Những cái bẫy lừa đảo đến từ không gian “ảo”
Trên mạng xã hội, người ta có thể nói dối thoải mái mà không sợ bị phát hiện. Đây chính là một nguyên nhân khiến tội phạm lợi dụng mạng xã hội để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng. Có nạn nhân đã chuyển nhiều tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo…
Đoạt nick Facebook lừa mua thẻ cào – trò cũ vẫn tái diễn
Ngày 24.10, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Khanh (19 tuổi, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.
Bước đầu xác định Khanh đã chiếm đoạt được trên 100 nick Facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt trên 100 triệu đồng.
Trước đó, Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Minh Thư (HKTT tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội), hiện đang sinh sống tại Đức. Chị Thư cho biết, chị sử dụng tài khoản Facebook “Minh Thu Nguyen”.
Ngày 14.7, chị bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản trên rồi lừa đảo những người trong danh sách bạn bè. Một trong những người bị lừa là chị Đoàn Thanh Loan, ở Thái Nguyên.
Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Khanh – đối tượng chuyên hack nick Facebook để lừa đảo.
Ngày 15.7, đối tượng dùng nick “Minh Thu Nguyen” của chị Thư chát với chị Loan nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại. Do hai người thường xuyên chát, trao đổi thông tin, nói chuyện trên mục tin nhắn của Facebook nên chị Loan tin tưởng, mua tổng số 29 thẻ cào của các nhà mạng trị giá 6,4 triệu đồng rồi chuyển mã thẻ cào cho đối tượng. Sau đó, chị Loan liên lạc điện thoại mới biết chị Thư đã bị mất nick Facebook.
Lần theo dấu vết kẻ đã hack nick Facebook của chị Nguyễn Minh Thư, Đội 3 PC50 Công an Hà Nội làm rõ đó là Phạm Văn Khanh. Vào thời điểm cơ quan công an xác minh, Khanh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trước những chứng cứ, dấu vết của Khanh để lại trên mạng Internet, đối tượng đã buộc phải thừa nhận là thủ phạm của hàng trăm vụ đoạt nick Facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại trước đó.
Theo khai nhận của Khanh, sau khi học hết lớp 8, Khanh bỏ học, thường xuyên lang thang ở các quán Internet thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng để chơi điện tử. Từ cuối tháng 10.2014, Khanh phát hiện nhiều khách chơi tại quán dùng thủ đoạn hack nick Facebook của những người sử dụng mạng xã hội rồi nhờ mua thẻ cào điện thoại, sau đó bán thẻ quy ra tiền mặt chiếm đoạt.
Thấy việc lừa đảo này quá dễ, Khanh đã nhờ các đối tượng này hướng dẫn để làm theo. Khanh tìm vào các group người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, lựa chọn những đối tượng dễ chiếm đoạt tài khoản để tấn công.
Theo khai nhận của Khanh thì những người để mật khẩu tài khoản Facebook đơn giản nhất thường là phụ nữ. Chỉ cần đọc thông tin đăng công khai trên trang Facebook cá nhân của những người này, Khanh có thể dò ra mật khẩu bởi họ thường sử dụng các con số như ngày tháng năm sinh, số điện thoại của mình hoặc con cái làm mật khẩu Facebook.
Sau khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook, Khanh thay đổi mật khẩu để toàn quyền sử dụng, vào mục nhắn tin đọc, tìm hiểu cách nói chuyện của chủ tài khoản với những người trong danh sách bạn bè nhằm chọn lọc ra những người có quan hệ thân thiết nhất đang sinh sống tại Việt Nam, nhắn tin nhờ mua thẻ cào điện thoại để kinh doanh, bán cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài với lãi cao.
Video đang HOT
Tin nhắn trúng thưởng – một cái bẫy lừa đảo trên mạng xã hội.
Khanh chọn thời điểm nhắn tin lừa đảo vào giờ đêm khuya ở nước ngoài để nạn nhân khó kết nối liên lạc bằng điện thoại. Sau khi nạn nhân gửi mã thẻ cào, Khanh nạp vào tài khoản Vcoin để quy đổi thành tiền điện tử rồi bán lại cho người khác thành tiền mặt.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 10.2014 đến tháng 5.2016, bằng thủ đoạn trên, Phạm Văn Khanh đã hack được trên 100 nick Facebook và sử dụng để lừa đảo người thân, bạn bè của các chủ tài khoản mua hộ thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng.
Đội 3 PC50 Công an Hà Nội đã bàn giao hồ sơ, tang vật và đối tượng Khanh cho Công an TP.Đà Nẵng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Ngày 6.10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Khanh.
Giả danh trai Tây kết bạn để lừa đảo gây thiệt hại lớn nhất
Theo thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, tình trạng tội phạm lợi dụng mạng xã hội, trong đó có Facebook để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng.
Tính từ năm 2014 đến nay, PC50 Công an Hà Nội đã thụ lý điều tra 80 vụ việc liên quan đến loại tội phạm này với tổng số tiền thiệt hại lên đến gần 6,6 tỷ đồng. Nếu như trong năm 2014 mới chỉ xảy ra 13 vụ với thiệt hại 298 triệu đồng; năm 2015 xảy 34 vụ, thiệt hại gần 400 triệu đồng thì tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, PC50 đã tiếp nhận giải quyết 33 vụ việc với số tiền bị chiếm đoạt tăng đột biến lên đến gần 5,9 tỷ đồng.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội thời gian qua tập trung ở các thủ đoạn sau: Lừa đảo trong thương mại điện tử; chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội của người khác rồi giả danh chủ tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại là người thân quen của chủ tài khoản bằng cách nhờ mua hoặc đề nghị hợp tác kinh doanh thẻ cào điện thoại; lừa thông báo trúng thưởng, yêu cầu bị hại chuyển tiền làm thủ tục nhận giải để chiếm đoạt; giả danh các nhà mạng viễn thông lừa đảo; giả danh là người nước ngoài kết bạn, tỏ tình rồi vờ gửi quà giá trị lớn bị hải quan tạm giữ tại sân bay, yêu cầu bị hại gửi tiền bảo lãnh để chiếm đoạt.
Đáng chú ý, trong các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội (xảy ra phổ biến ở mạng Facebook) thì thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh trai Tây kết bạn với phụ nữ để chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại đặc biệt lớn. Trong vòng 1 năm (tính từ tháng 8.2015 đến nay), PC50 Công an Hà Nội đã tiếp nhận 15 vụ trình báo với số tiền thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, trong đó người mất nhiều tiền nhất là 5,4 tỷ đồng. Bị hại trong các vụ giả danh trai Tây để lừa đảo đa phần là phụ nữ đơn thân trong độ tuổi 40-45.
Qua mạng xã hội, đối tượng lập tài khoản có thông tin là người nước ngoài đang sinh sống tại các nước Anh, Mỹ, kết bạn rồi chát, tán tỉnh. Các đối tượng này thường sử dụng ảnh đại diện là một người đàn ông da trắng, ngoại hình hấp dẫn làm “mồi nhử” những phụ nữ đang cô đơn.
Nhiều vụ việc sau khi trình báo, kiểm tra lịch sử chát chít, tán tỉnh của bị hại với “trai Tây”, thấy cả hai bên đều không thạo tiếng Anh, phải dùng Google dịch để nói chuyện với nhau. Chính vì không biết tiếng Anh nên khi bị đối tượng giả danh trai Tây tán tỉnh bằng “Google dịch”, nhiều bị hại đã không nhận ra “anh Tây” rởm.
Sau thời gian trò chuyện, kết thân rồi tỏ tình, “trai Tây” thông báo gửi quà hoặc tiền cho bạn gái Việt Nam để tiến tới mối quan hệ dài lâu. Khi đã có chút tình cảm yêu đương với “Tây” thì những người phụ nữ này trở nên mê muội. Cộng thêm lòng tham trước món quà giá trị lớn “từ trên trời rơi xuống”, những nạn nhân của “trai Tây” bị hút vào cái bẫy.
Tới đây, “trai Tây” chuyển sang kết nối với người Việt giả danh nhân viên hải quan hoặc người của công ty chuyển phát nhanh thông báo tiền, hàng đang bị cơ quan chức năng giữ ở sân bay, yêu cầu nạn nhân nộp phí bằng cách chuyển tiền vào tài khoản cho công ty để làm thủ tục thông quan, lấy hàng.
Đây là tài khoản thẻ Visa của một ngân hàng Việt Nam do đối tượng mở sẵn. Khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng tổ chức rút tiền bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngay sau khi chiếm đoạt tiền thì “trai Tây” cũng tìm cách cắt liên lạc như xóa Facebook, hủy kết bạn với bị hại. Không ít nạn nhân vì xấu hổ đã âm thầm chịu đựng, không dám trình báo. Có người thì một thời gian sau mới đến cơ quan công an.
Tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội
Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá hàng tỷ đồng xảy ra trên mạng xã hội khiến mọi người đặt câu hỏi: Mạng “ảo” nhưng tại sao lại dễ bị lừa hơn cả ngoài đời thật như vậy? Lý giải điều này, thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, thực tế mạng xã hội có rất nhiều tiện ích khiến người tham gia ngày một tăng.
Ở những nơi không có sóng điện thoại nhưng có mạng Internet mới thấy tác dụng của mạng xã hội bởi tính tiện lợi trong liên lạc, chi phí lại thấp. Người dùng mạng xã hội có thể gọi, chát để trao đổi thông tin miễn phí, thậm chí có cả hình ảnh đi kèm. Tuy là mạng xã hội ảo nhưng khi tham gia, con người có thể tương tác gián tiếp với nhau.
Không gian mạng đã xóa mọi khoảng cách địa lý khiến người tham gia mạng xã hội xích lại gần nhau hơn, không có khái niệm về không gian và thời gian như ngoài đời thật. Trong thương mại điện tử, việc trao đổi qua tin nhắn (Inbox) giúp người tham gia đảm bảo tính bảo mật, được coi như hợp đồng dân sự khi giao dịch. Mạng xã hội giúp người tham gia lưu giữ thông tin để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào…
Bên cạnh những tiện ích trên thì mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái khiến người tham gia nếu không tỉnh táo sẽ bị rơi vào bẫy của kẻ xấu. Vì là môi trường ảo nên người tham gia có thể nói dối thoải mái mà không sợ bị phát hiện, nhất là trong trường hợp mạo danh, sử dụng hình ảnh của một người khác thì đối tượng càng yên tâm không bị lộ diện.
Theo Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, mạng xã hội ngày càng phát triển cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng công nghệ hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để phòng ngừa loại tội phạm này, đòi hỏi người tham gia mạng xã hội phải nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ chính bản thân mình bởi mạng “ảo” nhưng mất tiền lại là thật.
Theo H.Vũ (An ninh Thế giới)
Cụ già sành điệu sập bẫy 'phù thủy đôla' khi hẹn hò qua mạng
Ở tuổi 70-80, có cụ ông, cụ bà vẫn lướt web, chơi Facebook song bị một số "bạn ảo" lừa đảo hay giăng bẫy tình khiến mất sạch số tiền lớn dành dụm cả đời.
Bà Mận (74 tuổi, Hà Nội) được con cháu kính nể bởi trình độ công nghệ thông tin. Ngoài việc cụ có thể gõ văn bản tốc độ cao, lướt web, viết email... thì khả năng chat chit cũng "thượng thừa". Chồng bà mất từ lâu, các con mừng thầm khi thấy bà ham lên mạng, có nhiều bạn trò chuyện qua đây.
Cuối năm 2015, bà Mận quen người đàn ông nước ngoài xưng tên Winston Hiddenstone, quốc tịch Mỹ. Winston khoe đang ở đơn vị lính thủy đánh bộ đóng tại khu vực vịnh Ả rập, do quá mê nghiệp binh nên giờ này vẫn chưa có "bến đỗ".
Cần cảnh giác với trò kết bạn qua mạng, rủ làm ăn bằng việc tẩy rửa đô la.
Sau thời gian nói chuyện qua mạng, Winston cho biết sẽ gửi một thùng quà có giá trị lớn cho bà Mận. Mấy hôm sau có người xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh yêu cầu bà chuyển cho 1.500 USD phí dịch vụ. Khi bà Mận còn đang nghi ngờ, Winston chuyển cho bà hình ảnh của thùng quà kèm số vận đơn để bà có thể tra trên mạng Internet.
Tra thấy trùng khớp, bà Mận 3 lần gửi tiền vào số tài khoản theo yêu cầu. Tiếp đó, Winston bảo rằng hắn bị thương và phải chuyển về Mỹ. Mọi việc về kiện hàng đã được ủy quyền cho luật sư Mike Shaw. Mike liên lạc với bà Mận, cho biết do công ty chuyển phát làm việc không tốt nên kiện hàng đã được chuyển sang Malaysia. Mike cũng mời bà sang thủ đô nước này để nhận. Tuy nhiên bà phải mang sẵn 36.000 USD để nộp thuế cho chính quyền nước sở tại.
Bà Mận bay sang Malaysia để gặp Mike và được rủ tham gia làm ăn. Tại một căn phòng trong khách sạn, Mike cùng một người đàn ông đưa cho bà Mận xem một tập giấy trắng rồi thu lại. Tiếp đó hắn ta lấy ra trong tủ một chiếc bình, rồi nhỏ thứ nước trong bình vào tập giấy trắng. Bà Mận trông thấy chỉ vài phút sau 5 tờ giấy trắng ban đầu đã hóa thành 5 tờ tiền mệnh giá 100 USD. Sau đó Mike còn biểu diễn thêm mấy lần nữa.
Mang mấy tờ giấy bạc về Việt Nam, bà Mận đưa cho đứa cháu xem và được khẳng định là tiền thật. Ngay hôm sau, bà lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình mang ra ngân hàng vay tiền chuyển cho nhóm Mike.
Bà Mận còn thêm hai lần sang Singapore và chuyển cho chúng hàng trăm nghìn USD nữa, hy vọng chúng sẽ bán cho bà số hóa chất để có thể kiếm lại 3 triệu USD. Tổng cộng bà đã ra nước ngoài 3 lần, 9 lần chuyển khoản tổng cộng 6,2 tỷ đồng. Vậy nhưng, tất cả những gì bà nhận được chỉ vỏn vẹn 1.000 USD và những kiện hàng trên mây trên gió.
Ông Tuấn khai đã bị cô gái có nickname Yen Nhi cùng đồng bọn lừa đảo nhiều tỷ đồng.
Như bà Mận, ông Tuấn ( 72 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn sống lẻ bóng vì vợ ông mất đã được gần 20 năm. Thấy ông buồn, đám con cháu bày vẽ cho ông lên mạng đọc báo, rồi còn lập Facebook để ông chat chit với mấy đứa cháu đang du học trời Âu.
Bỗng nhiên một hôm, ông Tuấn gọi anh con trai cả lên bảo muốn đi du lịch nước ngoài vài tuần. Cả nhà đều bất ngờ, nhưng rồi cũng ủng hộ. Về nước sau chuyến đi ông Tuấn tỏ ra phấn khởi. Chừng hai tuần sau, ông lại bảo con dâu đặt vé máy bay đi Singapore.
Anh con trai ông nói rằng sau lần đi đó, một tuần sau ông lại đòi sang tiếp. Khi con cháu phản đối, ông bực ra mặt, tự đặt vé và lên đường một mình.
Sau chuyến này, anh sinh nghi khi thấy bố mang 10 tờ tiền mệnh giá 100 USD nhờ đứa cháu đổi hộ ra tiền Việt. Lần trước anh cũng đưa USD cho cụ, nhưng mệnh giá cao nhất cũng chỉ đến 10 USD. Thấy sự lạ, anh nhiều lần dò hỏi mà ông chả nói gì. Cuối cùng một bữa chờ bố ngủ say, anh nhờ đứa cháu sang "mượn" chiếc laptop của ông. Kiểm tra máy, anh Hòa và vợ choáng váng khi biết rằng bố có bồ ở tận Singapore. Hơn nữa, trong đoạn chat còn liên tiếp thể hiện cô bồ dặn ông cụ chuẩn bị 30-40.000 USD để làm việc gì đó.
Sau nhiều ngày tỉ tê tâm sự, ông Tuấn mới kể hết sự tình cho con cháu nghe. Đầu 2016, ông làm quen với một cô gái qua mạng, nảy sinh tình cảm, được người tình rủ sang Singapore chơi. Tại đây, cô gái bật mí với ông rằng đang có một phi vụ làm ăn rất hoành tráng và rủ tham gia.
Với thủ đoạn giống như bà Mận ở trên, chúng khoe rằng có thể tẩy được giấy trắng thành đô la, cũng đưa cho ông 10 giấy bạc mệnh giá 100 USD vừa được tẩy rửa về Việt Nam để thử tiêu xem có được không.
Mang số tiền đô đó ra ngân hàng đổi được hơn 20 triệu đồng, mừng quá, ông Tuấn lập tức gom sổ tiết kiệm được hơn 80.000 USDmang sang đưa cho người tình.
Thỉnh thoảng, cô gái lại nhắn cho ông Tuấn chuyển khoản để các chi phí phát sinh. Bằng thủ đoạn đó, bồ nhí đã lừa ông Tuấn 8 lần, tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Sau khi đã ẵm sạch tiền của ông Tuấn, cô gái lập tức xóa tất cả thông tin, hình ảnh trên mạng...
Theo một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội, trò lừa đảo "đô la đen" hay còn gọi là các "phù thủy đô la" xuất hiện tại Việt Nam là ở Hà Nội từ năm 1998, phát triển mạnh mẽ ở khu vực phía Nam, đặc biệt tại TP HCM. Những kẻ lừa đảo chủ yếu sử dụng phương thức làm quen kết bạn qua mạng xã hội. Bằng nhiều chiêu khác nhau, các bị hại sẽ bị thuyết phục tự nguyện mua dung dịch tẩy rửa với chi phí rất đắt đỏ (khoảng 30-70.000 USD/lọ) cùng lời hứa sẽ được chia số tiền thu được.
Chiêu "tẩy" những tờ giấy trắng (hoặc đen) thành tiền thật được cảnh sát giải thích rằng trước đó đồng đô la thật đã được quét một lớp keo Elmer bảo vệ, sau đó nhúng vào dung dịch cồn iốt. Khi đem sấy khô, đồng tiền chuyển màu đen như mảnh giấy thủ công. Sau đó, tiền đã nhuộm đen được xếp lên những cọc giấy thủ công thật cắt theo kích cỡ đồng 100 USD.
Khi trình diễn cho "con mồi" xem, kẻ lừa đảo dùng dung dịch "ma thuật" rửa lớp đen bên ngoài đồng tiền thật, tiền sẽ về trạng thái ban đầu. Dung dịch rửa thực chất chỉ là nước pha viên vitamin C được nghiền tan hoặc nước trái mâm xôi để lạnh.
Để xóa tan nghi ngờ của nạn nhân, những tên lừa đảo còn cho nạn nhân lấy bất cứ tờ giấy đen nào trong thùng, rồi khéo tráo bằng tiền thật được phủ đen. Nạn nhân thậm chí còn được khuyến khích mang tiền đi kiểm tra hoặc tiêu trên thị trường để đảm bảo đó là tiền thật.
* Tên các nạn nhân đã thay đổi
Theo Cảnh sát toàn cầu
Lừa xe bạn trai mới quen đi bán, thiếu nữ bị lừa lại Do không mượn được tiền của bạn trai mới quen nên Ngân đã "mượn" chiếc xe máy của người này đem bán và rồi chính Ngân cũng bị lừa. Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngân (19 tuổi, ngụ xã Bảo Vinh,...