Những “chiến dịch” khai quật mộ liệt sĩ rầm rộ: “Đội mồ” tố cáo nhà ngoại cảm
Trong thực tế, không phủ nhận có những trường hợp tìm được hài cốt qua ngoại cảm (khẳng định qua giám định gene), nhưng tỉ lệ tìm đúng chỉ là con số rất nhỏ trong những “chiến dịch” khai quật hài cốt liệt sĩ rầm rộ của đội quân đông đảo các nhà ngoại cảm.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam – kể, ông có người em trai hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau nhiều năm tìm kiếm vẫn không có thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh, gia đình đã lập mộ gió để hương khói.
Mặc dù vậy, gia đình BS Thường vẫn kiên trì lần tìm hài cốt người em, gia đình ông đã đến nhờ nhà ngoại cảm có tiếng – P.T.B.H – được phán rằng, hài cốt của LS bây giờ không còn xương cốt nữa, tan hết vào đất rồi.
Không mất hết hy vọng, gia đình lần tìm từ đồng đội, đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh của LS…, cuối cùng gia đình tìm được nơi an táng LS và biết rằng phần hài cốt đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.
Theo hồ sơ lưu trữ tại nghĩa trang, được biết có ba phần mộ được quy tập về từ nơi đơn vị an táng LS, gia đình xin lấy mẫu hài cốt của ba phần mộ đem giám định gene, kết quả đã xác định được phần hài cốt của LS em BS Thường. Sau đó, gia đình đã xin đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Năm 1971, anh Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951, quê ở An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ) là người anh trai cả trong gia đình 5 anh em, vì người “thấp bé nhẹ cân” nên không được gọi nhập ngũ. Thấy bạn bè trang lứa nô nức lên đường nhập ngũ, không biết chữ, anh Thuấn nhờ người viết đơn, cuối cùng ước mơ được cầm súng chiến đấu của anh Thuấn cũng đã toại nguyện.
Gần một năm sau ngày đất nước giải phóng, tháng 3.1976, gia đình nhận được giấy báo tử của LS Nguyễn Viết Thuấn. Không quên lời bố dặn trước lúc nhắm mắt xuôi tay về việc tìm hài cốt anh trai, anh Nguyễn Viết Tuynh – em trai LS Thuấn – cùng gia đình ròng rã hàng năm trời tìm kiếm qua nhiều kênh thông tin mà vẫn bặt âm vô tín.
Năm 2008, hay tin người xã bên đã tìm được phần hài cốt LS qua ngoại cảm, gia đình anh Tuynh cũng đến “gõ cửa” nhà ngoại cảm N.Đ.P ở Hà Nội. Sau khi đặt lễ, tiền, nhà ngoại cảm này đã chỉ ra nơi LS Thuấn đang yên nghỉ tại nghĩa trang LS huyện Bình Long (Bình Phước).
Từ Hà Nội, nhà ngoại cảm này còn giỏi đến mức mô tả kỹ càng phần mộ được xác định là của LS Thuấn, trên mộ có vết sứt chéo, có những cây cỏ gì. Thậm chí, nhà ngoại cảm này còn cho biết quản trang là nữ. Khi đến tận nơi, trước những gì nhà ngoại cảm chỉ từ khoảng cách xa gần 2.000km, gia đình anh Tuynh thấy trúng phóc 100%.
Sau đó, gia đình LS Thuấn cũng đã thực hiện được nguyện ước của người cha, đưa được hài cốt LS Thuấn về an nghỉ tại NTLS quê nhà, được chính quyền và nhân dân trọng thể đón. Vì thấy nhà ngoại cảm nói trúng quá, nên gia đình không tiến hành giám định gene.
Video đang HOT
Anh Đinh Văn Toán (quê Ý Yên, Nam Định) có người em gái lấy chồng ở An Giang kể: Trong những lần vào thăm em, anh được biết về một người hàng xóm là bộ đội, quê ở miền Bắc, do bị thương vào đầu nên mất trí nhớ một thời gian dài. Nay người hàng xóm đó – tên là Thuấn – đã lấy vợ tại địa phương và trí nhớ được hồi phục.
Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn nên bác Thuấn chưa biết làm cách nào liên lạc được với gia đình. Khi biết tôi về Bắc, bác Thuấn có nói chuyện với tôi về quê hương. Tôi không biết gia đình của bác, liền gọi về chính quyền xã và có được điện thoại của người em bác Thuấn. Tôi liền báo tin cho gia đình rằng bác Thuấn còn sống, tôi chụp cả ảnh bác để gia đình nhận diện.
Anh Nguyễn Viết Tuynh khi nhìn ảnh anh trai thì không còn nghi ngờ gì nữa, vượt hơn 2.000km vào tận An Giang để “nhận” lại anh mình. Sau đó, ông Thuấn đã trở về quê hương và đứng bên ngôi mộ của mình.
Như vậy, phần hài cốt LS mà gia đình anh Tuynh đã đưa về từ nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long (Bình Phước) đã làm mất cơ hội của một gia đình LS khác. Đã có rất nhiều gia đình vì quá tin nhà ngoại cảm, cất bốc cả những hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang LS. Vì không giám định gene do quá tin tưởng vào lời phán của các nhà ngoại cảm nên họ đã làm nhiều gia đình LS khác không có cơ hội tìm lại hài cốt người thân.
Từ một vài hiện tượng ngoại cảm của hơn chục năm trước, giờ đây ở nước ta đã trở thành phong trào ngoại cảm. Đâu đâu cũng thấy xưng là nhà ngoại cảm này, nhà ngoại cảm kia có biệt tài tìm mộ LS, nói chuyện với người âm. Việc tìm kiếm hài cốt qua ngoại cảm chỉ là kênh thông tin ban đầu, gia đình LS cần xác định đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh của LS (thông tin này Cục Quân lực Bộ Quốc phòng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Trung tâm Marin có thể giải đáp, trợ giúp gia đình LS tìm kiếm) để có sự chuẩn xác và hài cốt tìm được cần được giám định gene để xác định danh tính liệt sĩ.
“Chưa bao giờ coi nhà ngoại cảm là kênh tìm mộ liệt sĩ”
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Công Thái – Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH. Ông Thái nói: Tôi xin khẳng định là từ trước đến nay Nhà nước chưa bao giờ coi nhà ngoại cảm là kênh tìm mộ liệt sĩ. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc này.
Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi phát hiện nơi có hài cốt liệt sĩ, hoặc nghi có hài cốt liệt sĩ thì báo cho cơ quan quân sự địa phương để khảo sát, kiểm tra và thực hiện quy tập nếu có hài cốt liệt sĩ. Mới đây nhất – ngày 14.1.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tại đề án này, chỉ công nhận 2 phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ là:
- Phương pháp thực chứng: Dựa vào hồ sơ của liệt sĩ; hồ sơ của đơn vị hoặc cá nhân an táng liệt sĩ; hồ sơ của các đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ; những di vật còn lại. Liên kết những thông tin này để kết luận về hài cốt và danh tính hài cốt liệt sĩ. Đây là phương pháp đơn giản, chính xác nhưng rất khó vì chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm và địa hình địa vật cũng đã thay đổi, chất lượng của hài cốt và di vật cũng không còn nguyên vẹn nữa.
- Phương pháp giám định ADN: Là phương pháp có tính pháp lý và tính khoa học cao nhất. Hiện nay, các nước có nền khoa học phát triển cũng sử dụng phương pháp này để xác định huyết thống.
Tại Thông báo số 2389/TB-LĐTBXH ngày 21.7.2011, Bộ LĐTBXH cũng đã yêu cầu các địa phương: Tăng cường quản lý việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, nếu có dấu hiệu lợi dụng để trục lợi thì phải xử lý nghiêm minh. Đối với những trường hợp thân nhân liệt sĩ đã phối hợp với nhà “ngoại cảm” tìm hài cốt liệt sĩ thì phải giám định ADN. Căn cứ vào kết quả giám định mới an táng trong nghĩa trang liệt sĩ và thực hiện gắn bia ghi tên.
Từ nay đến năm 2020, Nhà nước tập trung cao độ cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Bộ Quốc phòng và Bộ LĐTBXH là những cơ quan được Chính phủ giao làm thường trực cho những công việc này. Khi thân nhân muốn tìm hài cốt liệt sĩ thì liên hệ với cơ quan quân sự địa phương. Muốn xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thì liên hệ với các sở LĐTBXH địa phương để được giúp đỡ. Thân nhân liệt sĩ không phải trả một khoản chi phí nào.
Theo Lao Động
Không để đồng đội cô đơn
83 tuổi - ở cái tuổi xưa nay hiếm nhẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng ông Phạm Văn Quỹ, ở xã Lam Hạ (Phủ Lý - Hà Nam) vẫn ngày ngày ra nghĩa trang liệt sỹ chăm sóc từng ngôi mộ một cách chu đáo, công việc ấy ông đã làm tròn 30 năm nay.
Tri ân các anh hùng liệt sỹ
"Tôi cũng là một người lính"
"Nhiều người gọi tôi là "lão gàn". Tôi không giận họ, vì đơn giản tôi cũng là một người lính, tôi sống sót qua chiến tranh và tôi muốn được chăm sóc những phần mộ của đồng đội để luôn nhớ về họ, về những chiến công mà họ đã dành cho đất nước", ông Quỹ chia sẻ.
Ông Quỹ, sinh năm 1930 ở Hà Nam, cách mạng tháng Tám 1945 thành công, vì có bằng Sơ học yếu lược nên cậu thiếu niên Phạm Văn Quỹ được dạy bình dân học vụ cho bà con. Năm 19 tuổi ông Quỹ xung phong đi bộ đội nhưng vì thân hình nhỏ nhắn nên không được.
Đến 1952, ông Quỹ tiếp tục xung phong đi bộ đội chiến đấu tại Quân khu 3. Đầu năm 1954, ông và đồng đội tham gia chiến dịch đường 10 Nam Định. Do quân Pháp còn mạnh nên chúng phản công, nã đạn pháo dữ dội vào quân ta. Trận ấy, ông Quỹ bị cụt ngón tay cái bên trái, một mảnh pháo xuyên vào vai và một mảnh xuyên vào chân, phải điều trị trong một thời gian dài. Nhưng khi lành vết thương, ông xin trở lại chiến trường để sát cánh cùng đồng đội. Những lúc bản thân cận kề cái chết, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông luôn tự nhủ: Nếu may mắn được trở về sau giải phóng, nhất định phải làm việc gì đó có ích cho những đồng đội đã ngã xuống.
"Đến năm 1958 tôi tham gia vào ngành giáo dục, đến năm 1981 thì về hưu. Khi ấy, nghĩa trang quê tôi còn rất hoang sơ, cỏ mọc um tùm. Sau nhiều đêm thức trắng, tôi quyết định viết đơn xin xã cho tôi được chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ", ông Quỹ chia sẻ.
Năm 1983, khi nghĩa trang đã xây dựng xong, việc quy tập mộ liệt sỹ cũng hoàn thành, ông Quỹ xin UBND xã Lam Hạ được trông coi nghĩa trang để thuận tiện hương khói cho những người đồng đội của mình. Ủng hộ tâm nguyện của người thương binh hạng 1/4, chính quyền địa phương đã đồng ý giao cho ông nhiệm vụ thiêng liêng này.
Những năm ấy, nghĩa trang chỉ có 42 ngôi mộ liệt sỹ nhưng bây giờ đã quy tụ được 100 mộ. Trong số ấy có 10 cô gái Lam Hạ anh hùng đã được vinh danh là các cô: Thu - Thi - Tâm - Tuyết - Lan - Phương - Thuận - Thẹp - Chung - Oánh.
"Trong những ngôi mộ ấy, cũng có nhiều mộ là các liệt sỹ vô danh, họ đã chiến đấu anh dũng và nằm xuống tại quê hương chúng tôi. Tôi tâm niệm, các anh hùng đã anh dũng hy sinh, bản thân là một cựu chiến binh, tuy là thương binh nhưng dù sao vẫn may mắn sống sót. Vậy mình phải chăm sóc những phần mộ ấy, một phần để tri ân đồng đội, phần nữa để cho tâm hồn được thanh thản" - ông Quỹ bộc bạch.
Niềm vui của ông là 30 năm chăm sóc nghĩa trang đồng đội
"Khoẻ vì được gần đồng đội"
Với người dân xã Lam Hạ, tròn 30 năm nay người ta thấy ông Quỹ dành thời gian sống ngoài nghĩa trang bên những mộ đồng đội dường như nhiều hơn ở nhà. Những công việc ở nghĩa trang liệt sỹ như nhổ cỏ, trồng cây và hương khói cho 100 phần mộ liệt sỹ đều do một tay ông đảm nhiệm.
Trò chuyện với ông Quỹ trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Quang Ấm, ông cho biết từ năm 1983, chính quyền địa phương cấp cho gia đình ông một sào ruộng để ông có chỗ trồng cấy. Ít ai biết, tất cả thu nhập từ sào ruộng ấy được ông Quỹ dành hết vào việc hương khói và các chi phí khác phục vụ việc chăm sóc nghĩa trang.
Ông Quỹ cho hay: "Ngày nào cũng được tận tay cắm hương cho các đồng chí của mình và được trò chuyện với họ ngoài nghĩa trang tôi thấy khoẻ ra. Tôi cứ ngỡ đồng đội của mình chưa hy sinh, họ vẫn sống và chứng kiến tất cả những đổi thay của quê hương đất nước".
Không chỉ thắp nhang, làm cỏ và giữ vệ sinh cho các mộ phần liệt sỹ, ông Quỹ còn kiêm luôn người chỉ dẫn cho những thân nhân liệt sỹ đến thắp hương. Đồng thời, ông còn tận tình chỉ dẫn cho những đoàn khách đến nghĩa trang tìm mộ người thân.
Trong ngôi nhà mộc mạc, giản dị ở thôn Quang Ấm, trên bốn bức tường, người ta chẳng thấy ông Quỹ treo gì đáng giá ngoài rất nhiều huân huy chương, còn có cả huy hiệu Bác Hồ mà ông Quỹ được tặng trong Hội nghị Gương quản trang và thân nhân Anh hùng liệt sỹ tiêu biểu toàn quốc năm 2001. Tất cả những phần thưởng ấy được ông treo rất trang trọng.
Tôi theo ông Quỹ ra nghĩa trang liệt sỹ, giữa mênh mang ruộng đồng. Thắp hương, làm cỏ, quét vôi mới cho từng ngôi mộ xong, ông Quỹ quay sang tôi giới thiệu từng liệt sỹ. Có những ngôi mộ vô danh mà ông đã đi khắp nơi để tìm tên tuổi mà không hiệu quả, cũng có những ngôi mộ là anh em họ hàng của ông.
Chiều xuống, ông Quỹ vẫn cặm cụi bên những ngôi mộ liệt sỹ để thắp cho mỗi đồng đội một nén nhang. Bóng ông đổ dài trên thềm nghĩa trang, bên khoé mắt của ông, giọt lệ nóng theo những nếp nhăn chảy xuống gò má.
Theo ANTD
"Nói Phan Thị Bích Hằng "hối lộ" là vu khống nghiêm trọng" Theo luật sư Nguyễn Bích Lan, việc cho rằng bà Phan Thị Bích Hằng mang tiền đi tìm cách "hối lộ" thân nhân liệt sĩ là sai sự thật và vu khống nghiêm trọng. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng Thời gian gần đây, có dư luận cho rằng bà Phan Thị Bích Hằng mắc "nghi án" mang 400 triệu đồng đi...