Những cánh bướm trong rừng Cúc Phương
Những ngày tháng 4, tôi cứ băn khoăn mãi một việc. Xem có nên vác lều đi Cúc Phương qua đêm.
Để ngày ngắm bướm lượn, đêm ngắm đom đóm lập lòe.
Vẻ khoáng đạt bao la của đại ngàn bao quanh với màu xanh mát rượi tầm mắt khiến người ta quên hết những mệt mỏi của cả chặng đường dài trước đó. Gần 120 km để đến được với Cúc Phương chứ có ít gì. Lần đầu ngồi trên cái xe 29 chỗ chật chội, có chút mệt mỏi. Đường nhỏ nên xe đi chậm. Cũng sắp đến nơi rồi.
Bụi đường tan biến khi bước chân vào bạt ngàn rừng xanh. Cái nắng cuối chiều đã nhạt nhường chỗ cho màn sương mỏng bảng lảng trong không gian tự bao giờ. Đâu đây, vẳng nghe tiếng lũ chim ríc ríc gọi nhau về tổ, tiếng chú côn trùng lẩn mình trong đám cỏ xanh. Đêm rừng xuống thật nhanh và bóng tối đã nhanh chóng lan tỏa khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thảm rừng già. Con đường thưa thớt ánh đèn trong đêm vắng. Đường mỗi lúc một dốc hơn, rừng mỗi lúc một rậm rạp hơn và thưa vắng hơn.
Tôi đã có nhiều lần chạy đến với Cúc phương chỉ để có chút thời gian hít hà lấy hương vị của rừng. Giữa không gian thoáng đãng mà mát mẻ của hàng trăm ngàn loài cây, đôi lúc hứng thú đi bộ trong những con đường mòn nhỏ, tìm đến những loài cây quý hiếm trong khu rừng rậm rạp, đôi ba lần chạy xe đạp đùa nghịch, sung sướng hưởng cái khí trời tươi mới này. Có nhiều khi chẳng đi đâu xa, chỉ đung đưa nhịp chân trên trước xích đu ngay trước khu nhà nghỉ, nheo mắt cười với ảnh mặt trời đang nhảy nhót xuyên qua những tán lá.
Ánh đèn điện trong căn nhà gỗ mộc mạc le lói sau những hàng cây. Không quá sáng và cũng không cố tình làm sáng bừng cả không gian. Ngôi nhà gỗ nằm sâu giữa rừng hòa mình thân thiện với cánh rừng. Hai mẹ con chui ngay vào căn phòng mát lạnh và thưởng thức bữa tối ngon lành sau chặng đường dài xóc nảy.
Video đang HOT
Đêm, trong ban công gỗ nhỏ của ngôi nhà nghỉ giữa xung quanh là rừng, tách trà ấm cúng . Mùi gỗ trầm hương, đinh tử hương cùng hồi, quế phảng phất từ chiếc lư nhỏ trong ánh nến. Ngoài khoảng không rừng già, thoang thoảng hương ngai ngái của đất, của gỗ và của sương. Đom đóm lập lòe trong những bụi cây. Mùa này chưa có nhiều đom đóm nhưng cũng đủ để tạo nên một không gian huyền ảo trong khu rừng tĩnh mịch. Mấy đứa chúng tôi chạy xuống sân nhà. Trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn và của đom đóm, ngỡ mình đang đứng giữa một dải ngân hà và với ngàn vì sao. Chạm tay vào những chú đom đóm nhỏ với cái đuôi khoe ánh sáng. Ở Hà Nội bây giờ, làm gì còn được ngắm châu chấu, cào cào, sao biết được đom đóm nữa đâu.
Rừng đánh thức người khách lữ hành bằng bài hát của con chim sơn ca. Tiếng ríu rít líu lo khiến những kẻ hay ngủ nướng nhất cũng phải tựa tay chống cằm thưởng thức. Trong điệu hát, có niềm vui ca ngợi mặt trời, có nụ cười hân hoan của đôi lứa hạnh phúc, có khúc ca chào đón của rừng già. Lảnh lót.
Cả cánh rừng Cúc Phương như vừa được gột rửa sau một đêm tắm đẫm sương sớm. Ánh sáng ban mai tô điểm cho những hạt sương và cuộc sống bừng lên dưới ánh nắng mặt trời. Nhánh cây nhỏ khe khẽ gãi những đôi chân trần.
Một đàn bướm vàng rồi bướm trắng xà mình dưới những lối đi, bước chân đi qua đủ làm cho những cánh bướm xinh rung rinh và khi những đôi cánh nhấp nháy chớp bay trong một bản nhạc, cái đẹp khiến ta không thể không ngắm nhìn. Con nhện đang buông mành xà thấp, chú châu chấu nhảy tanh tách sau đám cỏ, bọ dừa lặng im trên lá… Dường như vạn vật đều đang bận rộn với công việc của bản thân mình, cũng ồn ào vội vã, cũng tất tả ngược xuôi, đâu đó trong cánh rừng sâu thẳm, các loài côn trùng đang làm cho rừng ngày một đẹp hơn.
Chúng tôi đi mải miết đắm say trong vẻ đẹp thiên nhiên buổi sớm ấy. Sâu vào trong rừng già. Mùa bướm cũng là mùa đông khách của Cúc Phương khi sáng sớm đã có nhiều xe cộ. May là mình đi từ hôm trước nên nay đi sâu vào trong rừng hơn.
Có rất nhiều cách để vui chơi trong rừng. Đi bộ trong những con đường mòn nhỏ, tìm đến những loài cây quý hiếm trong khu rừng rậm rạp hay cả gia đình thuê xe đạp chạy xuyên rừng. Có nhiều khi chẳng đi đâu xa, chỉ đung đưa nhịp chân trên chiếc xích đu ngay trước khu nhà nghỉ, nheo mắt vui vẻ với ánh mặt trời đang nhảy nhót xuyên qua những tán lá. Và bữa tiệc nho nhỏ được bày trong không gian xanh mướt này sẽ khiến lũ trẻ thích thú và nhớ mãi. Ở đây, bài học lớn nhất tôi muốn dạy con là bài học về thiên nhiên, những điều nho nhỏ về thế giới sinh vật như các loài côn trùng, các loài cây và những loài hoa dại. Trekking trong rừng là một trong những điều thú vị nhất của nơi này.
Những ngày cuối tuần trôi qua thật nhanh nhưng nhiều ý nghĩa. Rừng già ôm lấy những cơ thể mệt nhọc, tắm rừng, đi giữa thiên nhiên để lại trở về với đời thường trong một tâm trạng tốt hơn.
Thác 50 (Gia Lai): Báu vật giữa đại ngàn
Nằm ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, thác 50 (xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là nơi đầu nguồn của sông Kôn.
Thác như một suối tóc dài vắt ngang lưng chừng núi giữa rừng già xanh thẳm, quanh năm nước đổ ầm ào, mê mải tìm về với mẹ biển.
|
Thác 50 đẹp tựa nàng công chúa ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ |
Đã hẹn hò lâu lắm nhưng tôi vẫn chần chừ khi nhắc đến thác 50 vì quãng đường từ Pleiku đến đây khoảng 150 km. Xem những video clip, những bức ảnh được các bạn chia sẻ trên mạng xã hội, những người ở xa nhắn tin hỏi thăm khi Kon Hà Nừng được UNESCO là công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới, tôi quyết tâm sẽ đến đây một lần.
Đường xa, đi xuyên rừng cần có kỹ năng, phải theo dõi kỹ thời tiết thì mới có thể mãn nhãn với dòng thác đổ như mái tóc nữ hoàng được nắng nhuộm óng ả giữa rừng xanh bát ngát. Có lẽ thác 50 là nơi đẹp nhất ở miền cao nguyên Gia Lai mà tôi đã từng đặt chân cho đến thời điểm này.
Đường Trường Sơn Đông trải nhựa thẳng tắp xuyên qua những vạt mía mới nảy mầm. Có những bãi mía đang vào mùa thu hoạch phảng phất mùi đường ngọt lịm. Những bông dã quỳ lơ thơ nở lấp ló cuối mùa. Xuyên qua những cánh rừng với những cây cổ thụ cao tít tắp thì tôi đến cổng Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đã hẹn trước với các nhân viên ở đây nên tôi rất thuận tiện để sắp xếp đi về trong ngày. Từ cổng Khu Bảo tồn đến thác gần 20 km. Nửa đoạn đường đầu có xe U oát tăng bo với giá 500 ngàn đồng/chuyến. Đến con đường nhỏ rẽ vào thác thì có thể chọn đi xe máy hoặc đi bộ. Vì có trẻ em đi cùng nên chúng tôi lựa chọn di chuyển bằng xe máy với lời nhắc của anh kiểm lâm viên kiêm bác tài: "Lúc lên dốc nhớ ôm sát tui, còn xuống dốc thì dùng hai tay giữ vào khung sắt đằng sau vì có dốc nghiêng 70 độ đó". Tuy nhiên, theo tôi, đến quãng đường này du khách nên trải nghiệm cảm giác đi bộ trong rừng già. Con đường nhỏ nằm nép mình dưới tán cây im lìm bóng nắng với khoảng rộng độ 1 m, được đổ bê tông sạch sẽ. Những chiếc dây leo to từ trên cao nằm vắt vẻo ven đường. Những gốc cây cổ thụ vài người ôm cứ thế vươn thẳng lên vài chục mét cao vút. Các cháu nhỏ thích thú khi nhìn thấy con bướm phát sáng ở cánh chập chờn bên lối đi và những cây nấm to mọc ra từ thân cổ thụ.
Sau 30 phút ngồi xe máy với đôi tay ghì khung xe mỏi nhừ thì tiếng thác đổ ầm ầm hiện ra lấn át cả tiếng ve ngân, chim hót trong rừng rậm. Càng lại gần, bọt thác trắng mờ với tiếng réo ầm ầm rõ hơn. Người dẫn đường nói với chúng tôi: "Các chị may đấy, tối qua ở đây mưa to nên hôm nay thác rất nhiều nước".
Nước đầu nguồn cuồn cuộn chảy, mới mưa nên nước trên sông phía đầu thác ăm ắp. Sau thời gian dò đường thì bạn đồng hành nói: "Hôm nay nước lớn, chúng ta không thể qua đây, nguy hiểm". Nói xong, anh dẫn chúng tôi leo xuống vách đá men theo dây thừng, nơi có những cội cây khổng lồ ôm cả bộ rễ choàng quanh tảng đá to. Đường có mưa kèm với bọt bắn ra từ dòng thác đổ làm bước chân khá trơn ướt. Những bụi hoa tím nhỏ ướt át run rẩy bên dòng thác hùng vĩ. Tàu lá chuối bên cạnh đung đưa dưới sức ép của dòng nước xối từ trên cao xuống vực chừng 50 m. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một dòng thác hùng vĩ như thế. Nước tung cột trắng xóa từ vách đá cheo leo. Bên cạnh là dòng thác nhỏ đổ xuống mà anh em gọi đó là thác 40 mềm mại chảy. Tôi cứ đứng đó tần ngần, ngồi xuống rồi đứng lên với câu nói thường trực: "Trời ơi, tuyệt quá!".
Du khách tham quan thác 50 |
Đường xuống trơn, không có lan can, rào chắn nên tôi không dám luồn sâu vào trong hang phía sau dòng thác như những du khách can đảm khác mà chỉ dám đứng ở mé phía sau màn nước, hứng những bọt nước bắn tung tóe và nghe tiếng xối ầm ầm. Chúng tôi quay ngược lại và đi về phía chân thác. Chiếc cầu tạm bắc qua bên kia sông đã bị dòng nước lớn tối hôm trước cuốn trôi. Phía những bụi cây có bãi cát nhỏ, các nhóm đã dựng lều, nổi lửa, chặt ống nứa. Bên cạnh trên đó là những tảng thịt heo ướp gia vị nướng thơm lừng và ống cơm sem sém cháy. Có vài bạn trẻ khác cũng đã đến trước nhóm tôi, họ nhóm lửa, bắt cá, ốc suối và nướng luôn bên bờ suối.
Tôi vục tay xuống dòng nước trong xanh để lộ những hạt cát mịn và mấy con ốc nhỏ. Những viên đá bám rêu trơn nhẫy. Tôi phải kiếm một cây nứa to, chống trước dò đường rồi trèo lên mỏm đá giữa suối để ngắm trọn vẹn dòng thác với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Tôi cứ thế mà ngước lên rồi trầm trồ. Từng đàn én cỏ vẫn chập chờn bay phát ra tiếng đập cánh, tiếng kêu bạn gọi bầy trong buổi sáng có nắng nhạt của rừng già Kbang. Cũng vì là nơi trú ngụ của hàng trăm con chim én nên thác 50 còn được gọi là thác Hang Én.
Sau khi cuộn chảy và đổ từ vực cao xuống thì dòng suối cứ thế êm đềm chảy về xuôi. Có nhóm du khách theo dòng sông Kôn đi ngược lên từ phía huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) đã kịp dừng chân cùng trầm trồ ngắm thác. Tôi chỉ đứng ở mỏm đá cao giữa suối vài phút rồi rời đi vì bao người đang đợi ở dưới. Dường như ai đến đây cũng muốn trải nghiệm trọn vẹn dòng thác bằng cách đứng từ xa, chui qua hang ngắm nó từ phía sau cho nước bắn ướt đẫm mình và leo lên, đứng phía trên ngọn thác để nhìn xuống cảnh vật thu bé lại phía bên dưới với những tàng cây cổ thụ cao xanh.
Giữa bầu trời xanh thăm thẳm, cây rừng thẫm xanh, dòng nước trong veo và cột nước trắng xóa, đổ dài như dải mây bồng bềnh vắt vẻo. Thác 50 như một tuyệt tác diệu kỳ giữa rừng xanh được thiên nhiên khởi vẽ. Là món quà quý mà đất trời đã ban tặng cho mảnh đất Gia Lai hiền hòa, nhân hậu. Là phần thưởng quý báu cho những du khách ưa khám phá, mạo hiểm, hòa mình vào đất trời khoáng đạt của cao nguyên bao la. Tôi gặp những du khách tối qua cắm trại ngủ lại ở thác với nét mặt hân hoan, tươi mới. Tôi hiểu điều đó bởi tôi cũng giống như họ. Cảm giác chinh phục được vùng đất, biết thêm một cảnh quan, chứng kiến sự kỳ vĩ của đất trời cũng giống như mình đạt được một thành công mới trong công việc. Khi mình bước đến, nhìn thấy nó, chìm trong nó, mình đã cảm giác bản thân mình rất khác, đầy năng lượng tích cực, mới mẻ, tươi vui.
Từ Pleiku, du khách có thể đến thác 50 và về trong ngày với gói tour có sẵn của các công ty du lịch hoặc tự đi. Cũng có tour đi qua đêm với những hoạt động phong phú với giá 1,5-3 triệu đồng. Đi đến thác 50 rồi tôi mới mạnh dạn khẳng định: "Thác 50 phải là điểm đến khi bạn đi du lịch mảnh đất Gia Lai". Bởi lẽ, ngoài những đặc trưng văn hóa của đồng bào Bahnar bản địa, cảnh vật hoang sơ thì thác 50 sẽ là điểm nhấn trải nghiệm không thể thiếu của du khách khi khám phá mảnh đất này. Đó là sự khác biệt, bởi lẽ, cách làm du lịch có thể giống nhau, nhưng món quà mà tự nhiên trao tặng thì chỉ ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng mới có.
Mê mẩn check-in cùng hàng triệu cánh bướm sặc sỡ ở rừng Cúc Phương Hàng triệu con bướm đủ sắc màu sặc sỡ bay rợp trời giữa đại ngàn Cúc Phương khiến du khách mê mẩn check-in. Từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 6, Vườn quốc gia Cúc Phương (VQG) lại trở thành địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và check-in khi mùa bướm về. Đến...