Những cặp kình địch trong hội nghị hòa bình Syria
Những chồng chéo, mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên sẽ khiến cuộc đàm phán hòa bình tìm giải pháp chính trị cho Syria trở nên khó khăn hơn.
Ngoại trưởng Nga, Mỹ, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau ở Vienna. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga, Mỹ và 11 quốc gia khác nhóm họp ở Vienna ngày hôm qua để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình nhằm tìm ra một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria, theo Bloomberg.
Iran lần đầu tiên được mời tham dự các cuộc đàm phán hòa bình cùng 12 ngoại trưởng khác đến từ các nước Nga, Mỹ, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Jordan, Đức, Pháp, Ai Cập, Italia, Anh và đại diện của Liên minh châu Âu (EU).
Các nhà quan sát cho rằng, cuộc đàm phán hòa bình này sẽ là nơi chứng kiến những xung đột lợi ích giữa các bên, và việc trung hòa được những lợi ích này là chìa khóa giải quyết cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 5 ở Syria.
Nga-Mỹ
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria trong một tháng qua đã mang lại những kết quả nhất định. Các quan chức Nga khẳng định chiến dịch không kích của họ là nhằm tiêu diệt những kẻ khủng bố, và hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các chiến đấu cơ của Nga đã yểm trợ quân đội Syria mở chiến dịch phản công giành lãnh thổ từ tay phe đối lập và phiến quân Hồi giáo, đồng thời tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông.
Theo bình luận viên Larry Liebert, điện Kremlin muốn một tiến trình chuyển giao chính trị ở Syria trong đó ông Assad hoặc các đồng minh của ông có vị trí chi phối, bất chấp những lời kêu gọi đòi lật đổ ông. Các quan chức ở điện Kremlin nói rằng việc đảm bảo Syria không rơi vào hỗn loạn giống Iraq là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu mà Mỹ đặt ra ở hội nghị Vienna là tìm cách tháo gỡ tình thế tiến thoái lưỡng nan của họ ở Syria: đó là yêu cầu ông Assad phải ra đi để mở lối cho tiến trình hòa bình, nhưng lại không muốn có hành động quân sự chống lại ông.
Yêu cầu về một giải pháp ngoại giao đã được Washington thể hiện trong tuần này, khi Mỹ chấp nhận để Iran, một đồng minh thân cận của Nga và Syria, tham gia cuộc đàm phán hòa bình ở Vienna.
Video đang HOT
Các quan chức Mỹ cũng quyết liệt hơn trong yêu cầu đòi ông Assad ra đi. Thay vì muốn ông Assad từ chức là yêu cầu tiên quyết cho bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào, giờ đây Mỹ chỉ muốn ông ra đi vào cuối giai đoạn chuyển giao chính quyền.
Song song với mục tiêu chuyển giao chính quyền, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường can thiệp quân sự vào Syria bằng cách sử dụng lực lượng đặc nhiệm để huấn luyện và hỗ trợ quân nổi dậy được cho là ôn hòa chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Arab Saudi – Iran
Theo giới quan sát, được mời tham gia vào vòng đàm phán này là một chiến thắng ngoại giao đối với Iran. Tehran không muốn ông Assad mất quyền lực, bởi sự ra đi của ông sẽ khiến lực lượng Hezbollah thân Iran ở Lebanon, lực lượng chủ yếu để nước này gây ảnh hưởng trong khu vực, bị cô lập.
Iran đã hỗ trợ tài chính, trang bị và cố vấn quân sự tới Syria, thậm chí xem xét khả năng tăng cường vai trò tham chiến trực tiếp của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trên chiến trường.
“Iran e ngại sự sụp đổ của chính quyền ông Assad sẽ dẫn tới tình trạng vô chính phủ, khiến quyền lực lọt vào tay các chiến binh Hồi giáo nhiều hơn”, Ilan Goldenberg, chuyên gia ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) nói.
Đối với Iran, việc loại bỏ ông Assad sẽ là khả năng cuối cùng trong bất kỳ một sự chuyển giao nào. ” Iran không phải là nước ủng hộ Assad quá nhiều và họ cho rằng ông này đã đi những nước cờ sai. Nhưng họ không có lựa chọn nào khác là ủng hộ ông Assad”, Goldenberg nói thêm.
Số phận chính trị của ông Assad là tâm điểm gây tranh cãi trong hội nghị hòa bình Vienna. Ảnh: Bloomberg
Đối với Arab Saudi, quốc gia đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Iran ở Trung Đông, cuộc xung đột không chỉ dừng lại ở Syria. Arab Saudi đã ủng hộ các đồng minh người Sunni tiến hành những cuộc xung đột từ Yemen tới Lebanon để chống lại người Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, theo Liebert.
Trên chiến trường Syria, Arab Saudi là một trong những nước kiên quyết nhất trong yêu cầu đòi ông Assad phải ra đi. Vương quốc này cũng tuyên bố sẽ tăng cường chuyển vũ khí cho các chiến binh nổi dậy chống ông Assad, sau khi nhiều giáo sĩ Hồi giáo quyền lực trong nước đòi đáp trả hành động can thiệp quân sự của Nga.
Căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi đã bùng lên ngay từ khi cuộc đàm phán hòa bình chưa bắt đầu, theo NYTimes. Các quan chức Iran cáo buộc rằng Arab Saudi đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn sau cuộc giẫm đạp ở thánh địa Mecca hồi tháng trước để bắt cóc ông Ghazanfar Roknabadi, cựu đại sứ Iran ở Lebanon, người có ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Lebanon và cuộc chiến Syria hiện nay.
Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir thì lại cho rằng việc Iran tham gia vào cuộc đàm phán hòa bình ở Vienna chỉ là “sự lãng phí thời gian” và tuyên bố thẳng: “Cần phải chắc chắc rằng ông Assad phải ra đi”. Ngoại trưởng Syria cho rằng tuyên bố của ông Jubeir là “vô căn cứ” và khuyên ông “tốt hơn hết là im miệng”.
Chính quyền Syria – phe đối lập và Thổ Nhĩ Kỳ
Dù cuộc đàm phán lần này ở Vienna bàn về giải pháp hòa bình cho Syria, chính quyền Tổng thống Assad lại không phải là bên tham gia trực tiếp, và ông Assad sẽ phải dựa vào Nga và Iran để đại diện cho mình.
Mục tiêu của ông Assad là tiếp tục nắm giữ quyền lực và tránh khỏi số phận như nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, người bị phe nổi dậy bắt giữ và bắn chết vào năm 2011.
Chính quyền Syria cho rằng giải pháp cho cuộc nội chiến ở nước này chỉ đến sau khi chiến thắng khủng bố. “Điều mà Syria muốn từ cuộc họp là để thế giới nhận ra rằng loại bỏ chủ nghĩa khủng bố không chỉ là ưu tiên của Syria mà cả toàn cầu”, nghị sĩ Syria Fayez Sayegh nói.
Các nhóm đối lập chính ở Syria như Liên minh quốc gia Syria (SNC) và các tổ chức nổi dậy người Sunni cũng sẽ không có mặt trên bàn đàm phán. SNC kiên quyết từ chối giải pháp cho phép ông Assad tiếp tục đóng vai trò trong giai đoạn chuyển giao, do lo ngại thỏa thuận như vậy sẽ mở ra cơ hội cho ông được tại vị.
Cuộc chiến tại Syria gần 5 năm qua đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng. Ảnh:ARA
Một quốc gia khác rất có ảnh hưởng trong khu vực cũng muốn ông Assad phải ra đi là Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và ông Assad từng là những đồng minh gần gũi và gia đình họ từng đi nghỉ cùng nhau, nhưng giờ đây mọi thứ đã kết thúc.
Ankara hiện không mong gì hơn ngoài việc ông Assad từ chức. “Mọi công thức đang được thảo luận đều xoay quanh sự ra đi của ông Assad”, Thủ tướng lâm thời Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutogu nói hôm 24/10.
Duy Sơn
Theo VNE
Mỹ triển khai lính đặc nhiệm đến Syria
Nhà Trắng đã thông qua kế hoạch triển khai một nhóm nhỏ lính đặc nhiệm Mỹ đến các địa điểm ở đông bắc Syria để cố vấn cho phe nổi dậy.
Một nhóm lính đặc nhiệm Mỹ sẽ đến Syria để cố vấn cho phe nổi dậy - Ảnh: Reuters
Số lượng lính đặc nhiệm có thể là khoảng 20-30, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết vào ngày 30.10. Một quan chức Mỹ khác xác nhận thông tin này, nhưng từ chối công bố con số lính đặc nhiệm.
Hai quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chính thức tuyên bố kế hoạch này trong ngày 30.10.
Trong khi đó, theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), các quan chức Mỹ cho hay có đến 50 lính đặc nhiệm sẽ được triển khai đến Syria, theo chỉ thị của Tổng thống Obama.
The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền ông Obama nói sự hiện diện quân sự Mỹ ở Syria vẫn giữ ở mức "giới hạn", đồng thời cho biết: "Chúng tôi không có ý định theo đuổi những chiến dịch sử dụng bộ binh dài hạn, quy mô lớn như chúng tôi từng làm ở Iraq và Afghanistan".
Động thái này cho thấy chính quyền Obama mở rộng chiến lược tăng cường viện trợ cho phe nổi dậy ở Syria, giữa lúc Washington nỗ lực tìm kiếm biện pháp ngoại giao nhằm kết thúc cuộc nội chiến Syria kéo dài từ năm 2011 đến nay, khiến trên 240.000 người chết, theo Reuters.
Chính quyền Obama ra quyết định đưa lính đặc nhiệm đến Syria sau khi Nga tiến hành chiến dịch không kích ở Syria kể từ tháng 9.2015 nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nga tuyên bố những cuộc không kích chỉ nhằm vào tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng Washington và phương Tây cáo buộc Moscow không kích nhắm vào những nhóm phe nổi dậy (do phương Tây hậu thuẫn nhằm lật đổ ông Assad).
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự buổi hội đàm về hòa bình cho Syria tại thủ đô Vienna (Áo) trong ngày 30.10, với sự tham dự của Ngoại trưởng của Nga, Iran và một số quốc gia khác. Theo nhiều nguồn tin, một đề xuất ngừng bắn 6 tháng giữa các bên xung đột ở Syria đã được gợi ý.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Ngoại trưởng Kerry: Mỹ tăng cường hỗ trợ phe nổi dậy Syria Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington đang đẩy mạnh kênh ngoại giao cũng như tăng cường hỗ trợ phe nổi dậy để chấm dứt xung đột ở Syria, theo Reuters ngày 29.10. Ngoại trửng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ đang đẩy mạnh cả ngoại giao và hỗ trợ phe nổi dậy để chấm dứt xung đột ở Syria - Ảnh:...