Những cái chết trẻ và kẻ giết người thầm lặng của giới nghệ sĩ Hàn Quốc
Được xem là quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển tại châu Á nhưng Hàn Quốc cũng là môi trường showbiz khắc nghiệt nhất với giới nghệ sĩ. Số lượng nghệ sĩ gia nhập làng giải trí xứ Hàn hàng năm tăng lên chóng mặt cùng sự ra đời của những nhóm nhạc, sự xuất hiện của những gương mặt trẻ trong lĩnh vực điện ảnh.
NHỮNG CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM CỦA SHOWBIZ HÀN QUỐC
Bên cạnh sự phát triển, làng giải trí Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của giới nghệ sĩ khi họ là nạn nhân của những lời miệt thị, chì chiết, tung tin đồn trên mạng xã hội.
Năm 2019, nữ ca sĩ trẻ Sulli tự vẫn khi mới 25 tuổi. Cô là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và thừa nhận “nghẹt thở” khi chứng kiến những lời miệt thị nhằm vào bản thân.
Trong một số cuộc phỏng vấn trước khi mất, Sulli nói rằng, cô không biết phải làm thế nào để làm khán giả hài lòng. Vài tháng sau khi Sulli qua đời, cô bạn thân của cô trong làng giải – Go Hara cũng lựa chọn cái chết để kết thúc những mệt mỏi, căng thẳng do căn bệnh trầm cảm mang lại.
Sulli qua đời vào năm 2019 khi mới 25 tuổi (Ảnh: Naver).
Năm 2017, Jonghyun, giọng ca chính của ban nhạc SHINee, cũng tự tử vì trầm cảm. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Jonghyun viết: “Tôi vụn vỡ từ sâu thẳm bên trong mình. Căn bệnh trầm cảm ăn mòn tôi từ từ và cuối cùng đã nuốt chửng tôi. Tôi không thể đánh bại nó”.
Trái với hình ảnh tươi vui, tràn đầy năng lượng trên sân khấu hay các bức ảnh tự sướng lung linh, thu hút nhiều lượng tương tác trên mạng xã hội, các ngôi sao của Hàn Quốc phải gồng mình để che giấu những tổn thương, những nỗi đau mà họ không thể chia sẻ cùng ai.
Nữ diễn viên Choi Jin Sil cũng là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và những lời bình luận ác ý. Năm 2008, Choi Jin Sil ra đi trong sự thương tiếc khôn nguôi của người hâm mộ và để lại hai đứa con nhỏ còn đang tuổi đi học. Cuộc đời của Choi Jin Sil là một chuỗi những ngày tháng buồn. Cô từng thành danh trong làng giải trí, được xem là “tình đầu quốc dân” nhưng trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng bạo hành, đánh đập.
Bước ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục, Choi Jin Sil quyết tâm làm lại cuộc đời, gây dựng sự nghiệp cô từng bỏ lỡ khi lập gia đình, tập trung nuôi dạy hai con. Nhưng nữ diễn viên đã gục ngã hoàn toàn khi gia đình và cá nhân cô bị cộng đồng mạng lên án, đặt điều. Cô quyên sinh bằng cách treo cổ tại nhà ở Seoul, Hàn Quốc. Một năm rưỡi sau, em trai của Choi Jin Sil cũng tự sát vì trầm cảm.
Choi Jin Shil tự vẫn vì bệnh trầm cảm và áp lực từ công chúng vào năm 2008 (Ảnh: Naver).
Những câu chuyện như Choi Jin Sil đã và đang ngày càng không hiếm trong làng giải trí Hàn Quốc. Sau cô, nhiều ngôi sao khác như Jung Da Bin, Jang Ja Yeon, Lee Eun Joo, Park Yong Ha… đều lựa chọn cái chết để giải quyết những bế tắc trong cuộc sống.
Đầu tháng 2/2022, hai ngôi sao trẻ của Hàn Quốc gồm vận động viên bóng chuyền Kim In Hyeok và hot girl mạng xã hội Jo Jang Mi đã tự tử vì không thể chịu đựng sự bắt nạt trên mạng. Trước khi qua đời, họ thường xuyên là mục tiêu của những kẻ tung tin và phát tán bình luận căm ghét.
Vận động viên 26 tuổi của đội Daejeon Samsung Bluefangs – Kim In Hyeok được phát hiện đã chết tại nơi ở của anh vào ngày 4/2. Anh thường xuyên bị chế nhạo vì ngoại hình và giới tính. Tháng 8/2021, Kim In Hyeok viết trên trang cá nhân: “Tôi không thể chịu đựng được những bình luận ác ý nữa. Tôi đã chịu đựng chúng trong một thập kỷ”.
Hot girl mạng xã hội Hàn Quốc – Jo Jang Mi, 27 tuổi, vừa tự vẫn vì áp lực truyền thông (Ảnh: Xports News).
Ngày 6/2, Jo Jang Mi (27 tuổi) được người thân xác nhận qua đời sau thời gian dài mắc chứng trầm cảm. Cô là một gương mặt nổi tiếng trên mạng xã hội của Hàn Quốc. Trong một chương trình phát sóng năm 2019, Jo Jang Mi thực hiện cử chỉ bằng tay mà nhiều người Hàn Quốc cho rằng đó là hành động ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền và thê hiện sự căm ghét đàn ông. Sau sự cố năm 2019, cô thường bị công kích dù không ít lần lên tiếng xin lỗi.
TẠI SAO NHIỀU NGHỆ SĨ, NGƯỜI NỔI TIẾNG CỦA HÀN QUỐC TỰ VẪN?
Những nghệ sĩ Hàn Quốc rất coi trọng hình ảnh của mình. Do đó, vấn đề tiêu cực hay những tin đồn bất lợi về danh dự cũng như thông tin không tốt trong cuộc sống riêng tư; những áp lực đến từ vai diễn khiến tinh thần họ bị căng thẳng quá độ, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Trong một chương trình truyền hình, nam ca sĩ quá cố Jonghyun nói, anh cảm thấy rất khó để chia sẻ cảm xúc hay nỗi sợ hãi của mình với mọi người xung quanh vì lo sợ bị công chúng đánh giá. Bên cạnh đó, Jonghyun còn không có những người thân thiết, đủ gần gũi để anh dựa vào.
Ngôi sao thần tượng quá cố Jonghyun từng thừa nhận, anh luôn thấy cô đơn và sợ hãi dù luôn mỉm cười trước công chúng (Ảnh: Pinterest).
Thành viên Hani từ nhóm EXID cũng tâm sự trên truyền hình về kế hoạch cho một cuộc sống khác, trở thành một chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần trong tương lai sau khi giải nghệ. Hơn ai hết, Hani thấu hiểu những căng thẳng và áp lực của các thực tập sinh giải trí trên con đường gây dựng sự nghiệp.
Video đang HOT
Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng những người nổi tiếng, thường xuyên thu hút sự chú ý của công chúng, rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm với nhiều lý do khác nhau.
“Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng người nổi tiếng, những người tham gia và các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật, có khả năng mắc trầm cảm cao hơn người bình thường. Những người trong các ngành nghề như vậy dễ bị thay đổi tâm trạng và cảm xúc hơn người bình thường, những yếu tố này liên quan tới chứng trầm cảm”, Kim Byung-soo, bác sĩ tâm lý tại Trung tâm Y tế Asan, Hàn Quốc, cho biết.
Theo bác sĩ Kim, người của công chúng cũng thường xuyên phải sống “hai mặt”, tách biệt giữa tính cách “xã hội” khi xuất hiện trước người hâm mộ và tính cách “thực sự” khi ở một mình. Nếu khoảng cách giữa hai tính cách ngày càng mở rộng, người nổi tiếng có thể bị lu mờ đi tính cách thực sự và phụ thuộc ngày càng nhiều vào tính cách “mặt nạ”. Điều này lâu dần sẽ khiến họ rơi vào trạng thái hỗn loạn.
Goo Hara luôn phải sống với hai gương mặt trái ngược để giữ hình ảnh trước công chúng (Ảnh: Cosmopolitan).
“Trở thành một ngôi sao giống như bạn đi qua sông và không thể quay trở về bờ. Nhiều người nghĩ những người nổi tiếng luôn được đám đông vây quanh mình nhưng thực tế, mối quan hệ cá nhân của họ rất hẹp và hạn chế. Rất khó để họ có các mối quan hệ nghiêm túc với người khác bởi họ có xu hướng phòng thủ với suy nghĩ rằng người khác thích họ chỉ vì vẻ ngoài và danh tiếng của họ. Điều đó khiến họ cô đơn và tách biệt, ngay cả với người thân và gia đình”, bác sĩ Kim cho hay.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Kim, hầu hết người nổi tiếng bị trầm cảm đều ngần ngại tới các phòng khám tâm thần công khai bởi họ sợ bị nhận ra. Một số công ty đào tạo nghệ sĩ Kpop ngày nay luôn có các nhân viên tư vấn tâm lý riêng cho nghệ sĩ.
SỰ NỞ RỘ CỦA NHỮNG KÊNH YOUTUBE TÀN ÁC TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Sự ra đời ồ ạt của nghệ sĩ khiến khán giả có nhiều lựa chọn và trở nên khó tính, thích chỉ trích khi không thấy vừa mắt một nghệ sĩ nào đó. Điều này cũng giúp cho các YouTuber chuyên đưa tin về giới giải trí, phát tán thông tin về đời tư của nghệ sĩ có “đất” hoạt động.
V – thành viên nhóm BTS đã phải lên tiếng phản ứng sau khi một kênh YouTube đưa tin anh hò hẹn với tiểu thư một gia đình giàu có. Tài khoản này đã bị fan của BTS chỉ trích dữ dội nhưng lượt xem video không ngừng tăng. Theo trích dẫn số liệu của Nox Influencer, kênh đưa tin về V kiếm lợi nhuận ổn định hàng tháng từ 27,7 triệu won (23.100 USD) đến 48,3 triệu won.
Năm 2021, nhiều thần tượng Kpop và diễn viên Hàn Quốc bị buộc tội bắt nạt bạn cùng lớp trong thời đi học. Một loạt những video đề cập đến vấn đề này được cắt ghép, dàn dựng đăng tải trên YouTube để thu hút người xem.
Hot girl Song Ji Ah tiêu tan sự nghiệp sau khi bị một YouTuber tố cáo mặc hàng hiệu nhái (Ảnh: Instagram).
Mới đây, các YouTuber đưa tin về việc hotgirl mạng xã hội bị tố dùng hàng nhái – Song Ji Ah cũng kiếm được lượng xem khổng lồ. Cô nổi tiếng là một beauty blogger tại Hàn Quốc và được khán giả quốc tế biết tới sau khi tham gia chương trình hẹn hò Singles Inferno (Địa ngục độc thân).
Sau khi bị một YouTuber tố dùng hàng hiệu giả, Song Ji Ah phải lên tiếng xin lỗi nhưng làn sóng chỉ trích cô vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vụ việc khiến con đường gia nhập làng giải trí của Song Ji Ah bị chững lại khi nhiều chương trình hủy hợp tác hoặc cắt bỏ hình ảnh của cô.
Gần đây, tờ Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc đã đề cập tới vấn nạn tung tin đồn tràn lan trên YouTube. Các tin tức vô căn cứ đang được YouTuber săn đón, thêu dệt và phát tán đang dần phá hoại cuộc sống của nhiều người của công chúng tại Hàn Quốc.
Mục đích của việc tung tin này là để “câu view”, tạo tranh cãi trên mạng xã hội để thu lợi nhuận. Phần lớn các nguồn tin đều không đáng tin cậy, được thực hiện dựa vào những mẩu tin ngắn hoặc bài đăng ẩn danh trên các cộng đồng trực tuyến. Để hấp dẫn người xem, những người dùng YouTube sẽ tạo nên những câu chuyện, thông tin tranh cãi liên quan tới giới nghệ sĩ.
Giáo sư Hong Sung Cheol từ khoa Truyền thông và Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Kyonggi, Hàn Quốc cho rằng lý do cộng đồng mạng vẫn ủng hộ những nội dung do các YouTuber phát tán là do các kênh này đưa ra những thông tin mà các phương tiện truyền thông chính thống không có.
Vận động viên Kim In Hyeok qua đời ở tuổi 27 (Ảnh: Mydaily).
“Hiện tượng này có liên quan đến sự mãn nhãn. Mọi người muốn biết những câu chuyện về người khác nhưng không phải thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông chính thống. Tuy nhiên, thông tin mà những kẻ phá hoại này chia sẻ không hề mới. Chúng chủ yếu là ảnh ghép của các bài báo”, giáo sư Hong Sung Cheol phân tích.
Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho thì cho rằng, những kẻ bạo lực mạng thường không ý thức được việc họ gây tổn hại cho các nạn nhân. “Họ tấn công người khác và tin rằng đó là cách họ nhận được sự chú ý. Họ tìm kiếm sự nổi tiếng và cảm thấy vượt trội. Họ tin họ có lý do hoặc nguyên nhân chính đáng để tấn công người khác”, giáo sư Lim nói.
CẦN NGĂN CHẶN NHỮNG KẺ TUNG TIN THẤT THIỆT, BẢO VỆ NGHỆ SĨ
Sau sự ra đi đột ngột của hot girl mạng xã hội Jo Jang Mi, một bản kiến nghị đã được gửi lên Nhà Xanh Hàn Quốc vào ngày 7/2 vừa rồi nhằm “trừng phạt mạnh mẽ những kẻ gây tội ác trên YouTube” và những kẻ đã săn lùng Jo Jang Mi đến cuối đời. Bản kiến nghị thu được hơn 216.000 người ký tính tới ngày 16/2.
Một tài khoản YouTube có tên PPKKa đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận một phần trách nhiệm trong cái chết của nữ BJ. PPKKa cùng nhiều kênh YouTube khác từng công kích Jo Jang Mi.
Năm 2019, truyền thông Hàn Quốc đưa tin quan chức chính phủ dự định đưa dự thảo Đạo luật Sulli ra xem xét và bàn bạc tại phiên họp quốc hội. Đạo luật này nhắm đến hành vi bình luận tiêu cực qua các tài khoản ẩn danh trên mạng, đồng thời yêu cầu người dùng mạng phải khai báo danh tính thật. Kiến nghị này nhận được phản hồi tích cực của công chúng xứ Hàn.
Năm 2019, sau khi Sulli qua đời, một đạo luật mang tên cô đã được kiến nghị thành lập và trình lên Quốc hội Hàn Quốc với mong muốn bảo vệ nghệ sĩ khỏi bảo lực mạng xã hội (Ảnh: Instagram).
Đến nay, hình thức trừng phạt hình sự mạnh nhất với những kẻ tung tin trên mạng tại Hàn Quốc chỉ là bị kết tội phỉ báng theo Đạo luật khuyến khích sử dụng mạng thông tin, truyền thông và bảo vệ thông tin của Hàn Quốc. Theo đó, người bị kết án có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc mức phạt tối đa là 50 triệu won.
Theo luật sư Lee Seung Ki, hệ thống pháp luật hiện tại khó trừng phạt hình sự những kẻ tung tin trên mạng vì thiếu “dấu hiệu ác ý rõ ràng” về thông tin. Đặc biệt, khi nạn nhân là người của công chúng, họ càng khó chứng minh thông tin sai lệch đã được lan truyền một cách ác ý.
Nhiều giáo sư, chuyên gia nghiên cứu tâm lý tại Hàn Quốc yêu cầu cần có chế tài xử phạt với những kẻ tung tin nhằm ngăn chặn những vụ việc đau lòng, bảo đảm một môi trường mạng lành mạnh. Bên cạnh đó, những nhà cung cấp các nền tảng trực tuyến cũng cần hành động có trách nhiệm nhằm đảm bảo nội dung mà họ cung cấp không sai lệch và hạn chế như sự cố phát sinh.
Những kẻ tấn công người nổi tiếng ở Hàn Quốc
Vận động viên bóng chuyền Kim In Hyeok và BJ Jo Jang Mi qua đời sau thời gian dài chịu đựng những lời công kích, chỉ trích trên YouTube cùng nhiều nền tảng khác.
Ngày 16/2, tờ Korea JoongAng Daily có bài viết về vấn đề tin đồn không được kiểm chứng đang tràn lan trên YouTube và gây hậu quả nghiêm trọng tới nhiều người, bao gồm ngôi sao Kpop. Theo Korea JoongAng Daily, các tin tức vô căn cứ đang được YouTuber săn đón và những người chuyên thực hiện video với nội dung như vậy được gọi là "kẻ phá hoại mạng" ở Hàn Quốc.
Thuật ngữ này đề cập đến những người dùng YouTube chuyên thu thập thông tin đang được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội sau đó thêm ý kiến của họ để thu hút người xem và đăng ký. Những người dùng YouTube thậm chí tải lên hình ảnh hoặc từ ngữ khiêu khích nhằm gây tranh cãi.
Những kẻ phá hoại
Korea JoongAng Daily chỉ ra phần lớn nguồn tin của các Youtuber kể trên không đáng tin cậy. Họ thực hiện các video chủ yếu dựa vào những mẩu tin ngắn hoặc bài đăng ẩn danh trên các cộng đồng trực tuyến. Họ chỉ phát tán tin đồn tiêu cực, kích động tranh cãi và tạo ra phản ứng dữ dội. Tất cả nhằm mục đích tăng lượt xem, thu hút người đăng ký và cuối cùng là thu lợi nhuận.
Trước đây, đối tượng của những nội dung như vậy là các chính trị gia và người nổi tiếng. Dữ liệu, tin đồn và tranh cãi xung quanh họ là vô tận.
Các thành viên BTS và những ngôi sao Kpop thường là nạn nhân của kẻ phá hoại mạng. Ảnh: HYBE.
Năm 2021, một loạt thần tượng Kpop và diễn viên Hàn Quốc bị buộc tội bắt nạt bạn cùng lớp trong thời đi học. Khi đó, những kẻ phá hoại mạng lập tức sản xuất video dựa trên vấn đề này. Họ thậm chí cắt ghép cảnh các ngôi sao xuất hiện trong những chương trình tạp kỹ để so sánh.
V - thành viên nhóm BTS - bày tỏ sự bức xúc khi gần đây một kênh YouTube đưa tin nam ca sĩ hẹn hò với con gái của một gia đình giàu có. Người này thậm chí cho biết V say rượu trong một buổi phát trực tuyến.
Tài khoản đăng những lời cáo buộc trên bị cộng đồng fan của BTS chỉ trích dữ dội nhưng lượt xem video không ngừng tăng. Từ đó, các YouTuber bắt đầu đăng tải nhiều video liên quan đến các thành viên khác của BTS và những tin đồn về việc họ có quan hệ tình cảm với ai.
Korea JoongAng Daily trích dẫn số liệu của NoxInfluencer - một trang web thống kê và phân tích dành cho người dùng YouTube. Theo đó, kênh đưa tin về V kiếm lợi nhuận ổn định hàng tháng từ 27,7 triệu won (23.100 USD) đến 48,3 triệu won.
YouTuber cũng đăng video chỉ ra những sản phẩm giả mà Song Ji Ah - còn được gọi là FreeZia - mặc trong các bài đăng cũng như chương trình hẹn hò Singles Inferno. Số lượng người đăng ký kênh này là khoảng 5.000 người vào tháng 11/2021 và tăng thêm hơn 40.000 người trong vòng 4 tháng.
Một số kẻ phá hoại mạng thậm chí quảng bá kênh của họ bằng cách tuyên bố họ đã bị người nổi tiếng kiện.
Song Ji Ah sụp đổ sự nghiệp sau khi bị một kênh Youtube "bóc phốt" dùng hàng giả. Ảnh: Instagram.
Trách nhiệm của YouTube
Korea JoongAng Daily nhận định việc các YouTuber đưa tin không kiểm chứng có vẻ vô hại nhưng thực chất càng khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng, thậm chí kéo theo nhiều bình luận ác ý, căm thù.
Đầu tháng 2, hai người nổi tiếng tại Hàn Quốc tự tử vì không thể chịu đựng sự bắt nạt trên mạng. Trước khi qua đời, họ thường xuyên là mục tiêu của những kẻ phá hoại mạng và bình luận căm ghét.
Vận động viên 26 tuổi của đội Daejeon Samsung Bluefangs Kim In Hyeok được phát hiện đã chết tại nơi ở của anh vào ngày 4/2. Anh thường xuyên bị chế nhạo vì ngoại hình và giới tính. Tháng 8/2021, Kim In Hyeok viết trên trang cá nhân: "Tôi không thể chịu đựng được những bình luận ác ý nữa. Tôi đã chịu đựng chúng trong một thập kỷ".
Chỉ hai ngày sau, Jo Jang Mi hay BJ Jammi (27 tuổi) được người thân xác nhận qua đời sau thời gian dài mắc chứng trầm cảm. Cô là BJ nổi tiếng tại Hàn Quốc nhưng bị cộng đồng mạng và nhiều tài khoản YouTube công kích vì sự cố năm 2019.
Trong một chương trình phát sóng năm 2019, Jo Jang Mi thực hiện cử chỉ bằng tay mà nhiều người Hàn Quốc cho rằng đó là hành động ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền và ghét đàn ông. Jo Jang Mi hai lần lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn liên tục vấp phải những bình luận tiêu cực.
Nhiều tài khoản YouTube sau đó lấy câu chuyện này để câu view, thậm chí gán cho Jo Jang Mi biệt danh "megal". Megal bắt nguồn từ Megalia - một trong những cộng đồng nữ quyền cực đoan lớn nhất Hàn Quốc đóng cửa vào năm 2017.
Một bản kiến nghị của Nhà Xanh đã được đệ trình vào ngày 7/2 nhằm "trừng phạt mạnh mẽ những kẻ gây tội ác trên YouTube" và những kẻ đã săn lùng Jo Jang Mi đến cuối đời. Bản kiến nghị đã được hơn 216.000 người ký tính tới ngày 16/2.
Sau khi Jo Jang Mi qua đời, một tài khoản YouTube có tên PPKKa lên tiếng xin lỗi và thừa nhận một phần trách nhiệm trong cái chết của nữ BJ. PPKKa cùng nhiều kênh YouTube khác từng công kích Jo Jang Mi.
Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho từ Đại học Dankook nói với Korea JoongAng Daily: "Những kẻ phá hoại mạng không nghĩ hành động của họ là tội ác. Họ không nghĩ hành động của mình là một hình thức bạo lực cũng như không nhận thức được mức độ đau đớn mà họ gây ra cho các nạn nhân", giáo sư nói.
"Đối với những bình luận ác ý và ngôn từ kích động thù địch, đó là tâm lý bầy đàn. Không chỉ một mà một nhóm thủ phạm được hình thành. Họ liên kết với nhau để chứng minh họ đúng. Họ tấn công người khác và tin rằng đó là cách họ nhận được sự chú ý. Họ tìm kiếm sự nổi tiếng và cảm thấy vượt trội. Họ tin họ có lý do hoặc nguyên nhân chính đáng để tấn công người khác", giáo sư tiếp tục.
Jo Jang Mi qua đời sau thời gian dài trầm cảm. Ảnh: Xports News.
Giáo sư Hong Sung Cheol từ khoa Truyền thông và Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Kyonggi cho rằng lý do cộng đồng mạng tiêu thụ hàng loạt nội dung từ những kẻ phá hoại mạng là do chúng cung cấp thông tin mà các phương tiện truyền thống không có.
"Hiện tượng này có liên quan đến sự mãn nhãn. Mọi người muốn biết những câu chuyện về người khác nhưng không phải thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thống. Tuy nhiên, thông tin mà những kẻ phá hoại này chia sẻ không hề mới. Chúng chủ yếu là ảnh ghép của các bài báo", giáo sư Hong Sung Cheol phân tích.
Sau cái chết của Kim In Hyeok và Jo Jang Mi, công chúng Hàn Quốc kêu gọi trừng phạt những tài khoản Youtube chuyên tung tin không xác thực. Theo Korea JoongAng Daily, các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube cần có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc đánh giá và kiểm duyệt nội dung mà người dùng tải lên.
Cần hình phạt thích đáng cho những kẻ phá hoại
Cho đến nay, hình thức trừng phạt hình sự mạnh nhất mà kẻ phá hoại mạng có thể phải đối mặt là tội phỉ báng theo Đạo luật khuyến khích sử dụng mạng thông tin, truyền thông và bảo vệ thông tin. Người bị kết án có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc mức phạt tối đa là 50 triệu won.
Theo luật sư Lee Seung Ki của Văn phòng Luật sư Lee and Law Partners, hệ thống pháp luật hiện tại khó trừng phạt hình sự những kẻ phá hoại mạng vì phải có "dấu hiệu ác ý rõ ràng" về thông tin. Đặc biệt nếu nạn nhân là người của công chúng thì càng khó chứng minh thông tin sai lệch đã được lan truyền một cách ác ý.
Một kẻ phá hoại mạng đang hoạt động trên kênh YouTube có tên PPKKa được cho là có một phần trách nhiệm trong cái chết của Jo Jang Mi. Tuy nhiên, ít có khả năng người này bị buộc tội hình sự. Tài khoản PPKKA từng đăng video buộc tội Jo Jang Mi, nhưng luật sư Lee Seung Ki chỉ ra vụ việc của BJ quá cố mang tính công cộng.
"Không chỉ PPKKa mà nhiều người dùng YouTube khác cũng tải lên các video liên quan đến nạn nhân. Hơn nữa, vì mọi người đăng bình luận tục tĩu trên nhiều cộng đồng trực tuyến dưới chế độ ẩn danh, nên rất khó để chỉ đặt trách nhiệm cho một người dùng Youtuber", luật sư phân tích.
Giáo sư Shim Young Seob thuộc khoa quảng bá video truyền thông tại Đại học Kyung Hee Cyber, cựu thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc, chỉ ra hệ thống lập pháp hiện tại phải được thay đổi để yêu cầu trách nhiệm xã hội đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Đây là hành động cần thiết để ngăn chặn những vụ việc đau lòng xảy ra.
Vận động viên Kim In Hyeok qua đời ở tuổi 27. Ảnh: Mydaily.
"Các tổ chức hành chính địa phương thường chỉ hành động sau khi thiệt hại xảy ra. Vấn đề quan trọng ở đây là có thể nhanh chóng hành động trước khi có sự cố. Để có thể làm được điều đó, cần có một bộ luật và lý do chính đáng để áp đặt việc thực thi đối với các nhà cung cấp", giáo sư Shim Young Seob nhận định.
Giáo sư nhấn mạnh vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc kiểm soát thông tin. "Ngay cả khi trụ sở chính của một nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, họ cũng phải chịu trách nhiệm tại địa phương nơi họ tạo ra lợi nhuận. Nhưng chúng ta không có luật hiện hành cho việc đó", ông nói.
"Cần có một bộ luật để các nhà cung cấp có thể chịu trách nhiệm xã hội về nội dung của họ, chẳng hạn loại ưu đãi họ có thể nhận khi tuân thủ luật và những hình phạt nào họ phải đối mặt nếu không tuân theo. Nếu không thiết lập điều đó, không có lý do chính đáng để đặt lỗi trên nền tảng sau khi sự cố phát sinh", giáo sư đánh giá.
Con gái Choi Jin Sil gia nhập showbiz Choi Joon Hee được biết đến là con gái của cố nghệ sĩ Choi Jin Sil. Cô vừa quyết định nối gót mẹ và anh trai tham gia hoạt động nghệ thuật. Ngày 8/2, Chosun Ilbo đưa tin Choi Joon Hee thông báo gia nhập giới giải trí. Cô ký hợp đồng với công ty Y Bloom Entertainment. Choi Joon Hee sẽ ra...