Những ‘bộ xương di động’ vật vờ trong thị trấn Syria
Những cuộc vây hãm kéo dài đẩy hàng nghìn người dân Syria vào nạn đói tồi tệ nhất, khi họ đã ăn hết tất cả những gì có thể để cầm cự.
Một em bé bị suy dinh dưỡng nặng trong thị trấn bị vây hãm Madaya. Ảnh:Guardian
“Mọi người ở đây đang chết dần chết mòn”, Louay, một nhân viên xã hội làm việc tại thị trấn Madaya, nằm cách thủ đô Damascus của Syria chỉ vài km, trò chuyện với Guardian qua điện thoại, giọng của anh trở nên thều thào sau một thời gian dài nhịn đói.
Đó là tình cảnh chung của hàng ngàn người dân ở thị trấn nhỏ bé mắc kẹt trong cuộc nội chiến đẫm máu và khốc liệt kéo dài 5 năm qua ở Syria. Cuộc vây hãm của quân đội chính phủ ở đây nhằm tiêu diệt các nhóm phiến quân nổi dậy đã kéo dài suốt nhiều tháng, khiến mọi nguồn cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm gần như bị cắt đứt.
Các gia đình ở Madaya đã phải ăn lá cây, cỏ dại và uống nước muối để cầm hơi, khi gạo ở khu vực này đang được bán với giá 250 USD một cân, cái giá gần như không ai có thể trả nổi. Nhiều nhà đã phải giết thịt những con thú cưng trong gia đình để cầm cự.
“Mọi người có thể không tin, nhưng ở đây giá gạo, đậu, đường đều ở mức trên trời như vậy, mà đó là nếu bạn có chỗ mà mua. Tôi đã chứng kiến người ta thịt mèo để ăn, rồi sau đó họ cũng đã vặt trụi hết lá cây trong thị trấn rồi”, người đàn ông này kể.
“Nhà tôi trồng một ít hoa trong mấy cái chậu trước hiên. Hôm qua, tôi đã phải ngắt cánh hoa để ăn, nhưng chúng đắng ngắt và rất khó nuốt”, Louay cho biết.
Người đàn ông này gửi đi hình ảnh thi thể gầy trơ xương của những cụ già chết đói trong những ngày gần đây. Anh cho biết đó là những bậc cao niên được trọng vọng trong thị trấn, nhưng họ đều gục ngã vì đói. “Chúng tôi thường nói rằng chẳng ai có thể chết đói được cả, nhưng giờ đây tôi đang chứng kiến mọi người chết dần vì không có gì ăn”.
Xung quanh thị trấn biên giới do phiến quân nổi dậy kiểm soát này là hệ thống dây thép gai, bãi mìn và các ổ bắn tỉa mai phục của quân đội chính phủ. Sau nhiều tháng bị vây hãm, người dân trong thị trấn đã ăn hết tất cả những thứ có thể ăn được, trong khi nguồn tiếp tế hầu như không thể tới được tay họ.
Theo báo cáo của tổ chức Bác sĩ Không biên giới, ít nhất 28 người dân ở Madaya, trong đó có 6 trẻ em, đã chết vì đói tại phòng khám do tổ chức này điều hành tại thị trấn. Họ đến và gục ngã trước cửa phòng khám, trong khi các bác sĩ ở đây cũng chẳng có gì để cho họ ngoài một ít nước muối. Người quen gặp nhau trên phố không thể nhận ra nhau, vì khuôn mặt họ giờ đây đã quá hốc hác và trũng sâu vì thiếu ăn, chẳng khác nào những “bộ xương di động”.
Trong bối cảnh các nước đang gia tăng hoạt động quân sự để củng cố cho lập trường của mình trên bàn đàm phán về tương lai Syria, dân thường mới là những người phải chịu đựng nhiều nhất.
Thay vì đến trường, những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu trong thị trấn đang phải liều mạng lang thang ra các bãi mìn xung quanh để đào bới cây củ làm thức ăn. Một số em đã dính mìn và cụt chân tay, người dân trong thị trấn cho biết.
“Dù là phụ nữ hay đàn ông, trẻ em hay người già, mọi người ở đây đều sụt mất ít nhất 15 kg. Bọn trẻ đứa nào mắt cũng lồi ra vì quá đói”, Ebrahem Abbass, một chiến binh nổi dậy cho hay.
Video đang HOT
Một nạn nhân của nạn đói ở Madaya. Ảnh: Breibart
Cái đói càng trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông lạnh giá ở vùng đất cao hơn mực nước biển 1.300 mét này, và dù rất đói, không ai dám mạo hiểm mò ra ngoài thị trấn để kiếm ăn. Từ một ngọn đồi cao gần đó, các tay súng bắn tỉa có thể ngắm rõ mọi mục tiêu di động trên mặt đất. Hơn 10 người đã bị trúng đạn bắn tỉa khi tìm cách ra ngoài kiếm củi và đồ ăn.
Nạn đói trở thành vũ khí
Trong cuộc nội chiến suốt nhiều năm qua ở Syria, vây hãm không phải là chiến thuật xa lạ gì đối với các bên tham chiến, và nạn đói trở thành một trong những thứ vũ khí lợi hại nhất. Tại Deir al-Zour, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bao vây nhóm nổi dậy lớn nhất của Syria cùng khoảng 200.000 thường dân. Còn nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham thì lại đang vây hãm hơn 12.000 người tại các thị trấn do quân đội chính phủ kiểm soát ở Foua và Kfarya, phía bắc Syria.
Quân đội chính phủ Syria đã vây hãm thị trấn Madaya trong chiến dịch phản công kéo dài gần 6 tháng qua. “Quân chính phủ sẽ tiếp tục chiến thuật vây hãm này, bởi nó đang tỏ ra hiệu quả”, Bissan Fakih, một nhà hoạt động thuộc Chiến dịch Syria, nhận định.
Một số người dân Madaya thì cho rằng họ đang bị đối xử như những con tốt trên bàn cờ quyền lực phức tạp, và đang bị quân đội chính phủ trừng phạt vì những gì mà người dân trong hai ngôi làng Foua và Kfarya cách đó hàng trăm km cũng đang phải chịu đựng trong vòng vây của phe nổi dậy.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng một phần mười trong số 42.000 dân của thị trấn Madaya đang mắc kẹt trong các khu vực bị vây hãm hoặc những nơi khó tiếp cận, và tình hình của họ đang ngày một tồi tệ hơn.
Đối diện với nạn đói khủng khiếp này, những hy vọng về các nỗ lực đàm phán hòa bình quốc tế của người dân Madaya và thị trấn Zabadani bên cạnh đều tan biến. Hamoudi, một phiến quân 27 tuổi, cho biết nhiều người trong nhóm của anh đã buông súng đầu hàng để có cái ăn.
Các thị trấn đang bị vây hãm ở Syria. Đồ họa: Guardian
“Khi mới cầm súng tham gia phe nổi dậy, tôi đã mơ đến dân chủ, tự do. Nhưng giờ đây, tất cả những gì tôi mơ tới chỉ là lương thực. Tôi muốn được ăn. Tôi không muốn bị chết đói”, Hamoudi mệt mỏi nói qua Skype với phóng viên NYTimes.
Trong ngày hôm qua, một cậu bé 9 tuổi và 4 người đàn ông ngoại tứ tuần đã chết vì suy dinh dưỡng, và các bác sĩ trong phòng khám cho biết vẫn còn 10 người đang trong tình trạng nguy hiểm, và 200 người nữa sẽ rơi vào thảm cảnh trong một tuần tới. “Madaya giờ đây không khác gì một nhà tù không song sắt”, bác sĩ Brice de le Vingne cho hay.
Theo các nhà quan sát, chiến dịch không kích chống IS của cả Mỹ và Nga đã cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Syria. Từ mùa thu năm ngoái, ít nhất 16 trung tâm y tế ở Syria đã bị trúng bom, buộc 6 nhóm cứu trợ phải rút ra khỏi tỉnh Idlib để đảm bảo an toàn.
Việc các bên tham chiến ở Syria dùng nạn đói làm vũ khí đi ngược với luật pháp quốc tế, thế nhưng các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Iran, Arab Saudi… đều không thể hoặc không muốn gây áp lực lên các đồng minh trên chiến trường của mình. Liên Hợp Quốc cho hay trong năm 2015, các phe tham chiến ở Syria chỉ phê chuẩn 10% yêu cầu viện trợ nhân đạo cho người dân các vùng bị vây hãm.
“Ở đây, chúng tôi đã không còn cầu xin bất cứ ai nữa. Chúng tôi đã cầu xin quá nhiều lần, nhưng không ai chịu nghe. Chúng tôi muốn hỏi các quan chức và các nhà hoạch định chính sách ở ngoài đó, nếu các ngài lâm vào tình cảnh của chúng tôi, và con cái các ngài đang chết đói ngay trước mặt, các ngài sẽ phản ứng thế nào khi cả thế giới đã quay lưng lại với mình”, Louay nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Cảnh đời 'sống không bằng chết' của người dân Syria
'Mỗi ngày lại trở nên tệ hơn', Abu Mohammed thở dài trong căn phòng ẩm ướt ở tầng hầm, nơi vợ chồng ông và 7 đứa con sống trong hai năm rưỡi qua. 'Tôi ước gì bây giờ là tháng trước vì lúc đó còn tốt hơn'.
Abu Mohammed sống trong tầng hầm cùng vợ và 7 người con. Ảnh: BBC
Bức tường xỉn vàng của căn phòng có một vết nứt sâu chạy dài. Những chiếc đệm mỏng rách rưới trải trên sàn bêtông. Những chiếc bát nhựa rẻ tiền bị nứt được chắp vá tạm bợ.
Abu Mohammed đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria 3 lần. Nơi ở hiện tại của gia đình ông là một tòa nhà có 200 người trú ngụ ở thành phố Kisweh, cách thủ đô Damascus 13 km về phía nam.
Hiện có hàng ngàn gia đình di tản khác đang đổ về thành phố này, khiến dân số ở Kisweh tăng hơn 4 lần trong những năm gần đây. Từ tháng 8, khu vực này trở nên yên tĩnh nhờ lệnh ngừng bắn.
Phóng viên BBC có dịp cùng nhóm nhân viên của UNICEF khảo sát các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Kisweh. Cũng giống như các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, UNICEF đang kêu gọi các nước quyên góp số tiền kỷ lục cho Kế hoạch ứng phó nhân đạo (HRP) được công bố tại Geneva năm nay.
"Nhu cầu của người dân nơi đây đang trở nên ngày càng lớn hơn và rất khó để thế giới bên ngoài có thể hình dung", cán bộ truyền thông UNICEF Razan Rashidi cho biết. "Thậm chí người Syria cũng khó có thể hiểu được mức độ tàn phá ở nơi này".
Nước là vũ khí
"Cuộc sống này còn tồi tệ hơn cả cái chết", cụ ông 79 tuổi Ahmad al Ahmad than thở. Một vài người trong số 20 người cháu của cụ đang ủ dột nhìn ra đường phố ầm ầm các xe chở nước do Liên Hợp Quốc cung cấp qua một nhà thầu địa phương.
"Không thể tưởng tượng đưngười dân phải chịu đựng như thế nào khi không có nước", Atef Dieb, nhân viên phụ trách nước và vệ sinh của UNICEF nói. "Đáng buồn là nước được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh trong cuộc xung đột này".
Người dân ở Kisweh phải sống trong tình trạng thiếu nước. Ảnh: BBC
Trên khắp Syria trong nhiều năm qua, chiến tranh tàn khốc đã cắt đứt các nguồn nước và thực phẩm. Cơ sở hạ tầng tồi tàn khiến vùng Kisweh không hề có nước. Các xe chở nước lại chỉ đến đây 8 ngày một lần.
"Đây là nguồn nước duy nhất chúng tôi có và không hề đủ", một người hàng xóm cho biết. "Chúng tôi phải chờ trong nhiều ngày".
Và nước chỉ là một trong số vô vàn các vấn đề ở đây.
Cắt đứt viện trợ
"Nhiên liệu rất đắt đỏ và thực phẩm cũng vậy", Fatima rên rỉ. "Tôi bị ốm, hầu như không đi nổi và chồng tôi cũng ốm".
Cách đó một vài con phố, những đứa trẻ vừa hát vừa nhảy và vỗ tay trong sân trường bằng tiếng Arab để giữ ấm: "Một, hai, ba, bốn". Bên trong trường học không hề có máy sưởi.
Cũng giống như các trường học khác trên khắp Syria, số lượng các lớp học hiện tăng gấp đôi do hàng triệu người buộc phải bỏ nhà cửa vì chiến tranh . Trẻ con phải chia ra học ca sáng và ca chiều.
Cuộc xung đột đang bước sang năm thứ 5, khoảng 5.000 trường học không còn hoạt động do bị tấn công và được dùng làm các căn cứ quân sự, hoặc không thể sử dụng do gần với chiến tuyến. Điều này cũng có nghĩa rằng hàng nghìn người không tiếp cận được với các nguồn viện trợ.
Khoảng 5.000 trường học cho trẻ em đã bị đóng cửa do chiến sự. Ảnh: BBC
Tại một nhà kho của Chương trình lương thực thế giới (WFP) ở Damascus, một chiếc lều được chất đầy những bao gạo và các hộp thực phẩm thiết yếu như đường, gạo, đậu và dầu ăn.
"Một phần ba dân số cần viện trợ thực phẩm và có quá nhiều vùng không thể tiếp cận được, đặc biệt là những vùng do Nhà nước Hồi giáo IS kiểm soát", Essam Ismail, người đứng đầu Bộ phận cứu trợ khẩn cấp của WFP cho biết. Ngay cả khu vực bị bao vây quanh Damascus cũng bị cắt viện trợ.
Điều kiện sống thảm khốc buộc hàng triệu người trở thành dân tị nạn. Hàng nghìn người đã mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu.
"Nếu có tiền thì tôi cũng đi", Abu Mohammed nói trong lúc đổ nước vào thùng từ xe chở nước ở Kisweh. "Nếu bạn nghèo khổ ở nước ngoài thì bạn là người tị nạn, nhưng ở trong nước với tình trạng như thế này thì chúng tôi cũng chẳng khác gì tị nạn".
Thúy Nguyễn
Theo VNE
Thảm cảnh đẩy người dân Syria vào vòng tay IS Tuyệt vọng vì bị dồn vào đường cùng, nhiều người chấp nhận tham gia IS để có tiền trang trải cuộc sống và hưởng những đãi ngộ đặc biệt. Các tay súng IS cưỡi xe tăng đi trên đường phố Raqqa. Ảnh: Reuters Dù IS tuyên bố dùng luật Sharia để cai trị cái gọi là "nhà nước Hồi giáo" của mình, một...