Những câu hỏi lớn sau vụ thảm sát ở Pháp
Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo đang đặt ra một loạt câu hỏi cũng như thách thức lớn đối với chính phủ Pháp và nhiều nước phương Tây, nhất là trong việc đảm bảo an toàn trước nguy cơ khủng bố đang liên tục “thay hình đổi dạng”.
Giới chức Pháp hiện đang truy lùng 2 nghi phạm của vụ tấn công.
Bất ngờ, choáng váng rồi lo sợ là những cảm giác chung nhất mà người dân Pháp và châu Âu đang trải qua sau khi xảy ra vụ xả súng kinh hoàng nhằm vào tòa soạn của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris ngày 7/1, làm 12 người thiệt mạng.
Trong vụ tấn công này, các tay súng đã hành động rất chuyên nghiệp, từ cách ăn mặc, vũ trang, cách thức di chuyển, hành động đến ngôn từ giao tiếp. Các tay súng khủng bố hành động nhanh, gọn, cực kỳ bình tĩnh và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật trong từng hành động. Đặc biệt, chúng sử dụng vũ khí rất thành thạo, lạnh lùng, điểm xạ chính xác và yểm trợ cho nhau chặt chẽ.
Việc các tay súng có thể tiến hành vụ tấn công khủng bố chuyên nghiệp ngay giữa lòng châu Âu như ở chỗ không người rồi sau đó rút lui nhanh gọn khiến cả thế giới giật mình. Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh nhận định vụ xả súng khác hoàn toàn so với bất cứ vụ khủng bố nào từng xảy ra trên lãnh thổ các nước phương Tây. Chính phủ nhiều nước cũng đã lên tiếng phản đối vụ tấn công tàn bạo nhằm vào tòa báo, coi đây là hành động không thể biện minh dưới mọi hình thức.
Một cuộc truy bắt thủ phạm đang được cảnh sát Pháp ráo riết tiến hành với khoảng 300 nhân viên được tung vào cuộc. Tuy nhiên vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đang làm đau đầu giới chức Pháp và các nước phương Tây.
Thứ nhất, tổ chức nào đứng sau các tay súng?
Video đang HOT
Xuất phát từ những nhận định ban đầu, có thể nhận thấy cuộc tấn công chắc chắn phải có sự trợ giúp đắc lực của một tổ chức khủng bố nước ngoài. Trong bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại những cá nhân hay tổ chức cực đoan có tư tưởng chống lại chính phủ. Ở Pháp cũng vậy. Tuy nhiên, những cá nhân hay nhóm người này chỉ có thể tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ. Để có thể thực hiện vụ tấn công “bài bản” như trên, chắc chắn các tay súng phải nhận được sự huấn luyện và chỉ đạo cặn kẽ, thông qua mạng hoặc trực tiếp. Ngoài ra, họ còn phải tuân thủ chặt chẽ bản kế hoạch tấn công được lên chi tiết đến từng phút.
Thứ hai, phải chăng vụ việc có liên quan đến vai trò của Pháp trong liên minh quốc tế chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng do Mỹ phát động và cầm đầu?
Sau hơn 8 tháng trỗi dậy đầy tàn bạo và mở rộng mạnh phạm vi kiểm soát cũng như phương thức hoạt động, hiện IS chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở Iraq, Syria và một số nước ở Trung Đông có lãnh thổ bị chúng chiếm giữ. Nhưng điều đó không có nghĩa IS không kích động những phần tử cực đoan ở các nước ra tay hành động. Vụ bắt cóc con tin ở Úc cách đây một tháng và vụ xả súng ở thủ đô Ottawa của Canada trước đó là những ví dụ điển hình.
Theo nhận định của một số chuyên gia, các tay súng IS hoàn toàn có thể “chỉ đạo từ xa” cho những phần tử cực đoan đang sống trong lòng các nước châu Âu hoặc những kẻ muốn gia nhập hàng ngũ IS nhưng chưa có cơ hội. Cũng không loại trừ khả năng, những kẻ thực hiện vụ tấn công được IS phái về từ Iraq hoặc Syria sau một thời gian “đầu quân” cho lực lượng cờ đen này.
Vì thế, việc IS đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều thành phần cực đoan trên khắp thế giới và đang có trong tay khoảng 20.000 chiến binh nước ngoài đang trở thành những thách thức lớn đối với chính phủ tất cả các nước.
Thứ ba, vụ tấn công có liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda hay ko?
Nghi vấn này nổi lên xuất phát từ lời khai của các nhân chứng nói rằng thủ phạm vụ xả súng nói tiếng Pháp rất trôi chảy. Một tên còn tự nhận là thành viên của al-Qaeda và đến từ Yemen.
Sau khi IS nổi lên và thâu tóm hầu hết các nhóm thánh chiến cực đoan, các thủ lĩnh al-Qaeda đã phải đánh giá lại vai trò của mạng lưới này. Là “cha đẻ” của IS, rõ ràng al-Qaeda không muốn bị “đứa con hư” liên tục vượt mặt. Vì thế, theo nhận định của cựu quan chức CIA và là chuyên gia chống khủng bố Patrick Skinner, rất có thể al-Qaeda đã tiến hành cuộc tấn công táo bạo ngay tại “thủ đô ánh sáng” của nước Pháp để lấy lại hình ảnh của mình trong cộng động thánh chiến cực đoan thế giới. “Cách thức lên kế hoạch, triển khai và đặc biệt là mục đích tấn công của al-Qaeda khác với IS”, ông Patrick Skinner nói.
Đối chiếu với những hoạt động gần đây của al-Qaeda, nhận định của ông Patrick Skinner rất đáng để suy ngẫm. Trong nhiều tháng qua, al-Qaeda không chỉ củng cố quan hệ với Mặt trận Jabhat al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda ở Syria, mà còn kết nối chặt chẽ với nhánh al-Qaeda tại Bán đảo Arabia (AQAP). Vì thế, không loại trừ khả năng al-Qaeda đã ra lệnh cho hệ thống “chân rết” ở châu Âu lên tiến hành vụ xả súng ở Paris.
Bấy lâu nay, các chỉ huy tình báo của phương Tây vẫn lo ngại nguy cơ IS và al-Qaeda sẽ tiến hành các vụ tấn công khủng bố ngay tại “sân nhà” của họ. Mối quan ngại này ngày càng đè nặng sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố gần đây ở nhiều nước phương Tây. Vì thế, nước Pháp hiện nay không chỉ phải nhanh chóng tỉm ra thủ phạm xả súng và thế lực đứng sau nhóm người này, mà còn phải tăng cường đối phó với những thách thức an ninh nhiều mặt đã “xông thẳng” đến thủ đô của nước Pháp, trái tim của châu Âu.
Đức Vũ
Theo Dantri
Cặp vợ chồng Pháp-Nhật mất tích bí ẩn trên vùng đất của IS
Một cặp vợ chồng quốc tịch Pháp và Nhật Bản đã bị mất tích sau khi rời thủ đô Tokyo hồi tháng trước để đến thăm các vùng đất do tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng kiểm soát.
Nhiều người đã bị IS giết hại ở những vùng đất do lực lượng này kiểm soát.
Hãng AFP của Pháp dẫn các nguồn tin cho biết người chồng quốc tịch Pháp gốc Algeria, còn vợ là người Nhật Bản. Cả hai cùng là người Hồi giáo và còn rất trẻ, khoảng trong độ tuổi 20.
Trước khi rời Tokyo, cặp đôi này chia sẻ với các nhà chức trách Nhật Bản rằng họ muốn tới các vùng đất do IS kiểm soát để tham gia hoạt động "cứu trợ nhân đạo" và sẽ không tham gia bất kỳ hoat động chiến đấu nào.
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan an ninh Nhật Bản, các quan chức liên quan của hai chính phủ Pháp và Nhật Bản đều đã ra sức can ngăn ý định của cặp vợ chồng trên. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, cặp đôi vẫn quyết định rời Nhật Bản sang Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó tìm cách đến một thị trấn gần biên giới với Syria. Kể từ đó, các cơ quan chức năng hai nước không biết thêm bất kỳ thông tin gì về cặp vợ chồng trên.
Hiện chính quyền Tokyo đang cố gắng lần theo cung đường di chuyển của cặp vợ chồng trẻ để tìm kiếm họ và không loại trừ khả năng có thể cả hai đã tới khu vực do IS kiểm soát, lực lượng hiện đang chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) vừa công bố số liệu cho thấy từ tháng 6 tới nay, IS đã sát hại gần 2.000 người ở Syria, chủ yếu là dân thường.
IS thường ghi lại cảnh sát hại các nạn nhân hoặc con tin rồi tung lên mạng Internet để gieo rắc hoảng loạn trong dân chúng và các tổ chức chống đối, gây áp lực đối với chính phủ Iraq, Syria và liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu, cũng như tạo ấn tượng thu hút các phần tử cực đoan trên thế giới tới đầu quân cho lực lượng này.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
IS hành quyết gần 2.000 người tại Syria trong 6 tháng qua Cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết trong 6 tháng qua, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã sát hại 1.878 người tại Syria, gồm phần lớn là dân thường. Con số này vượt xa số người chết trong cuộc nội chiến Syria năm 2011. Các tay súng IS thản nhiên hành quyết các nạn nhân trên...