Những câu nói bất hủ của vĩ nhân Nelson Mandela
“Cây bao báp đại thụ” Nelson Mandela đã ngã xuống, nhưng những câu nói bất hủ của ông sẽ còn mãi với thời gian và nhân loại.
Ngày 6/12, sau khi cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, đảng Quốc gia Phi châu (ANC) cầm quyền ở Nam Phi tuyên bố: “Cây bao báp đại thụ đã ngã xuống nhưng gốc rễ của nó vẫn sẽ ngàn đời nuôi dưỡng đất đai.”
Cây bao báp đại thụ, một hình ảnh rất phổ biến ở châu Phi chính là biểu tượng cho sức mạnh phi thường, ý chí đấu tranh vô hạn và lòng khoan dung bao la của người anh hùng dân tộc Nam Phi Mandeal, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc apartheid, một tượng đài của bình đẳng, công lý, hòa bình và hy vọng của hàng triệu người dân Nam Phi và trên khắp thế giới.
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Biểu tượng đó đã trở nên nổi tiếng trong lòng nhân loại với những câu nói bất hủ mang đậm tư tưởng chiến đấu đến cùng vì tự do và công lý cũng như lòng bao dung ngay cả đối với kẻ thù của Nelson Mandela. Chúng tôi xin dẫn lại những câu nói nổi tiếng đi vào lòng người của nhà lãnh đạo vĩ đại này.
Khi phải đối mặt với án tử hình tại tòa án của chính quyền apartheid Nam Phi năm 1964, Nelson Mandela khảng khái tuyên bố:
“Tôi đã dành trọn cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh này của nhân dân châu Phi. Tôi chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi đã ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi người chung sống hòa bình với những cơ hội công bằng. Đó là lý tưởng mà tôi vẫn hằng theo đuổi và mong muốn trở thành hiện thực. Và nếu cần, đó cũng chính là lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó.”
Sau khi được trả tự do sau 27 năm ngồi tù, Mandela đã phát biểu trước công chúng từ ban công của tòa thị chính Cape Town vào ngày 11/2/1990:
“Tôi chào đón các bạn nhân danh hòa bình, dân chủ và tự do cho tất cả mọi người. Tôi đứng đây trước mặt các bạn không phải với tư cách là một nhà tiên tri, mà với tư cách là một người đầy tớ khiêm nhường của các bạn, của nhân dân. Tôi đứng đây ngày hôm nay là nhờ những hy sinh đầy anh dũng và không biết mệt mỏi của các bạn. Bởi vậy tôi sẽ đặt hết những năm tháng còn lại của đời mình vào tay các bạn.”
Trong cuốn hồi ký Đường dài tới tự do (Long Walk to Freedom) của ông xuất bản năm 1994, Nelson Mandela bình luận về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc:
“Không ai sinh ra đã thù ghét người khác chỉ vì màu da hay xuất thân hoặc tôn giáo của người đó. Người ta bị học để thù ghét, và nếu họ có thể học được cách thù ghét thì họ cũng có thể học được cách yêu thương, vì tình yêu thương xuất phát một cách tự nhiên từ trái tim con người hơn là lòng thù hận.”
Nelson Mandela nói về tự do trong cuốn hồi ký:
Video đang HOT
“Để được tự do không đơn thuần chỉ là chặt đi xiềng xích của bản thân mà còn phải biết sống để tôn trọng và mang lại tự do cho những người khác.”
Về lòng can đảm:
“Tôi nhận ra rằng can đảm không có nghĩa là không sợ hãi, mà phải là chiến thắng nỗi sợ hãi. Tôi không thể nhớ hết những lần mình cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi đã tìm cách giấu nó đằng sau chiếc mặt nạ của lòng can đảm. Người đàn ông dũng cảm không phải là người không biết sợ hãi, mà là người có thể chinh phục được nỗi sợ.”
Lời phát biểu của ông về sự trở lại của Nam Phi trên vũ đài chính trị thế giới trong diễn văn nhậm chức ở Pretoria tháng 5/1994:
“Không bao giờ và sẽ không đời nào xứ sở xinh đẹp này lại phải tiếp tục trải qua những áp bức của giống người này với giống người khác và chịu đựng nỗi nhục của việc bị cả thế giới khinh bỉ nữa.”
Về những chiếc áo kiểu châu Phi của ông, tháng 8/1995:
“Tổng giám mục Tutu và tôi đã bàn về vấn đề này. Ông ấy bảo tôi: &’Ngài Tổng thống, tôi nghĩ ngài đã làm rất tốt mọi việc ngoại trừ cách ngài ăn mặc.’ Tôi trả lời con người mà tôi vô cùng kính trọng: &’Ồ, xin đừng đi vào một cuộc tranh luận không có hồi kết.’”
Phát biểu của ông về tương lai của nền dân chủ tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/1998:
“Khi tôi trở về và nằm lại Qunu, tôi vẫn sẽ nuôi hy vọng rằng sẽ có những nhà lãnh đạo mới ở đất nước và khu vực chúng tôi, trên lục địa châu Phi và trên thế giới không cho phép việc con người bị tước bỏ quyền tự do như chúng tôi đã từng phải chịu đựng, việc người dân phải trở thành những người tị nạn và bị tước bỏ nhân phẩm như chúng tôi đã từng trải qua.”
Về cuộc tấn công do Mỹ cầm đầu vào Iraq, tháng 9/2002:
“Chúng tôi thật sự giận dữ khi một quốc gia, dù là một siêu cường hay một nước nhỏ, vượt quá khuôn khổ của Liên Hợp Quốc và tấn công và các quốc gia độc lập khác. Không quốc gia nào được phép bẻ cong luật pháp quốc tế bằng bàn tay của mình.”
Phát biểu của ông về cái chết trong một bộ phim tài liệu về Mandela được đề cử giải Academy năm 1996:
“Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người hoàn thành những gì mà anh ta cho là nghĩa vụ phải làm đối với nhân dân và đất nước, người đó có thể được yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã nỗ lực làm được điều đó, bởi vậy tôi sẽ thanh thản yên giấc ngàn thu.”
Theo Telegraph
Thế giới tiếc thương người con ưu tú Nelson Mandela
Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới đã bày tỏ tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, một trong những nhân vật chính trị xuất chúng trong thế kỷ 20.
Biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã ra đi.
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi nhận được tin về cái chết của ông Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự thương tiếc với người mà ông ca ngợi là có "phẩm giá, tính kiên cường" và "hy sinh cả tự do của mình để giành lại tự do cho người khác".
"Hôm nay ông ấy đã đi xa và chúng ta mất đi một trong những người có ảnh hưởng nhất, can đảm và tốt đẹp nhất. Ông không còn ở bên chúng ta nữa mà đã trở thành người thiên cổ", Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thủ tướng Anh David Cameron cũng lên tiếng ca ngợi người con xuất chúng của dân tộc Nam Phi.
"Nhiều người trên thế giới đã chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh vì nhân phẩm, sự công bằng và tự do cho người khác của ông", ông Ban Ki-moon nói.
"Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt... Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng ta. Tôi đã yêu cầu treo cở rủ tại số 10 (phố Downing - Dinh Thủ tướng Anh)", Thủ tướng Anh viết trên trang Twitter cá nhân.
Phát biểu trên đài Fairfax, Thủ tướng Australia Tony Abbott ca ngợi ông Nelson Mandela là một con người thực sự vĩ đại. "Nelson Mandela là người khai sinh một Nam Phi hiện đại. Đó là nhân vật thực sự vĩ đại.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người lãnh đạo nước Mỹ cùng thời điểm ông Mandela nắm quyền tại Nam Phi, khẳng định "lịch sử sẽ ghi nhớ Nelson Mandela là chiến sĩ đấu tranh vì phẩm giá và quyền tự do con người, vì hòa bình và hòa giải".
Còn ông Goodluck Jonathan, Tổng thống Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, gọi ông Mandela là "biểu tượng của nền dân chủ thật sự... là nguồn cảm hứng cho nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới".
Tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ca ngợi ông Mandela là "nhà lãnh đạo vĩ đại... chỉ lối cho những người chiến đấu vì công bằng xã hội và hòa bình trên toàn thế giới".
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bày tỏ sự tôn kính ông Mandela, coi ông là "người cha của Nam Phi... động lực cho nền tự do và hòa giải".
Trước đó vào đêm qua theo giờ Việt Nam, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã công bố thông tin về sự ra đi của ông Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và là một trong những nhân vật chính trị xuất chúng trong thế kỷ 20.
"Ông ấy đã yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Dân tộc chúng ta đã mất đi một người con vĩ đại", Tổng thống Jacob Zuma nói.
Người con xuất chúng của dân tộc Nam Phi và người anh hùng của hàng triệu người dân trên thế giới đã qua đời ở tuổi 95 sau hơn 3 tháng được điều trị tích cực trong bệnh viện.
Ông trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994 sau 27 năm trong tù. Ông là một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng nhất thế giới, người đã dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi, thay thế nó bằng một nền dân chủ đa chủng tộc.
"Tôi ca tụng lý tưởng dân chủ và xã hội tự do, nơi mọi người chung sống hòa hợp và có các cơ hội như nhau. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng được sống vì nó, sống để tạo dựng nó. Nhưng nếu cần, thì tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó", một câu nói nổi tiếng của ông khi dẫn dắt dân tộc Nam Phi bước qua bùn đen của chế độ Apartheid.
Sau khi rời khỏi chức tổng thống vào năm 1999, Mandela trở thành đại sứ nổi danh nhất của Nam Phi vận động chống lại HIV/AIDS và giành về cho nước ông quyền đăng cai Giải bóng đá thế giới World Cup 2010.
Ông cũng tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và các nước châu Phi khác.
Ông rời chính trường vào năm 2004 khi bước sang tuổi 85 cũng với một câu nói nổi tiếng: "Đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi cho quý vị". Thế nhưng trái tim ấy, khối óc ấy và con người vĩ đại ấy từ nay đã mãi mãi không thể gọi cho chúng ta.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Nhầm Mandele qua đời, Bush cha chia buồn Sự bất cẩn của trợ lý đã khiến cựu Tổng thống Bush "cha" mắc phải sai lầm ngớ ngẩn khi vội vàng chia buồn về "cái chết" của ông Nelson Mandela. Ngày 1/9, người phát ngôn của cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha) đã phải xin lỗi sau khi phạm phải một "sai lầm ngớ ngẩn" khiến ông này ra...