Những ca khúc để đời: Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Cuộc gặp gỡ hy hữu giữa một nhóm nam và nữ ở thành phố biển Vũng Tàu đã làm nên tác phẩm độc đáo của một tác giả bí hiểm.
Từ năm 1966 – 1975, tại 102/8 Hai Bà Trưng (Tân Định, Sài Gòn) có lớp nhạc “Lê Minh Bằng” quy tụ hàng trăm học viên. Lớp nhạc này do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng tổ chức và trực tiếp đứng lớp (Lê Minh Bằng là ghép từ tên của 3 người).
Chính “lò nhạc” này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như: Kim Loan, Giáng Thu, Trang Mỹ Dung, Mạnh Quỳnh (tác giả ca khúc Gõ cửa hiện sống ở Sài Gòn, không phải ca sĩ trẻ Mạnh Quỳnh ở hải ngoại), Hải Lý, Nhật Thiên Lan, Thu Thủy… Ngoài dạy nhạc, Lê Minh Bằng còn là bút danh chung của nhóm 3 nhạc sĩ này ký dưới những bài hát rất quen thuộc như: Hai mùa mưa, Lẻ bóng, Sầu lẻ bóng, Chuyện hai chúng mình, Đôi bóng, Tình đời…
Gặp gỡ “Mai – Bích – Dung”
Một ngày cuối tuần của năm 1970, ba nhạc sĩ rủ nhau đi ô tô ra Vũng Tàu chơi. Khi xe đến Bãi Trước, họ thấy ba cô gái mặc áo dài đi giữa trưa nắng nóng. Khi ấy nhạc sĩ Anh Bằng lái xe, nhạc sĩ Minh Kỳ ngồi phía trước, nhạc sĩ Lê Dinh ngồi ghế sau. Bất ngờ Minh Kỳ nói với Anh Bằng: “Bằng ơi, dừng xe lại cho ba cô đó lên đi chung với mình. Nắng như vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!”. Do tính hơi nhát, Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi mời đi, tôi không đi đâu”. Thấy 2 người bạn cứ đùn đẩy nên nhạc sĩ Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để tôi đi cho”.
Nhạc sĩ Anh Bằng
Nhạc sĩ Lê Dinh kể lại: “Anh Minh Kỳ xuống xe và không biết ảnh nói gì với 3 cô đó mà trông 3 cô rất vui vẻ và họ đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tại sao 3 cô đi bộ dưới nắng trưa như vậy, thì được biết cả 3 cô đều là sinh viên, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm. Rồi họ tự giới thiệu tên lần lượt là Mai (ngồi kế bên nhạc sĩ Lê Dinh), Bích và ngồi ngoài cùng là Dung”.
Cuộc gặp gỡ tình cờ đó rất ngắn ngủi, nhóm nam mời 3 cô ra Bãi Sau dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tiếp tục tìm sứa. Và rồi họ ra Bến xe Vũng Tàu để trở về Sài Gòn.
Linh hồn tượng đá…
Đêm đó về khách sạn, nhạc sĩ Anh Bằng là người đề xướng viết bài hát Linh hồn tượng đá, lấy tên tác giả là Mai Bích Dung (tên của 3 cô gái ghép lại). Ngay đêm đó ca khúc ra đời với những ca từ: “Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng. Ngồi bên nhau, gọi tên nhau để rồi yêu nhau. Em đã đến và đã đến, như áng mây bay, như cánh chim qua bầu trời, ôi hình hài một vài giờ vui… (rồi nức nở) Em ơi, em ơi… Thời gian gặp gỡ nào được bao nhiêu, mà khi rời gót lòng đầy cô liêu, nên xa em rồi, tôi nhớ em nhiều… Em ơi, em ơi… Thà không gặp gỡ, thà đừng quen nhau, đừng cho hình bóng, đừng nhìn nhau lâu, tôi không ôm ấp kỷ niệm đớn đau…”.
Sau khi nhạc phẩm được in ra, nhạc sĩ Anh Bằng đích thân mang đến ngôi trường các cô đang học, tặng mỗi người một bản Linh hồn tượng đá còn thơm mùi mực in và có chữ ký của cả 3 chàng nhạc sĩ hào hoa. Từ một cái duyên đưa đẩy mà một tình khúc lãng mạn đã ra đời… Cũng cần nói thêm, nhóm nhạc sĩ này còn lấy nhiều “tên chung” khác ký dưới nhiều bản nhạc như: Chuyện tình Lan và Điệp 1, 2, 3 (ký tên Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh), Cô hàng xóm (Giang Minh Sơn), Đà Lạt hoàng hôn (Dạ Cầm), Mưa trên phố Huế (Tôn Nữ Thụy Khương) hoặc các tên khác như: Vũ Chương, Dạ Ly Vũ, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…
Tuy là ký tên chung Lê Minh Bằng nhưng hầu hết đều do Anh Bằng sáng tác, các nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ chỉ góp ý, sửa sang một vài lời ca, thêm bớt vài chi tiết. Nhưng với sự thân thiết và tôn trọng lẫn nhau nên những sáng tác này đều được ký tên chung: Lê Minh Bằng
Điều thú vị là 3 thành viên của nhóm này, mỗi người sinh trưởng từ một miền của đất nước (Bắc – Trung – Nam): Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1925 tại Thanh Hóa (ông mất năm 2015 tại California, Mỹ). Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, sinh năm 1930 tại Nha Trang (ông vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, ông mất năm 1976). Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại Gò Công, hiện sinh sống tại Montreal, Canada.
Còn 3 cô gái ngày xưa? Được biết sau mấy mươi năm bây giờ cô Mai (tên thật Mai Xuân Lan) hiện đang ở tiểu bang Ohio (Mỹ). Cô Bích đang cư ngụ tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Cô Dung (tên thật Lưu Dung Anh) đang sống ở TP.HCM, chơi rất thân với giới văn nghệ sĩ xưa. Người viết đã được hân hạnh gặp chị Lưu Dung Anh vài lần ở phòng trà Tiếng Xưa hoặc ở những buổi họp mặt mừng các danh ca Chế Linh, Kim Loan về thăm quê hương.
Theo thanh nien
Những ca khúc để đời: Hai bóng hồng trong 'Căn nhà dĩ vãng'
Ca khúc Căn nhà dĩ vãng của nhạc sĩ Đài Phương Trang (78 tuổi) là một bài bolero quen thuộc từ trước năm 1975. Theo tiết lộ của tác giả thì trong ca khúc này có thấp thoáng đến 2 giai nhân...
Sáng tác từ năm 15 tuổi, đến nay gia tài nhạc phẩm của Đài Phương Trang đã lên đến hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều bài hát được công chúng yêu thích như: Hoa mười giờ, Ngại tiếng gần xa, Hai mùa Noel và nhất là Người yêu cô đơn (ký bút danh Phạm Vũ Anh Tứ). Riêng ca khúc Căn nhà dĩ vãng đã được rất nhiều thế hệ ca sĩ trình bày - từ những danh ca Chế Linh, Giao Linh cho đến các ca sĩ trẻ đương đại như Quang Lê, Như Quỳnh, Tường Nguyên, Tha Hương, Đức Duy, Mỹ Hương, Mạnh Quỳnh... Quả là một bài hát có sức lôi cuốn và tồn tại với thời gian. Hỏi về xuất xứ của bài hát, nhạc sĩ Đài Phương Trang tâm sự:
Trong số những sáng tác của tôi, ít người biết Căn nhà dĩ vãng có đến 2 bóng hồng thấp thoáng mà bóng hình nào cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi cho đến tận bây giờ. Số là năm 25 tuổi, tôi có người bạn thân tên Nguyên, chúng tôi chơi với nhau từ thời học trung học cho đến lúc cùng tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn. Quê Nguyên ở Cẩm Mỹ (Long Khánh) nên thường về thăm nhà vào những dịp cuối tháng. Mỗi lần từ quê trở lại Sài Gòn tôi thấy Nguyên như tươi vui hẳn ra, không cần hỏi tôi cũng biết sở dĩ anh chàng hớn hở như thế là vì vừa được gặp người yêu ở dưới quê, nàng tên là Hải Lý... Dạo ấy, Nguyên phát hiện ra ở đường Nguyễn Công Trứ, đoạn gần cầu Ông Lãnh có quán cà phê Chiều Vàng và anh thường hay rủ tôi đến đây.
Lần đầu tiên đến quán, tôi sững sờ và thán phục bạn mình đã tìm được một nơi có cô gái ngồi nơi quầy thu ngân với dung nhan "sắc nước hương trời"... Tuy chúng tôi thường xuyên đến đây nhưng chưa bao giờ tôi thấy Nguyên chào hỏi hay nói chuyện với Diễm Thúy (tên cô gái), chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nàng. Tôi tự nhủ, hẳn Nguyên cũng là một "cây si" như bao thanh niên khác hằng ngày đến uống cà phê để chiêm ngưỡng sắc đẹp của nàng. Tôi cũng vậy, cũng thấy hồn mình xao xuyến khi chạm vào tia mắt của nàng nhưng cố tỏ ra "phớt lờ"...
Bản nhạc Căn nhà dĩ vãng
Bỗng nhiên một thời gian sau tôi không thấy Nguyên về quê nữa, nhưng lại đều đặn rủ tôi ra quán Chiều Vàng vào mỗi chiều. Gặng hỏi mãi Nguyên mới tâm sự: Hải Lý đã lên xe hoa, gia đình chồng rất giàu có ở B'lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng), gia đình nàng cho rằng gia cảnh của Nguyên không "môn đăng hộ đối", bản thân Nguyên cũng chưa có sự nghiệp công danh gì trong xã hội... Nguyên cũng tiết lộ rằng Diễm Thúy có khuôn mặt rất giống Hải Lý, nên anh hay đến quán ngắm Diễm Thúy cho đỡ nhớ người yêu chứ không có tình ý gì. Còn bây giờ - khi Hải Lý đã có chồng, anh lại đến đây thường xuyên hơn để nhìn Diễm Thúy mà mường tượng đến người xưa.
Ròng rã gần một năm trời, ngày nào tôi với Nguyên cũng có mặt ở Chiều Vàng. Đến một hôm tôi không thấy Nguyên đến rủ ra quán nữa, tôi nghĩ chắc Nguyên bận. Nhưng rồi một tuần, hai tuần trôi qua mà chẳng thấy bóng dáng Nguyên đâu, tôi hốt hoảng chạy xe qua ngôi nhà anh ở trọ: Nguyên ngồi đó, bên hiên nhà thẫn thờ... Nguyên cho biết sở dĩ không đến Chiều Vàng nữa là vì Diễm Thúy cũng vừa bỏ quầy thu ngân để đi lấy chồng. Tôi chết lặng, nhớ lại khoảng thời gian hai đứa tôi thường xuyên đến quán Chiều Vàng. Nguyên đến để nhìn người đẹp cho đỡ nhớ người yêu, còn tôi đến vì con tim cũng xao động trước sắc đẹp của Diễm Thúy như bao chàng trai khác. Phải nói rằng, việc lấy chồng của Diễm Thúy đã làm cho Nguyên, tôi và những chàng trai thường xuyên đến Chiều Vàng cảm thấy hụt hẫng...
Qua bao đêm suy tư tôi đã viết nên ca khúc Căn nhà dĩ vãng với bóng dáng của 2 bóng hồng: Bóng hồng thứ nhất là Hải Lý, người yêu của Nguyên với một cuộc tình nên thơ, những kỷ niệm với bao mộng ước nhưng cuối cùng cũng tan vỡ. Hình bóng Hải Lý được lồng vào xuyên suốt bài hát... Bóng hồng thứ hai là Diễm Thúy - người đẹp quán Chiều Vàng, được tôi nhắc đến trong một đoạn của phần điệp khúc: "... Nhiều đêm suy tư bên quán khuya tiếng nhạc nghe như xoáy vào tim. Chập chờn đâu đây bên ly cà phê đắng người tình hay dáng ai?". Xin cảm ơn hai bóng hồng trong một ca khúc đã đi theo suốt cuộc đời sáng tác của tôi".
Nhạc sĩ Đài Phương Trang hiện sống ở Q.Bình Tân (TP.HCM), vợ chồng ông có 3 con (2 trai, 1 gái) đều đã có gia đình riêng. Ông hiện vẫn sáng tác đều đặn, sắp tới sẽ cho ra mắt những ca khúc bolero mới của mình.
Căn Nhà Dĩ Vãng-Đài Phương Trang
Theo thanh nien
Chuyện lạ ở Vbiz: có những ca khúc 'thảm họa' nhưng lại làm nên tên tuổi của loạt ca sĩ Việt 'Thảm họa' thì vẫn cứ 'thảm họa' nhưng nếu không có loạt ca khúc dưới đây thì có khi, Vpop đã không xuất hiện 'hiện tượng' Chi Dân hay Huyền Sambi. Chi Dân Khác biệt với Soobin Hoàng Sơn, Sơn Tùng M-TP hay Noo Phước Thịnh, trước khi nổi tiếng, Chi Dân đã có thời gian hoạt động cùng nhóm nhạc Hero không...