Những bữa cơm ám ảnh tại vùng rốn lũ Hà Tĩnh
Trong ba ngày chơi với giữa nước lũ, cuộc sống của hàng ngàn người dân đảo lộn. Nhiều người phải cầm cự bằng mì gói, cơm sống, thậm chí là những con cá bắt lên từ dòng nước lũ.
Bà Nhiệm cùng với hai cháu nội cầm hơi trong 3 ngày lũ bằng mì tôm và nước suối hàng xóm tiếp tế. Ảnh: Bá Hải.
Ngày 17/6, tại vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh đã có rất nhiều đoàn cứu trợ tiếp cận với người dân để tiếp tế những thứ dễ vận chuyển như mì gói, lương khô. Điều này phần nào an ủi người dân vùng lũ miền Trung bởi sự sẻ chia, đùm bọc và cùng nhau vượt qua thử thách, thiên tai.
Hai ngày qua, bà Trần Thị Nhiệm (60 tuổi) trú tại xóm 6, xã Hương Thủy (Hương Khê – Hà Tĩnh) cầm cự bằng mì gói sống và nước suối do hàng xóm tiếp tế. “Ở nhà chỉ có tôi và hai cháu nhỏ. Lũ ập về, kéo vào nhà hàng tá rác từ thượng nguồn, lấp hết lối đi. Nước rút rồi bà cháu mới men ra ngoài tìm cái ăn chứ nhà ngập không nấu nướng được”, bà Nhiệm cho biết.
Bữa ăn đầu tiên trong 3 ngày lũ với nồi cơm sống một nửa của ông bà Thân, xóm 1 Phương Điền. Ảnh: VH.
Bà Nhiệm cùng với nhiều gia đình khác tại xóm 6, xã Hương Thủy chỉ cầm cự qua ngày với mì tôm và nước suối. “Chiều ngày 17/10, khi nướt rút, một số hộ dân nơi đây đã nấu được nồi cơm trắng, bắt cá ngoài mương làm thức ăn. Mọi người chia nhau bát cơm cầm hơi, chứ nhà nông vài ngày không được ăn cơm khó chịu lắm”, anh Bạch Xuân Tình trú xóm 6, Hương Thủy nói.
Video đang HOT
Đến chiều ngày 17/10, tại rốn lũ Phương Mỹ, Phương Điền và Hòa Hải của huyện Hương Khê vẫn còn hàng trăm hộ dân bị lũ cô lập. Mọi hoạt động đi lại của người dân với các đoàn tiếp tế đều dựa vào những con thuyền nhỏ.
Ngôi nhà ông Thân bị ngập gần 1m. Ảnh: VH.
Tại xã Phương Điền, nhìn cảnh người dân ăn những bát cơm nửa sống nửa chín đầu tiên sau 3 ngày ngập lụt, nhiều thành viên đoàn cứu trợ không khỏi xót xa.
“Đối với nhà nông, có thể thiếu thức ăn nhưng cơm cứ phải ngày 3 bữa mới sống. Nay nước rút nấu được nồi cơm mà thiếu củi nên chỉ được phần dưới nồi. Đành phải ăn cơm sống vậy, còn ăn mì tôm nhiều quá cũng ớn”, anh Lành trú xóm 7 xã Phương Mỹ nói.
Vợ chồng ông Thân, xóm 1 Phương Điền vui mừng khi nhận được mì tôm tiếp tế. Ảnh: VH
Cũng trong ngày 17/10, tại những địa điểm nước lũ đã rút UBND Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hơn 300 chiến sĩ Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh cùng với các lực lượng đoàn viên công an, các ban ngành địa phương tập trung khắc phục thiệt hại do lũ tại một số xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Giang…
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: “Thiệt hại do lũ gây ra cho nhân dân Hương Khê là vô cùng lớn, hiện chưa thể thống kê được tổng thiệt hại. Trước mắt, địa phương phối hợp với các ban ngành, các tổ chức từ thiện tập trung vận chuyển thức ăn tiếp tế cho dân vùng còn ngập lụt; đối với các vùng nước rút đến đâu, dọn dẹp sửa chữa đến đó…”.
Theo Việt Hương (Tiền Phong)
Bão Sarika hướng Quảng Ninh - Nam Định
Đi qua quần đảo Hoàng Sa, Sarika sẽ áp sát đảo Hải Nam (Trung Quốc) và dự kiến đi vào vịnh Bắc Bộ ngày 19/10 rồi đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
Lúc 7h ngày 17/10, bão Sarika cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km, sức gió mạnh nhất 150 km/h, tương đương cấp 13. Hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h, bão sẽ trên vùng biển đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào 18/10, cường độ gió cấp 14, giật cấp 16-17.
Bão gây gió mạnh cấp 6 cho tàu thuyền trong khoảng bắc vĩ tuyến 14 và phía đông kinh tuyến 108,5.
Đường đi của bão theo dự báo của Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương. Ảnh: NCHMF
Qua đảo Hải Nam, bão sẽ vào vịnh Bắc Bộ vào ngày 19/10. Tiếp đó, bão hướng về bờ biển Quảng Ninh - Nam Định với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định đây có thể là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất trong vài năm gần đây ở Việt Nam.
Cơ quan khí tượng cảnh báo Sarika sẽ gây mưa từ vùng Đông Bắc đến Bắc Trung Bộ khoảng 200-300 mm. Đây là thời điểm triều cường lớn nhất trong năm nên có thể gây nước dâng 2 m ở vùng ven biển.
Đài quốc tế dự báo đường đi của bão Sarika. Sau bão số 7 còn bão Haima kế tiếp. Ảnh: Vnbaolut.
Sarika xuất hiện khi Bắc Trung Bộ đang căng mình chống lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh. Chỉ trong 3 ngày (từ 13/10), các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Nghệ An đã có 24 người chết, 9 người mất tích, gần 100.000 nhà dân bị ngập sâu, tập trung ở Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Sau Sarika, ngoài khơi Philippines xuất hiện bão Haima và có khả năng vào biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo chuyên gia khí tượng, do tác động của La Nina yếu, 3 tháng cuối năm khả năng bão lũ xuất hiện nhiều hơn, tháng 10-11 sẽ tập trung ở miền Trung.
Phạm Hương
Theo VNE
Bão Sarika sẽ đổ bộ vào Việt Nam Đi sượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão Sarika dự kiến đi vào vịnh Bắc Bộ ngày 19/10, tiếp cận đất liền Việt Nam và có thể trở thành cơn bão mạnh nhất trong vài năm gần đây với cấp 12. Lúc 16h ngày 16/10, bão Sarika cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620 km, sức gió tối đa 150 km/h, tương...