Những chị em hay rối loạn kinh nguyệt nên biết điều này
Nhiều trường hợp chị em bị rối loạn kinh nguyệt kéo dài nhưng chủ quan không đi khám, dẫn đến những hệ lụy xấu với sức khỏe, thậm chí vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ.
Mới đây, một nữ bệnh nhân 48 tuổi tại Bắc Giang đã phải cắt bỏ tử cung hoàn toàn vì khối u xơ quá lớn gây nguy hiểm tính mạng. Điều đáng nói, trước đó, người phụ nữ này thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng trong chu kỳ kinh nhưng lại chủ quan không đi khám và điều trị, dẫn đến hậu quả đáng tiếc nêu trên.
Ngay trước đó, một cô gái trẻ 28 tuổi sống tại TPHCM cũng phải cắt bỏ tử cung vì khối u “khủng” nặng gần 10kg trong tử cung. Nguyên nhân là khoảng 3 năm trở lại đây, cô gái trẻ thường bị rối loạn kinh nguyệt, lúc nhiều lúc ít, lúc không có. Bên cạnh đó, bụng bắt đầu to dần nhưng bệnh nhân không chịu đi thăm khám.
Rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể là chỉ báo mắc một số bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân vẫn có cơ hội bảo toàn tử cung. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Các bác sĩ phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Đáng tiếc nhất là cô gái này chưa lập gia đình và vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ.
Trên thực tế, nhiều chị em cũng hay gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt nhưng thường coi đó là những rối loạn bình thường. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, rối loạn kinh nguyệt kéo dài không chỉ gây phiền phức cho sinh hoạt hàng ngày mà có thể còn là “chỉ báo” cho một số bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tại sao có hiện tượng rối loạn kinh nguyệt?
Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội), kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ bắt đầu ở lứa tuổi dậy thì. Mỗi chu kỳ kinh thường trong vòng 28 ngày, cũng có thể dao động trong khoảng từ 21 – 35 ngày/lần và mỗi lần kéo dài từ 3 – 5 ngày.
Lượng máu trung bình mất đi sau mỗi chu kỳ kinh là từ 50 – 100ml. Trong trường hợp kinh nguyệt có bất thường về thời gian, chu kỳ kinh, lượng máu kinh mất đi sau những ngày hành kinh (quá ít hoặc quá nhiều), mức độ huyết sắc tố sau chu kỳ kinh (màu sắc kinh thay đổi) … tức là chị em đang bị rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở lứa tuổi dậy thì, sinh con, mãn kinh. Ở tuổi dậy thì, rối loạn kinh nguyệt thường là do lượng nội tiết mới hoạt động nên chưa ổn định. Ở lứa tuổi sinh đẻ, rối loạn kinh nguyệt có thể liên quan đến nguyên nhân thai nghén như sảy thai, thai lưu… Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cũng dễ bị rối loạn kinh nguyệt.
Với những phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài.
Ngoài ra, một số trường hợp phụ nữ thường xuyên căng thẳng, stress, hay sử dụng thuốc nội tiết, chẳng hạn thuốc tránh thai khẩn cấp và sử dụng thuốc điều trị một số bệnh mạn tính cũng dễ bị rối loạn kinh nguyệt.
Video đang HOT
Khi nào rối loạn kinh nguyệt gây nguy hiểm?
Rối loạn kinh nguyệt kéo dài dễ khiến chị em mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Bên cạnh đó, đây cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh cản trở quá trình thụ thai như tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung, đa nang buồng trứng và hậu quả chung là gây vô sinh, hiếm muộn.
Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, nếu thỉnh thoảng chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, chị em không nên quá lo lắng. Nên giữ tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ và sinh hoạt khoa học, chu kỳ kinh sẽ dần ổn định.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt kèm đau bụng, cơ thể mệt mỏi, chị em nên đi khám tránh những hệ lụy xấu đối với sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau.
N.Mai
Theo giadinh.net
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có phải là điều bình thường?
Những người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể có kinh nguyệt không đều, đặc biệt là tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì.
Vậy điều gì đã gây ra tình trạng kinh nguyệt thất thường này? Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng rất thường gặp ở trẻ tuổi teen. Rất nhiều người quan niệm rằng kinh nguyệt sẽ xuất hiện vào một ngày cụ thể mỗi tháng nhưng thực tế, điều này không phải đúng với tất cả mọi người. Con gái bạn đã bị trễ kinh vài ngày, vậy bạn cần phải làm gì?
Kinh nguyệt thường xuất hiện vào độ tuổi nào?
Phần lớn các cô bé sẽ có kinh lần đầu trong độ tuổi từ 10 đến 15. Tuy nhiên, cũng có trẻ có sớm hoặc muộn hơn, điều này phụ thuộc vào sự phát triển của cơ thể. Một số trẻ sẽ dậy thì nhanh hơn những người khác trong khi một số khác phải mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, nếu sau 16 tuổi mà trẻ vẫn chưa có kinh, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để chắc chắn rằng cơ thể trẻ đang phát triển bình thường.
Chu kỳ kinh nguyệt có thể được tính toán như thế nào?
Phần lớn các bác sĩ đều nói rằng kinh nguyệt có chu kỳ khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, bạn cần nhớ 28 chỉ là số trung bình và không có nghĩa là nếu con bạn không có chu kỳ 28 ngày thì có gì đó không ổn với trẻ. Để biết chu kỳ của trẻ, bạn hãy yêu cầu trẻ đếm số ngày kể từ ngày đầu tiên trẻ có kinh cho đến ngày đầu tiên trẻ có kinh vào tháng sau. Số ngày mà trẻ đếm được chính là chu kỳ kỳ kinh của trẻ.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì có phải là điều bình thường?
Trong hai năm đầu khi trẻ mới bắt đầu có kinh, chu kỳ của trẻ sẽ có nhiều bất thường. Dưới đây là một số vấn đề mà bạn cần lưu ý:
1. Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là một điều bình thường
Tuổi dậy thì là giai đoạn mà kinh nguyệt của trẻ thường xuyên bị rối loạn, điều đó có nghĩa là chu kỳ kinh của trẻ không xuất hiện đúng vào một ngày cụ thể nào đó đã được tính toán trước.
Trung bình, lần có kinh thứ hai của trẻ sẽ đến trong vòng 35 đến 40 ngày kể từ ngày đầu tiên mà trẻ có kinh lần đầu. Trong một số trường hợp, có thể phải mất đến một hoặc hai tháng thì trẻ mới có kinh lần thứ 2 sau lần kinh đầu.
2. Nói chuyện với bác sĩ sau ba tháng
Nếu bạn thấy hơn 3 tháng mà trẻ vẫn chưa có kinh lại, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ.
3. Khoảng thời gian có kinh ở mỗi tháng cũng sẽ khác nhau
Đôi khi, trẻ chỉ có kinh khoảng 2 - 3 ngày trong một tháng, trong khi những tháng khác trẻ có kinh đến 5 - 7 ngày. Tất cả những điều này là bình thường vì cơ thể của trẻ vẫn còn đang phát triển và có rất nhiều thay đổi đang diễn ra bên trong. Trong giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ trải qua nhiều thay đổi trong cơ thể, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt theo những cách khác nhau.
4. Sự thay đổi của nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến sự đều đặn và lưu lượng máu
Vì cơ thể của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển, do đó sẽ có rất nhiều sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể. Lượng máu chảy mỗi tháng có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào số lượng hormone đang được sản xuất trong cơ thể.
Các nguyên nhân có thể gây rối loạn kinh nguyệt ở trẻ
Ngoài những biến động về nội tiết tố thì còn có nhiều lý do khác có thể khiến cho kinh nguyệt của trẻ không đều. Dưới đây là một vài lý do phổ biến mà bạn nên biết:
1. Có thể là do trẻ đã mang thai
Mặc dù có thể là do sự thay đổi về nội tiết tố nhưng cũng có khả năng rất lớn là trẻ đã mang thai. Dù trẻ có sử dụng "ba con sói" khi quan hệ thì hiệu quả của nó chỉ khoảng 99% và luôn có nguy cơ mang thai ngẫu nhiên.
2. Tập thể dục quá sức
Tập thể dục quá sức có thể tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ vị thành niên. Nếu trẻ thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể thao, nhiều khả năng trẻ sẽ không có kinh trong nhiều tháng. Chu kỳ kinh sẽ thay đổi tùy thuộc vào cường độ tập và bài tập mà trẻ đang thực hiện.
Tập thể dục quá sức cũng có thể khiến cho khoảng thời gian hành kinh giảm xuống, tháng trước trẻ có thể có kinh 5 ngày nhưng những tháng này trẻ chỉ ra máu nhẹ khoảng 2 - 3 ngày. Trong một số trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt của trẻ có thể ngừng hoàn toàn. Đừng hoảng hốt, nếu trẻ giảm cường độ tập hoặc ngưng tập thì mọi việc sẽ trở lại bình thường.
3. Căng thẳng
Trẻ có thể đang gặp phải căng thẳng về việc học ở trường hoặc bất kỳ vấn đề này khác. Quá căng thẳng về mọi thứ có thể khiến kinh nguyệt của trẻ không đều.
4. Rối loạn ăn uống
Nhiều cô bé tuổi teen trải qua các rối loạn ăn uống như biếng ăn, ăn ói... Nếu trẻ đang bị rối loạn ăn uống, có khả năng nó đã ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ. Nếu bạn thấy trẻ đang có sự thay đổi về thói quen ăn uống, hãy cẩn thận vì điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng các chức năng cơ thể và gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm giúp trẻ hiểu được những sự thay đổi của cơ thể mà trẻ phải trải qua. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý theo dõi chu kỳ kinh của trẻ để có thể kịp thời phát hiện ra những bất thường.
Quỳnh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Thực hư thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng tới ham muốn tình dục Nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hoặc các biện pháp dựa trên hormone khác nhằm tận hưởng "cuộc vui" trọn vẹn mà không sợ có con ngoài ý muốn. Tại Mỹ vào năm 2018, thuốc tránh thai được sử dụng bởi gần 10 triệu phụ nữ. Trên thực tế, đây là phương pháp kiểm soát sinh đẻ phổ biến nhất kể...