Những chiếc xe ô tô bay: Câu chuyện về ước mơ và sự trả giá
Ý tưởng xe bay – sự kết hợp giữa ô tô và máy bay đã được không ít người nghĩ tới, nhưng cho tới tận ngày nay vẫn chưa có ai có thể đưa chúng vào sản xuất số lượng lớn.
Niềm mơ ước được bay lượn của con người đã bắt nguồn từ hàng thế kỷ. Nhưng mãi đến năm 1903, giấc mơ đó mới trở thành sự thật khi anh em nhà Wright thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trong lịch sử. Nhưng khi đã hiện thực hóa được ước mơ bay trên bầu trời với rất nhiều đột phá trong lĩnh vực hàng không, nhân loại lại bắt đầu theo đuổi một mục tiêu mới. Đó là tạo ra những chiếc xe hơi có thể di chuyển trong không trung như máy bay nhưng vẫn song hành với đặc tính của một phương tiện trên mặt đất.
Và trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều công ty công nghệ muốn thử sức trong lĩnh vực này. Nhưng có lẽ không nhiều người biết được rằng, chiếc xe bay đầu tiên trên thế giới đã ra đời từ năm 1917, tức là cách đây tới hơn 100 năm.
Đó chính là Curtiss Autoplane, được phát triển bởi Glenn Curtiss – một trong những người đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp hàng không nước Mỹ. Khoang lái của sản phẩm này rất giống với chiếc xe huyền thoại Model T nhưng được lắp thêm cặp cánh của mẫu máy bay huấn luyện Curtiss Model L. Khi đó, Autoplane được trang bị khối động cơ V8 cho công suất 100 mã lực. Dù có thể cất cánh khỏi mặt đất nhưng chiếc xe chưa bao giờ có được một chuyến bay trọn vẹn.
Hai mươi năm sau, một cư dân đến từ California đã cho ra mắt một chiếc xe bay khác với tên gọi Waterman Arrowbile. Nguyên mẫu đầu tiên của sản phẩm này có thể đạt tới vận tốc hơn 190km/h ở trên không. Và trước khi dự án này khép lại, đã có thêm hai bản sao được tạo ra. Vào năm 1957, tác giả của chiếc xe đã đánh dấu sự quay trở lại bằng một model mới có tên Aerobile. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một nguyên mẫu của chiếc xe được chế tạo.
Đến năm 1944, hai nhà thiết kế George G. Spratt và William Bushnell Stout đã phát triển model Convair 103. Mẫu xe này có tới 3 tên gọi khác nhau dù chỉ có đúng một nguyên mẫu ra đời. Convair 103 được đánh giá là một chiếc máy bay có thể di chuyển trên mặt đất hơn là một chiếc xe bay. Được biết, sản phẩm này hoạt động khá tốt.
Chỉ 2 năm sau đó, người ta lại được chứng kiến một mẫu xe bay khác chào đời. Đó là Fulton Airphibian. Nó thực chất là một chiếc xe không có cánh và được ghép lại với bộ phận phía sau để tạo thành một chiếc máy bay hoàn chỉnh. Quá trình biến đổi này diễn ra trong vòng 7 phút và cũng chỉ cần 4 phút để quay trở về trạng thái ban đầu. Fulton Airphibian cũng chính là mẫu xe bay đầu tiên được chính quyền Mỹ cấp phép. Theo tìm hiểu, có tổng cộng 11 chiếc được ra lò.
Convair Model 118 ConVairCar
Video đang HOT
Và ngay trong năm 1947, một nhà thiết kế có tên Ted Hall đã công bố tác phẩm đầy tham vọng của mình – Convair Model 118 ConVairCar. Chiếc xe này được phát triển để hướng tới người tiêu dùng phổ thông và Ted Hall không ngần ngại đặt mục tiêu tạo ra 160.000 bản sao của nó. Trong một chuyến bay thử nghiệm, nguyên mẫu của ConVairCar đã bị hết nhiên liệu và gặp tai nạn, khiến cho phi công thiệt mạng. Sau đó, nguyên mẫu thứ hai được hoàn thiện dựa trên ‘xác’ của nguyên mẫu đầu tiên. Dù vậy, số người mặn mà với dự án giảm đáng kể từ sau vụ tai nạn và dẫn tới kết cục không thể tránh khỏi là bị khai tử.
Taylor Aerocar
Chiếc xe bay tiếp theo ra đời vào năm 1949. Đó là Taylor Aerocar do kỹ sư hàng không Moulton Taylor phát triển. Taylor Aerocar là một trong những mẫu xe bay nổi tiếng nhất trong lịch sử và gần như hoàn thiện để lên dây chuyền. Chiếc xe này đã được cấp phép vào năm 1956 và Taylor dự tính sẽ sản xuất tới 500 bản sao. Tuy vậy, lượng khách hàng mà ông tìm được chỉ bằng một nửa của con số đó. Thế nên, kế hoạch sản xuất Taylor Aerocar đã bị hủy bỏ và chỉ có đúng 5 chiếc đã thành hình. Được biết, chiếc xe này có thể gập cánh lại khi di chuyển trên mặt đất.
Curtiss-Wright Air Car
Ra mắt vào năm 1960, Curtiss-Wright Air Car là một chiếc xe bay đặc biệt bởi nó chỉ có thể lướt trên mặt đất chứ không bay cao trên bầu trời như những cái tên đã nêu. Air Car được phát triển theo yêu cầu của quân đội Mỹ khi họ muốn một phương tiện có thể lượn lờ trên mặt đất hoặc mặt biển. Cung cấp sức mạnh cho chiếc xe là hai động cơ máy báy có công suất 180 mã lực. Nhờ đó, Air Car có thể nhấc mình cách mặt đất gần 40cm với mức tải 485kg.
AVE – Mizar
Một ý tưởng xe bay khác đã được thực hiện vào năm 1971 bởi công ty Advanced Vehicle Engineers (AVE) đến từ Mỹ. Chiếc xe bay của AVE – Mizar thực chất là sự kết hợp giữa Ford Pinto và phi cơ Cessna Skymaster. Cỗ máy này có thể bay được nhưng thật không may khi toàn bộ nhân sự chủ chốt của AVE đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn khi Mizar lao xuống đất.
Moller M400 Skycar
Chiếc xe tiếp theo mà chúng tôi nhắc đến là Moller M400 Skycar. Nguyên mẫu của nó đã xuất hiện từ cuối những năm 1990 và được coi là thủy tổ của những phương tiện bay cất hạ cánh thẳng đứng VTOL (vertical take-off and landing). Tức là M400 Skycar không cần đường bằng để cất cánh. Với 4 động cơ Rotapower mạnh 180 mã lực mỗi chiếc, model này có thể bay cao tới 11km và đạt tốc độ tối đa hơn 530km/h. Nhưng cũng giống như nhiều mẫu xe bay kể trên, dự án M400 Skycar đã không thể đi đến giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Terrafugia
Với những người mê công nghệ thì có lẽ đã ít nhất một lần được nghe thấy cái tên Terrafugia. Bởi đây là một trong những công ty đi đầu ở thời điểm hiện tại trong lĩnh vực xe bay. Dù trụ sở đặt tại Massachusetts (Mỹ) nhưng Terrafugia lại thuộc tập đoàn Geely – ông lớn đến từ Trung Quốc. Một trong những dự án đang được triển khai của công ty này chính là Transition.
Bắt đầu phát triển kể từ năm 2006, chiếc xe đầu tiên được dự kiến tới tay khách hàng vào năm 2011. Nhưng vì nhiều vấn đề, mốc thời gian đã bị lùi lại tới tận năm 2020. Được biết, Transition có thể đạt vận tốc 110km/h trên mặt đất và 185km/h trên không. Ban đầu, giá bán của sản phẩm này là 194.000 USD (khoảng 4,5 tỷ đồng) nhưng giờ đây đã tăng gấp đôi.
PAL-V Liberty
Một mẫu xe bay cũng thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian qua là PAL-V Liberty đến từ Hà Lan. Thiết kế của model này dựa trên mẫu xe 3 bánh độc đáo Carver One được sản xuất trong giai đoạn 1999-2009. Trái tim của PAL-V Liberty là khối động cơ xăng mạnh 101 mã lực, cho phép nó di chuyển ở vận tốc lên tới 160km/h trên đường phố.
Còn khi chuyển sang chế độ máy bay, công suất của PAL-V Liberty sẽ tăng lên thành 203 mã lực. Cùng với đó là tốc độ tối đa đạt 180km/h. Hiện nhà sản xuất đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng. Dự kiến trong vòng 1 năm nữa, chiếc xe đầu tiên sẽ được chuyển giao.
Aeromobil
Một trong những chiếc xe bay có thiết kế ấn tượng nhất hiện nay chính là Aeromobil, sản phẩm do một công ty tới từ Slovakia giới thiệu. Được biết, giá bán của Aeromobil tương đương với những mẫu hypercar thực thụ, lên tới 1,2 triệu EUR (gần 32 tỷ đồng). Chiếc xe sử dụng một động cơ tăng áp F4 có dung tích 2,0 lít với vai trò làm máy phát điện cho hai mô-tơ.
Ở trạng thái xe hơi, hệ thống này sản sinh công suất 112 mã lực. Nhưng khi biến thành máy bay, con số đó sẽ vọt lên 304 mã lực – cơ chế tương tự như PAL-V Liberty. Vận tốc hành trình ở trên không của Aerobil đạt 260km/h. Nhà sản xuất cho biết mẫu xe bay này chỉ cần chưa tới 3 phút để chuyển đổi trạng thái.
Terrafugia TF-X
Đến năm 2025, rất có thể chúng ta sẽ đón chào một mẫu xe bay mới và lại mang thương hiệu Terrafugia. Ngay từ trước khi hoàn thiện dự án Transition, hãng này đã ấp ủ một model mới mang tên TF-X. Chiếc xe này sở hữu thiết kế đậm chất tương lai, nhất là khi di chuyển trên bầu trời. Với hệ thống động cơ hybrid, TF-X có thể bay liên tục hơn 800km ở vận tốc 320km/h. Không những vậy, nó còn có khả năng tự lái. Có nghĩa là người sử dụng không cần bằng lái máy bay. Họ chỉ việc lên xe, lựa chọn điểm đến rồi thưởng thức chuyến đi của mình.
Pop.Up Next
Để ‘chốt hạ’ câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nói qua về Pop.Up Next. Đây là công trình được phát triển dưới sự hợp tác giữa Audi, hãng thiết kế Italdesign và tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. Pop.Up Next mang trên mình hàng loạt điểm đột phá, từ vật liệu siêu nhẹ, khả năng tự lái hoàn toàn cho tới kết cấu cabin dạng mô-đun tháo rời. Theo đó, cabin của chiếc xe có thể được đặt lên trên bệ khung gầm của xe chuyên dụng hoặc tích hợp với mô-đun bay.
Bản thân cabin của Pop.Up Next cũng được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến như nhận diện khuôn mặt, điều khiển bằng giọng nói hay theo dõi đôi mắt. Và dù ở trạng thái nào, sản phẩm này cũng đều chạy bằng điện. Chưa rõ khi nào thì Pop.Up Next mới được thương mại hóa. Tuy nhiên, có thể chắc chắn là điều đó sẽ không sớm xảy ra.
Lương Trung
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)
PAL-V Liberty Pioneer Edition - Xe ô tô bay có giá 599.000 USD tạo điểm nhấn ở Triển lãm Geneva 2019
Với PAL-V Liberty, giấc mơ lái xe ô tô bay có thể trở thành hiện thực với những người có tiền.
PAL-V, công ty Hà Lan với mục tiêu tung ra thị trường thế giới một xe bay sản xuất thương mại đầu tiên, đã mang một sản phẩm có tên Liberty Pioneer Edition tới Triển lãm Ô tô Geneva 2019. Như cái tên của nó gợi ý, PAL-V Liberty Pioneer Edition đại diện cho nhóm xe bay đầu tiên sẽ thực sự được gửi tới tay khách hàng.
PAL-V Liberty Pioneer Edition được trưng bày ở Triển lãm Geneva 2019
" Pioneer Edition là dành cho những người muốn trở thành một phần của đội ngũ 90 người viết nên lịch sử với chúng tôi. Họ sẽ ở tiền tuyến của cuộc cách mạng di chuyển, nơi chúng ta sẽ không còn những chiếc xe mà chỉ có thể lái trên đường nữa. Họ sẽ là những người đầu tiên lái xe bay ở đất nước của họ, bay tới bất cứ địa điểm nào," CEO R. Dingemanse của PAL-V nói.
PAL-V Liberty được giới thiệu là xe bay sản xuất thương mại đầu tiên trên thế giới
Được chế tạo giới hạn chỉ 90 chiếc trên toàn thế giới, mẫu xe bay PAL-V Liberty Pioneer Edition có những trang bị độc nhất vô nhị cả trong lẫn ngoài. Thứ nhất, nó được sơn hai tông màu và gói ngoại thât carbon hoàn toàn gồm những phụ tùng bằng carbon thủ công. Nội thất xe cũng mang tính thủ công chi tiết với các phụ tùng làm từ da chất lượng cao và nhôm hàng không trọng lượng nhẹ.
Nó có trang bị vô cùng đặc biệt cả trong lẫn ngoài để thực hiện nhiệm vụ lái trên mặt đất và bay trên trời
Điểm quan trọng nhất, phiên bản Pioneer Edition sẽ được giao tới tay khách hàng trước bất cứ phiên bản xe bay Liberty nào khác, với nhà sản xuất PAL-V nói rằng quá trình giao hàng các phiên bản thông thường sẽ chỉ bắt đầu sau khi tất cả các chiếc Pioneer Edition đã tới tay chủ nhân của chúng.
Những chiếc PAL-V Liberty Pioneer Edition đầu tiên sẽ tới tay khách hàng trong năm 2020
Về phương diện giá cả và có lẽ cũng là điểm quan trọng nhất, PAL-V Liberty Pioneer Edition sẽ có giá 599.000 USD ở thị trường Mỹ, cao hơn 200.000 USD so với phiên bản tiêu chuẩn Liberty Sport Edition. So sánh với phiên bản tiêu chuẩn, Pioneer Edition có thêm nhiều trang bị tiêu chuẩn hơn bao gồm bộ điều khiển kép, hệ thống bay EFIS, sưởi ấm, và trang trí bằng sợi carbon.
Quá trình giao hàng những chiếc xe bay Liberty Pioneer Edition đầu tiên sẽ bắt đầu trong năm 2020.
Theo tinxe.vn
Đây là điều xảy ra nếu Rolls-Royce sản xuất xe bán tải, minivan hay... "Xe Dơi" "Giá như Rolls-Royce có sản phẩm ở cả phân khúc này, phân kia" có lẽ là điều mà nhiều người mong ước thành hiện thực. Cho tới tận thời gian gần đây, Rolls-Royce vốn chỉ tập trung vào một phân khúc nhất định ở trên cùng của thị trường xe sang bằng cách chế tạo những chiếc sedan, coupe, và mui trần lộng...