Những câu hỏi khó cho Tổng thống Trump sau cuộc không kích Syria
Cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu với sự hỗ trợ của Anh và Pháp nhằm vào các mục tiêu bị nghi là cơ sở vũ khí hóa học của Syria hôm 14/4 đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho Tổng thống Donald Trump về chính sách với Damascus cũng như các vấn đề nội tại của Washington.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)
Chính sách của Mỹ với Syria?
Theo CNN, đây là câu hỏi đầu tiên và cũng là cơ bản nhất dành cho Tổng thống Donald Trump. Hai tuần trước khi cuộc không kích diễn ra, trong bài phát biểu tại bang Ohio, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ “rút khỏi Syria” trong thời gian “rất sớm”. Tuy nhiên, chính nhà lãnh đạo Mỹ sau đó đã phát lệnh tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn với hơn 100 tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu tại Syria, bao gồm cả ở thủ đô Damascus.
Vậy rốt cuộc, chính sách của chính quyền Trump đối với Syria là gì? Liệu có phải là buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời đi như chính sách của Mỹ trong những ngày đầu của cuộc nội chiến tại Syria dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama? Hay chỉ đơn giản là ông Trump muốn vạch ra một giới hạn đỏ cho Tổng thống Assad trong việc sử dụng vũ khí hóa học và không cần gì thêm nữa?
Câu trả lời cho những nghi vấn trên cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Khi Tổng thống Trump phát lệnh tấn công Syria, ông nhấn mạnh rằng cuộc không kích của liên quân chỉ nhắm mục tiêu tới các cơ sở vũ khí hóa học của Syria và cảnh báo chính quyền Assad về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đối với dân thường. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố sẽ không có giải pháp chính trị cho Syria chừng nào Tổng thống Assad vẫn còn nắm quyền.
Bảo vệ người dân Syria?
Ngoài việc không kích để đáp trả cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta khiến hàng chục người thiệt mạng hôm 7/4, liệu chính quyền Trump còn bất kỳ kế hoạch nào để bảo vệ người dân Syria trong cuộc chiến vốn đã tàn phá phần lớn đất nước này trong suốt 7 năm qua hay không? Gần nửa triệu người Syria đã chết trong cuộc chiến và vũ khí hóa học được cho là chỉ khiến một phần nhỏ thiệt mạng.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump, khi đó là ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, từng đôi lần đề cập tới ý tưởng thành lập các “vùng an toàn” cho dân thường Syria. Liệu sau cuộc không kích lần này, chính quyền Trump có thiết lập các vùng an toàn như vậy không, và nếu lập được thì chúng sẽ hoạt động như thế nào?
Nếu mở các khu vực an toàn, chính quyền Mỹ sẽ phải thiết lập các vùng cấm bay để ngăn cản hoạt động của không quân Syria. Washington cho rằng chính quyền Syria đang được hưởng ưu thế vượt trội trên bầu trời Syria và có thể tự do thả các loại vũ khí cũng như đạn dược xuống các khu vực. Ngoài ra, việc triển khai các vùng cấm bay có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình vì hiện có rất nhiều máy bay của Nga cũng đang hoạt động trên bầu trời Syria.
Bản đồ vị trí các máy bay và tàu chiến Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria hôm 14/4 (Ảnh: AP)
Video đang HOT
Người tị nạn Syria?
Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ quan ngại về con số thương vong của dân thường do vũ khí hóa học gây ra trong cuộc nội chiến tại Syria. Liệu mối quan ngại này có thể khiến nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi chính sách đối với người tị nạn Syria nhập cảnh vào Mỹ hay không? Hiện tại, chính quyền Trump vẫn đang cấm người tị nạn Syria nhập cảnh vào Mỹ, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Mối quan hệ với Nga?
Liệu cuộc không kích gần đây của Mỹ tại Syria có thể tạo ra bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga hay không? Ông Trump từng cảm thấy không thoải mái khi chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong những tuyên bố gần đây, ông đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn với nhà lãnh đạo Nga.
Trước cuộc họp với các quan chức quân sự tại Nhà Trắng hôm 9/4, khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hay không, Tổng thống Trump nói: “Ông ấy (Putin) có thể (phải chịu trách nhiệm). Và nếu thực sự ông ấy có liên quan tới vụ tấn công thì tình hình sẽ rất gay go đấy. Tất cả mọi người sẽ phải trả giá. Ông ấy cũng như vậy. Tất cả mọi người đều như vậy”.
Sau khi cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp diễn ra, Tổng thống Putin cũng đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Thẩm quyền của tổng thống?
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói rằng Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý để ra lệnh tấn công Syria với tư cách tổng tư lệnh quân đội theo Khoản 2 của Hiến pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý và nhiều nghị sĩ đã đặt ra nghi vấn về vấn đề này.
Theo nhiều nhà lập pháp, không giống việc tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kế hoạch tấn công nhằm vào các mục tiêu của chính quyền Syria chưa nhận được sự phê chuẩn của quốc hội. Tuy vậy, các đời tổng thống Mỹ gần đây đều có xu hướng coi nhẹ vai trò của quốc hội trong những vấn đề mà họ cho rằng ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia.
Đánh lạc hướng công chúng?
Cựu Tổng thống Bill Clinton từng ra lệnh tấn công các trại huấn luyện của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Afghanistan vào tháng 8/1988 để đáp trả hai vụ đánh bom nhằm vào hai đại sứ quán Mỹ tại châu Phi. Động thái này của ông Clinton bị nghi ngờ là nhằm chuyển hướng dư luận trong bối cảnh cựu tổng thống Mỹ đang vướng vào vụ bê bối tình ái với thực tập sinh Monica Lewinsky.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đang vướng vào nhiều vấn đề liên quan tới cá nhân ông, trong đó có vụ lùm xùm với ngôi sao phim khiêu dâm và một số phụ nữ khác. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cuộc không kích Syria có thể là cách để ông chuyển hướng dư luận như cựu Tổng thống Clinton.
Thành Đạt
Theo Dantri
Lý do Nga vẫn cần Mỹ tại Syria sau cuộc không kích gây chấn động
Bất kể thông điệp mà Mỹ muốn gửi tới Nga là gì sau cuộc không kích bằng hơn 100 quả tên lửa được lên kế hoạch từ trước nhằm vào Syria hôm 14/4, điều đó cũng không làm thay đổi bất kỳ tính toán nào của Điện Kremlin.
(Từ trái qua phải) Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại Sochi để bàn về vấn đề Syria năm 2017 (Ảnh: AFP)
Theo giới phân tích, Nga vẫn tin rằng Mỹ chưa có trong tay một giải pháp khả thi để kết thúc vấn đề Syria, và sự hiện diện của các lực lượng Mỹ trên 1/3 lãnh thổ Syria, cùng với các đồng minh của Washington, không nằm ngoài mục đích "ngáng đường". Sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp gần đây, Moscow sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ chiến dịch quân sự ngày càng thành công của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria.
Theo nhà báo Fred Weir của trang CS Monitor, mặc dù Nga có thể vẫn xem Mỹ như một "kẻ phá hoại" về quân sự tại Syria, song Moscow vẫn cần tới sự giúp đỡ của Washington để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này thông qua giải pháp ngoại giao. Điện Kremlin có thể sẽ tiếp tục theo đuổi một tiến trình hòa bình mà họ bắt đầu từ năm ngoái với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, và không tính đến vai trò của Mỹ cũng như các đồng minh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiến trình này không mấy suôn sẻ.
Thực tế trên đồng nghĩa với việc các bên sẽ phải quay trở lại với tiến trình Geneva, trong đó có sự tham gia trực tiếp của phương Tây. Trước đó, các cuộc hòa đàm do Liên Hợp Quốc bảo trợ từng nhiều lần được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm tìm kiếm một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Syria.
"Một điều ngày càng rõ ràng đó là, sẽ không có giải pháp khả thi cho vấn đề Syria nếu không có sự thống nhất và hợp tác trực tiếp giữa Nga và Mỹ", Vladimir Sotnikov, chuyên gia độc lập về Trung Đông, nhận định.
Tránh xung đột quân sự
Tên lửa bay trên bầu trời thủ đô Damascus của Syria trong cuộc không kích hôm 14/4 (Ảnh: AP)
Theo các nhà phân tích, Nga thực sự nghiêm túc khi tuyên bố sẽ đáp trả các tàu chiến Mỹ trên Địa Trung Hải hoặc các khí tài phóng tên lửa khác của Mỹ nếu có bất kỳ công dân nào của Nga gặp nguy hiểm do vũ khí Mỹ. Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo Nga hãy "sẵn sàng" vì tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của Mỹ sắp bay tới Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những tuyên bố cứng rắn giữa Nga và Mỹ rốt cuộc chỉ dừng lại ở lời qua tiếng lại.
Các nhà phân tích có liên hệ với Điện Kremlin nói rằng các nhóm hòa giải quân sự của Nga và Mỹ đã âm thầm hợp tác với nhau tại Syria trong suốt nhiều tháng để đảm bảo rằng các hệ thống phòng không của Nga không được triển khai vào đêm xảy ra cuộc không kích, cũng như không tên lửa hành trình nào của Mỹ bay đến gần các căn cứ của Nga tại Syria.
"Phản ứng chính thức của Nga (sau vụ không kích) chỉ là lên án cuộc tấn công trái phép và sai lầm (của Mỹ, Anh, Pháp). Cuộc tấn công diễn ra trước khi nhóm các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) bắt đầu làm nhiệm vụ tại khu vực nghi xảy ra cuộc tấn công hóa học ở thị trấn Douma. Việc nhà lãnh đạo Mỹ không chờ các thanh sát viên hoàn thành nhiệm vụ là dấu hiệu cho thấy họ muốn đưa ra một tuyên bố bằng quân sự, và không muốn nó bị phủ bóng bởi bất kỳ kết luận nào của các thanh sát viên", Pavel Zolotaryev, phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ - Canada (ISKRAN), nhận định.
"May mắn là cả Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Nga đều đã có sự kết nối gần gũi và đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không phát sinh bất kỳ rắc rối nào. Do vậy, cuộc tấn công chủ yếu là hành động mang tính chính trị và biểu tượng. Mặc dù vậy, nó vẫn đẩy mối quan hệ Nga - Mỹ, vốn đã rất tệ, vào những căng thẳng mới", ông Zolotaryev nói thêm.
Một quan chức quân sự cấp cao của Nga cho biết Moscow có thể trang bị cho Syria hệ thống phòng không hạng hai của Nga là S-300 để ngăn chặn bất kỳ cuộc không kích nào có thể xảy ra ra của Mỹ và các đồng minh trong tương lai.
Vai trò ngoại giao của Mỹ
Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Một câu hỏi lớn hơn đặt ra cho Syria là liệu Nga và Mỹ có thể hợp tác với nhau và mang lại một giải pháp chính trị kéo dài cho cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm tại quốc gia Trung Đông này hay không. Các chuyên gia cho rằng "Tiến trình hòa đàm Astana" do Nga dẫn đầu vẫn chưa thực sự hiệu quả. Astana là thủ đô của Kazakhastan, nơi diễn ra các cuộc đàm phán do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ nhằm lập lại hòa bình cho Syria.
"Tình hình quân sự tại Syria hiện đã tốt hơn nhiều so với một năm trước đây. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc hội đàm với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, một giải pháp chính trị vẫn là điều xa vời. Mối quan hệ giữa Nga với hai đối tác là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn rất khó khăn. Ông Putin dành nhiều nỗ lực để giữ mối quan hệ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn đi đúng hướng, nhưng điều đó rõ ràng không đơn giản", Fyodor Lukyanov, biên tập viên của tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu tại Moscow, cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ra thông cáo ủng hộ cuộc không kích bằng tên lửa vào cuối tuần trước của Mỹ, trong khi Iran dường như thất vọng với việc Nga không thể ngăn chặn cuộc tấn công này xảy ra, theo ông Lukyanov.
Đây là một trong những lý do khiến Mỹ và các nước phương Tây cần được đưa trở lại tiến trình hòa bình nhằm cân bằng nhu cầu của tất cả các bên có liên quan trong khu vực. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không dễ khi cả Nga và Mỹ đều có những chiến dịch quân sự riêng tại Syria.
"Mọi thứ chắc chắn sẽ phức tạp hơn sau vụ không kích. Nga hiện vẫn lo lắng rằng cuộc không kích này có thể sẽ tái diễn vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, Nga và Mỹ vẫn đang có sự kết nối khá hiệu quả tại Syria, do vậy vẫn còn hy vọng rằng bức tranh ảm đạm có thể sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn", chuyên gia Sotnikov nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Trung tâm khoa học Syria bị san phẳng chỉ nghiên cứu thuốc trị ung thư? Trung tâm khoa học Barzeh bị Mỹ và đồng minh không kích cuối tuần qua chỉ là một trung tâm nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị ung thư, Press TV dẫn nhân viên của trung tâm này cho biết. Trung tâm nghiên cứu Barzeh bị san phẳng sau cuộc không kích. (Ảnh: AP) Mỹ và đồng minh Anh, Pháp rạng sáng...