Những cảnh quay Bí Ẩn được quay lại bởi Flycam !!!
Drone hay còn được gọi là flycam là thiết bị bay không người lái đang được các nhà làm phim và nhiếp ảnh gia sử dụng phổ biến bởi nhiều tính năng nổi trội như chụp hình hay quay video vượt trội, đặc biệt là góc nhìn từ trên cao.
Flycam cho phép chúng ta khám phá những khu vực mà bình thường ta sẽ không bao giờ dám bước chân vào. Và đôi khi chúng bắt được những thứ mà chưa bao giờ chúng ta có thể thấy được. Này hôm nay hãy cùng sắc màu cuộc sống tìm hiểu về những thứ đáng sợ mà drone quay được nhé.
Nguồn Youtube
Những hòn đảo kỳ lạ bậc nhất thế giới hiện nay: "Anh ghét em" là tỏ tình, bỏ tiền ra mua thì cũng bỏ mạng
Một hòn đảo mà câu "Anh ghét em" sẽ được hiểu như lời tỏ tình chân thành nhất. Một hòn đảo mà lũ mèo mới là chủ nhân, được người người tôn kính như thánh thần. Một hòn đảo mà ai bỏ tiền ra mua cũng mất mạng hoặc khánh kiệt... Bạn đã từng biết đến chúng chưa?
Bạn có muốn khám phá một thế giới bí ẩn không nhỉ? Có thể bạn chẳng có cái gan đấy đâu, mà dù sao thì với khoa học hiện đại, cũng chẳng còn mấy địa điểm trên Trái đất được xem là bí ẩn nữa.
Nhưng từ từ đã nào? Sự bí ẩn đôi khi còn đến từ chính thế giới hiện tại của chúng ta, miễn là bạn chưa bao giờ nghe về nó. Như những hòn đảo dưới đây cũng vậy, dám chắc rằng bạn sẽ thấy chúng bí ẩn đến mức kỳ lạ đấy.
1. Tangier (Mỹ) - nơi tiếng Anh là phải nói ngược
Nếu được cư dân đảo Tangier, bang Virginia (Mỹ) khen là thông minh, thì bạn đừng vội mừng. Ấy là họ là đang đá đểu bạn đấy. Dù chỉ cách đất liền 20km nhưng Tangier giống hệt như một thế giới khác vậy.
Người trên đảo Tangier có thói quen nói lời trái với thực tâm
Tangier có tất cả 500 dân cư. Họ vẫn sử dụng tiếng Anh nhưng lại là một kiểu tiếng Anh kỳ lạ. Theo một số nhà ngôn ngữ, đó là tiếng Anh được sử dụng từ thời Elizabeth Đệ Nhất (1558 - 1603). Vì người Tangier cố tình kéo dài các nguyên âm nên cách phát âm của họ trở nên khó hiểu.
Nhưng hơn tất cả, ngôn ngữ đảo Tangier còn đặc biệt khó hiểu bởi thói quen nói lời trái với lòng của cư dân trên đảo. Trong khi lối sống của họ rất nghiêm chỉnh, thì không hiểu sao người đảo Tangier lại ưa nói ngược, thích kiểu mỉa mai, chuộng từ lóng. Rốt cục, người nước ngoài khi đến đây luôn cảm thấy vò đầu bứt tai, vì chẳng biết khi nào đang bị đá xoáy nữa.
2. Tashirojima (Nhật Bản) - khi mèo đúng thực là "hoàng thượng"
Chỉ có khoảng 100 cư dân xứ sở Phù Tang sống trên đảo Tashirojima, nhưng mèo thì có đến vài trăm con.
Nếu bạn là fan của những cục bông sống mềm mại này, hãy đến Ishinomaki ngồi phà chừng 40 phút để tới "thiên đường mèo" Tashirojima này.
Cư dân chính của Tashirojima là mèo
Tashirojima đích thực là thiên đường mèo theo đúng nghĩa đen. Ở có rất nhiều cabin hình con mèo để du khách tạm nghỉ ngơi. Và mèo thì bạt ngàn, chạy loăng quăng lại rất dạn người, luôn thoải mái quấn quýt dù mới là lần đầu gặp mặt.
Theo lịch sử Nhật Bản thì khoảng thế kỷ 18, một số người Nhật lên đảo Tashirojima sinh cơ lập nghiệp. Nuôi tằm là nghề chính của họ nhưng chuột, loài động vật khoái ăn tằm, lại nhung nhúc khắp Tashirojima. Để tiêu diệt chuột, họ lấy cá dụ dỗ mèo hoang vào nhà.
Những chú mèo được cho ăn đã trả công các cư dân một cách tử tế. Người ở Tashirojima sùng kính mèo kể từ đó. Họ dựng cả đền thờ mèo trên đảo, xem chúng như thần may mắn.
3. Gaiola (Italia) - Hòn đảo nguyền rủa các tỷ phú
Gaiola nổi tiếng là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, nhưng hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển Naples này lại có lịch sử trao tay khiến ai nấy đều phải rùng mình.
Năm 1920, Hans Braun (Thụy Sỹ) - chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự nguy nga trên đảo được phát hiện bị giết, xác quấn trong tấm thảm. Vợ của ông cũng bỏ mạng sau đó ít lâu do chết đuối.
Người sở hữu tiếp theo là tỷ phú Otto Grunback (Đức). Ông đột ngột lên cơn đau tim khi đang nghỉ ngơi trong biệt thự và qua đời.
Chủ nhân thứ ba, tỷ phú Maurice-Yves Sandoz (Thụy Sỹ) thì tự sát. Chủ nhân thứ tư, tỷ phú Baron Karl Paul Langheim (Đức) không mất mạng nhưng lâm vào cảnh bần hàn.
Sau nhiều năm bị bỏ hoang, tòa biệt thự được sang tên cho tỷ phú Gianni Agnelli (Ý). Chưa được bao lâu, con trai độc nhất của Agnelli tự vẫn. Ngay cả cháu đích tôn của Agnelli cũng không qua nổi tuổi 33.
Paul Getty (Mỹ) là tỷ phú thứ sáu đứng ra mua đảo Gaiola. Ông an toàn nhưng cháu trai lại bị bắt cóc.
Trước khi trở thành chủ nhân thứ bảy (cũng là cuối cùng) của Gaiola, Gianpasquale Grappone là chủ tịch một công ty bảo hiểm lớn. Sau khi mua đảo, Grappone vỡ nợ, phải vào tù.
Người Italia tin rằng từ trước Công nguyên, đại thi hào Publius Vergilius Maro đáng kính đã từng dạy học tại đảo Gaiola. Quan cảnh Gaiola đẹp đến nỗi cả thầy lẫn trò đều không thể tập trung. Sự lộng lẫy của Gaiola từ ngày đó đến nay vẫn vậy, chỉ căn biệt thự trên đảo là mỗi ngày một mục nát vì tình trạng vô chủ kéo dài.
4. Socotra - Đảo "ngoài hành tinh" của Yemen
Sẽ tốn cả đống tiền nếu bạn muốn đặt chân lên Sao Hỏa. Nhưng giả sử một ngày nào đó hành tinh ấy có sự sống, nó có lẽ cũng giống như Socotra thôi.
Niềm tự hào lớn nhất của Socotra là cây máu rồng. Tán lá xòe rộng của nó nom hệt như một chiếc đĩa bay.
Nằm trong hệ thống quần đảo Ấn Độ Dương, nhưng Socotra lại phát triển hệ sinh thái hoàn toàn biệt lập. Có đến 1/3 thực vật trên hòn đảo là đặc hữu, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Ngay cả động vật trên Socotra cũng đặc biệt, đến nỗi người ta phải lấy tên đảo để gọi tên một số loài chim chỉ có tại nơi này, ví dụ như chim sáo Socotra, chim mặt trời Socotra, chim mỏ tù Socotra...
Thế mới nói, đây là một thế giới từ hành tinh khác mà.
5. Fadiouth (Senegal) - hòn đảo làm từ vỏ sò
Toàn bộ đảo Fadiouth được cấu thành từ vỏ sò. Điều này cũng có nghĩa ngoài vỏ sò ra, Fadiouth chẳng còn gì để ngắm cả.
Những bức tường vỏ sò
Vừa đặt chân xuống Fadiouth, bạn đã giẫm lên vỏ sò. Đến cả nhà cửa trên hòn đảo cũng lấy vỏ sò làm nguyên liệu xây dựng.
Dân số Fadiouth vào khoảng 46.000 người, sống nhờ du lịch, đánh bắt cá và buôn bán bột lá cây baobab khô. Dù có đến 90% cư dân Fadiouth theo đạo Hồi, chỉ 10% còn lại theo đạo Thiên Chúa song, không có sự mâu thuẫn tôn giáo tại nơi này. Người trong một nhà cũng được tự do lựa chọn tín ngưỡng khác nhau.
Khung cảnh lạ mắt nhất tại Fadiouth có lẽ là nghĩa trang trắng vỏ sò. Thay vì đáng sợ, địa điểm chôn người chết của Fadiouth lại khá dễ thương.
6. Bắc Sentinel (Ấn Độ) - Hòn đảo tử thần với người ngoài
Đừng vì tò mò mà bước đến gần đảo Bắc Sentinel, một hòn đảo nằm trong Vịnh Bengal, bạn sẽ bị giết đấy. Dù hiện tại đang là thời đại toàn cầu hóa, hòn đảo này vẫn y như thời kỳ đồ đá.
Dân số Sentinelese sống trên đảo Bắc Sentinel ước tính vào khoảng 50-500 người. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn như vậy là vì người Sentinelese tuyệt đối không cho phép người ngoài tộc tới gần, nên chẳng ai biết con số chính xác. Nếu cứ cố chấp, bạn sẽ phải trả giá bằng mạng sống.
Năm 2004, đảo Bắc Sentinel từng bị một cơn sóng thần dữ dột quét ngang. Không hiểu bằng cách nào nhưng các cư dân Sentinelese đã sống sót.
7. Munecas - Đảo búp bê bị bỏ rơi của Mexico
Isla de las Munecas là hòn đảo quen thuộc với hầu hết người hâm mộ chủ đề kinh dị. Nó thu hút bởi hàng trăm con búp bê hỏng treo lủng lẳng khắp chốn.
Don Julian Santana, chủ nhân của hòn đảo kể rằng ông từng phát hiện xác của một thiếu nữ trên hòn đảo. Sợ linh hồn cô quấy phá, Santana bèn nhặt nhạnh những con búp bê bị người ta vứt đi đem treo lên thân cây, hàng rào, bảng gỗ trên khắp Munecas. Nhưng sau này, ông mới thú thật rằng không có xác chết nào ở đây cả. Santana thích đề tài kinh dị nên bịa ra thôi.
Dù vậy, đám búp bê ông dành cả đời để nhặt và treo lên thì hết sức kinh dị. Chúng có đủ loại kích thước và đều đã cũ nát, mất chân tay hoặc mất mắt hay mất đầu. Trong không khí u ám của đảo Munecas, rất có thể bạn sẽ lầm tưởng chúng tự động đậy hay di chuyển tròng mắt dõi theo bạn.
Tham khảo: Grunge
Theo Helino
Bí ẩn về những con tàu bị mất tích Không con tàu ma nào nổi tiếng hơn Người Hà Lan bay, với nhiều bức tranh, chuyện kinh dị, phim điện ảnh và cả nhạc kịch opera về nó. Con tàu được đề cập đến lần đầu tiên vào cuối những năm 1700 trong cuốn sách về đi biển "Hành trình đến Vịnh Botany" của George Barrington. SS Valencia Con tàu hơi nước...