Những cảnh đời khốn khó mưu sinh ở phố Sài Gòn giữa dịch bệnh
Sài Gòn những ngày giãn cách, rất nhiều mảnh đời khốn khổ đang phải vất vưởng ngoài đường, lang thang lục tìm từng món ve chai để mưu sinh.
Những ngày đầu TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các hàng quán đều đóng cửa, người dân phải hạn chế ra ngoài. Tuy vậy, trên nhiều nẻo đường của thành phố, rất nhiều mảnh đời khốn khổ chẳng chốn dung thân, bất đắc dĩ phải lang thang kiếm cơm giữa lúc dịch bệnh.
Lục lọi từng túi rác để tìm kiếm sự sống
Mặt trời vừa khuất bóng, nhiệt độ ngoài trời dịu dần, cũng là lúc chị Ngọc Mai (41 tuổi) đẩy chiếc xe tự chế chở hai con nhỏ cùng vài chiếc bao lớn treo xung quanh, đi thu nhặt ve chai. Hơn 2 tháng qua, chiều nào chị Mai cũng đẩy xe từ căn nhà xập xệ nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Hậu Giang, quận 6… đến khu vực quận 5, quận 10.
Trên suốt quãng đường này, cứ chốc chốc chị Thư lại tấp vào lề, lục tìm kiếm món đồ có thể bán được để kiếm sống qua ngày.
Dừng xe nghỉ ngơi một lúc trên đường 3/2, gần đoạn giao với đường Lê Đại Hành, chị Mai chia sẻ mình là trẻ mồ côi, được nhận nuôi từ trong bệnh viện lúc vừa mới lọt lòng. Cha mẹ nuôi của chị đã già yếu, không còn sức lao động. Giờ đây, chị chính là trụ cột của gia đình.
Không chỉ chăm lo cho cha mẹ, chị Mai còn phải nuôi nấng hai đứa con thơ đang ngơ ngác ngồi trong xe đẩy. Hai đứa nhỏ mặt mũi lấm lem, vừa gặm ổ bánh mì được người dân cho, vừa ngây ngô nhìn mẹ.
Phủi phủi hai tay vào chiếc áo khoác ngoài đã rách, chị mở nắp chai nước đưa cho đứa lớn rồi nói: “Tụi nó ngoan lắm, ngồi yên trong đó chơi với nhau thôi à! Có tụi nó đi theo cũng vui, nhưng mà không đi xa nổi. Để tụi nó ở nhà cũng không xong, ông bà già yếu đâu có chăm được”.
Hai đứa con của chị Mai là bé Hiếu chỉ mới 5 tuổi và bé Tài chưa đầy 1 tuổi.
Theo lời bà mẹ hai con, những ngày dịch bệnh chưa căng thẳng, chị làm bảo vệ cho một quán ăn ở Thủ Đức. Nhưng khi thành phố giãn cách, quán xá đóng cửa… chị mất việc.
Gánh nặng gia đình đè trên vai, người phụ nữ không chồng đành đem theo hai đứa trẻ lang thang khắp thành phố để lượm ve chai, lục từng túi rác người dân bỏ ven đường để tìm kiếm thứ gì đó nuôi sống gia đình.
Bà Lan đẩy chiếc xe phế liệu cồng kềnh qua con đường 3/2, quận 10, TPHCM.
Cách nơi mẹ con chị Mai đang lượm ve chai không xa, trên con đường 3/2, bà Lan khệ nệ đẩy chiếc xe phế liệu cồng kềnh to gấp vài lần cơ thể.
Thấy có người tới hỏi chuyện, bà lão 75 tuổi cười bảo cuộc đời mình đầy sóng gió, vất vả, nhọc nhằn cho tới tận bây giờ.
Bà Lan không có chồng con, cũng không nhà cửa. Ban ngày, bà đẩy xe đi thu nhặt phế liệu hết con đường này đến con phố khác. Đêm đến, bà tìm một nơi vắng người, trống trải nào đó để ngả lưng.
Cuộc đời mà theo lời bà mô tả “có chết cũng không ai biết, không ai lo”. Dịch bệnh ập đến khiến cho cuộc sống của bà đã khó khăn nay còn hơn gấp bội.
“Dịch dã, giãn cách người ta đuổi miết thôi! Nhưng mà đuổi chỗ này thì đi chỗ khác, chứ có nhà đâu mà về. Nghèo khổ như tôi sợ chết đói hơn”, bà Lan chia sẻ.
Đã nghèo… còn mắc cái eo
Trên những con đường Sài Gòn đã vắng người qua lại vì giãn cách, vẫn còn rất nhiều những mảnh đời khốn khổ sống lang thang kiếm ăn, hoặc nằm co ro trên vỉa hè.
Rất nhiều mảnh đời khốn khổ ngồi trên vỉa hè của cầu Ông Lãnh.
Có những người trước dịch vẫn có công việc, có nơi để nương náu mỗi ngày, nhưng giờ đây họ phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” vì thất nghiệp. Ông Đoàn Văn Thuận (67 tuổi) chính là một trong những hoàn cảnh như vậy.
Tối muộn, trên đường Phan Đăng Lưu, gần bệnh viện Nhân Dân Gia Định, ông Thuận ngồi bó gối, co ro trên vỉa hè, thẫn thờ nhìn ra đường chờ đợi người hảo tâm đến phát cơm.
Sức khỏe giảm sút, giọng nói của ông cũng khó nghe hơn sau cơn tai biến. Ông kể có một người con trai mắc bệnh tâm thần, đang lang thang ở khu vực Gò Vấp để nương nhờ tình thương của xã hội.
Ông Thuận thường ngồi ở đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Ông Thuận quê gốc ở Cần Thơ, cùng con trai lưu lạc đến đất Sài Gòn từ lúc nào ông cũng chẳng nhớ rõ. Chỉ biết dạo trước ông vẫn sống ổn với nghề chạy xe ôm. Dù không dư dả gì nhưng cũng đủ lo hai bữa cơm rau và một căn phòng trọ để lui về mỗi tối.
Qua mỗi đợt dịch, cuộc sống của cha con ông Thuận ngày một khó khăn hơn. Dần dần, ông phải bán đi “cần câu cơm” là chiếc xe máy cũ để chống đói cho con. Đến lúc kiệt quệ, cha con ông đành trả lại phòng trọ, mượn tạm vỉa hè làm chốn nương thân.
Cùng hoàn cảnh với ông Thuận, chị Thư (43 tuổi) cũng đang phải lang thang ngoài đường lúc nửa đêm sau khi thành phố giãn cách, tạm dừng bán vé số.
Theo lời kể của chị Thư, chị và đứa con 5 tháng tuổi của mình thường ngồi ở cầu Hang Ngoài, đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp vào mỗi buổi tối. Nhờ những người có lòng hảo tâm, chị mới có cơm ăn, con chị mới có sữa uống.
“Có nhiều người thương mẹ con tôi, cho tiền thành quen mặt, ngày nào cũng đến cho 10.000 – 20.000 đồng” – chị kể.
Chị Thư cùng con trai thường ngồi ở khu vực cầu Hang Ngoài, đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TPHCM.
Chị Thư bảo tiền được nhận người khác vất vả làm việc mới có, chị chẳng dám tiêu hoang. Chị chỉ dùng tiền ấy để mua sữa cho con, chẳng dám mua cơm cho bản thân mình. Chị gắng đi tìm nơi có phát cơm từ thiện để xin ăn.
Nói đoạn, chị ôm con vào lòng, nghẹn ngào nói: “Mùa dịch mà ẵm con đi như vầy tội nó lắm chứ! Nhưng để ở nhà không có ai chăm nom, cả mẹ con cùng ở nhà thì chỉ có chết đói thôi. Nhiều người nghĩ mình ác, dịch mà ẵm con đi kiếm tiền. Nhưng thực sự là ngồi đây xin tiền cũng ngại lắm! Hoàn cảnh đưa đẩy, vì để sống mình đành chịu!”.
11h đêm, Sài Gòn bắt đầu trở lạnh, chị Thư ôm chặt con trai của mình trong tay, rảo từng bước thật chậm trên con đường vắng ngắt. Con đường phía trước dài và bất định tựa như cuộc sống của mẹ con chị hiện tại vậy…
Nhà hàng ở Hà Nội phớt lờ giãn cách trước giờ dừng bán
Nhiều nhà hàng tại Hà Nội kêu gọi khách hàng đến "ủng hộ", "giải cứu" đồ ăn. Tuy nhiên, một số cơ sở gần như phớt lờ quy định giãn cách, hạn chế số khách của Thành phố.
Sau khoảng 2 tuần gần đây, quán lẩu nướng của chị Mai Hoa (34 tuổi, quê Nam Định) ở khu vực chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dần đông khách trở lại. Kết thúc tuần vừa rồi, chị quyết định nhập lượng lớn thịt để có thể phục vụ thực khách trong vòng 4-5 ngày.
Tuy nhiên, thông tin Hà Nội yêu cầu dừng nhà hàng, quán ăn (chỉ cho phép bán hàng mang về) từ 0h ngày 13/7 khiến chị Hoa bất ngờ và lo lắng. Chị phải gọi điện cho một số người quen và lên mạng xã hội kêu gọi mọi người đến quán ăn ủng hộ trong tối 12/7.
"Tôi nghĩ bán cả tối nay cũng không thể hết được số thịt đã nhập buổi sáng", chị Hoa nói. Đối với hàng tồn còn lại, người phụ nữ này cho biết sẽ tiếp tục bán cho khách mua mang về, thậm chí giảm giá; bên cạnh đó, liên hệ thử một số cở sở lẩu nướng khác nhờ lấy hộ.
Một nhà hàng buffer tại Hà Nội tối 12/7. Ảnh: Văn Hưng.
Trong khi đó, thương hiệu Buffet lẩu nướng hải sản Poseidon, Buffet Chef Dzung... tại Hà Nội cũng phải livestream xả hàng và kêu gọi khách đến ăn ủng hộ. Vào sáng 12/7, đại diện chuỗi này thông tin mới nhập nửa tấn ghẹ, hàng trăm kg cua loại 4 con/kg và ốc hương.
"Bán buffet hết tối nay là bên mình lại phải đóng cửa. Trong khi sáng nay còn nhập nhiều hàng nữa chứ, không kịp trở tay. Mong bà con cô bác mua ủng hộ", đại diện thương hiệu buffet Poseidon nói.
Ghi nhận vào tối 12/7, tại nhà hàng buffet Poseidon (đường Trần Phú, quận Hà Đông) gần như kín bàn. Nhiều người sau khi ăn xong còn mua mang về. Nhiều mặt hàng thủy sản đã hết, trong khi sò huyết tồn nhiều giảm từ 200.000 đồng/kg xuống còn 120.000 đồng/kg, ghẹ giảm còn 260.000 đồng/kg, cua loại 4 con/kg giảm còn 270.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Đức Huy (29 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ biết Hà Nội chuẩn bị siết chặt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, anh đưa vợ con đi thưởng thức một số loại hải sản. Trước khi ra về, anh mua thêm 2 kg ghẹ, để nhà ăn và biếu bố mẹ.
Với lượng khách đông, nhà hàng buffet kể trên gần như không đảm bảo công tác phòng dịch theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Nhà hàng không yêu cầu khách khử khuẩn khi bước vào; các bàn đặt gần nhau, không có vách ngăn; khách ngồi và đi lấy đồ ăn không đảm bảo giãn cách, thậm chí có tình trạng chen lấn.
Theo quy định, nhà hàng chỉ được đón không quá 20 người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi. Tuy nhiên, quy định này không được chấp hành.
Nhiều nhân viên của nhà hàng buffer không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách. Ảnh: Văn Hưng.
Trong khi đó, tại khu vực livestream bán hải sản của nhà hàng này ngay sát chỗ ngồi của khách, nhiều người đi lại. Có nhân viên bán hàng không đeo khẩu trang.
Trên mạng xã hội, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng cho rằng gặp khó khi biết tin phải tạm dừng hoạt động. Các cơ sở này tích cực kêu gọi khách hàng đến ăn để nhận chương trình khuyến mãi, đồng thời thông báo sẽ chỉ bán mang về sau ngày hôm nay.
Một nhà hàng chuyên các món cuốn tại Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân cho biết đã nhập quá nhiều rau trong ngày, không thể để lâu và mong muốn khách hàng có thể đến "giải cứu". Phía dưới phần bình luận, nhiều người khẳng định sẽ qua ăn ủng hộ.
Trước đó, chiều 12/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản yêu cầu từ 0h ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
TP tiếp tục yêu cầu dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Đổ xô đi cắt tóc trước giờ Hà Nội tạm dừng một số dịch vụ
Nhiều cửa hàng tóc đón lượng khách tăng đột biến sau khi Hà Nội thông tin về việc tạm dừng một số hoạt động kinh doanh trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu... từ 0h ngày 13/7.
Hàng hóa tại TP.HCM ổn định, đến lượt Cần Thơ bị 'vét' sạch trước ngày giãn cách Cần Thơ bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại một số quận khiến hàng hóa bị "vét" sạch. Rau xanh ở nhiều nơi vẫn còn thiếu, giá tăng . ẢNH: NG.NGA Báo cáo từ Tổng cục Quản lý thị trường, đến sáng nay 12.7, tình hình cung ứng hàng hóa tại TP.HCM tiếp tục được cải thiện, hàng thực...