Những câu hỏi còn bỏ ngỏ của thương vụ Elon Musk mua Twitter
Ai sẽ điều hành Twitter sau khi Musk thâu tóm công ty? Musk sẽ nắm bao nhiêu quyền kiểm soát Twitter? Hoạt động của Tesla có bị ảnh hưởng hay không?
Ban quản trị Twitter đã chấp nhận đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ USD từ tỷ phú Elon Musk. Không rõ người giàu nhất hành tinh định làm gì với nền tảng mạng xã hội này. Theo thỏa thuận, ông Musk sẽ trả 54,2 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt cho Twitter.
Trong tuyên bố ngày 25/4, Twitter cho biết ông Musk sẽ chi 21 tỷ USD tiền mặt và 25,5 tỷ USD vay tín dụng để mua lại công ty. Theo CNBC, nhiều câu hỏi về tương lai của Twitter vẫn bỏ ngỏ. Người dùng, nhân viên, nhà đầu tư và chính trị gia đều muốn biết nhiều hơn về thương vụ này.
Ai sẽ dẫn dắt công ty?
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà Twitter phải đối mặt đó là ông Musk sẽ bổ nhiệm ai làm CEO mới. CEO hiện tại, Parag Agrawal, mới điều hành công ty 5 tháng sau khi kế nhiệm đồng sáng lập Jack Dorsey. Khi Musk mua lại 9% cổ phần Twitter và từ chối gia nhập Hội đồng quản trị, ông Agrawal đã cảnh báo về “sự phân tâm phía trước”. CNBC dự báo dường như cặp đôi khó có thể đi cùng nhau trong tương lai.
Ai sẽ nằm trong Ban quản trị?
Ban quản trị do đồng CEO Salesforce Bret Taylor dẫn đầu đã áp dụng chiến thuật “uống thuốc độc” để tránh bị “thôn tính thù địch” từ ông Musk. Tuy nhiên, sau cùng, Twitter vẫn đồng ý bán mình cho CEO Tesla.
Ông Musk có một danh sách dài ứng viên hỗ trợ trên hành trình với Twitter. Vị tỷ phú và Dorsey có vẻ là cặp bài trùng.
Video đang HOT
Musk sẽ kiểm soát tới mức nào?
Theo Twitter, công ty được một pháp nhân do ông Musk sở hữu toàn bộ mua lại. Dù vậy, chưa rõ tỷ phú sẽ kiểm soát Twitter đến đâu. Hiện nay, Elon Musk đang là CEO Tesla và SpaceX, chưa kể startup Neuralink và The Boring Company.
Liệu ông có theo bước Jeff Bezos với tờ The Washington Post và ủy quyền cho một nhóm độc lập điều hành công ty? Hay sẽ trực tiếp quản lý Twitter?
Twitter sẽ ra sao?
Elon Musk thường huy động ý kiến cộng đồng trên Twitter, chẳng hạn hỏi 83 triệu người theo dõi có muốn Twitter bổ sung nút “chỉnh sửa” hay không. Ông có ra quyết định dựa trên những gì người dùng mong muốn?
Trong thông cáo báo chí, Elon Musk khẳng định tự do ngôn luận là thành phần quan trọng của nền dân chủ và Twitter là “quảng trường số”, nơi các vấn đề của tương lai nhân loại được tranh luận. Ông muốn làm cho Twitter trở nên tốt hơn bằng những tính năng mới, biến thuật toán thành nguồn mở, đánh bại các bot spam…
CEO Tesla định nghĩa tự do ngôn luận là gì? Trong một tweet ngày 25/4, ông viết: “Tôi hi vọng ngay cả những chỉ trích tồi tệ nhất của tôi vẫn được giữ lại Twitter vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận”.
Ông có để cho mọi người ở lại Twitter? Quản trị nội dung là công việc cần thiết khi muốn giữ một mạng xã hội không trở thành “đống lửa hoang”.
Ông Trump có quay trở lại?
Cựu Tổng thống Mỹ đã bị Twitter cấm vào đầu năm 2021 sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Ông Musk bày tỏ quan điểm không ủng hộ chính sách kiểm duyệt của Twitter.
Trả lời CNBC ngày 25/4, ông Donald Trump khẳng định sẽ không quay lại Twitter, ngay cả khi Elon Musk lật ngược lệnh cấm, do thất vọng với cách Twitter đối xử với mình.
Số phận của người lao động?
Khi đưa Twitter từ công ty đại chúng thành công ty tư nhân, ông Musk phải xác định cơ cấu tiền lương mới. Các khoản thưởng cổ phiếu không còn giá trị. Chúng có thể được thay thế bằng hình thức khác hay không?
Ngành công nghệ đang trong tình trạng “chảy máu chất xám” trầm trọng. Nhà tuyển dụng gặp áp lực hơn bao giờ hết nhằm giữ chân nhân tài. Trong các điều kiện hiện nay, nhân viên có gắn bó với Twitter không và có lý do gì để những người mới ứng tuyển vào đây? Musk sẽ giữ lại ai? Nếu ông loại bỏ quản trị nội dung, rất nhiều nhân viên không còn quan trọng nữa.
Các nhà đầu tư của Tesla
Những người hi vọng Tesla chạm mốc vốn hóa nghìn tỷ USD sẽ phải trông đợi vào ma thuật của Elon Musk. Dù vậy, hiện nay ông có quá nhiều thứ phải quan tâm. Điều này phần nào khiến cổ đông lo lắng, phản ánh vào giá cổ phiếu Tesla những ngày qua. Cổ phiếu hãng xe điện giảm nhẹ trong ngày 25/4 và đã giảm 2,3% kể từ khi Musk công bố ý định mua lại Twitter ngày 14/4.
Elon Musk chốt mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD
Thỏa thuận bán cho Elon Musk sẽ biến Twitter thành công ty sở hữu tư nhân.
Ngày 25/4, Twitter công bố thỏa thuận bán cho tỷ phú Elon Musk với giá 44 tỷ USD. Nền tảng mạng xã hội với hàng trăm triệu người dùng, bao gồm lãnh đạo nhiều quốc gia sẽ được kiểm soát bởi tỷ phú giàu nhất thế giới.
Theo Reuters, cuộc đàm phán giữa Musk với ban lãnh đạo Twitter diễn ra tích cực trong ngày 24/4. Trước đó, vị tỷ phú đã thuyết phục các cổ đông Twitter khi trình bày chi tiết về thương vụ, bao gồm kế hoạch hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng lớn.
Elon Musk đạt thỏa thuận mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD.
Hội đồng quản trị Twitter đồng ý bán công ty cho Musk với giá 54,20 USD/cổ phiếu, cao hơn 38% so với giá cổ phiếu trong phiên giao dịch đóng cửa vào 1/4, một ngày trước khi Musk tiết lộ sở hữu 9,2% cổ phần tại công ty.
CEO Tesla từng chỉ trích Twitter, cho rằng mạng xã hội không có tự do ngôn luận. Sau khi từ chối gia nhập hội đồng quản trị, Musk đề nghị mua lại toàn bộ Twitter. Trong tuyên bố chính thức, vị tỷ phú cũng nhắc đến chủ đề này.
"Tự do ngôn luận là cách nền dân chủ vận hành. Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng với tương lai của nhân loại được tranh luận... Twitter có tiềm năng lớn. Tôi muốn hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai phá tiềm năng ấy", Musk cho biết. Sau khi thương vụ được công bố, cổ phiếu Twitter tăng khoảng 6%.
Theo Bloomberg, thương vụ mua lại Twitter của Musk dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Vị tỷ phú sẽ chi 21 tỷ USD tiền mặt để thanh toán 1/2 thương vụ, 25,5 tỷ USD còn lại huy động từ vay tín dụng và hỗn hợp nợ để mua cổ phiếu.
Thỏa thuận cũng chấm dứt hoạt động của Twitter với tư cách công ty đại chúng từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu năm 2013. Trở thành công ty tư nhân được xem là bước ngoặt với một doanh nghiệp khởi đầu là dịch vụ nhắn tin, sau đó phát triển thành một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Twitter thu hút sự chú ý của các chính trị gia, người nổi tiếng và nhà báo. Nền tảng này cũng sánh ngang Facebook và YouTube, các đại diện tiêu biểu của thế hệ Web 2.0. Musk là một trong những người dùng Twitter nổi bật với hơn 83 triệu người theo dõi.
Elon Musk từng gây chú ý với hàng loạt bài đăng trên Twitter.
Từ khi ra đời năm 2006, Twitter trải qua nhiều khủng hoảng, gồm đợt biến động khiến đồng sáng lập Jack Dorsey sớm rời công ty trước khi trở lại vào năm 2015. Sau khi chào bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng, Twitter từng có ý định bán mình vào năm 2016, một số công ty đã quan tâm như Walt Disney và Salesforce.
Năm 2020, một quỹ đầu tư kêu gọi Dorsey từ chức, cho rằng ông ít quan tâm đến Twitter khi đồng thời điều hành công ty thanh toán trực tuyến Square. Đó là một phần nguyên nhân khiến Dorsey rời công ty lần thứ hai vào năm 2021 để tập trung vào Square (đã đổi tên thành Block).
Twitter từng ngăn chặn đề xuất thâu tóm của Musk bằng cách áp dụng chiến thuật phòng thủ "thuốc độc", nhằm giảm giá trị từng cổ phiếu bằng cách tăng tổng số cổ phiếu, gây khó khăn cho tổ chức hoặc cá nhân muốn mua toàn bộ công ty. Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra khi Musk trình bày kế hoạch hỗ trợ tài chính cho thương vụ bởi 12 ngân hàng do Morgan Stanley đứng đầu. Chỉ vài ngày sau, Musk gặp gỡ ban lãnh đạo Twitter và đạt thỏa thuận.
Reuters: Twitter chấp nhận bán mình cho Elon Musk Mạng xã hội này có thể công bố thỏa thuận bán cho Elon Musk vào ngày 25/4 (giờ Mỹ). Theo Reuters, Twitter gần đạt thỏa thuận bán mình cho Elon Musk với giá 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương 43 tỷ USD. Đó là con số được tỷ phú đưa ra trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ...