Những ‘cánh chim báo bão’ của bóng đá Việt
Trong thời gian ngắn phát triển quá nóng, bóng đá Việt liên tục chao đảo khi các CLB lần lượt giải thể.
Sau khi bầu Long của Hòa Phát rút lui khỏi bóng đá năm 2011 rồi bầu Kiên dính vòng lao lý, bóng đá Việt Nam liên tiếp đón nhận tin không vui. Bầu Kiên như “cánh chim báo bão” với bóng đá quốc nội sau thời gian ngắn phát triển quá nóng…
Bầu Kiên vướng vòng lao lý khiến hai đội bóng của ông bỏ cuộc chơi. Ảnh: KL.
Sau mùa giải 2011, bầu Long quyết định rút rui khỏi bóng đá do chán nản môi trường bóng đá lúc bấy giờ. Hòa Phát chuyển giao suất dự V-League cho bầu Kiên – bạn thân của bầu Long – rồi giải tán. Đó là nỗi đau của bóng đá Việt Nam khi mất đi một người tâm huyết, say mê bóng đá như ông Long. Tính từ ngày Hòa Phát xóa tên đến nay, có hơn chục đội bóng ở V-League, hạng Nhất giải tán.
Tháng 8/2012, bầu Kiên vướng vào vòng lao lý. Bão ập vào bóng đá Việt với tên “bãi giải tán”. Hai đội bóng của ông gồm một đội dự hạng Nhất, một đội dự V-League phải nói lời chia tay. Nhưng đây mới chỉ là phần mở đầu cho cái kết chưa thấy điểm dừng. Tất cả đều đến từ nguyên nhân kinh tế và do ông bầu mệt mỏi như bầu Trường, bầu Thụy.
Tháng 11/2012, CLB Trẻ Đà Nẵng “mất hút” sau khi vừa mới giành quyền thăng hạng Nhất. Cùng tháng này, CLB Bà Rịa – Vũng Tàu, tân binh giải hạng Nhất, cũng tuyên bố ngừng cuộc chơi. Tháng 12/2012, CLB Lâm Đồng tuyên bố giải tán sau một năm chơi ở giải hạng Nhất. Nhiều cầu thủ ngỡ ngàng, có người chia tay giấc mơ bóng đá để về quê phụ gia đình bán rau.
Tháng 12/2012, CLB Navibank Sài Gòn tuyên bố không tiếp tục cuộc chơi. Trong lá thư gửi Liên đoàn bóng đá TP HCM về việc “gửi” lại đội bóng cho địa phương, Chủ tịch CLB ông Vĩnh Thọ thừa nhận mấy năm làm bóng đá quá tốn kém (300 tỷ đồng cho ba năm) buộc họ rút lui. TP HCM từ việc có hai đại diện dự V-League, một dự hạng Nhất chỉ còn duy nhất CLB Xuân Thành Sài Gòn.
Đầu năm 2013, ngay trước mùa giải, Khánh Hoà không còn đại diện dự V-League khi đội bóng này được chuyển giao ra Hải Phòng. Đội bóng đất Cảng không “cam chịu” cảnh thi đấu giải hạng Nhất sau khi chia tay V-League 2012 nên quyết định mua lại suất chơi V-League, bỏ suất hạng Nhất. CLB trẻ Khánh Hoà vừa giành quyền lên hạng Nhất cũng phải giải tán.
Đại diện duy nhất còn sót lại của TP HCM là CLB Xuân Thành Sài Gòn tuyên bố ngừng cuộc chơi V-League, giải tán đội bóng khi mùa giải 2013 kết thúc. Nguyên nhân trực tiếp là bầu Thụy ức chế cách làm của VFF, nhưng sâu xa là bởi ông cũng quá ngán cảnh “ngốn tiền” của đội bóng chỉ có chi mà không có thu. TP HCM hiện còn đội bóng dự giải hạng Nhất nhưng cũng chỉ thuộc dạng “con nhà nghèo”, không tham vọng.
Video đang HOT
Từ đó, người hâm mộ tiếp tục chứng kiến liên tiếp các đội bóng ở V-League, hạng Nhất chia tay, giải tán. Tháng 10/2013 CLB Kiên Giang giải thể. Tháng 11/2013, CLB Bình Định rút khỏi sân chơi chuyên nghiệp. Tháng 5/2014, bầu Trường tuyên bố “tạm ngưng các hoạt động bóng đá vô thời hạn” sau sự kiện vụ nhóm cầu thủ trong đội cá cược ở AFC Cup.
Sang năm 2014, CLB An Giang tuyên bố giải tán, rút lui khỏi sân chơi chuyên nghiệp sau khi rơi từ V-League xuống hạng Nhất ngay khi mùa giải kết thúc. Ban tổ chức giải chưa hết lúng túng giải quyết vụ việc thì đến tháng 10, CLB Đồng Tháp cho biết cũng rút lui do nợ nần và không đủ kinh phí dự mùa giải V-League 2015.
Số phận của CLB Đồng Tháp sẽ được quyết định trong hôm nay. Ảnh: KL.
Như vậy, tính từ khi bóng đá Việt Nam thực hiện theo mô hình chuyên nghiệp đến nay, đã có hơn 20 đội bóng xóa tên khỏi sân chơi chuyên nghiệp do quá trình mua bán, sáp nhập, giải thể. Trước năm 2011, có nhiều tên tuổi biến mất như Thể Công, Quân Khu 4, CLB Thép miền Nam Cảng Sài Gòn (tiền thân là Cảng Sài Gòn), Ngân hàng Đông Á (tiền thân là Công an TP HCM), Hải Quan, Bưu Điện TP HCM, Sơn Đồng Tâm, Thành Nghĩa Quảng Ngãi, Sài Gòn United, Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn…Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, con số trên có thể còn tăng.
Khi Đồng Tháp giải thể, không dự V-League 2015, đại diện của VFF và VPF đều có chung quan điểm “có bao nhiêu tổ chức bấy nhiêu và không dừng V-League”.
Theo VNE
'Ngõ cụt' của những thần đồng bóng đá Việt
Văn Quyến, Ánh Cường đều không phát huy được tài năng thiên bẩm trong khi đàn em Thái Sung đang vướng bi kịch.
"Thần đồng bóng đá" Thái Sung đang miệt mài trên ghế dự bị, phải bơm bóng, xách nước cho đồng đội. Giới chuyên môn đang lo ngại nếu không thay đổi môi trường phù hợp, Sung có thể rơi vào lối mòn của không ít đàn anh cũng từng là "thần đồng" trước đây...
Thần đồng chuyên dự bị
Văn Quyến chói sáng nhưng sớm đánh mất mình khi còn trẻ. Ảnh: KL.
Văn Quyến từng được gọi là "thần đồng bóng đá". Năm 16 tuổi, cậu bé chăn trâu, cắt cỏ bỗng vụt sáng với màn trình diễn ấn tượng ở vòng chung kết U16 châu Á tại Việt Nam. Tiếp đà, có lúc Quyến trở thành ngôi sao của làng bóng với những màn trình diễn ấn tượng như bàn thắng đến từ sự ngẫu hứng vào lưới U23 Hàn Quốc hay thi đấu tưng bừng tại SEA Games 2003. Ở tuổi đôi mươi, có lẽ chưa có cầu thủ nào nhiều hợp đồng quảng cáo như Quyến lúc bấy giờ.
Nhưng sau năm 2005, thời điểm xảy ra sự cố bán độ ở SEA Games trên đất Philippines, Văn Quyến bắt đầu chu kỳ đi xuống không phanh. Tài năng bẩm sinh không thể "cứu" Quyến trên bước đường dài sự nghiệp với nhiều lận đận và chuyện sinh hoạt hậu trường. Từ ngôi sao, Quyến phải cố gắng để có một chỗ đứng ở các CLB.
Nhiều đội bóng giang tay cho anh cơ hội như đội bóng quê hương Nghệ An, Sài Gòn Xuân Thành, Ninh Bình. Tuy nhiên, Quyến "béo" không thể nào trở lại như xưa và vị trí của anh luôn là ghế dự bị từ năm này qua năm khác. Cuối mùa giải 2014 vừa qua, anh tuyên bố giải nghệ, cưới vợ và tìm đường hướng làm ăn mới, khép lại đời cầu thủ của một "thần đồng bóng đá".
Từ sao sân cỏ đến sao sân phủi
Ánh Cường tìm vui ở sân phủi. Ảnh: Bongdaplus.
Cùng lứa với Văn Quyến ở U16 Việt Nam còn có một tiền đạo gây sốt suốt năm 2000 là Ánh Cường. Tại giải đấu ở Đà Nẵng bấy giờ, Ánh Cường vụt sáng và trở thành niềm hy vọng trong lòng người hâm mộ, có thể tiếp bước các tiền đạo đàn anh nổi tiếng. Tuy nhiên, thời gian tỏa sáng của anh quá ít ỏi và suốt chặng đường dài sau đó là những thăng trầm của cầu thủ quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ánh Cường trải qua khá nhiều CLB sau thời điểm 2000 như Hòa Phát, Khánh Hòa, Hà Tĩnh (hạng Nhì). Nhưng ở các đội bóng này, anh không có quá nhiều đóng góp. Tài năng của Cường cứ lụi tàn dần, phong độ tụt dốc và sau thời gian thi đấu cho Hà Tĩnh, anh tuyên bố giải nghệ cách đây vài năm.
Chia tay bóng đá sân cỏ, giờ Ánh Cường tập trung cho gia đình và đá sân "phủi". Với đôi chân khéo léo của mình, cầu thủ sinh năm 1984 không khó để trở thành ngôi sao trên sân nghiệp dư. Còn với sân cỏ, tất cả chỉ còn là miền ký ức đẹp.
Messi Việt Nam đi bơm bóng, xách nước
Vận may từng đến với Thái Sung nhưng hiện tại, anh đang phải sống mòn. Ảnh: KL.
"Messi Việt Nam" hay "thần đồng bóng đá" là những mỹ từ nhiều người hâm mộ đặt cho Thái Sung. Năm 2010, Sung là cầu thủ từng vượt qua 27.000 thí sinh trong nước và 40 thí sinh quốc tế để được suất học bóng đá tại Học viện Aspire Qatar trong ba năm.
Tại đây anh cùng các đồng đội từng lọt vào chung kết giải trẻ châu Âu mở rộng và thua đội trẻ CLB Sporting Lisbon. Với riêng Thái Sung, anh được các nhà tuyển trạch Sporting Lisbon mời về thi đấu cho đội trẻ của họ. Nhưng anh không thể đi vì vướng hợp đồng với đội bóng chủ quản Đà Nẵng ký khi anh 16 tuổi.
Tuy nhiên hiện nay, sau khi về nước năm 2012, anh lại chuyên ngồi trên ghế dự bị và đứng trước nguy cơ thui chột tài năng. Có lúc, Thái Sung từng gây sốt một thời phải đá cho đội hạng nhì Kon Tum mùa 2014 sau khi không thể khẳng định vị trí ở đội bóng quê hương. Tới giải U21 quốc tế mới kết thúc, Sung chủ yếu "chạy vặt" cho đội bóng với công việc tiếp nước, ướp lạnh nước cho các đồng đội.
Ngay khi về nước năm 2012, cầu thủ 19 tuổi này từng có nhiều cơ hội thể hiện trong màu áo U19 Việt Nam, CLB Đà Nẵng. Dù vậy, nơi nào anh cũng không thể "bật" lên để trở thành ngôi sao sáng với lý do thường trực là "không phù hợp lối chơi".
Anh được đánh giá cao ở trình độ kỹ thuật và tư duy chiến thuật nhưng hạn chế về thể hình, khả năng tranh chấp cũng như một số yếu tố khác để thành cầu thủ lớn. Sung muốn tìm đến môi trường khác để có cơ hội ra sân nhưng bị ràng buộc với đội bóng chủ quản Đà Nẵng nên chấp nhận cảnh "sống mòn".
Theo VNE
Bầu Đức và những tủi hận cay đắng vì bóng đá Từng không được đối tác tiếp chuyện, thất bại nặng nề với thương vụ Lee Nguyễn, ông Đức vẫn quyết tâm làm bóng đá quyết liệt. Ông Đức đang là bầu bóng đá hot nhất Việt Nam. Để có thể thành công như hiện tại, ông bầu gốc Bình Định trải qua không ít lần cay đắng. Nhưng những thất bại ban đầu...