright, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Philippines, ra lệnh đầu hàng sau khi nhận ra họ không có hy vọng được chi viện trước sức mạnh áp đảo của đối phương.
Xác máy bay Mỹ sau khi Nhật chiếm được đảo Wake. Ảnh: US Navy.
Quân đội Mỹ không phải mục tiêu tấn công duy nhất của Nhật Bản trong loạt chiến dịch này. 8h ngày 8/12, quân Nhật từ Trung Quốc đại lục mở cuộc tấn công lực lượng Khối Thịnh vượng chung Anh đóng tại Hong Kong. Binh sĩ Anh, Canada và Ấn Độ phân chia đến các điểm phòng ngự nhưng không đủ quân số.
Nỗ lực ban đầu nhằm chặn đà tiến công của Nhật Bản ở tuyến phòng ngự phía bắc Hong Kong không thành công do lực lượng tại đây thiếu nhân lực và kinh nghiệm. Sau ba ngày, binh sĩ Khối Thịnh vượng chung Anh phải rút về co cụm phòng ngự ở Hong Kong.
Sau khi Anh từ chối đầu hàng, quân Nhật tấn công cảng Victoria ngày 19/12 và buộc lực lượng phòng thủ đầu hàng sau chưa đầy một tuần.
Một mục tiêu tấn công khác của Nhật là Singapore, do hòn đảo này có vị trí chiến lược quan trọng và là cứ điểm kiên cố của Anh. Quân đội Nhật Bản tiến hành chiến dịch tấn công Malaysia và oanh tạc Singapore ngày 8/12.
Thiết giáp hạm HMS Prince of Wales và tàu tuần dương HMS Repulse của Anh bị đánh chìm khi cố ngăn cuộc xâm lược của Nhật Bản, khiến lực lượng hải quân Anh ở Singapore gần như không còn sức chiến đấu. Trên bộ, quân Nhật nhanh chóng tràn vào Malaysia và liên tục đẩy lùi phòng tuyến đối phương. Đến cuối tháng 1/1942, Malaysia thất thủ và lực lượng Anh tiếp tục phải lùi về phòng ngự ở Singapore.
Ngày 8/2/1942, Nhật Bản bắt đầu tấn công Singapore. 85.000 binh sĩ Khối Thịnh vượng chung Anh chỉ cầm cự được trong vòng một tuần trước khi đầu hàng, chấm dứt nỗ lực kháng cự của Anh ở Thái Bình Dương.
Bất ngờ trận Trân Châu Cảng: Mỹ mới là bên ra đòn trước? Trân Châu Cảng từng hứng đòn tấn công dữ dội từ hàng trăm máy bay chiến đấu Nhật Bản cách đây 79 năm và trong dịp lễ kỷ niệm năm nay, có một góc nhìn khác của lịch sử cho thấy Mỹ mới là lực lượng tung đòn tấn công trước. Trận Trân Châu Cảng là thất bại ê chề của người Mỹ....