Những ca bệnh là nỗi sợ hãi của bác sĩ hồi sức
Các bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng đa số diễn tiến rất nặng, khiến bác sĩ khó khăn khi lựa chọn phác đồ điều trị, thậm chí bất lực trong việc cứu người bệnh.
Những ca bệnh không còn lựa chọn điều trị
Nam bệnh nhân 24 tuổi, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 23/11 sau thời gian dài nằm điều trị tại một số cơ sở y tế. Trước đó, người này bị tai nạn, đa chấn thương (chấn thương lồng ngực, ổ bụng, cột sống), đã can thiệp các phẫu thuật. Bệnh nhân nằm liệt, phải thở máy.
Việc nằm viện kéo dài khiến người bệnh nhiễm trùng rất nhiều vị trí, từ phổi, đường tiết niệu, tới các điểm can thiệp kết hợp xương, tình trạng rất nguy kịch.
Các bác sĩ cho biết, nam thanh niên nhiễm trùng nặng bởi 3 loại vi khuẩn đa kháng (vi khuẩn kháng rất nhiều dòng kháng sinh). Hiện việc điều trị vô cùng khó khăn bởi các thuốc kháng sinh đang có đều không hiệu quả, trong khi thuốc mới chưa về hoặc chưa có.
“Chúng tôi cố gắng tối ưu mọi “vũ khí” sẵn có, tuy nhiên việc đáp ứng của người bệnh rất mong manh”, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.
Một trường hợp nhiễm căn nguyên vi khuẩn đa kháng có tình trạng nhiễm trùng nặng đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – Ảnh: N.Liên
Trường hợp trên là 1 trong 6 ca nhiễm căn nguyên vi khuẩn kháng thuốc có tình trạng nhiễm trùng nặng đang được bác sĩ Khiêm cùng đồng nghiệp Khoa Hồi sức tích cực nỗ lực điều trị.
Nam bác sĩ chia sẻ, đa số bệnh nhân diễn tiến rất nặng, đã có tình trạng suy các cơ quan, cần hỗ trợ can thiệp bởi các thiết bị hỗ trợ sống mới duy trì được tính mạng. Trong đó, trường hợp đã nhiễm trùng máu, sốc, suy đa cơ quan chỉ có dưới 50% cơ hội sống, thậm chí thấp hơn. Rất nhiều bệnh nhân không thể cứu.
Thông thường, khi nghi ngờ một trường hợp nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm ở vị trí nghi ngờ để cấy tìm vi khuẩn. Con vi khuẩn tìm thấy sau đó được kiểm tra xem còn nhạy với kháng sinh nào (gọi là làm kháng sinh đồ). Từ đây, bác sĩ có thể lựa chọn loại kháng sinh phù hợp cho việc điều trị.
Khi vi khuẩn còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, việc lựa chọn thuốc điều trị sẽ đa dạng, dễ dàng hơn, cơ hội cho bệnh nhân cao hơn. Ngược lại, khi số kháng sinh nhạy cảm còn rất ít, tức tình trạng đề kháng kháng sinh gia tăng, việc chọn thuốc điều trị trở nên khó khăn hơn. Nếu kháng toàn bộ kháng sinh, vi khuẩn ấy gọi là toàn kháng, lúc này bác sĩ gần như không còn lựa chọn, thậm chí bất lực trong việc cứu người bệnh.
Video đang HOT
Bác sĩ Khiêm chia sẻ về loại vi khuẩn đa kháng tên acinetobacter baumannii (vi khuẩn gram âm thường gây ra các nhiễm trùng trong bệnh viện như viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu), được coi là nỗi sợ hãi của bác sĩ hồi sức trên toàn thế giới.
Vi khuẩn này còn rất ít lựa chọn điều trị, trong đó có kháng sinh colistin – loại thuốc có thể gây độc tính cho thận với xác xuất cứ 5 người dùng sẽ có 1 người suy thận. Trước đây, thuốc này không được cho phép, tuy nhiên do acinetobacter baumannii hiện đã kháng toàn bộ thuốc khác, giới khoa học buộc phải để bệnh nhân dùng kháng sinh này, chấp nhận nguy cơ suy thận. Bởi nếu không dùng, bệnh nhân chắc chắn tử vong.
“Gần đây, hiện tượng kháng colistin bắt đầu có xu hướng tăng. Nếu acinetobacter baumannii cũng kháng colistin, người nhiễm trùng do vi khuẩn này sẽ không còn hy vọng sống”, bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – Ảnh: N.Liên
Cũng theo Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết những bệnh nhân nhiễm trùng nặng bởi vi khuẩn đa kháng khó “cầm cự” quá 2 tuần. Nhiều trường hợp nguy kịch, không thể đáp ứng hồi sức tối ưu có thể chỉ sống được thêm 1- 2 ngày.
“Chúng tôi một mặt cố gắng tìm phác đồ tối ưu nhất để duy trì, mặt khác nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân, hy vọng hạn chế bớt sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, hy vọng này thực tế cũng rất mong manh” , bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Báo động tình trạng kháng kháng sinh
Theo bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thống kê của WHO cho thấy, tình hình kháng kháng sinh của các vi khuẩn đang có xu hướng tăng lên toàn cầu, ở mức đáng báo động. Trong đó, khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ rất cao.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo dõi tình hình kháng kháng sinh ở 23 cơ sở y tế trên toàn quốc cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể của các ca mắc vi khuẩn đa kháng.
Các trường hợp dễ nhiễm vi khuẩn đa kháng chủ yếu liên quan đến môi trường bệnh viện, như bệnh nhân chạy thận chu kỳ, nhân viên y tế, những người mắc bệnh mạn tính thường xuyên phải nhập viện điều trị,… Ngoài ra, vi khuẩn đa kháng dễ phát triển thuận lợi trên những cơ địa giảm sức đề kháng, có thể do mắc các bệnh tự miễn hệ thống, bệnh ung thư, HIV, xơ gan, goute,… hoặc do bẩm sinh. Nguồn lây có thể qua đường nước, đường hô hấp, tiêu hóa, nước tiểu, hoặc lây qua da.
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – Ảnh: N.Liên
Bác sĩ Điền phân tích, có 3 nguyên nhân chính khiến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng phức tạp. Trước hết, do bản thân các vi sinh vật, vi khuẩn khi sinh ra đã tìm cách thích nghi với áp lực của kháng sinh bằng cơ chế cụ thể (như thay đổi đích tác động, cơ chế ngăn kháng sinh ngấm vào, trú ngụ trong các tế bào để tránh kháng sinh,…).
Bên cạnh đó, nhiều lối sống không tốt của con người làm các bệnh không lây nhiễm tăng. Những bệnh này khiến hệ thống miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn quần cư trong cơ thể hoặc có môi trường dễ xâm nhập, phát triển.
“Nguyên nhân cuối cùng và quan trọng nhất là ở phía con người”, bác sĩ Điền nhấn mạnh. Theo đó, rất nhiều người dân đang sử dụng kháng sinh bừa bãi, thiếu hợp lý cả trong điều trị bệnh và trong nông nghiệp, chăn nuôi.
Ông Điền chia sẻ, dù ngành y tế và các Bộ ban ngành đã rất nỗ lực trong việc quản lý cung ứng các chế phẩm thuốc, tuy nhiên người dân vẫn dễ dàng mua kháng sinh ở bất cứ hiệu thuốc nào mà không cần kê đơn. Khi bị ốm, viêm họng, viêm đường hô hấp trên, đa số tự tìm mua kháng sinh thay vì đi khám bác sĩ, trong khi những bệnh này do virus, kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt.
“Việc lạm dụng kháng sinh hoặc sử dụng không đúng về liều lượng, loại, thời gian vô tình là điểu kiện cho vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh, chọn lọc 1 quần thể vi khuẩn kháng kháng sinh”, bác sĩ Điền cho hay.
Hệ lụy của việc mắc vi khuẩn đa kháng ngoài ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người bệnh, theo bác sĩ Vũ Minh Điền, còn là về gánh nặng lớn về kinh tế. Khi bệnh nhân phải dùng phác đồ phối hợp nhiều loại kháng sinh với liệu trình kéo dài, thời gian nằm viện lâu, chi phí điều trị sẽ nhân lên rất lớn.
Để hạn chế mắc các vi khuẩn kháng kháng sinh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý nhằm tạo hệ thống miễn dịch tốt, ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh.
Bên cạnh đó, cần thông thái khi sử dụng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, tốt nhất nên tham khám ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.
Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn nặng (có các dấu hiệu sốt cao, hơi thở hôi, mặt hốc hác,…) nên đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện căn nguyên sớm, từ đó có hướng điều trị đúng, điều trị trúng, tránh những hậu quả nặng nề sau này.
Căn bệnh viêm màng não nguy hiểm như thế nào?
Viêm màng não cấp tính là bệnh lý rất nguy cấp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ có nhiều biến chứng trầm trọng.
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, viêm màng não là một trong những bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương, có căn nguyên rất đa dạng như vi khuẩn, virus, nấm...
Ảnh minh họa: Family First - Urgent Care
Bệnh viêm màng não có nhiều thể, gồm diễn biến cấp tính, diễn biến dài hơn và thể bệnh mạn tính.
Bệnh nhân viêm màng não cấp tính có triệu chứng phổ biến là sốt, đau đầu, buồn nôn. Người bệnh cũng có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như cứng gáy, sợ ánh sáng và các dấu hiệu rối loạn chức năng não (lơ mơ, lú lẫn, hôn mê)...
Căn nguyên gây bệnh có rất nhiều, phụ thuộc vào tiền sử bệnh của người mắc. Ví dụ, bệnh nhân gặp chấn thương sọ não, vỡ nền sọ, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập; bệnh nhân bị viêm tai giữa mạn tính, vi khuẩn từ tai lan sang não... Một nguyên nhân rất phổ biến khác là ăn phải vi khuẩn như liên cầu lợn, vi khuẩn sẽ đi từ đường máu vào trong não.
Bác sĩ Khiêm nhấn mạnh, viêm màng não cấp tính là bệnh lý "rất nguy cấp", nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân chắc chắn sẽ không qua khỏi. Ngược lại, nếu được điều trị kịp thời và bệnh nhân là người có cơ địa khỏe mạnh, không có bệnh nền, cơ hội chữa khỏi lên đến 90%.
"Một số trường hợp có cơ địa quá yếu hoặc mắc bệnh lý nền, đáp ứng điều trị thường kém. Có thể bệnh nhân giữ được tính mạng nhưng sẽ có nhiều di chứng như hôn mê sâu, phải phụ thuộc hoàn toàn theo máy thở, liệt nửa người, động kinh, co giật... Các di chứng có nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào căn nguyên, mức độ viêm màng não, cơ địa và đáp ứng của bệnh nhân", bác sĩ Khiêm cho hay.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận điều trị rất nhiều người bị viêm màng não cấp. Đây cũng là 1 trong 3 bệnh lý chính liên quan đến nhiễm trùng ở bệnh nhân nặng, phải hồi sức tích cực tại đơn vị này.
Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chia sẻ, căn nguyên phổ biến nhất gây viêm màng não trong cộng đồng ở Việt Nam là khuẩn liên cầu lợn, chiếm tới 60% trong tổng số ca mắc.
Bởi vậy, để đề phòng mắc bệnh, người dân cần lưu ý không ăn tiết canh; không tham gia chế biến, giết mổ lợn ốm chết. Với người làm nghề giết mổ lợn, bác sĩ Khiêm khuyến cáo cần có các biện pháp bảo vệ, phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo nên có các biện pháp dự phòng khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ngoại cảnh để phòng bệnh viêm màng não.
Mối nguy kháng thuốc do sử dụng kháng sinh bừa bãi Tại Việt Nam, cứ 100 loại thuốc được sử dụng là có một loại kháng sinh, 1/3 bệnh nhân nội trú đang sử dụng kháng sinh không cần thiết, 90% các trường hợp mua thuốc kháng sinh tại hiệu thuốc không cần kê đơn. Nếu không kịp thời quản lý việc sử dụng kháng sinh chặt chẽ, chúng ta sẽ không còn "vũ...