Những căng thẳng và bất ngờ của phóng viên theo Trump dự G20
Tháp tùng ông Trump trong chuyến thăm Ba Lan và dự hội nghị G20 tại Đức, các phóng viên Mỹ gặp phải không ít tình huống bất ngờ, căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, hôm 6/7. Ảnh: NBC News.
Tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các chuyến công du nước ngoài để đưa tin là trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với việc tháp tùng các tổng thống trước đây, theo New York Times. Đối với cây bút Julie Hirschfeld Davis, trải nghiệm này bắt đầu vào cuối buổi chiều muộn ở một khu vực lịch sử của thủ đô Warsaw, Ba Lan, khi cô đang đợi chuyên cơ Không Lực Một chở ông Trump đáp xuống, ngay trước thềm hội nghị cấp cao G20 hồi tuần trước.
Chỉ biết lịch trình vào phút cuối
Nếu như thường lệ, các chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ phải được lên kế hoạch cẩn thận trong hàng tuần hoặc hàng tháng, với lịch trình ăn khớp với nhau. Nhưng vào chiều hôm đó, chỉ 5 tiếng trước khi chuyên cơ Không Lực Một hạ cánh, Davis mới tiếp nhận email từ Nhà Trắng thông báo về lịch làm việc của ông Trump và lịch trình tháp tùng Tổng thống Mỹ mà cô phải theo vào ngày hôm sau. Davis chưa bao giờ nhận thông báo lịch trình cho một chuyến công du của tổng thống muộn đến vậy.
Theo Davis, Nhà Trắng đã bỏ qua nhiều nghi thức và tiến trình làm việc quy chuẩn đối với một tổng thống, đồng thời cảnh báo trước với báo chí rằng các kế hoạch và việc di chuyển của ông Trump có thể rất khó nắm bắt. Chẳng hạn, thông báo từ Nhà Trắng đề cập đến một sự kiện họp báo với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhưng mãi cho đến sáng hôm sau, Davis mới biết rõ liệu ông Trump có trả lời câu hỏi của báo chí hay không.
Davis từng trải qua sự cố tương tự vào năm ngoái trong chuyến tháp tùng tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Cuba. Lúc bấy giờ, Nhà Trắng thậm chí không biết liệu Chủ tịch Cuba Raul Castro có dành cho báo chí phần hỏi đáp hay không mãi tận đến khi nó xảy ra. Nhưng theo Davis, điều này là bất thường đối với một quốc gia có tự do báo chí được đảm bảo như Ba Lan.
Dù vậy, chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Trump vẫn có một số đặc điểm điển hình giống các chuyến công du mà những tổng thống Mỹ trước đây thực hiện. Ông di chuyển trên đường phố Warsaw trong chiếc siêu xe bọc thép Cadillac biệt danh Quái thú. Ngoài một nhóm phóng viên đại diện gom tin về Tổng thống, thường bám theo trên một chiếc xe trong đoàn tháp tùng, những phóng viên khác phải đi theo trên các xe buýt du lịch và được đội ngũ trợ lý cho tổng thống hướng dẫn chạy lòng vòng như thể dẫn học sinh tham gia dã ngoại.
Những tấm thẻ chứng nhận tháp tùng tổng thống cho phép Davis cùng các phóng viên Mỹ khác tiếp cận những chặng dừng chân được bảo vệ nghiêm ngặt của Trump trong hành trình.
Video đang HOT
Tại Hamburg, Đức, những đoàn người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động trang bị vòi rồng đã làm tắc nghẽn các con đường xung quanh địa điểm tổ chức hội nghị cấp cao G20, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
Có lần, chiếc xe buýt chở Davis từ địa điểm hội nghị đột ngột dừng lại và các nhân viên an ninh bước vào. Một người trong số họ lên nòng khẩu súng lục rồi hô lớn: “Sẵn sàng rồi!” trước khi để chiếc xe tiếp tục hành trình. Khi ấy, Davis cũng như các phóng viên khác trên xe không khỏi cảm thấy hoảng sợ xen lẫn bất ngờ.
Căng thẳng bên ngoài các cuộc gặp của Trump
Các phóng viên tác nghiệp ở phần mở đầu cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20. Ảnh: RT.
Bên trong sảnh địa điểm tổ chức hội nghị, nhóm phóng viên Mỹ cũng phải trải qua một cảm giác căng thẳng khác. Họ tụ tập tại một căn phòng thuộc trung tâm hội chợ thương mại và triển lãm Hamburg Messe để đợi thông tin từ cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, dự kiến kéo dài 30 phút, nhưng thực tế lâu hơn nhiều.
Sau khi cuộc họp trôi qua một tiếng, họ nhận được thông tin rò rỉ cho biết Mỹ, Nga cùng Jordan đã đạt thỏa thuận ngừng bắn ở một số khu vực phía tây nam Syria. Davis đưa tin nhanh về diễn biến này rồi tiếp tục chờ đợi, gọi điện cho nguồn tin để hỏi cuộc họp còn tiếp diễn hay không. Cuối cùng, nó diễn ra trong hơn 2 tiếng.
Mọi chuyện trở nên nóng hơn vào ngày hôm sau khi các quan chức Trung Quốc cố tìm cách gạt bỏ phần lớn nhóm phóng viên Nhà Trắng khỏi cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại hành lang bên ngoài nơi diễn ra cuộc gặp, Davis túm tụm với nhóm phóng viên Nhà Trắng, gồm 5 phóng viên viết tin, 4 phóng viên ảnh, một phóng viên truyền thanh và một tổ phóng viên truyền hình, những người luôn theo sát mọi bước chân của Tổng thống Trump. Họ bị các phóng viên Trung Quốc xô đẩy, chen lấn, trong khi đó, các trợ lý cho ông Trump và ông Tập tranh cãi dữ dội bằng tiếng Anh, tiếng Trung và cả tiếng Đức.
Các trợ lý Nhà Trắng giải thích một số phóng viên Mỹ có thể không được vào dự phần mở đầu cuộc gặp vốn cho phép phóng viên chụp quang cảnh phòng họp và có cơ hội nghe hai nhà lãnh đạo phát biểu cũng như đặt câu hỏi.
Davis cùng đồng nghiệp phản bác rằng các tổng thống Mỹ trước đây và đội ngũ báo chí của họ chưa bao giờ bị đối xử như thế tại những hội nghị cấp cao mang tầm quốc tế. Cuối cùng, tất cả phóng viên Mỹ cũng được phép vào dự phần mở đầu cuộc gặp.
Phần cuối chuyến công du của ông Trump, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra một quyết định vào phút chót trái với truyền thống. Tổng thống Mỹ sẽ không tổ chức họp báo tổng kết chuyến đi. Thay vào đó, các phóng viên phải thức dậy vào sáng hôm sau để đọc những dòng đăng tải trên mạng xã hội Twitter từ Tổng thống Mỹ tổng kết chuyến công du.
“Đây lại là một trải nghiệm đầu tiên nữa đối với các phóng viên đưa tin chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ dưới thời ông Trump”, Davis bình luận.
Hồng Vân
Theo VNE
Kết quả chuyến thăm Tây Âu và dự Hội nghị G20 của Thủ tướng
Chuyến đi của Thủ tướng đã thúc đẩy hợp tác với Đức và Hà Lan, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam tại Hội nghị G20.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân dự Hội nghị G20 tại Đức. Ảnh: Reuters.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức và thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 05 - 11/7. Ông liệt kê những kết quả quan trọng, nổi bật của chuyến đi.
Thứ nhất, lãnh đạo cấp cao cả Đức và Hà Lan đều khẳng định Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong ASEAN, đề cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế phát triển năng động, có vị thế, vai trò trong ASEAN.
Thứ hai, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao để tạo sự tin cậy, gắn bó. Hai bên cũng nhấn mạnh quan hệ song phương đã bước vào giai đoạn mới trên cơ sở quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau và cần làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.
Thứ ba, hợp tác văn hóa và các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, lao động cũng được các bên quan tâm, như tại Đức là vấn đề đào tạo sinh viên cho Việt Nam, đối với những ngành Việt Nam cần như công nghệ cơ khí, điều dưỡng viên; tại Hà Lan là những lĩnh vực thỏa thuận hợp tác như ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nước và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cảng biển, dịch vụ logistic.
"Tóm lại, tôi nghĩ hợp tác kinh tế với Đức và Hà Lan lần này rất có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả cụ thể, trên tinh thần trước đây của lãnh đạo cấp cao và đặc biệt lần này các doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác rất cụ thể qua các dự án, làm sâu sắc hơn quan hệ hai bên", Thứ trưởng nói. "Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, giao lưu trao đổi văn hóa cũng được cụ thể hóa".
Trả lời câu hỏi về ý nghĩa việc Thủ tướng được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng việc đó "cho thấy vai trò và vị thế của ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực".
Thứ trưởng cho biết trong phiên hai, Hội nghị dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bài phát biểu chính. Thủ tướng đã nêu rất cụ thể về phát triển bền vững, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và kế hoạch của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; chia sẻ những ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017, nhất là về vấn đề thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà là toàn cầu. Đồng thời, Đức cũng mời Thủ tướng phát biểu tại phiên 4 về Số hóa, trao quyền cho phụ nữ và Việc làm.
Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, xây dựng Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung, Thứ trưởng cho biết.
"Sự tham gia tích cực và hiệu quả của đoàn Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam tại Hội nghị", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét.
Phương Vũ
Theo VNE
Putin nói về "con người thật" của Tổng thống Mỹ Trump Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8.7 đã đưa ra nhận định về người đồng cấp Donald Trump sau lần đầu tiên gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. "Về mối quan hệ cá nhân, tôi nghĩ nó đã được thiết lập", ông Putin nói...