Những chiếc áo màu xanh da trời
Món quà đầu tiên Thiện tặng chị là chiếc áo màu xanh da trời. Năm chị 29 tuổi, lần đầu biết yêu. Anh 32 tuổi. Anh bảo, là lần cuối biết yêu. Ngày chọn áo cưới, anh thờ ơ với các váy áo màu trắng, màu hồng, chỉ thích chiếc áo cưới màu xanh da trời đứng lẻ loi nơi góc phòng.
Chị chiều chồng, bỏ sở thích màu hồng. Chị lấy chiếc áo váy trắng tinh khôi và màu xanh biển mát dịu. Anh trầm trồ: “Em làm anh nhớ tới hình ảnh những cô tiên xanh trong truyện tranh, đáp ứng tất cả ước mơ của trẻ nhỏ”. Chị cười với sự ví von vụng về của anh chồng vốn non kém về khả năng diễn đạt, chỉ giỏi lập trình, tính toán.
Ngày cưới, bạn bè trêu chị “trâu chậm mà uống nước… trong”. Chị hãnh diện bên anh. Một người đàn ông như Thiện có thể coi là mẫu mực: không nhậu nhẹt, không lăng nhăng, không tục tằn thô lỗ, lương tháng nghìn đô, là một chuyên gia lập trình nhiều người biết tiếng… Nhưng những điều ấy không phải là tiêu chí quyết định để chị tìm đến nếu không có cảm giác anh là bến dựa bình yên. Anh cười duyên hết sức. Nụ cười vô tư và giọng nói ấm trầm của anh khiến chị rung động ngay sau lần đầu gặp. Và có lẽ vẫn là cảm giác rung động ấy.
Mẹ chị mê mải những mũi kim may áo cho trẻ sơ sinh. “Mẹ, có biết con trai hay con gái đâu mà mẹ cứ may”, chị trang trí lại bình hoa sen, bắt chuyện. “Kệ, tao cứ may cho vui. Sơ sinh trai gái gì mặc cũng được”. “Siêu thị có hết rồi, may chi cho cực”, anh xen vào. Bà mẹ lườm nguýt con trai: “Mày có lớn mà không có khôn”. Hương sen cuối mùa tinh khiết tỏa lan căn phòng. Họ hạnh phúc như thể đang đón chờ một thiên thần bé.
Anh lảng tránh tất cả cuộc hẹn khám hiếm muộn của chị. Dù mẹ nói hay không thì sau ba năm, chừng đó thời gian cũng đủ để người phụ nữ ngoài ba mươi như Thùy cuống quýt lo toan chuyện con cái. Chị tự nhủ, có lẽ bản năng đàn ông khiến anh ngại, không dám đối diện bất cứ nguy cơ nào có thể ảnh hưởng đến mình.
***
Thụy bắt đầu nhận ra chồng lơ là với mình. Anh vẫn tốt như thế, vẫn chu đáo như thế, nhưng sự nồng nhiệt ở những giây phút riêng tư thì không còn nữa. Rồi chị nhận ra đề tài trò chuyện giữa vợ chồng bây giờ chỉ là những việc cần thiết trong nhà, nghĩa vụ gia đình, bà con… Những câu chuyện về tương lai, con cái có khi là xa xỉ, đều bị anh tránh nhắc tới. Chị có nhắc thì anh đánh trống lảng, gạt đi. Anh chẳng quan tâm đến việc chị gầy hay béo lên, dù sự thay đổi của chồng chỉ hai tuần qua khiến chị sút đi hẳn hai ký.
Thi thoảng, anh nhìn chị từ sau lưng, chất chứa điều gì muốn nói nhưng khi chị ngoảnh lại thì anh quay đi, thái độ như che giấu điều gì đó… Chị thấy thật buồn cười cho những giây phút áy náy của anh. Vợ chồng với nhau yêu nhau đến vậy, khi thay đổi chỉ có thể là tránh né và áy náy thôi sao.
Chị đã bắt đầu cố ý chọn nhiều chiếc áo xanh màu da trời, màu anh yêu thích. Nhưng đến lúc anh dần lơ là luôn chuyện chăn gối thì chị nản, nản thật. Trước đây chuyện ấy đầy ngẫu hứng và mật độ khá dày thì bây giờ cực kỳ đều đặn: mỗi tháng hai lần, cách nhau đúng hai tuần, một cách “nghĩa vụ”.
Thụy tự an ủi mình, có lẽ anh mệt mỏi vì công việc, hoặc vì lấy nhau lâu, sự đam mê cũng giảm dần đi và dần đến chỗ nhàm chán. Chị bắt đầu suy nghĩ cách “hâm nóng” tình yêu. Tủ quần áo có thêm nhiều chiếc áo xanh da trời hơn, đồ ngủ lụa là, quyến rũ hơn, những bình sen sang trọng trang trí nơi góc phòng được chăm chút hơn.
Nhưng chưa kịp áp dụng chiêu sách nào thì chị phát hiện ra điều phũ phàng: anh có bồ. Cay đắng hơn, người đàn bà ấy thua chị về mọi mặt: già, mặt mũi thân hình đều thô cứng, khắc khổ, làm một công việc nhàm chán, và gu thẩm mỹ rất quê mùa. Người ấy từng có chồng nhưng đã ly dị. Và từng là bạn thân của anh.
Video đang HOT
Chị không thể tìm được lý do nào giải thích việc anh thờ ơ với mình để đắm đuối trong mối tình tội lỗi với người đàn bà khác. Thời gian anh dành cho gia đình ít hẳn. Chị tự giày vò mình, tưởng tượng ra cảnh anh đang hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ ven sông mà nước mắt chan chứa.
***
Quán cà phê cuối tuần nằm trong con hẻm vắng khách. Chị đưa bàn tay nhỏ bé quậy ly cà phê sữa nóng. Thức uống ngọt có vị đắng này đã thành quen thuộc với chị sau nhiều đêm thức chờ chồng. Chị nói với chồng rằng đã biết về sự phản bội của anh, và yêu cầu giải thích. Và dù chị như con rối, từ giận dữ quát tháo đến vùi đầu khóc lóc, anh chỉ xin lỗi với vẻ mặt vô cùng khổ sở mà không giải thích một lời. Anh thờ ơ đến vô cảm: “Mình chia tay nhau, em nhé!”.
Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, chị lau nước mắt bước ra khỏi quán. Hai ngày sau, vẫn quán cà phê cũ, Thiện nói quyết định kể cho chị nghe mọi chuyện. Chị ấy là vợ một người bạn vong niên của anh, họ gặp nhau khi anh mới 20 tuổi. Vợ chồng họ đã coi anh như người em và giúp đỡ rất nhiều. Và anh đem lòng yêu chị ấy. Rồi anh quyết định không gặp nhau nữa để tránh chuyện “lửa gần rơm”. Thế nhưng, anh vẫn luôn yêu chị ta, vì lý do đó mà các mối tình sau đó của anh đều kết thúc cực kỳ chóng vánh, cho đến lúc anh gặp và cưới Thụy. Gần đây, họ tình cờ gặp lại, và anh được biết người tình cũ ly dị đã khá lâu.
Chị ngồi lặng như đá nghe chồng kể, nước mắt không rơi nổi nữa. Đến lúc ấy Thụy mới nhận ra rằng trong tình yêu với chị, anh chưa bao giờ tỏ ra quá say đắm. Chị đã biện minh do tính chất nghề nghiệp anh khô khan nên anh như vậy, hóa ra…
“Nghĩa là anh chưa bao giờ yêu em, em chỉ là người lấp chỗ trống phải không?”, Thụy đau đớn hỏi chồng. Anh thản nhiên: “Anh yêu em, nếu không anh đã không cưới em làm vợ mà cũng sẽ chia tay như với những người trước đó. Thời gian quen nhau hai năm đủ để anh chắc chắn anh yêu em”. “Vậy với chị ta thì sao? Sao anh có thể vừa yêu chị ta vừa yêu em?”. Câu hỏi đó, anh không trả lời được. Chị thì biết, tình yêu anh dành cho mình là một thứ gì khác ít sâu đậm hơn nhiều.
Mẹ chồng chị đã mấy lần đến gặp người đàn bà ấy, chỉ mong cứu gia đình bên bờ vực đổ vỡ. Bà dùng mọi cách, từ nhẹ nhàng đến gay gắt, thậm chí xúc phạm để yêu cầu chị ta buông tha cho anh. Nhưng lần nào cũng vậy, với bộ mặt nhẫn nhục mà lì lợm, người đàn bà ấy đều nhỏ nhẹ nói rằng chị ấy yêu anh và mọi việc tùy anh quyết định. Sau những cuộc gặp gỡ ấy, bà mẹ trở về úp mình trên tấm nệm xanh như bông sen héo rũ trên cành, thở dài không nói, không ăn. Đã lâu rồi bà không may áo quần cho trẻ sơ sinh.
Những người quen, thân gia đình đều lắc đầu ái ngại khi nói về anh như một tội đồ phản bội. Anh đề nghị chị ly hôn. Anh nhận hết lỗi về mình và nói rằng không thể dứt khỏi người phụ nữ đó. Anh nói anh yêu chị ta, hình như họ nợ nhau và lạc nhau từ kiếp trước, còn kiếp này anh nợ chị nhưng sẽ không trả được, có lẽ phải kiếp sau. Chị bật cười tưởng phát điên khi nghe anh ngụy biện. Mẹ chồng hoảng sợ, dọa từ con nếu anh bỏ vợ. Nhưng Thụy biết điều đó chẳng ích gì, anh dù thế nào cũng là vật báu duy nhất cuộc đời mẹ, chỉ có chị là đã bị ruồng bỏ.
***
Thụy quyết định theo học một khóa ngắn hạn về kinh tế ở Singapore. Lấy lý do là để trau dồi chuyên môn, nhưng thực chất là để lấp đầy những ngày không có anh. Chị không thể kìm những cơn sóng ngầm trong lòng gầm lên từng cơn khi qua những góc phố, con đường quen đã từng tay trong tay với anh. Mùa yêu thương đã có biết bao góc quen ấy, để lúc này đi đâu cũng thấy quặn một niềm đau.
Ngày dọn đồ lên đường, tay Thụy vô tình xếp những chiếc áo màu xanh. Chị lẳng lặng gạt ra. Rồi xếp vuông vắn lại, chị cất trong chiếc giỏ ở ngăn dưới cùng của tủ quần áo, chỉ đựng đồ áo cũ không còn mặc nữa. Thụy thấy nặng lòng khi nhìn màu áo xanh màu trời.
Tưởng đã yên thì Thụy phát hiện có mầm sống be bé phập phồng trong mình. “Thai 5 tuần nhé”. Bác sĩ mỉm cười thông báo. Chị mỉm cười đáp lại. Đầu trống rỗng. Tới lúc bình tĩnh lại, chị sực hốt hoảng khi nghĩ thương đứa con sinh ra trong đổ vỡ. Thụy gọi báo cho mẹ chồng trong vô thức. Giọng mẹ chị hốt hoảng: “Con về ngay đi, về với mẹ. Thằng Thiện nó không còn sống bao lâu nữa…”. Tai chị ù đi, giọng mẹ vỡ òa trong nước mắt.
Ung thư giai đoạn cuối. Căn bệnh ấy trước đây chị tưởng chỉ dễ bắt gặp trong phim Hàn Quốc thì giờ lại rơi vào người chị thương yêu nhất. Chị không thể hiểu, vì sao mình có thể ngồi bình tĩnh mà làm chỗ dựa cho mẹ chồng. Bà vừa khóc nấc không thành tiếng vừa kể lõm bõm câu chuyện, tiếng được tiếng mất.
“Lẽ ra, mẹ không thể nói cho con biết tình trạng bệnh tình đó. Cũng như không thể nói chuyện mối quan hệ trước đây của nó chỉ là màn kịch, đó chỉ là mối quan hệ bạn bè, con ạ. Nó làm thế để con rời xa nó, làm lại cuộc đời. Con còn nhiều cơ hội. Thằng Thiện nó cầu xin mẹ giữ bí mật. Con cầm lấy, sau khi con đi, mẹ dọn nhà và tìm được cuốn nhật ký, nó viết riêng cho con”.
***
Thụy xếp hành lý trở về lại mái nhà ngan ngát hương sen ngày nào. Những chiếc áo xanh đã gấp lại từ lâu. Chẳng biết anh còn nhìn thấy chị mặc màu anh yêu thích đến lúc nào. Chị chợt tiếc và trách mình những ngày giận hờn, những chiếc áo bị xếp lại vô cớ trong giỏ. Thụy khóc nấc. Suốt đêm qua, chị đã thức trắng với những dòng nhật ký mang hơi thở ấm áp của anh.
Ngày 20 tháng 05
Khuya lắm rồi, anh ráng làm thêm chút nữa. Không thể lo cho em hết cuộc đời thì chí ít cũng có một tài sản gì để lại cho mẹ, cho em. Anh biết, giờ này có khi em lại uống cà phê thức đợi anh về. Nhưng thà thế còn hơn để em thấy anh lao như thiêu thân kiếm tiền và có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Anh sợ…
Ngày 12 tháng 06
Anh chỉ có thể nhìn âu yếm em từ phía sau lưng và khi em quay mặt nhìn đi hướng khác. Giá có thể ôm em để giãi bày tất cả. Để khẳng định với em rằng em là tình yêu cuối cùng. Nhưng thôi, hãy cứ để em nghĩ anh là kẻ phản bội, để em ra đi… Ngày em đi, anh đã mong nhìn chiếc áo xanh, màu mà em hay mặc vì anh, lần cuối. Vậy mà em mặc áo khác. Dù sao, anh cũng là người có lỗi.
Ngày 09 tháng 09
Có thể rồi em sẽ khóc nếu đọc những dòng chữ này. Thôi nào, đừng khóc, bé con. Điều ý nghĩa cuối cùng trong cuộc sống, đó là anh được sống trọn hạnh phúc khi có em. Ba năm ngắn quá, nhưng còn hơn người ta sống với nhau ba mươi năm, sáu mươi năm mà phải sống chịu đựng nhau, phải không em?
Theo truyenngan.com.vn
Tuổi thơ của tôi
Hôm nay bỗng nhiên tôi lại muốn viết lên những câu chuyện, câu chuyện của đời tôi, cuộc đời của cô bé có tên Linh, một cái tên khá đẹp và lung linh phải không?
Cuộc đời với biết bao sóng gió của tôi bắt đầu cũng như những đứa trẻ khác mà thôi, tôi được sinh ra vào cái thời chỉ mới bắt đầu hòa bình không lâu, lúc đó cuộc sống vẫn còn khó khăn về mọi mặt, được nghe Mẹ kể về cái thời kỳ chiến tranh rồi đến hòa bình, hình như tôi cũng đã thấm và cảm nhận được không ít những nhọc nhằn vất vả mà Mẹ tôi phải chịu, chín tháng mười ngày khi mang thai tôi, Mẹ vẫn phải làm đủ mọi việc nặng nhọc, có lẽ ở trong bụng Mẹ tôi cũng cảm nhận được cái nhọc mà Mẹ tôi đang phải chịu, tôi lại ngoan ngoãn hơn chẳng quấy Mẹ mệt thêm, Mẹ phải làm lụng suốt đến khi sinh tôi ra, ăn không no, mặt không ấm, đi làm về chỉ có rau chấm muối hột, Mẹ bảo thời ấy nhà tôi nghèo khó khăn vô cùng, chẳng có gạo nấu cơm, chỉ có rau lang luộc chấm muối mà thôi.
Nhọc nhằn là thế, mồ hôi Mẹ đã đổ biết bao nhiêu khi vừa mang tôi trong bụng, vừa làm lụng suốt ngày, chín tháng mười ngày...
Rồi thì cũng đến lúc tôi chào đời, khi sinh tôi ra, bao nhiêu niềm vui vỡ òa trong Ba trong Mẹ tôi, thật không tả xiết được niềm vui vô bờ của Ba Mẹ.
Mẹ kể tôi nghe, tôi là đứa bé khá dễ thương bụ bẫm, ai nhìn cũng muốn ôm vào lòng, có lẽ lúc đó Ba Mẹ tôi cũng thầm vui khôn xiết, nhưng niềm vui kéo dài vỏn vẹn chỉ được hai tháng, cũng như mọi ngày, một hôm tôi được bế từ trong nôi ra, tôi đã khóc rất nhiều, ai có hò, có ẵm thì tôi cũng không chịu nín, cứ khóc mãi, Ba Mẹ đưa tôi đến viện khám thì, được chẩn đoán.
Tôi... một đứa bé khỏe mạnh bỗng nhiên lại mắc bệnh xương thủy tinh, một căn bệnh mà chưa ai hiểu rõ về thời kỳ ấy, từ lần đó thì rất nhiều lần chân tôi bỗng nhiên đau rồi đi viện, cả tay cũng chẳng cầm nắm được thứ gì quá nặng.
Lúc đó tôi chỉ mới có mấy tháng tuổi, chưa nhận thức được gì cả, nhưng đến khi bốn năm tuổi thì hình như tôi đã nhận thức được một ít về cuộc sống của bản thân, về căn bệnh mà tôi mắc phải, mỗi lần đau đi viện tôi khóc gào lên vì đau đớn, Ba Mẹ bế tôi từ nhà đến viện, bế nguyên một tư thế chẳng dám nhúc nhích vì sẽ làm tôi đau, bế đến nơi thì tay Ba Mẹ cũng tê buốt chẳng nhấc lên được, tôi cảm nhận được chứ, nhưng đau quá tôi chẳng quan tâm gì nữa, hầu như suốt tám năm, năm nào tôi cũng phải ở trong viện, cứ mỗi lần từ viện ra Mẹ lại tập cho tôi đi, đi được tôi vui mừng vô cùng, nhưng chẳng được lâu thì lại phải vô viện, đôi chân yếu ớt kia chẳng trụ được một vài tháng.
Càng lúc tôi lại càng yếu đi, đến khi không tập được nữa thì tôi chỉ có thể lớt giữa nhà, ai nhìn vô cũng thấy kỳ lạ, mỗi khi có ai nhìn tôi lại giả vờ làm ngơ ngồi im một chổ mà không lớt nữa, tay tôi cầm cái ghế ngồi, lúc đó người ta gọi nó là đòn, tôi cầm đòn và lớt đi quanh nhà thôi, năm đó cũng khá hơn trước là có gạo ăn, nhà tôi trồng ớt, trồng đậu, mỗi khi Mẹ đi hái ớt hay nhổ đậu thì lại mang tôi theo, trải một cái bao cho tôi ngồi giữa đó.
Còn khi đi chợ, gánh nguyên một gánh ớt, còn phải bỏ tôi vô rổ mà gánh đi, chắc vai Mẹ đau và nặng lắm, đến chợ người ta gần về hết thì Mẹ cũng chưa bán hết, đói bụng cũng chẳng dám mua gì ăn, tới gánh bán đậu hủ Mẹ mua cho tôi chén đậu hủ, còn Mẹ thì chỉ húp cái chén nước đậu mà người ta cho thôi, tôi vẫn nhớ, lúc đó nếu cầm tay người lớn thì tôi vẫn đi được, có lần đi chợ Mẹ mua cho tôi đôi dép màu đỏ, hơi cao gót một chút thôi, nhưng tôi lại rất thích, cứ hình dung đó là đôi giày cao gót mà thấy người ta hay đi, trong lòng cứ mừng vui vì được mua cho đôi dép đẹp, niềm vui chẳng được lâu thì tôi lại đau, lại những ngày dài nằm trong viện, mỗi lần như vậy Ba Mẹ vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho tôi, mỗi bữa ăn trong viện Mẹ mua cho tôi cơm với thịt hay cá, còn của Mẹ chỉ có rau, tôi bỏ thịt cho Mẹ ăn thì Mẹ bảo không thích, nhưng thật ra đang nhường cho tôi, vì không có tiền mua nhiều chỉ mua cho mình tôi ăn thôi.
Tiền vay mượn, mỗi lần ra viện là phải dành dụm để trả lại cho người ta, cứ trả chưa hết thì tôi lại đau, cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt tám năm trời.
Lần cuối đi viện cũng là lần tôi từ bỏ hy vọng về căn bệnh này sẽ khỏi, dù Ba Mẹ tôi đã cố đưa tôi đi chữa bệnh, nhưng không thể trị được căn bệnh mà tôi mang, tôi nhớ mãi lần đó, suốt một tháng trời nằm viện, một ngày phải tiêm 2 lần, toàn là thuốc nặng, tiêm đến nỗi sưng hai tay lại phải tiêm ở chân, đến giờ vết sẹo tiêm vẫn còn nguyên trên tay tôi, lần đó là lần cuối tôi đi viện đấy, lúc đó chẳng còn hy vọng gì, bác sĩ nói với Mẹ tôi, về nhà đừng tập cho tôi đi nữa, chỉ để tôi trên cái chăn mà bế thôi, lúc đó tôi đã nghe được và hiểu ra là mình chẳng bao giờ được khỏi bệnh như người bình thường, dù còn khá nhỏ nhưng cũng đủ để hiểu ra tất cả.
Mọi thứ sụp đổ, khi tôi biết được mình mãi mãi sẽ là đứa không bao giờ đi được, cuộc sống là những gian nan sao, tôi còn quá nhỏ để phải chịu nhiều đến vậy, vẫn còn nhiều điều khiến tôi mệt mỏi lắm.
Về nhà tôi chỉ nằm im và không dám cử động nữa, được một thời gian thì chân tôi lại lở loét vì trời nắng lại bó bột, lại gian nan nữa rồi, mấy tháng trời Ba tôi phải nằm giữa sàn nhà để làm thuốc cho tôi, thậm chí phải nằm dưới gầm giường để làm thuốc cho tôi, cũng vì tôi không nghiêng hay trở mình được, Hài... kể lại thôi mà sao tim tôi lại nhói đau nhỉ? sao lại chẳng muốn thở thế này, mấy tháng làm thuốc tôi đau đớn mà khóc, Mẹ tôi cũng khóc theo tôi, thương Ba thương Mẹ, sao phải gánh hoài tổn thương vì con như thế.
Gánh nặng trên vai Ba, nỗi lòng của Mẹ con hiểu hết chứ, nhưng con gái bất lực vô dụng đã làm gánh nặng cho Ba Mẹ như vậy, tám năm đó là vất vả của Ba Mẹ, và là sự sợ hãi, kinh hoàng đối với con, cái tuổi thơ đáng ra con vui chơi hồn nhiên với bạn bè, thì con lại phải chịu đau đớn và tổn thương về tinh thần, đến bây giờ trong thâm tâm con vẫn không xóa bỏ được cái thời gian đó.
21h36
09/08/2018
Linh Lê
Theo truyenngan.com.vn
Cảm ơn hoa đã vì ta nở Lòng biết ơn khiến ta cảm thấy tâm tư nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn, bạn có tin không? Buổi sáng thức dậy, không bị đau dạ dày, đau bụng, đau đầu hay nhức mỏi chân tay, tôi biết ơn cơ thể tôi, và tôi cảm ơn chính tôi đã đối xử tử tế với mình ngày hôm qua, để hôm nay tôi...