Những bước tiến đáng tự hào của ngành y VN: Đã ngang tầm quốc tế
Bên cạnh nỗ lực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh thì những sáng tạo, sáng kiến từ các y-bác sĩ, những nỗ lực không ngừng đưa kỹ thuật cao về Việt Nam đã góp phần làm rạng rỡ nền y học Việt Nam.
Một ca mổ của các bác sĩ Bệnh viện E. Ảnh: PV
Những phương pháp mổ gây tiếng vang thế giới
U nang ống mật chủ là bệnh bẩm sinh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư ống mật. Để khắc phục những hạn chế của phương pháp mổ mở (người bệnh đau, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, thời gian hồi phục chậm, thẩm mỹ kém), GS-TS Nguyễn Thanh Liêm đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp “Nội soi u nang ống mật chủ” từ năm 1996. Từ đó đến nay, đã có hơn 500 ca được ông Liêm mổ bằng phương pháp này, tỉ lệ thành công là 99,5%, không có ca biến chứng.
Ông Liêm là phẫu thuật viên ngoài Châu Âu đầu tiên được mời tới Châu Âu phẫu thuật và giảng bài về nội soi nhi khoa. Các chuyên gia, bác sĩ Hà Lan cho biết, họ đã học hỏi được rất nhiều sau khi được trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật cũng như nghe các trao đổi về kỹ thuật mổ nội soi u nang ống mật chủ của Giáo sư – kỹ thuật từng được đưa vào sách giáo khoa phẫu thuật nhi thế giới năm 2014. Phương pháp này cũng được công nhận là một trong số 10 công trình khoa học phẫu thuật nhi được quan tâm nhiều nhất thế giới năm 2009-2010.
Sau chuyến công tác tại Italia cách đây 3 năm, đây là lần thứ 2 GS-TS Nguyễn Thanh Liêm được mời đến Châu Âu để phẫu thuật cũng như tham gia trao đổi kinh nghiệm. Đến nay, GS Liêm đã giảng bài về phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ tại Mỹ, Italia, Nhật, Hàn Quốc, Australia. Ông cũng được mời tới Indonesia, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Hà Lan giảng bài và phẫu thuật về phương pháp này.
GS-TS Nguyễn Thanh Liêm còn đóng góp 8 kỹ thuật mổ nội soi mới cho chuyên ngành phẫu thuật nhi thế giới, đưa phẫu thuật nội soi trẻ em Việt Nam phát triển ngang tầm với các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới phương pháp này được ứng dụng thành công. Kỹ thuật này do PGS-TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc BV Nội tiết Trung ương – hoàn thiện và được các chuyên gia nước ngoài khâm phục, đặt tên là kỹ thuật “Dr Lương”. Được biết đến là bệnh viện tuyến đầu của cả nước về phát hiện và điều trị bệnh lý tuyến giáp, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương hằng năm cũng thường xuyên đón các đoàn phẫu thuật viên là các bác sĩ nước ngoài, trong đó có nhiều quốc gia được xem có nền y tế tốt hơn Việt Nam như: Singapore, Thái Lan, Malaysia…, thậm chí có cả những bác sĩ hàng đầu của những quốc gia này đến để học tập. Tiếp đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương triển khai phương pháp nội soi u xơ tuyến vú cũng do bác sĩ Trần Ngọc Lương sáng tạo nên.
Video đang HOT
Một ca mổ của các bác sĩ Bệnh viện E. Ảnh: PV
Nỗ lực mang kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam
GS-TS Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng- Hàm-Mặt Trung ương HN – cho biết: “Như kỹ thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương mặt hàm là một kỹ thuật hết sức thành công của bệnh viện, đi trước Singapore và Thái Lan. Năm 2008 mỗi tháng chỉ triển khai được 1 ca và gặp rất nhiều khó khăn; sau đó tăng dần lên 4 ca/tháng. Đến nay, sau 10 năm triển khai, tháng 8.2018 bệnh viện đã công bố thành công của ca vi phẫu thứ 500. Hiện nay, vi phẫu tái tạo khuyết hổng hàm mặt đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện với 2-3 ca/tuần”.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật cao trong cấy ghép răng Implant, phục hình răng thẩm mỹ,… đã khiến cho hàng nghìn bệnh nhân hài lòng với thẩm mỹ nụ cười được cải thiện rõ rệt. Bệnh viện là một trong những đơn vị hiếm hoi điều trị răng miệng cho trẻ em dưới gây mê – một trong những kỹ thuật rất phức tạp nhưng đã thực sự đem lại hiệu quả điều trị cao cho trẻ em, giảm bớt sự lo lắng của gia đình và sợ hãi ở trẻ nhỏ, đặc biệt với các trẻ bị tự kỷ, bệnh tim mạch….
Đặc biệt hơn, tất cả các kỹ thuật tiên tiến trên, đều đã trở thành các kỹ thuật thường quy của bệnh viện. Theo thống kê chưa đầy đủ, Bệnh viện Răng- Hàm-Mặt T.Ư đã góp phần giữ chân 500 người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh.
“Tự chủ vaccine”, sẵn sàng ứng phó đại dịch
Ngày 25.9.2019, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) – Bộ Y tế công bố đã nghiên cứu thành công vaccine cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vaccine cúm đại dịch A/H5N1. IVAC sản xuất các loại vaccine trên quy mô sản xuất công nghiệp, với chất lượng cao, an toàn. Công suất vaccine cúm mùa là 1,5 triệu liều/năm; vaccine cúm A/H5N1 là 3 triệu liều/năm.
Theo IVAC, tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 1,2-1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong số đó 20-30% do virus cúm mùa gây ra và dịch cúm gia cầm đã xuất hiện từ năm 2003. Trong khi đó, Việt Nam từ trước tới nay đã thiếu nguồn cung cấp vaccine cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài.
Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vaccine cúm không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vaccine cúm trong khu vực và trên thế giới.
Trao đổi với Báo Lao Động về câu chuyện đáng tự hào này, lãnh đạo Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho hay: Chúng tôi vừa họp, trình ý tưởng và chuẩn bị xây dựng một đề án về vấn đề “giữ chân” người Việt Nam, không để người bệnh ra nước ngoài chữa bệnh, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám-chữa bệnh.
THUỲ LINH
Theo laodong
Căn bệnh hiếm gặp khiến em bé nhanh chóng hôn mê
Bị nôn, co giật rồi hôn mê, bé Châu Anh ở Nam Định được bác sĩ phát hiện bẩm sinh rối loạn chuyển hóa axit hữu cơ.
Sinh con ra hoàn toàn khỏe mạnh, chị Thủy không hề biết rằng con gái mình lại mắc căn bệnh bẩm sinh nguy hiểm như vậy.
9 tháng tuổi, bé Châu Anh đang chập chững biết đi thì bất ngờ bị nôn liên tục, co giật và hôn mê ngay. Cấp cứu ở viện tỉnh, bác sĩ nghi ngờ bé có vấn đề về não bộ.
Chị đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm chuyên sâu cho thấy bé mắc bệnh lý bẩm sinh rối loạn chuyển hóa axit hữu cơ.
Tiến sĩ Vũ Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý bệnh hiếm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh rối loạn chuyển hóa axit là tình trạng khi bé ăn đạm, một số axit amin bị tắc ở phía trên không chuyển hóa được, tác động lên thần kinh Trung ương dẫn tới nhanh chóng co giật và hôn mê.
Ở thể nặng, trẻ sẽ xuất hiện ngay triệu chứng ở tháng đầu sau sinh. May mắn, Châu Anh chỉ ở thể nhẹ, đến 9 tháng tuổi mới phát bệnh và được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Dũng thăm khám cho bệnh nhi mắc rối loạn chuyển hóa ure. Ảnh: Lê Nga.
Bệnh rối loạn này có nhiều triệu chứng giống các bệnh lý khác như viêm màng não. Vì thế không dễ dàng cho những bệnh viện ở tuyến dưới có thể sàng lọc được bệnh lý này.
"Hiện mới chỉ có khoảng 40 cháu được chẩn đoán bệnh lý này. Nếu phát hiện bệnh sớm từ sơ sinh thì cơ hội sống sót cao. Để lâu trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng, tổn thương về mặt vận động, nhận thức", tiến sĩ Dũng nói.
Ngoài điều trị bằng y học, các bé cần chăm sóc chế độ ăn, không để bị đói kéo dài. Các bé cũng nhạy cảm với thay đổi thời tiết, dễ bị cúm, nhiễm trùng tiêu hóa, hô hấp, cảm lạnh. Gia đình cần phải theo dõi sát, nếu bé nôn nhiều thì nên đưa đến bệnh viện ngay.
Trung tâm đang điều trị một bé trai 17 tháng tuổi ở Bắc Giang bị rối loạn chuyển hóa urê - một bệnh cực hiếm và ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển. Bé này sau sinh một tuần bị trướng bụng rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê.
Rối loạn chuyển hóa urê cũng là một bệnh lý hiếm tại Việt Nam với khoảng 60 cháu mắc bệnh. Vai trò chính của chu trình urê là chuyển hóa nitơ - một sản phẩm thải từ sự trao đổi chất protein và từ khẩu phần ăn thành urê.
Ở người bình thường urê được bài tiết qua nước tiểu. Khiếm khuyết trong chu trình chuyển hóa urê khiến nitơ không được chuyển hóa, tích tụ lại dưới dạng ammoniac là một chất độc đối với cơ thể, đặc biệt là đối với hệ thần kinh.
Đây là nhóm bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 1/25.000-1/30.000 trẻ sơ sinh. Các bệnh rối loạn chu trình chuyển hóa nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Bệnh thường được điều trị bằng các phương pháp như giảm nồng độ nitơ trong huyết thanh, giảm lượng tiêu thụ các thực phẩm có chứa nitơ trong khẩu phần ăn,...
Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện sàng lọc được 26 bệnh lý, trong đó có những bệnh hiếm như rối loạn chuyển hóa sơ sinh. Lấy máu gót chân để thực hiện sàng lọc các bệnh hiếm sau sinh chính là cơ hội vàng để các bé sớm phát hiện bệnh lý, điều trị kịp thời để phát triển khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.
Lê Nga
Theo VNE
Bệnh viện tỉnh đón em bé thứ 100 chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm Sau 8 năm hiếm muộn, cặp vợ chồng ở Quảng Ninh đã được trở thành cha mẹ nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sáng 17/12, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh tổ chức lễ chào đón trẻ thứ 100 chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Đó là con của vợ chồng anh Lê Quang Yên và chị Hà...