Những cách tốt nhất để… “khai tử” một game online
Tuy không muốn nhưng chính các game thủ và cả NPH có thể đang giết chết đứa con yêu quý của mình bằng những cách sau đây.
Để hack tràn lan
Chân lý mà bất cứ game thủ nào cũng biết là một game online hay trước hết phải là game không có hack hay hack tồn tại ở mức độ “chấp nhận được”.
Một sự thật đáng buồn rằng thật hiếm game online nào cập bến Việt Nam mà lại không khổ sở vì vấn nạn này. Dĩ nhiên, mỗi NPH lại có cách khắc phục khác nhau tùy theo năng lực cũng như mức độ quan tâm mà họ dành cho cộng đồng người chơi.
Đột Kíck – Một trong những game online phải đối mặt với nhiều chiêu bài hack nhất.
Video đang HOT
Những hậu quả của hack để lại với game thì ai ai cũng biết và biết rõ nhất chính là… những kẻ cố tình gian lận. Điều đáng nói những người sử dụng hack đều là những game thủ đã gắn bó với game nhưng vì “hiệu quả” của những phương pháp này đem lại quá nhiều lợi ích nên họ “nhắm mắt làm liều”. Cá biệt, có không ít game thủ buộc phải hack vì… mọi người đều hack.
Với lợi nhuận như thế này, nhiều game thủ bất chấp tất cả để làm liều cũng dễ hiểu.
Khi đã sử dụng hack, người đầu tiên chán game chính là game thủ đó. Hack có thể đem lại cho người chơi hàng loạt item quý hiếm, những số tiền lớn mà đáng lẽ họ phải rất vất vả đề có, chính vì thế cảm giác “sung sướng” sẽ gây nên tình trạng không còn mục tiêu phấn đấu và cho dù không bị phát hiện, họ cũng bỏ game.
Cash shop là một phần không thể thiếu trong bất cứ một game online nào, với việc đại đa số các game online tại thị trường Việt nam hiện nay đều cung cấp theo dạng F2P (miễn phí giờ chơi) thì đây là nguồn thu chủ yếu của NPH. Thế nhưng, quá nhiều vật phẩm trong cash shop đồng nghĩa với việc trò chơi sẽ trở nên thật… tồi tệ.
Hãy thử tượng tượng. 1 game online bất cứ thứ gì đều có thể mua trong Cash-shop với giá rất rẻ sẽ khiến game thủ “lười” chơi game vì có thể dễ dàng mua mọi thứ trong shop. Việc này sẽ khiến cho người chơi “nhà nghèo” không hứng thú với các hoạt động của game nữa, và game sẽ “chết” một cách nhanh chóng.
Nhiều lỗi và “lười” update
Thường ít được NPH chú ý nhưng các yếu tố như bộ cài, giao diện game nhiều khi lại trở thành chìa khóa dẫn tới sự sụp đổ của trò chơi. Lấy một ví dụ đơn giản như trò chơi RAN Online, bộ cài của tựa game này trong thời gian đầu có những lỗi nghiêm trọng làm cho người cảm thấy ức chế và họ sẵn sàng tìm tới sản phẩm khác.
Một điểm quan trọng trong quá trình phát triển của game online là hành xử của NPH đối với game thủ. Nhiều khi bộ phận chăm sóc khách hàng vì phải nghe quá nhiều thắc mắc về lỗi game từ phía người chơi nên họ tỏ ra bực bội, thậm chí trả lời cụt lủn cho xong, dĩ nhiên bất kỳ “thượng đế” nào gặp cảnh này cũng không thể chịu được.
Lười update, lười tổ chức sự kiện cũng khiến cho lượng người chơi game suy giảm một cách nhanh chóng. Phải hiểu rằng không phải ai cũng gắn bó cố định với một game, các game tồn tại được lâu hay không phụ thuộc vào khả năng “giữ cân bằng” giữa lượng người bỏ game và lượng người chơi mới. Lười tổ chức sự kiện hay update game sẽ khiến cho tỉ lệ bỏ game/người chơi mới tăng cao và game nhanh “chầu trời” hơn.
Chi phí chơi game quá đắt hoặc… quá rẻ
Có nhiều người cho rằng đây là một điều không quan trong và không ảnh hưởng tới game bởi có những game thỉ cần một vài “đại gia” là có thể sống tốt hoặc ở chiều hướng ngược lại sẽ “lấy lượng bù chất”.
Thế nhưng nếu ngẫm kỹ lại thì nếu chi phí chơi game quá cao, các game thủ ít tiền sẽ rời cuộc chơi nhanh chóng nên các “đại gia” cũng lục đục nghỉ game vì không biết “ra oai” với ai hoặc nếu vật phẩm trong cash shop quá tầm thường sẽ khiến cho nguồn thu của NPH rất thấp.
Vậy thì phải làm sao để cân bằng giá cả? Đây là câu hỏi rất khó đối với bất kỳ NPH nào trong nước và cũng là thước đo trình độ vận hành trò chơi trực tuyến của chính họ.
Dĩ nhiên ngoài các nguyên nhân trên, còn rất nhiều con đường khác để đưa một game online từ đỉnh cao đến chỗ đóng cửa, hy vọng cả game thủ lẫn NPH đều không thực hiện những “cách” này để kết liễu đứa con tinh thần của mình.