Những bộ phim Việt được remake từ Hàn Quốc đặc sắc không thể không xem
Trào lưu remake lại những bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc chưa bao giờ hết hot đối với các nhà làm phim Việt Nam. Cùng Yeah1 nhìn lại những tác phẩm “làm lại” thành công và được đông đảo khán giả yêu thích.
Ngôi nhà hạnh phúc
Là một trong những tác phẩm đầu tiên được làm lại từ bộ phim “huyền thoại” của Hàn Quốc, “Ngôi nhà hạnh phúc” phiên bản Việt bước đầu cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý từ đông đảo dư luận. Một phần không nhỏ áp lực cho nhà làm phim cùng dàn diễn viên cũng đến từ chính sự thành công rực rỡ đó của phiên bản Hàn. Rất may, “Ngôi nhà hạnh phúc” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang đến sự hài lòng cho khán giả khi theo dõi tác phẩm.
Bộ phim là câu chuyện tình yêu của cặp đôi oan gia Vương Hoàng và Minh Minh. Sau khi bị bạn thân lừa gạt bán mất nhà, Minh Minh lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải trở thành người giúp việc cho nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng – Vương Hoàng trong chính căn nhà của mình. Với mong muốn có thể chuộc lại ngôi nhà, Minh Minh đã đồng ý ký hợp đồng hôn nhân với Vương Hoàng trong 6 tháng. Chính từ đây, bao nhiêu câu chuyện tréo ngoe đã xảy ra giữa hai người để rồi họ nhận ra mình đã chính thức rơi vào lưới tình của người kia từ bao giờ.
Bên cạnh nội dung hấp dẫn, “Ngôi nhà hành phúc” còn mở màn cho trào lưu tạo ra những ca khúc nhạc phim thu hút không kém. Cho đến nay, sự thành công của các ca khúc trong phim “Ngôi nhà hạnh phúc” vẫn là dấu mốc để cho các tác phẩm khác noi theo.
Tháng năm rực rỡ
Ngay khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng công bố thông tin làm lại bộ phim nổi tiếng xứ Hàn – “ Sunny”, khán giả đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tác phẩm này. Phải làm sao để có thể thổi hồn Việt, cân bằng hài hòa giữa yếu tố nguyên mẫu và Việt Nam vào một bộ phim có những cảnh quay thể hiện các khía cạnh đặc trưng về văn hóa cũng như bối cảnh lịch sử luôn là một câu hỏi được khán giả đặt ra.
Thế nhưng, vượt lên những lo ngại ấy, “Tháng năm rực rỡ” đã thực sự là một tác phẩm remake thành công cả về mặt nghệ thuật và mặt ảnh hưởng. Bộ phim đã lập kỷ lục mới về doanh thu với 174 tỷ và trở thành tác phẩm remake thành công nhất trong lịch sử. Câu chuyện trong “Tháng năm rực rỡ” cũng được xây dựng phù hợp với bối cảnh và văn hóa Việt Nam hơn. Mở đầu bằng hình ảnh về cuộc sống viên mãn, sung túc của Hiểu Phương. Trong một lần tình cờ, Hiểu Phương vô tình gặp lại người bạn cũ Mỹ Dung – “đại ca” của nhóm Ngựa hoang năm xưa. Và câu chuyện tiếp nối là hành trình tìm lại những người bạn năm ấy sau 25 năm xa cách, đi cùng sự trở về của miền ký ức xưa cũ, khi tất cả các thành viên đang tuổi mộng mơ.
Qua “Tháng năm rực rỡ”, khán giả có cơ hội đắm chìm vào một Một Đà Lạt trong những năm 1974 – 1975 đầy thơ mộng, và rực rỡ. Khán giả có cơ hội sống lại những năm tháng thanh xuân rực rỡ của mình cùng các cô gái “Ngựa hoàng”, nhớ về những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc cùng những mốc khoảng thời gian tươi đẹp không bao giờ quên. Cùng với đó, sự hóa thân xuất sắc của các diễn viên vào nhân vật cũng góp phần không nhỏ đưa bộ phim đến gần với khán giả hơn.
Là bộ phim remake thành công nhất 2016, “Em là bà nội của anh” đã mang đến một thời kỳ hoàng kim cho những tác phẩm remake sau này. Khác với “Tháng năm rực rỡ”, bộ phim này không có nhiều sự thay đổi so với nguyên tác – tác phẩm đạt được tiếng vang lớn của Hàn Quốc. Và rất dễ hiểu, với sự bảo chứng từ nguyên tác, cùng sự nghiên cứu kịch bản nghiêm túc và góc nhìn mới lạ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, tác phẩm này đã đạt được thành công to lớn về cả mặt chất lượng lẫn doanh thu.
Bộ phim xoay quanh những câu chuyện thường nhật trong một gia đình ba thế hệ. Bà Đại là một người phụ nữ kiểu cách, cổ hủ luôn đặc biệt thương yêu cậu con trai độc nhất và bất hòa với người con dâu của mình. Trong phút giây bất ngờ, một phép màu kỳ lạ đã giúp bà Đại trở về những năm tháng 20 rực rỡ, tươi đẹp nhất. Bà đã tận dụng cơ hội hiếm có này để tiếp tục thực hiện những ước mơ dang dở khi xưa, trở thành một ca sĩ theo mong ước bấy lâu. Và cũng từ đây, cuộc sống của bao người đã đảo lộn. Bà Đại thực sự được sống một cuộc đời như mong ước.
Sự tinh tế trong từng ca khúc nhạc phim cũng là một trong những dấu ấn đặc sắc của bộ phim. Từ việc lựa chọn những tác phẩm nhạc Trịnh bất hủ, đến những ca khúc cải lương pha trộn với rock hiện đại mang đến cho khán giả một “bữa tiệc” âm nhạc thực sự. Bên cạnh đó, sự chau chuốt, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ như bối cảnh, trang phục cũng là một điểm cộng không nhỏ của tác phẩm này. Và đây cũng là bộ phim dành cho cả gia đình cùng thưởng thức để có thể thông cảm, yêu thương và sẻ chia với nhau nhiều hơn nữa.
Là tác phẩm mới nhất được remake từ siêu phẩm gây sốt khắp Châu Á của đài KBS, “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt cũng nhận được nhiều sự tò mò từ khán giả. Với một bộ phim tô đậm hình ảnh người chiến sĩ, việc “Việt hóa” kịch bản cũng là một trong những yếu tố kích thích, thu hút khán giả đón xem.
Dàn diễn viên chính của bộ phim bao gồm Song Luân, Khả Ngân, Hữu Vi và Cao Thái Hà đều là những nhân tố mới, có nhiều tiềm năng cho sự thành công của bộ phim. Sau 10 tập phát sóng, sự nhập vai diễn xuất của các diễn viên tiến bộ từng ngày, qua từng tập phim được công chiếu. Nhiều cảnh phim “huyền thoại” trong phiên bản Hàn cũng được làm lại một cách rất “Việt Nam”. Như cảnh phim gây bão một thời, khi Đại úy Yoo Shi Jin được đón bằng trực thăng thì trong phiên bản này được thay bằng ca nô. Những chi tiết nhỏ này được thay đổi một cách tinh tế sao cho phù hợp văn hóa Việt. Và một điều đặc biệt hơn nữa là toàn bộ các cảnh quay của “Hậu duệ mặt trời” đều được diễn ra ở Việt Nam, điều đó cho thấy sự hùng vĩ và tươi đẹp của thiên nhiên nước ta không thua kém bất cứ quốc gia nào.
Gần nửa chặng đường đi qua, còn quá sớm để kết luận về sự thành bại của tác phẩm này. Hãy cùng chờ đợi để đón xem sự bứt phá của bộ phim đang được mong đợi này.
Có thể nói các bộ phim được remake lại từ Hàn Quốc xuất hiện ở cả mảng điện ảnh và truyền hình, mặc dù còn có nhiều điểm thiếu sót và chưa thể so sánh ngang bằng với bản gốc song những bộ phim được Việt hóa cũng mang lại cho khán giả những nét tươi mới, phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt. Trong số đó có không ít những bộ phim đã tạo được tiếng vang và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả nhà.
Theo thegioitre.vn
Có thể khẳng định "Tháng Năm Rực Rỡ" đích thực là phim remake hay nhất của Việt Nam từ trước đến nay!
Với chất lượng tốt ngoài mong đợi, có thể nói "Em Là Bà Nội Của Anh" đã tìm được người kế thừa danh hiệu phim remake chất lượng nhất rồi. Không chỉ là những cảm xúc đa dạng, "Tháng Năm Rực Rỡ" còn mang đến không khí rất gần gũi và chân thật với người Việt.
Năm 2016, Em Là Bà Nội Của Anh thu được 102 tỉ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử. Tháng 4 năm 2017, Em Chưa 18 xuất hiện và lập kỉ lục mới với 174 tỉ, khiến Em Là Bà Nội Của Anh rơi xuống vị trí thứ hai. Đồng thời sau đó cũng không còn một phim remake nào chất lượng nữa, dù lượng phim được công bố nhiều như sao trên trời. Thành ra khi thông tin Sunny, một bộ phim được đánh giá là xuất sắc của điện ảnh Hàn năm 2011, có thông tin về phiên bản Việt, gần như không có nhiều sự ủng hộ.
Hầu hết mọi người đều cho rằng sẽ không có một dàn diễn viên hơn chục người nào của Việt Nam có thể hoá thân xuất sắc vào nhóm Sunny (phiên bản Việt là nhóm Ngựa Hoang) từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành. Cũng như chất lượng không mấy tốt của Siêu Nhân X và Dạ Cổ Hoài Lang khiến khán giả không dám tin Nguyễn Quang Dũng sẽ tạo ra một phiên bản Việt trọn vẹn.
Phim Sunny
Rồi dự án vẫn cứ phải diễn ra, các diễn viên được cast và bắt đầu quay. Đầu tiên, phim có tên Ngựa Hoang, đúng như công thức đặt tên của bản gốc là dùng tên của nhóm nhân vật đặt cho tên phim, nhưng sau đó được đổi tên thành Tháng Năm Rực Rỡ. Có lẽ là để khẳng định phiên bản Việt sẽ không sao y bản gốc (như thất bại của Sắc Đẹp Ngàn Cân) mà sẽ tạo chất riêng cho mình. Thật vậy, Tháng Năm Rực Rỡ có những nét sáng tạo rất riêng của phiên bản Việt.
Những cái tên đồng loạt xuất hiện từ Thanh Hằng, Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên cho đến Hoàng Yến Chibi, Hoàng Oanh, Thanh Tú, Jun Vũ, Khổng Tú Quỳnh... nhưng vẫn chưa đủ sức khiến khán giả hy vọng. Rồi từng hình ảnh trên phim trường xuất hiện, các video hậu trường, teaser rồi trailer đã tạo nên một không khí chờ đợi rất rõ ràng. Và đến ngày công chiếu đầu tiên vào tối qua, gần như ai cũng vỡ òa vì chất lượng bộ phim vượt hẳn những gì trông đợi. Không cần tranh cãi hay nghi ngờ nữa, Tháng Năm Rực Rỡ chính là phim remake tốt nhất ở Việt Nam từ trước đến nay theo đánh giá của tác giả.
Kịch bản gốc từ Hàn Quốc nhưng đậm chất Việt Nam
Điều đầu tiên phải khen ngợi Tháng Năm Rực Rỡ và ekip chính là chúng ta có một kịch bản Việt hoá quá tốt. Nhớ hồi Em Là Bà Nội Của Anh gây bão, kịch bản được khen ngợi là bởi vì nó chứa khá nhiều những chất liệu và văn hoá Việt Nam như nhạc Trịnh, thời trang rồi lịch sử. Tháng Năm Rực Rỡ cũng tương tự, thậm chí là còn khéo hơn khi lần này bộ phim mang đến hơi thở và không khí rất gần gũi, cứ như đang xem một phim Việt nguyên bản.
Đáng kể nhất chính là quãng thời gian xa cách 25 năm của nhóm Ngựa Hoang trong bản gốc khi đặt vào bản Việt lại có được hai mốc thời gian rất chuẩn là năm 1975 và năm 2000. Tháng 4 năm 1975, tổng thống Thiệu bỏ trốn khi chiến dịch Hồ Chí Minh thành công chính là một sự kiện quan trọng vì cũng từ đó các thành viên Ngựa Hoang không thể gặp lại nhau.
25 năm sau, khi lần đầu tiên tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân sang thăm Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hoá quan hệ ngoại giao cũng là lúc nhóm Ngựa Hoang có cơ hội gặp lại nhau do căn bệnh hiểm nghèo của trưởng nhóm Mỹ Dung (Thanh Hằng/Hoàng Oanh).
Hai cột mốc lịch sử đó ở nước ta thực sự đã trở thành chất liệu rất đắt giá cho kịch bản Việt hóa. Khán giả có dịp nhìn thấy một Đà Lạt hào sảng với sự du nhập của văn hóa Tây Phương thời bấy giờ như tiếng Pháp, nhạc rock, những quyển tập Pilot hay các hãng phim tư nhân. Đồng thời chính là những âm ỉ của thời cuộc được truyền tải qua những ồn ào, to tiếng trong gia đình có người anh trai thân Cộng của Hiểu Phương (Hồng Ánh/Hoàng Yến Chibi) hay những tổ chức sinh viên yêu nước và những cuộc nổi loạn, biểu tình bất chợt.
Chính những điều đó đã mang đến một cái khung và cấu trúc rất gần gũi, thân thuộc với người Việt nhưng cũng rất chắc chắn, không sợ gãy đổ giữa chừng. Nói vui thì kịch bản của Tháng Năm Rực Rỡ là một thiết bị điện máy có vật liệu ngoại nhập nhưng được gia công ở Việt Nam. Việc biên kịch mạnh dạn bỏ đi thành viên thứ 7 của Ngựa Hoang so với bản gốc hay đã chứng tỏ sự am hiểu về văn hoá của biên kịch. Cụ thể, cô nàng thứ 7 này trong bản Hàn ước mơ làm nhà văn nhưng khi lớn lên phải trở thành nội trợ đề huề con cái. Ở xã hội Việt Nam những năm 2000, việc phụ nữ ở nhà làm bếp, chăm con, gác lại ước mơ riêng không quá xa lạ. Thế nên mơ mộng viết sách đã được chuyển qua cho nhân vật Hiểu Phương còn chuyện làm nội trợ, chăm con thì là của cô mập Lan Chi.
Một số chi tiết được Việt hoá khác cũng rất chuẩn và đáng khen. Nghề bán bảo hiểm của cô bạn mập trong bản gốc trở thành tiệm cầm đồ trong bản Việt chính là một ví dụ.
Dàn diễn viên hợp vai không chừa một ai!
Nếu xét về tương quan tuổi tác thì dàn diễn viên của Tháng Năm Rực Rỡ vẫn còn nhiều chỗ... sai. Ví dụ như Thanh Hằng sinh năm 1983, Hoàng Oanh sinh năm 1990, một người nhỏ nhất trong dàn lớn, người lại lớn nhất trong dàn nhỏ nhưng là một. Hay Minh Tuyền (vai Lan Chi lúc lớn) cũng là một diễn viên nhỏ tuổi so với các đàn chị Mỹ Uyên, Mỹ Duyên hay Hồng Ánh. Trong dàn nhỏ thì tương quan tuổi tác cũng khá xa như Khổng Tú Quỳnh, Hoàng Oanh là 9x đời đầu thì Jun Vũ, Hoàng Yến Chibi hay Trịnh Thảo lại là đời giữa.
Vào phim, đôi lúc cũng sẽ thấy các nhân vật không đúng với tuổi được nói ra cho lắm nhưng may mắn là người nào cũng hợp vai thế nên rất nhanh chóng, sự lợn cợn đó trôi qua. Thậm chí khán giả cũng sẽ chấp nhận lý do khá là... lý do được đưa ra để giải thích cho việc lúc nhỏ Hiểu Phương nói giọng Bắc nhưng lớn lên lại nói giọng Nam vì cả Hồng Ánh lẫn Hoàng Yến đều nhập vai quá tốt.
Khán giả sẽ lần đầu tiên được thấy một Hồng Ánh vốn dịu dàng, khắc khổ trở nên nổi loạn, mặc đồng phục học sinh của con đi đánh lộn, nhảy ngựa cùng các bạn trên màn ảnh. Cũng sẽ là lần đầu tiên bạn thấy cô Tấm hiền hậu Mỹ Duyên trở thành một bà cô thích "lái máy bay", "chăn chuối" và chửi thề như thở. Thế nhưng tất cả những lần đầu tiên đó đều rất nuột nà, khiến ta tin rằng họ đang sống cùng nhân vật chứ không gồng lên để diễn.
Vai đại ca Hoàng Mỹ Dung đích thị không thể là ai ngoài Thanh Hằng! Khí chất "đàn ông" trong chị luôn có sẵn rồi, chỉ cần nhìn thôi đã thấy muốn quy phục. Nhưng có lẽ vai này không quá khó cũng không đặc biệt lắm với Thanh Hằng, nhất là so với nhân vật Ba Trân quá thành công trong Mẹ Chồng năm ngoái. NSƯT Mỹ Uyên hay Minh Tuyền, Minh Thảo cũng tương tự, những vai diễn này không phải là thử thách với họ.
Hoàng Oanh thì khác. Cô Á hậu đoan thục trở thành một đại ca khá thuyết phục. Sự hào sảng, mạnh mẽ của Mỹ Dung toát ra từ Hoàng Oanh khá tự nhiên nhưng đôi chỗ vẫn còn hơi sượng. Dù sao thì vẫn cho Hoàng Oanh một điểm cộng bởi cô nàng đã lột tả được cái thần thái cần có ở một trưởng nhóm.
Hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất ở giai đoạn thiếu niên không ai khác chính là Tuyết Anh của Jun Vũ và Hiểu Phương của Hoàng Yến Chibi. Nét đẹp lạnh lùng nhưng thanh thoát của Jun Vũ khiến bất cứ khuôn hình nào có sự xuất hiện của cô nàng cũng trở nên sáng bừng. Cảnh Tuyết Anh bình tĩnh cầm cây củi đang cháy hăm dọa kẻ thù hay lúc cô nàng phì phèo thuốc lá giữa rừng sẽ là những khoảnh khắc in sâu vào tâm trí khán giả.
Còn Hiểu Phương chính là nhân vật khó và hay nhất của Hoàng Yến từ trước đến nay. Đây là một nhân vật rất khó vì cực kì nhiều biểu cảm và sắc thái. Thế nhưng Hoàng Yến vẫn có thể khiến khán giả thấy cưng với cái điệu bộ rụt rè khi mới bước vào lớp, sự "xổ lồng" khi được điên cùng các bạn, hai mắt trợn ngược lên đồng chửi rủa khi đấu với bọn con gái lớp khác hay những lúc mắc cỡ rồi tan vỡ trước mối tình đầu. Nhiều ý kiến cho rằng nhân vật này khá giống Yến ngoài đời nhưng nếu không có tố chất của một diễn viên thực thụ thì không thể diễn ngọt như vậy. Thời đại minh tinh của Yến mở ra rồi đó, cố mà nắm bắt thôi!
Nhạc phim đa sắc màu nhưng cực kì thấm
Sunny là một thế giới của âm nhạc khi mà một loạt các ca khúc kinh điển được sử dụng khiến nó trở thành một yếu tố thành công của tác phẩm. Đây cũng là thách thức của phiên bản Việt. Nhưng nhạc sĩ Đức Trí đã giải bài toán này cực kì xuất sắc với một loạt các ca khúc từ cũ đến mới nhưng hầu hết là nhạc Việt. Anh đã làm sống dậy thứ âm nhạc sôi động, đa sắc màu của thập niên 70 mang âm hưởng rock hoang dại với các ca khúc như Kim, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang qua cách phối khí mới nhưng vẫn giữ được năng lượng. Ngày Xưa Hoàng Thị, Tôi Muốn, Niệm Khúc Cuối hay Yêu lại là những mảnh ghép rất khác của bức tranh âm nhạc choáng ngợp và rực rỡ.
Đặc biệt, hai ca khúc mới do anh sáng tác là Nụ Hôn Đánh Rơi (Hoàng Yến Chibi hát) và Tháng Năm Rực Rỡ (Mỹ Tâm hát) sẽ lụi tim khán giả ngay lập tức. Được biết ca khúc Nụ Hôn Đánh Rơi được Đức Trí viết ngay trong đêm sau khi xem bản nháp của phim. Chính vì thế mà giai điệu và ca từ của bài hát như là của chính nhân vật Hiểu Phương hát lên trong cái ngày cô rơi từ đỉnh núi xuống vực sâu của tình yêu, gợi lại trong khán giả biết bao cảm giác hoài niệm của mối tình đầu ít khi nào viên mãn.
"Em đánh rơi nụ hôn đầu sau lưng anh" - câu hát vang lên như dao cứa vào tim
Câu chuyện và thông điệp không của riêng ai
Dù 12 nhân vật trung tâm trong phim đều là nữ, những vấn đề hay khó khăn mà họ vượt qua cũng rất phụ nữ nhưng lại rất dễ để đồng cảm. Những trò ranh ma trong lớp, một nhóm bạn thân, những rung động đầu đời, ngày chia tay là những điều mà ai cũng trải qua ngày còn cắp sách. Nhưng nhiêu đó thì chưa đủ. Kịch bản của Tháng Năm Rực Rỡ khiến khán giả phải liên tục khóc, rồi cười, rồi nhớ lại biết bao thứ trong đời chính là vì nó có một đường dây quá thực tế.
Ngày còn nhỏ, ai mà chẳng mong mình của tương lai phải thật oách. Ngựa Hoang cũng vậy. Mỹ Dung muốn mình phải bảo bọc nhóm mãi mãi, Lan Chi lại ước mơ mở một ngân hàng, Thùy Linh muốn đi khắp thế giới và ghi chép một bí kíp chửi thề toàn thư, Bảo Châu mong trở thành đại minh tinh, Hiểu Phương thì muốn viết một quyển sách về tuổi trẻ của cả nhóm... Chẳng ai có quyền cấm chúng ta mơ, bởi không biết mơ thì làm sao biết cố gắng.
Nhưng tương lai đợi chúng ta ở phía trước như thế nào thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Phân đoạn nhóm Ngựa Hoang lúc trưởng thành xem lại cuộn phim lưu bút ngày còn bé là một trong những cảnh đắt giá nhất phim vì nó quá cảm xúc, như một tấm gương nói thật bắt chúng ta phải nhớ đến những ước mơ có thể đã không thành của mình và bất giác rơi nước mắt.
Tin rằng những người mẹ, những phụ huynh xem Tháng Năm Rực Rỡ sẽ có những cảm xúc rất mạnh. Tuổi trẻ của mẹ như thế nào, mẹ có từng trải qua những chuyện như con không, mẹ có vì con mà mặc lại bộ đồng phục rồi đi đánh nhau? Những câu hỏi đó được Tháng Năm Rực Rỡ trả lời một cách thuyết phục.
Cả những người bạn nữa. Bộ phim này sẽ khiến bất kì ai trong chúng ta nhớ về một lớp học, một nhóm bạn hoặc một người bạn nào đó trong quá khứ mà đã lâu rồi ta không được gặp. Nó thôi thúc chúng ta tìm ra họ, thôi thúc ta đến những buổi họp lớp mà bấy lâu nay ta hay vì cuộc sống mà thoái thác, nó thôi thúc ta nhớ ra đã từng có một thời ta từng vì một đứa nào đấy bên cạnh mà làm những điều điên rồ. "Tao xin lỗi, tao sẽ không xinh đẹp nữa. Giờ mày có thể xinh đẹp rồi!", đáng yêu không cơ chứ? Chỉ có tình bạn thuở hàn vi mới như vậy mà thôi, quý giá lắm.
Phim đã hay như vậy rồi, có sạn hay không... không quan trọng!
Muốn bắt lỗi về raccord hay các chi tiết bối cảnh, trang phục, tóc tai thì Tháng Năm Rực Rỡ không ít. Thế nhưng vì chuyện phim diễn ra song song giữa hai thời kì, quá nhiều cảm xúc liên tục tuôn ra nên chẳng ai bận tâm mãi về những lỗi đó nữa. Ví dụ như lúc Hiểu Phương ôm bà trên giường, máy lia qua bàn thấy có quyển sách giáo khoa môn Vật Lý. Ai khó tính sẽ không chấp nhận quyển sách khổ to đó vì nó là sách của chương trình cải cách xuất hiện từ năm 2001 trở đi chứ không phải ở năm 1975. Lỗi này khá lặt vặt, tương tự như trong Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, trên giường của Thư xuất hiện cả 2 quyển truyện tranh Bảy Viên Ngọc Rồng ở hai lần xuất bản khác nhau vậy.
Nói chung nếu có bất cứ lợn cợn hay lo lắng nào về chất lượng của Tháng Năm Rực Rỡ, bạn có thể buông ra được rồi. Nó không chỉ là một bộ phim được thực hiện kĩ lưỡng, có tâm từ kịch bản đến những thứ nhỏ nhất như tờ tiền các nhân vật cầm mà chắc chắn bạn sẽ cảm thấy cả một trời cảm xúc qua câu chuyện tìm lại bản thân và quá khứ của nhóm Ngựa Hoang. Để rồi thấy luôn cả những tháng năm rực rỡ của chính mình ở đâu đó trong tâm trí, khi mà bạn tưởng nó có thể đã bạc màu nhưng không, nó vẫn nằm nguyên trong hồi ức và cuộc đời bạn, toả ra thứ năng lượng đẹp đẽ nhất.
Trailer chính thức của phim
Phim khởi chiếu từ ngày 09/3/2018, các suất chiếu sớm đặc biệt trong ba ngày 02 đến 04/3/2018.
Theo Trí Thức Trẻ
Hậu duệ Mặt trời phiên bản Việt: Khả Ngân khiến khán giả phì cười chỉ với một câu thoại tiếng Anh! Giữa lúc mạch phim đang căng thẳng, Khả Ngân vô tình đã làm khán giả bật cười cách đọc thoại bằng tiếng Anh như tập đọc của mình. Bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt đã lên sóng được 10/48 tập và vẫn đang giữ được nhiệt đối với khán giả tò mò về cách Việt Nam remake lại bộ phim đình...