Những “căn hộ ổ chuột” của sinh viên
Người ta vẫn thường nói, đời sinh viên cái gì cũng khổ. Nhưng không ai nghĩ giữa lòng thủ đô, một bộ phận không nhỏ sinh viên phải sống trong những khu trọ “ổ chuột”, mất vệ sinh, thiếu an ninh…
Dạo quanh các khu vực có đông sinh viên sinh sống như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Triều Khúc, Hà Đông… mới thấy hết được cảnh “nơi ở không phải nhà mình” của những sinh viên tỉnh lẻ. Với những sinh viên nghèo, việc tìm những khu nhà “ổ chuột” được xem là khả thi nhất đối với túi tiền “còm” hằng tháng. Dột nát, ẩm thấp, cạnh ao tù nước đọng, xung quanh cây cỏ dại um tùm… là những hình ảnh miêu tả về những “căn hộ” của sinh viên mà không nhiều người tin giữa thành phố thanh lịch, hiện đại. Đấy là chưa kể nguồn nước sinh hoạt vẫn còn là nước giếng khoan phải chịu ô nhiễm môi trường.
Khu nhà trọ của sinh viên Đại học Mỏ – Địa chất
Tìm đến một khu nhà trọ của sinh viên khu vực Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm, Hà Nội) – địa bàn của sinh viên – hai trường Đại học Mỏ – Địa chất và Học viện Tài chính mới thực mục sở thị những nỗi khổ của sinh viên. Đó là những dãy nhà xây tạm bợ giữa những khu đất bỏ hoang, cây dại mọc tùm lum, bên cạnh là con kênh nhỏ ô nhiễm nặng thường xuyên bốc mùi hôi. Những sinh viên trọ trong khu vực này cho biết: Một phần không tìm được nhà trọ, thêm nữa là giá cũng hợp lý nên ở khổ một chút cũng không sao.
Bên cạnh đó là tình trạng an ninh luôn trong tình trạng tự quản, nên đây là khu vực đặt trong tầm ngắm của những đối tượng trộm cắp, nghiện hút tăm tia. Nhiều sinh viên cho biết, việc mất điện thoại hay những đồ dùng lặt vặt là chuyện như cơm bữa, thậm chí đã có sinh viên mất cả laptop, xe đạp.
Khu ký túc xá Học viện Tài chính tuy là nhà cao tầng, nhưng bên trong rất chật chội
Ngay cả khu ký túc xá, niềm mơ ước của nhiều sinh viên đang phải sống ở nơi “ao tù nước đọng” cũng không có được điều kiện tốt nhất. Nhiều nơi đã xuống cấp, tình trạng thiếu nước, ẩm thấp cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sinh hoạt hằng ngày của nhiều sinh viên. Hơn nữa, đây còn là nơi có số lượng đông sinh viên, nên lại càng bất cập. Nguyễn Thị Hà – sinh viên năm thứ 3 ngành kế toán (Học viện Tài chính) – chia sẻ: “Ở khu vực này, ký túc xá được xem là sang rồi, dù thi thoảng mất nước, ở phòng con gái nhiều đồ nên phòng chật và ẩm thấp, nhưng mình sẽ ở hết 4 năm đại học. Giờ tìm nhà bên ngoài khó, vệ sinh và an ninh không đảm bảo”.
Xem ra, sinh viên mọi thời đều có chung cái khổ, mà khổ về nơi ở sẽ dẫn đến khổ đủ đường. Những mái nhà ổ chuột vẫn rất có giá với sinh viên nghèo.
Theo Đăng Huỳnh (Báo Lao Động)
Video đang HOT
Sinh viên xóm trọ thản nhiên với cuộc sống bốc mùi
Những dãy nhà trọ hôi hám, ẩm thấp, mất vệ sinh ở những khu trọ sinh viên vẫn đang tồn tại như một phần tất yếu trong đời sống sinh viên.
Nhà trọ hôi hám, rác chất thành "núi"
Dễ dàng để bắt gặp những hình ảnh sinh viên ngày ngày sinh hoạt và đối mặt với nơi ở mất vệ sinh: đống rác thải chất đầy, những hôi thối bốc mùi lên từ nơi ở của sinh viên, rau - cơm thừa vứt bừa bãi ra nơi sinh hoạt của họ trong khu trọ...
Bạn Lê Thu Liên - sinh viên đại học Bách Khoa chia sẻ: "Xóm trọ em ở mỗi lần bước vào tới cổng là y rằng mấy túi rác ngổn ngang đứng chờ chắn lối đi, canh cháo rồi đủ thứ mọi người đổ không để vào nilon mà vứt lênh láng, ruồi nhặng, chuột bọ lúc nhúc tứ tung đến ghê người, bể nước xanh đỏ mốc meo lên, chật chội. Có hôm ra rửa rau thì có chị đang giặt quần áo, cố để cách xa tránh bọt xà phòng rơi vào nhưng cũng không được".
Nhà vệ sinh bẩn, một bên cửa đã bị hỏng của một khu trọ.
Bạn Đỗ Hữu Nam (sinh viên Đại học Hòa Bình) tỏ ra rất bức xúc khi nói về nhà trọ của mình mới chuyển đến vì phải chịu cảnh "vừa học vừa ngửi mùi rác". Nam cho biết nơi ở rất mất vệ sinh từ sân giếng cho đến nhà tắm, kinh khủng hơn lúc mưa to xóm trọ bị ngập cả lối đi lẫn trong nhà.
Bên cạnh đó, một số sinh viên vẫn thản nhiên chung sống với tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng này và cho rằng chuyện đó là rất bình thường.
Những mảng tường tróc vữa và xuống cấp của một khu trọ sinh viên.
Tại xóm trọ gần ĐH Công Đoàn (Hà Nội), từng mảng tường đen, bám đầy dầu mỡ...tróc ra. Bạn Nguyễn Ánh (sinh viên Đại học Công Đoàn) thản nhiên tâm sự: "Có hôm cũng định đem ra ngoài nấu cho thoáng và sạch sẽ, nhưng lại vướng chỗ phơi quần áo, mùi thức ăn bay lên bám quần áo rất hôi. Nấu trong nhà nhiều, lâu vết dầu mỡ bám vào, tróc ra từng mảng là điều tất nhiên".
Thậm chí, đối với phòng trọ của các bạn nam, hình ảnh những nam sinh ngồi bắt chân lên ghế, hai tay dính lấy bàn phím, miệng phì phèo thuốc lá, xung quanh ngổn ngang quần áo... xuất hiện khắp nơi.
Vừa bước vào phòng của bạn Hải (sinh viên Đại học Thủy Lợi) một không khí ngột ngạt, khó chịu vì mùi ẩm mốc, mùi thuốc lá nồng nặc, trên bàn học và sàn nhà thì vương vãi những mẩu thuốc hút dở kèm theo tàn thuốc lá, nhìn rất phản cảm.
Khi hỏi bạn tại sao không dọn đi cho sạch sẽ thì Hải cười xòa: "Có ai đâu mà phải sạch sẽ, có mỗi em ở đây thế nào mà chẳng được, dọn làm gì. Sống lâu với nó rồi cũng quen, với lại cứ mỗi tuần thì bạn gái tớ đến dọn dẹp nên cũng chả quan tâm".
Để rác, để xe, giặt quần áo ở cùng một nơi!
Bạn An (sinh viên Học viên Ngân hàng) còn than thở: "Các bạn nam nhiều lúc biến nhà tắm thành nhà vệ sinh, đi tiểu tiện cũng chẳng chịu xả nước, mùi khai nồng bốc lên rất khó chịu. Còn các bạn nữ khi gội đầu, tắm giặt xong cũng không thu gom tóc, vỏ dầu gội cho vào thùng rác, nhiều lần nước không thông được rồi xùi lên trông rất bẩn".
Trước thực trạng đáng báo động này, hầu hết cư dân xóm trọ đều ngượng nghịu chia sẻ, đó là do sự thiếu ý thức và cảnh cha chung không ai khóc của khu xóm trọnày.
Mặc dù hầu hết những xóm trọ có khu vệ sinh dùng chung đều có nội quy rõ ràng về việc chấp hành vệ sinh chung, nhưng có những nơi các bạn sinh viên chẳng ai chấp hành, họ ỷ lại và gây ra tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng.
Bạn Thanh Mai (sinh viên Đại học Công Đoàn) chia sẻ: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm xóm trọsinh viên, nhưng hầu hết là do ý thức của mỗi người. Nếu từng cá nhân chịu bỏ chút thời gian dọn dẹp hoặc tổ chức dọn vệ sinh tập thể thì tình trạng này sẽ giảm đi đáng kể..."
Bạn T. (Sinh viên Đại học Y Hà Nội) lại cho rằng: "Ý thức cũng có, nhưng các bạn lại có thói quen ỷ lại cho người khác. Người này dọn thì khó chịu vì thấy người kia cứ thải ra, thôi cứ kệ vì cũng đâu phải nhà mình mà ra sức dọn dẹp".
Bênh cạnh đó còn có những bạn không có thời gian dọn dẹp. Họ đi làm, đi học, ngày chỉ ở phòng vài tiếng rồi đi thì cũng chẳng phải dọn dẹp làm gì. Với lại, nhiềuxóm trọ cũng xuống cấp lắm rồi, có dọn cũng chẳng sạch vì cái gì cũng hỏng hóc...
Vàng da, xanh mắt vì nhà trọ bẩn
Tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng diễn ra trong một số khu trọ của sinh viên tại địa bàn Hà Nội gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của chính các bạnsinh viên.
Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da, và làm tăng nguy cơ lây lan của các dịch bệnh.
Lan Anh (sinh viên Cao đẳng Giao thông vận tải) tâm sự do môi trường xóm trọmất vệ sinh nghiêm trọng làm bạn bị ảnh hưởng và dẫn đến viêm xoang mãn tính.
Khu vệ sinh chung bẩn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lây lan nhanh chóng của các dịch bệnh.
Hồng Hương (sinh viên Đại học Kỹ thuật Hà Nội) cho biết bạn cùng lớp của mình do ở khu trọ bị muỗi chích dẫn đến sốt xuất huyết phải nghỉ học nửa tháng nay.
Đối với các sinh viên trong khu trọ ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) mỗi lần có mưa nước ngập lênh láng toàn bộ khu trọ. Quốc Anh (sinh viên ĐH Thủy Lợi) chia sẻ: "Trận mưa đầu tháng 10 vừa qua cả khu trọ nhà mình chìm trong nước. Nước bẩn vì thế ngập vào bể nước ăn khiến cho cả xóm trọ cùng bị tiêu chảy hàng tuần liền". Từ đó, sau mỗi trận mưa, nhóm sinh viên ở khu trọ của Quốc Anh đều phải đi mua nước ở ngoài để dùng.
Bên cạnh đó nhiều sinh viên lại coi vấn đề đó là bình thường và vẫn thản nhiên sống trong cảnh mất vệ sinh nghiêm trọng. Bạn Nam (sinh viên Đại học Y Hà Nội) hồn nhiên nói: "Con trai sạch sẽ làm gì hả bạn, mà cũng có mấy ai quan tâm đâu. Đi học, đi chơi sạch sẽ là được rồi".
Theo VTC
Kinh hãi giò, chả giòn dai nhờ chất bột trắng Gói giò bằng khuôn inox sẽ có nguy cơ tích tụ kim loại nặng vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư... Theo tìm hiểu của PV, hiện đa số những cơ sở làm giò lụa, giò xào dùng khuôn inox để gói giò và dùng các chất phụ gia không rõ nguồn...