Những cặp song sinh được sinh ra lần nữa
Song sinh dính nhau là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều cặp song sinh như thế đã được các bác sĩ phẫu thuật tách rời thành công. Đằng sau những ca mổ đó có nhiều câu chuyện cảm động chưa kể mà bản thân những người trong cuộc không thể nào quên.
Một buổi chiều đầu tháng 8/2012 tại Sài Gòn rực nắng, giáo sư Fujimoto Burno mang chậu cây Aogiri do các em học sinh từ một trường tiểu học trồng trao tận tay Nguyễn Đức: “Quà từ Nhật Bản này con trai”.
Khúc ruột Việt Nam
Chiều muộn, căn nhà nhỏ xíu của vợ chồng anh Nguyễn Đức và chị Thanh Tuyền trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Điện Biên Phủ rộn rã tiếng cười nói. Phú Sĩ và Anh Đào ngồi sà xuống bên cạnh ông nội Fujimoto Burno hồi hộp chờ ông mở những món quà bọc cẩn thận được lôi ra từ trong chiếc túi. Sau khi ôm hôn những đứa cháu nhỏ của mình, giáo sư Fujimoto Burno lôi trong túi đồ mang theo một chiếc áo còn mới, mặc vào, ngắm mình thật chỉnh tề rồi lên lầu, khấn thật lâu trước bàn thờ của anh Việt. Với giáo sư Fujimoto Burno từ mấy chục năm nay, những chuyến đi tới Việt Nam bao giờ cũng ấm áp như thế. Bởi vì ông có khúc ruột của chính mình ở Việt Nam: anh em Việt và Đức.
… Năm 1985, giáo sư Fujimoto Burno khi đó có nghe đài truyền hình Nhật Bản phát một phóng sự về hai em nhỏ bị chất độc da cam tại Hà Nội, Việt Nam. Hình ảnh đau đớn đó cộng với những kỷ niệm về thời sinh viên trai trẻ thường xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, đã thôi thúc ông quyết định sẽ sang Việt Nam du học để có thể gặp hai cô bé. Nhưng khi ông vừa tới Hà Nội thì cũng là lúc hai cô bé bất hạnh đó vừa qua đời. Cảm giác mình đã đến muộn khiến ông thấy có lỗi ghê gớm. Cùng lúc đó, thông tin về cặp song sinh Việt – Đức dính nhau lan đi. Khi biết được, ông lập tức đón tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Video đang HOT
Bố con anh Đức (bìa phải), ông Fujimoto Burno (bìa trái) cùng những người bạn bên chậu cây Aogiri đến từ Nhật Bản
“Ngồi trên tàu vào Sài Gòn, tôi có cảm giác mình sắp gặp một mối nhân duyên trong đời”- ông Fujimoto Burno nhớ lại cảm giác của mình 24 năm về trước. Biết được hoàn cảnh thương tâm của Việt – Đức ông đã rơi nước mắt. “Mình có thể làm được gì đây?”- câu hỏi đó bám riết ông. Ngay sau đó ông đã trở về Nhật Bản để vận động chính phủ và nhân dân Nhật đóng góp tài trợ cho ca mổ Việt – Đức. “Những ngày ấy cho tôi rất nhiều xúc cảm đến bây giờ vẫn không thể quên được, có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với Việt và Đức. Chưa bao giờ tôi thấy con người yêu thương nhau nhiều đến vậy” – giáo sư Burno chia sẻ.
Ca phẫu thuật tách Việt – Đức thành hai người khác nhau với hai cuộc đời riêng rẽ. Việt không may phải sống đời thực vật và qua đời năm 2007. Đức may mắn hơn khi chỉ với một chân anh đã nỗ lực vươn lên, có một gia đình hạnh phúc với cô gái Thanh Tuyền. Điều tuyệt vời là họ đã có hai đứa con sinh đôi – một trai một gái khỏe mạnh. Chính ân tình từ những người bạn Nhật mà đặc biệt là người cha tận tụy hết mực yêu thương mình nên anh Đức đặt tên cho con là Phú Sĩ và Anh Đào. Mỗi lần đưa con qua Nhật Bản thăm ông nội, mọi người đều gọi hai bé là Sakura (hoa anh đào) và Fuji (núi Phú Sĩ).
Giáo sư Burno sau đó vẫn đi bên cạnh cuộc đời Việt và Đức. Mối nhân duyên mà ngay từ đầu ông cảm thấy khi quyết định vào gặp anh em Việt – Đức đã trở thành hiện thực. Sau khi ca mổ Việt – Đức thành công, ông đã lập Hội Negaukai (hội vì sự phát triển của Việt – Đức) để hỗ trợ, giúp đỡ cuộc sống của Việt và Đức cũng như những em nhỏ khuyết tật khác bớt phần khó khăn. Năm nay đã 85 tuổi, đôi chân đi lại đã chậm chạp nhưng ông vẫn là chủ tịch của hội này, vẫn tích cực đi khắp nơi để vận động mọi người giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh thương tâm ở Việt Nam.
Cây sự sống
Trong nhiều món quà mang cho Phú Sĩ và Anh đào từ Nhật Bản, ông nội Burno còn chuẩn bị một món quà cho bố Đức, là một chậu cây Aogiri ( cây ngô đồng). “Đó là cây sự sống”- giáo sư Burno giải thích về chậu cây ấy. Năm ngoái, trong dịp mang vợ con sang Nhật thăm bố mẹ nuôi, anh Nguyễn Đức đã đến nói chuyện với các em học sinh ở một trường tiểu học. Câu chuyện về cuộc đời anh đã khiến các em học sinh ở đó rất xúc động. Sau khi nghe xong câu chuyện về sức sống mãnh liệt của Nguyễn Đức, các em học sinh đã gieo ở sân trường một cây Aogiri. Đó là loại cây mà người dân Nhật cho rằng tượng trưng sức sống mãnh liệt không bao giờ khuất phục. Trong lúc hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử, sự sống dường như đã lìa bỏ hai thành phố này thì những mầm cây Aogiri non nớt vẫn vươn lên xanh tươi đầy kiêu hãnh. Những người Nhật từng gặp và nói chuyện với anh Đức ví anh giống như những cây Aogiri đều mang một sức sống mãnh liệt.
Khi biết ông Burno sẽ sang Việt Nam thăm vợ chồng Nguyễn Đức, các em học sinh ở trường tiểu học này đã bứng một cây Aogiri trồng vào chậu để nhờ giáo sư Burno mang qua cho anh Đức như một món quà từ Nhật Bản. Gốc cây Aogiri trong chiếc chậu nhỏ nhắn nhưng cứng cáp và xanh tươi. Vợ chồng anh Đức và chị Tuyền nâng niu đặt chậu cây ấy ở vị trí đẹp nhất trên sân thượng nhà mình. Giáo sư Fujimoto Burno ngắm chậu cây, bất giác quay qua gọi anh Đức với giọng trìu mến: “Con trai Aogiri của ta”. Mọi người bất ngờ rồi sau đó cười vang dưới bầu trời Sài Gòn lộng gió chiều.
Còn Đức nhìn vào bàn thờ anh Việt tâm sự: “Tôi may mắn hơn anh trai mình khi được sống một cuộc đời bình thường. Bao năm nay tôi luôn tự nhủ mình phải vượt lên tất cả để sống luôn cho cả anh mình. Sống cho hai cuộc đời thì phải sống thật tốt chứ, phải không!”.
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức là cặp song sinh dính sinh năm 1981 tại Sa Thầy (Kon Tum). Việt – Đức sau đó được mang xuống làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM và được chăm sóc tại đây. Năm 1987, Việt bị phát hiện bị viêm não ngày càng nặng nên năm 1988 ca mổ tách cặp song sinh này được tiến hành. Ca mổ này do giáo sư Trần Đông A làm trưởng kíp mổ cùng với rất nhiều bác sĩ của Việt Nam, Nhật Bản, Pháp. Sau ca phẫu thuật, người em là Nguyễn Đức mặc dù mất một chân nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, lập gia đình và có một cặp song sinh một trai một gái khỏe mạnh.
Theo 24h
Những tấm gương bình dị, lan tỏa
Những tấm gương bình dị, những ký ức ngọt ngào về người mẹ, về cô giáo, về người bạn đời, về nhà lãnh đạo hay nữ doanh nhân... trong gần 1.500 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước gửi đến như một bức tranh rực rỡ về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Cô gái khiếm thị, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Thị Khánh Vân bên Giáo sư,
bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Toản
Sáng 11-10-2012 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết về "Người phụ nữ truyền cảm hứng để bạn thành công" do Báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Dự án Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ ở khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (EOWP) - Bộ Ngoại giao tổ chức từ tháng 3 đến 9-2012. Cuộc thi nhằm tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang nỗ lực mạnh mẽ để khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Ai cũng cảm phục trước tình yêu và nghị lực của bà Nguyễn Bích Liên (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã giúp chồng là ông Ngô Vân (nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải (cũ) thoát khỏi căn bệnh trầm cảm, mất trí nhớ lâu năm trong tác phẩm "Tiếng đàn của vợ tôi" (giải nhì). Bà kể, năm 2001 chồng bà nghỉ hưu và mắc bệnh trầm cảm nặng, mất ngủ kinh niên và mất trí nhớ. Ông không thể nhớ ra ai kể cả người thân nhất.
Không nản lòng, cứ mỗi sáng dù mưa hay bão bà cũng đèo ông bằng xe máy đi châm cứu đều đặn. Do ông mắc bệnh lâu năm, tay run, chân mỏi, bà vừa lái xe, vừa phải ôm ông vì sợ ông ngã. Chạy chữa nhiều nơi không có biến chuyển, bà nhớ đến kỷ niệm ngày xưa khi mỗi tối ông bà hay cùng nhau chơi đàn, giờ ông không chơi được thì bà chơi cho ông nghe. Đủ các bản nhạc từ thời Nam bộ kháng chiến, hay những bài ông sáng tác khi còn trẻ đến nhạc Bethoven, Chopin. Phép màu đã đến khi trí nhớ ông dần trở lại theo những bản nhạc, đến năm 2012 ông đã khôi phục trí nhớ, sức khoẻ đã cải thiện rất nhiều. "Như một món quà tuyệt vời, việc làm đầu tiên khi khỏi bệnh của ông Ngô Vân là làm tặng bà một đĩa nhạc có tên "Tâm đắc tình già", bà Liên kể, mặt ánh lên niềm hạnh phúc.
Đó còn là câu chuyện cảm động của cô bé khiếm thị Nguyễn Thị Khánh Vân, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) - tác phẩm đoạt giải ba. Vì lý do sức khoẻ, rất buồn vì không thực hiện được ước mơ trở thành nhà báo chuyên viết về người khuyết tật, Khánh Vân dường như lạc lối trong cuộc sống. Tại một hội thảo về chất độc da cam, em đã được gặp nữ Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Toản - người nữ chiến sỹ nổi tiếng với đám cưới ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ năm nào. Bà cũng là người đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền lợi của những nạn nhân chất độc da cam. "Đường đời không chỉ có một lối đi" đó là câu nói của bà Toàn mà Khánh Vân sẽ mãi không quên. Được sự động viên của bà, em đã tự tìm tòi học viết báo, và em đã thành công.
"Viết về những người đang hiện hữu xung quanh ta là vấn đề không đơn giản. Chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được nhiều bài thi khá sâu sắc. Chuyên mục được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Tôi tin chắc rằng, trong cuộc đời này, sẽ thật là may mắn nếu ta gặp được người tạo nên cảm hứng sống và cống hiến. Vì vậy để tri ân, chúng ta hãy nghĩ, hãy nói và viết về họ.
Đặc biệt hãy sống trí tuệ hơn, nghị lực hơn, nhân ái hơn", bà Nguyễn Thu Hạnh, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải chia sẻ. Quả thật đến lúc nhận giải nhất của cuộc thi viết cho tác phẩm "Có một người lãnh đạo như thế", tác giả Trần Mỹ Quyên (Đà Nẵng) không khỏi bất ngờ. Người phụ nữ nhỏ bé với chiều cao khiêm tốn 1,44m ấy từng khổ sở không xin được việc sau 4 năm ra trường. Ấy vậy mà, năm 2004, khi đi xin việc tại HĐND TP Đà Nẵng, gặp cô Lê Thanh Hải (lúc ấy là Phó Chánh văn phòng Hội) chị đã được trao một cơ hội thử sức mình. Được sự tin tưởng, động viên, nghiêm khắc dạy bảo của cô Lê Thanh Hải, vượt qua tự ti, 8 năm qua chị Trần Mỹ Quyên đã trở thành một cán bộ năng nổ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. "Có lẽ không gặp cô, cuộc đời tôi sẽ khác lắm. Thật may mắn khi tôi gặp được cô Hải. Giờ cô đã về hưu nhưng cô sẽ luôn là nguồn động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục phấn đấu. Tôi xin dành giải thưởng này tặng cô Hải, mẹ tôi và người em song sinh với tôi, những người phụ nữ luôn bên cạnh tôi, là tình yêu thương lớn lao của tôi", tác giả Trần Mỹ Quyên tâm sự.
"Đây là những tấm gương bình dị mà lan toả, đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam đang hàng ngày cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất vốn có được miêu tả chân thực, là tấm gương sáng cho xã hội", bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định.
Theo ANTD
24 người điều trị tẩy độc dioxin đã trở về Đà Nẵng Trưa nay, 11.10, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón 24 người của Đà Nẵng đi điều trị tẩy độc dioxin tại bệnh viện 103 (Hà Nội) từ ngày 5.9. Đây là số người được ghi nhân qua điều tra khảo sát, phát hiện nồng độ nhiễm dioxin trong máu cao do sống ở khu...