Những cặp song sinh dính liền nổi tiếng thế giới: Định nghĩa và phân loại
Sinh đôi dính liền (tiếng Anh: Conjoined Twin) là cặp sinh đôi giống hệt nhau có phần cơ thể nào đó bị dính lại với nhau.
Ảnh chụp X-quang cặp song sinh dính liền Allison June và Amelia Lee Tucker được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, Hoa Kỳ, tháng 12/2012. Ảnh: AP.
Tỷ lệ hiện tượng này rất hiếm, chỉ trong khoảng 1/50.000 đến 1/200.000. Trong đó 70% các cặp là nữ giới.
Định nghĩa
Song sinh dính liền là khi hai bé có da, cấu trúc hay một số cơ quan nội tạng dính với nhau.
Chỉ có khoảng 300 cặp song sinh dính liền trong tất cả lịch sử được ghi lại sống qua một vài tháng tuổi.
Khoảng 40 – 60% cặp song sinh dính liền bị chết trước sinh, khoảng 35% sống sót trong vài ngày và chỉ có 5-25% các cặp song sinh dính liền sống sót đến khi trưởng thành.
Ngày nay, với sự phát triển các kỹ thuật hình ảnh, gây mê, hồi sức, chăm sóc toàn diện… các cặp sinh đôi này có tỉ lệ sống sót cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Phân loại song sinh dính liền
Mỗi cặp song thai dính liền nhau theo cách duy nhất cho từng cặp, không cặp nào giống cặp nào, được phân loại theo từng vùng, bộ phận. Những thuật ngữ này thường kết thúc bằng hậu tố “-pagus”, có nghĩa là “buộc chặt” trong tiếng Hy Lạp.
Ngực (Thoracopagus): Cặp song sinh được nối đối mặt nhau ở ngực, có thể dính cả phần bụng. 90% các trường hợp này thường chia sẻ chung một trái tim và cũng có thể chia sẻ một phần gan hay đoạn ruột trên. Đây là một trong những loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 35% trong tất cả các trường hợp.
Bụng (Omphalopagus): Cặp đôi được nối gần bụng. Nhiều cặp chia sẻ gan; một số chia sẻ phần dưới của ruột non (hồi tràng) và ruột kết. Dù vậy, với những cặp sinh đôi dạng này, họ thường không chia sẻ một trái tim.
Cột sống (Pygopagus): Được nối lại với nhau ở đoạn cuối cột sống và mông, chiếm khoảng 19% của tất cả các trường hợp sinh đôi dính liền. Một số cặp chia sẻ đường tiêu hóa dưới; một số ít chia sẻ cơ quan sinh dục và tiết niệu.
Video đang HOT
Chiều dài cột sống (Rachipagus): Hay còn gọi là Rachiopagus, cặp song sinh được nối ở phần lưng dọc theo chiều dài của cột sống. Loại này rất hiếm.
Xương chậu (Ischiopagus): Dính vào nhau ở khung xương chậu, nối cạnh bên hay nối song song đối diện nhau. Họ có chung đường tiêu hóa dưới, gan, cơ quan sinh dục và đường tiết niệu. Mỗi cặp sinh đôi có thể có hai chân hoặc, ít phổ biến hơn, cặp song sinh chia sẻ hai hoặc ba chân.
Trục cơ thể (Parapagus): Được nối với nhau ở xương chậu và một phần hoặc tất cả bụng và ngực, nhưng có phần đầu riêng biệt. Cặp song sinh có thể có hai, ba hoặc bốn cánh tay và hai hoặc ba chân.
Đầu (Craniopagus): được nối ở phía sau, đỉnh hoặc một bên đầu, nhưng không phải mặt. Hai cá thể chia sẻ một phần của hộp sọ nhưng bộ não thường tách biệt, dù họ có thể chia sẻ một số mô não. Các ca dạng này chỉ chiếm 2% tổng số ca song sinh dính liền.
Đầu và ngực (Cephalopagus): Được nối ở mặt và phần trên cơ thể. Các khuôn mặt nằm ở hai phía đối diện của một cái đầu chung và có chung một bộ não. Những cặp song sinh dạng này hiếm khi sống sót.
Những ca sinh đôi dính liền sớm nhất lịch sử
Theo wikipedia, trong văn hóa Moche, nền văn minh cổ đại của Peru, xuất hiện tượng gốm miêu tả sinh đôi dính liền vào những năm 300 sau Công Nguyên.
Tư liệu sớm nhất cho biết trường hợp sinh đôi dính liền đầu tiên được biết tới vào năm 945, khi một cặp từ Armenia được đem đến Constantinople để xét nghiệm y học. Họ được xác nhận là kết quả từ phép màu của Chúa.
Hai chị em người Anh, Mary và Eliza Chulkhurst, thuộc loại pygopagus, sống từ 1100 đến 1134 có lẽ là cặp sinh đôi dính liền có tên tuổi rõ ràng được biết sớm nhất mọi thời đại.
Một cặp sinh đôi đáng chú ý nữa là “Scottish brothers”, có hai đầu và sử dụng chung một thân thể (xếp vào loại dicephalus) (thời gian sống của cặp này có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng có lẽ đáng tin cậy nhất là 1460-1488).
Một số cặp sinh đôi dính liền sống ở thế kỷ XIX tự mình trình diễn nghệ thuật, tuy nhiên không có ai đạt được mốc danh vọng và tài sản như cặp Chang và Eng Bunker.
Đáng kể nhất là, Millie và Christine McCoy (hoặc McKoy), sinh đôi loại pygopagus, sinh ra trong gia đình nô lệ ở Bắc Carolina năm 1851. Cặp sinh đôi được học văn hóa, năm ngôn ngữ khác nhau cũng như học chơi đàn, và hát.
Sự nghiệp của họ gặt hái được nhiều thành công, còn được biết tới cái tên “chim sơn ca hai đầu” và xuất hiện trong gánh xiếc Barnum. Năm 1912, họ chết cách nhau 17 giờ, vì bệnh lao.
Giovanni và Giacomo Tocci, từ Locana, Italy, sinh năm 1877, thuộc loại dicephalus tetrabrachius, có một người với hai chân, hai đầu, và bốn tay.
Năm 1886, sau khi đi đến Hoa Kỳ trình diễn, họ trở về Châu Âu với gia đình, ở đây, họ bị bệnh rất nặng và yếu dần. Họ nghĩ rằng mình sẽ chết, tuy nhiên một số tài liệu cho thấy họ sống tới 1940, ẩn dật ở Italy.
Nguyên nhân gây song sinh dính liền
Cặp song sinh giống hệt nhau (song sinh cùng trứng) xảy ra khi một trứng được thụ tinh tách ra và phát triển thành hai cá thể. 8-12 ngày sau khi thụ thai, các lớp phôi sẽ tách ra để hình thành cặp song sinh cùng trứng, bắt đầu phát triển thành các cơ quan và cấu trúc cụ thể.
Người ta tin rằng khi phôi tách ra muộn hơn thế này – thường là từ 13-15 ngày sau khi thụ thai – quá trình phân tách dừng lại trước khi quá trình phát triển hoàn tất. Kết quả là cặp song sinh bị dính lại.
Một lý thuyết khác cho thấy rằng hai phôi riêng biệt bằng cách nào đó có thể hợp nhất với nhau trong quá trình phát triển ban đầu.
Điều có thể khiến một trong hai kịch bản xảy ra hiện vẫn chưa được xác định rõ.
Ba mẹ Song Nhi: Bằng mọi giá để mang các con đến với thế giới này
Sau ca mổ kéo dài, hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã ổn định về sức khỏe. Ba mẹ Song Nhi đã được vào ngắm nhìn con trong hình hài nguyên vẹn.
Sau ca mổ kéo dài, hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã ổn định về sức khỏe. Ba mẹ Song Nhi đã được vào ngắm nhìn con trong hình hài nguyên vẹn sau khi tách rời nhau như mong ước bao lâu nay. Để có được kết quả ngày hôm nay, đó là sự đánh đổi bằng mọi giá để giữ con lại, quyết tâm mang con đến với thế giới này.
Ba mẹ Song Nhi chờ đợi cuộc phẫu thuật trong niềm tin mãnh liệt (BVCC).
Người mẹ kiên định giữ song thai dính
Hơn một năm trước, khi siêu âm cho thai phụ Trần Thị Hồng Thúy (26 tuổi, ngụ TPHCM), mang thai 14 tuần 6 ngày, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Vũ, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh Viện Hùng Vương phát hiện ra song thai dính. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong quá trình siêu âm cho sản phụ hàng chục năm công tác trong nghề.
Thế nhưng, ấn tượng sâu sắc với bác sĩ Vũ là ánh mắt kiên định đầy nghị lực của người mẹ, quyết tâm không chấm dứt thai kỳ. Vì ấn tượng đặc biệt đó, bác sĩ Vũ đã chia sẻ bức ảnh siêu âm tiền sản của các bé với lời nhắn nhủ "Để con nói cho các bạn nghe, tụi con sẽ được sinh ra bởi lòng can trường của cha mẹ con".
Bác sĩ tại BV Hùng Vương nhìn lại tư liệu hình ảnh siêu âm của Song Nhi thời thai kỳ.
"Khi thai kỳ được 22 tuần, tôi cũng tư vấn cho bệnh nhân là trường hợp này sinh ra rất khó, có muốn tiếp tục thai kỳ hay không. Bởi vì sẽ khó khăn trong giai đoạn mổ, mất nhiều thời gian chăm sóc trong thai kỳ nhưng chưa chắc sau mình sẽ giữ được. Những lần nói chuyện như vậy, sản phụ này cũng ít nói nhưng đều quyết định sẽ giữ thai nhi lại"- BS Nguyễn Đình Vũ cho biết.
Với tình yêu mãnh liệt đối với con, quyết tâm giữ con lại dù hình hài ra sao, thai phụ rất chăm chỉ đi thăm khám, siêu âm và mỗi lần đều hỏi rất kỹ. Đến tuần thứ 30, thai phụ được cho nhập viện. Hai em bé lúc này cùng chung một bánh nhau, một buồng ối, dính nhau vùng bụng chậu, trong đó có một bé có tình trạng suy tim. Đáng nói là thai bị chậm tăng trưởng trong tử cung, cả hai bé đều nhỏ hơn với tuổi thai, nguy cơ tử vong sẽ tăng dần theo mức độ suy dinh dưỡng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Anh Phương, Phó Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, trong thời gian nằm viện, hai vợ chồng chị Thúy rất quan tâm đến sức khỏe của con. Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mổ, các bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương cũng đã liên tục hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.
Hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi trước cuộc đại phẫu định mệnh (Ảnh Facebook chị T.)
Quá trình dưỡng thai đến 33 tuần rưỡi, tình trạng hai bé ngày một xấu đi. Tình trạng suy tim của một bé càng nghiêm trọng hơn, nếu không can thiệp sớm sẽ có diễn biến xấu. Nếu một bé tử vong sẽ không giữ được tính mạng của bé còn lại. Các bác sĩ quyết định đưa hai bé ra ngoài với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả hai bệnh viện. Quá trình mổ bắt con cũng diễn ra khó khăn do thai phụ mang song thai nhưng bị dính nhau thành một khối, việc đưa các bé ra an toàn là một bài toán nan giải. Ngay sau khi vừa được mổ ra ngoài, các bé đã được đưa vào lồng kính và được hỗ trợ hô hấp, nhanh chóng đưa lên Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.
"Hơn 20 năm trong nghề, ca song thai dính này quả thực là ca đặc biệt, đó chính là nhờ sự dũng cảm của ba mẹ đã dưỡng thai. Song thai dính phát hiện lúc thai còn nhỏ cũng thấy nhiều, nhưng số vợ chồng dưỡng thai đến tuổi thai lớn để mổ sinh thì rất ít"- Bác sĩ Phương kể lại.
Món quà thiêng liêng của tạo hóa
Sau khi được bác sĩ thông tin thai nhi bị dính liền nhau, có nhiều dị tật, cơ hội sống sót vô cùng khó khăn, vợ chồng chị Thúy rất sốc. Nhiều đêm dài trằn trọc, ba mẹ Song Nhi đã ôm nhau khóc rất nhiều. Thế nhưng, nghị lực để vợ chồng chị Thúy quyết định cùng nhau giữ song thai, chăm sóc nuôi dưỡng đến khi các bé chào đời, đến với cuộc sống của ba mẹ, chính là quan niệm con cái là món quà thiêng liêng nhất của đấng tạo hóa ban tặng, là kết tinh của tình yêu cả hai vợ chồng. Vì vậy, dù bất cứ giá nào, cũng phải giữ con ở lại.
"Đó là con của mình, tạo hóa của trời cho. Mình không thể nào tước đi cuộc sống của các con được. Hai vợ chồng cũng an ủi nhau tiếp tục đi với bé, chăm sóc bé xem như thế nào. Còn nếu có chuyện gì không may xảy ra thì hai vợ chồng, gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý từ trước" - anh Hoàng Anh, ba của Trúc Nhi - Diệu Nhi cho biết.
Trong 20 năm, BS Anh Phương chưa gặp trường hợp song thai dính liền được nuôi dưỡng để mổ sinh.
Sau hơn 13 tháng được chăm sóc sau sinh, từ cặp trẻ sơ sinh chỉ 3,2kg, hai bé đã lớn khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn cho một cuộc đại phẫu, mở ra một cuộc đời mới. Ngày 15/7, gần 100 y bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành đã miệt mài hơn 12 giờ đồng hồ để tách dính 2 bé ra và tạo hình lại cho mỗi bé có một hình hài đầy đủ như người bình thường. Hơn ai hết, người mẹ mang nặng đẻ đau đã vỡ òa trong nước mắt khi nhìn thấy hình hài mới của 2 con.
"Khi mà biết được khoảnh khắc 2 bé đã tách rời nhau tôi rất vui. Niềm vui ấy không biết diễn tả như thế nào. Bởi đó là giây phút mà gia đình đã chờ đợi từ rất lâu. Khi tách được 2 bé ra mà tình hình sức khỏe 2 bé ổn định thì chúng tôi cũng yên tâm".
Phía trước còn muôn vàn khó khăn mà 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi phải đối mặt, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, "lần sinh thứ hai" này của Song Nhi không chỉ nhờ vào tài năng của các bác sĩ mà còn là cả sự can trường, dũng cảm và tình yêu con mãnh liệt của đấng sinh thành. Mang theo tình yêu đó, Song Nhi tiếp tục bước vào hành trình hồi phục và hoàn thiện cơ thể - một hành trình rất dài để thay đổi số phận trong tương lai./.
Loạt ảnh trước và sau mổ tách của các cặp song sinh dính liền nhau: Theo dõi kết quả phẫu thuật chắc chắn ai cũng phải thốt lên rằng "quá kỳ diệu"! Ở Việt Nam và trên thế giới đã có không ít cuộc phẫu thuật bóc tách cặp song sinh diễn ra thành công, khi theo dõi tình trạng các bé trước và sau phẫu thuật, chúng ta chỉ còn biết thốt lên rằng: "Quá kỳ diệu"! Sinh đôi dính liền là tình trạng các cặp song sinh giống nhau nhưng khi sinh ra...