Những cây ATM gạo
Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh.
Cây ATM gạo đầu tiên đã được nhà khởi nghiệp trẻ hoàn thành – Ngọc Anh
Khi mà cây ATM gạo đầu tiên ở TP.HCM phát gạo tự động, miễn phí cho người nghèo ở khu Vườn Lài (Q.Tân Phú) khiến nhiều người cảm phục, thì ở một công xưởng nhỏ khác tại Q.2 (TP.HCM), có một nhà khởi nghiệp trẻ cùng các nhân viên cũng đang lặng lẽ sản xuất nhiều cây ATM gạo mới.
“Chúng tôi không bán những cây ATM gạo này. Chúng tôi sẽ tặng cho các nhà hảo tâm và sẽ cùng họ vận động gạo để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ kết nối với những tấm lòng ở khắp nơi, người có gạo ủng hộ gạo, người có địa điểm ủng hộ địa điểm lắp đặt. Chúng tôi sẽ mang máy tới để tặng miễn phí cho bà con khó khăn trong dịch Covid-19 này”, chị Võ Ngọc Anh, 37 tuổi, Giám đốc điều hành Vinalinks Group, người cùng chồng đang động viên anh em trong công ty mau chóng hoàn thành 11 máy ATM gạo để kịp thời phục vụ người dân trong mấy ngày tới, nói.
Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh. Những chiếc máy phát gạo tự động này sẽ giải quyết khó khăn ngắn hạn, giúp bà con có những bữa cơm no.
“Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều nhà hảo tâm muốn ủng hộ người nghèo nhưng chưa biết làm sao, bởi làm thiện nguyện không phải dễ dàng, nên với ATM gạo, chúng tôi có thể kết nối nhiều tấm lòng lại. Chi phí làm máy được lấy từ quỹ dành cho công tác thiện nguyện. Khi thấy giúp được cộng đồng, được mọi người ủng hộ, chúng tôi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn”, chị Ngọc Anh nói.
Anh Nguyễn Trương Tuyến (37 tuổi), chồng chị Ngọc Anh, cho hay hiện máy ATM gạo mẫu đầu tiên đã hoàn thiện xong, 10 chiếc máy nữa đang được gấp rút hoàn thiện. Những chiếc máy này có đặc điểm là đặt ở mặt đất, không cần phải vận chuyển lên cao, khi người dân xếp hàng và tiến tới nhận gạo, máy sẽ nhận diện được người tới, khi đó chỉ cần lấy chân đạp lên một chiếc cần là gạo sẽ chảy ra.
Video đang HOT
“Vì để trên mặt đất, gọn nhẹ, sẽ không mất công sức đưa gạo lên cao, không cần thao tác dùng tay bấm nút nhận gạo, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Lượng gạo phát ra của máy mỗi lần 3 kg, 5 kg… có thể tùy chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của bà con từng khu vực. Chúng tôi đặt tên máy là ANLODA, nghĩa là “an lòng dân”, mong bà con an lòng vì đã có cộng đồng hỗ trợ”, anh Tuyến cho biết.
Anh Tuyến cũng chia sẻ trong vài ngày tới sẽ có 11 điểm được đặt máy ATM gạo tại TP.HCM, sẽ được công bố rộng rãi để bà con biết. Các địa điểm đang được xin phép, gạo cũng đã có bạn bè, người quen của anh Tuyến xin được chung tay cùng vợ chồng anh.
“Nếu tiếp tục có mạnh thường quân ủng hộ việc sản xuất máy phát gạo tự động này, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất cây ATM gạo để tặng cho các địa điểm cần hỗ trợ”, anh Tuyến nói.
Trong ngày 11.4, tại Hà Nội đã có cây ATM gạo đầu tiên phát gạo cho bà con miễn phí trước Nhà văn hóa P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy. Tại TP.HCM, những cây ATM gạo đang được “trổ hoa” – nhân rộng thêm ở khắp nơi, mong sớm san sẻ khó khăn với những người còn nặng gánh mưu sinh trong dịch. Nói như thầy giáo Phùng Ân Hưng, giáo viên vật lý Trường THPT An Đông (Q.5, TP.HCM), người những ngày qua vận động mạnh thường quân tặng gạo cho bà con Đồng Nai, tặng 2 tấn chuối cho người nghèo ở TP.HCM, thì trong khó khăn mới càng hiểu thấm thía tình người. Trong biến cố, dịch bệnh càng cảm nhận được hết tấm lòng bao la bác ái của người Việt.
Thúy Hằng
Thầy giáo tặng 2 tấn chuối cho người nghèo trong mùa dịch Covid-19
Biết sẽ có nhiều mảnh đời khó khăn trong thời gian cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19, một thầy giáo đã huy động được 2 tấn chuối, cùng với học trò của mình thu gửi lên TP.HCM tặng bà con.
2 tấn chuối Đồng Nai được gửi lên TP.HCM tặng bà con khó khăn - Phùng Hưng
Đó là thầy giáo Phùng Ân Hưng, trú phường 8, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đang là giáo viên vật lý Trường THPT An Đông, Q.5. Gia đình anh Hưng và vợ có đất trồng chuối ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Vừa để tiêu thụ nông sản giúp cho bà con, vừa làm việc có ích cho người nghèo, anh Phùng Ân Hưng đã thu mua được 2 tấn chuối của nhiều hộ ở Đồng Nai để tặng cho bà con khó khăn ở TP.HCM. Trước đó, anh cũng vận động nhiều mạnh thường quân tặng gạo cho bà con khó khăn trong mùa dịch này ở quê nhà.
Anh Hưng (bìa trái) tặng gạo cho bà con ở Đồng Nai... - NVCC
... và cùng vận chuyển chuối ra xe với mọi người - NVCC
Anh Phùng Ân Hưng cho hay một mình anh sẽ không thể làm được điều gì, giống như "một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân". Anh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, học trò ở Đồng Nai tới bà con, hàng xóm và những người trong gia đình. Đó còn là Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, các bạn trẻ đang là thủ lĩnh nhiều dự án vì cộng đồng, các tình nguyện viên hỗ trợ thùng đựng chuối, địa điểm tập kết chuối ở TP.HCM...
Trong khó khăn càng thấy rõ tình người
Hồi năm 2015-2017, anh Phùng Ân Hưng về huyện Trảng Bom, dạy ở Trường THPT Văn Lang, hơn 2 năm sinh sống và làm việc tại đây đã giúp anh kết nối với nhiều đồng nghiệp, học trò. "Tôi về quê nêu kế hoạch hỗ trợ bà con nghèo ở TP.HCM trong mùa dịch Covid-19 gặp khó khăn, thiếu thốn, những đồng nghiệp, học trò cũ của tôi ai cũng chung tay.
Thầy hiệu trưởng Trường THPT Văn Lang - nơi tôi dạy trước đây - đã kêu gọi bạn bè bạn hữu đường xa, họ vận chuyển chuối giúp từ Đồng Nai tới TP.HCM, mỗi chuyến chỉ nhận đủ tiền xăng. Rồi các học trò xúm vào phụ cắt chuối, khuân vác. Nhiều bà con bán chuối cho tôi giá rẻ, có người tặng luôn. Chưa lúc nào như lúc này, trong khó khăn tôi càng cảm nhận được tấm lòng bao la bác ái của người Việt", anh Phùng Ân Hưng bộc bạch.
Bạn trẻ ở Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM nhận chuối để chuẩn bị phát cho người nghèo - Ảnh Phạm Linh
Sáng nay, 8.4, các quận, huyện trong TP.HCM đã bắt đầu tiếp nhận vật phẩm để hỗ trợ kịp thời cho người dân và các đội hình tình nguyện - Ảnh Phạm Linh
Chị Phạm Thị Thảo Linh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, cho biết tới sáng 7.4, Hội đã nhận 2 tấn chuối do thầy giáo Phùng Ân Hưng và bà con, học trò gửi hỗ trợ bà con khó khăn. Bên cạnh đó còn là gạo, mì, nước chấm, trứng gà, nước tinh khiết, đồ nêm, trà... của các đơn vị ủng hộ.
Sáng nay, 8.4, các quận, huyện trong TP.HCM đã bắt đầu tiếp nhận vật phẩm để hỗ trợ kịp thời cho người dân cũng như các đội hình tình nguyện. Theo đó, mỗi người dân khó khăn sẽ nhận được 10 kg gạo, 10 gói mì, 1 chai nước chấm, vỉ 6 trứng gà, 2 khẩu trang vải và trái cây... "Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM trân trọng cảm ơn tấm lòng của các tập thể, cá nhân tham gia đồng hành. Cùng nhau, chúng ta nhất định không để ai lại phía sau", chị Linh nói.
Thúy Hằng
Đắk Lắk: "ATM gạo nghĩa tình" giúp người nghèo trong dịch Covid-19 Hàng trăm người nghèo tại Đắk Lắk đã được nhận gạo miễn phí từ chiếc máy "ATM gạo nghĩa tình". Chiếc máy này sẽ hoạt động liên tục từ nay đến ngày 30/4. Sáng 13/4, Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Ban quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty Du lịch...