Những bộ phim về thế giới trẻ thơ khiến bạn ước mình không bao giờ lớn
Những bộ phim này khiến bạn ước ao được quay về thời thơ ấu của mình, hoặc khao khát rằng giá như mình giống chú bé Peter Pan, mãi mãi không bao giờ lớn!
Moonrise Kingdom là tác phẩm được ngợi ca của vị đạo diễn nổi tiếng Wes Anderson – một bộ phim xây dựng thế giới với rất nhiều trẻ thơ và rất ít người lớn.
Lấy bối cảnh năm 1965 trên hòn đảo thuộc New England, Moonrise Kingdom kể về Sam, một cậu bé hướng đạo sinh mồ côi quyết định bỏ trốn khỏi trại hè để cùng Suzy, một cô bé “rắc rối” đi… xây dựng cuộc sống mới của cả hai.
Và cuộc “bỏ trốn” của chúng cũng hấp dẫn như mọi cuộc bỏ trốn của những đôi tình nhân khác, cũng đầy rẫy những mối nguy hiểm từ cả thiên nhiên và con người, cũng kịch tính, hấp dẫn và đầy “nghiêm trọng” theo cách nói của bọn trẻ. Tuy nhiên, những người lớn nhanh chóng tìm ra 2 đứa trẻ và chia rẽ chúng. Suzy bị ép trở về nhà và không được gặp Sam nữa. Trong khi Sam có nguy cơ bị gửi tới trại tế bần vì không còn ai nhận nuôi. Giữa tình thế ngặt nghèo này, những người bạn ở trại hướng đạo sinh của Sam quyết định giúp đỡ “đôi trẻ” bằng cách lập kế hoạch để chúng chạy trốn lần hai. Đó tiếp tục là một cuộc hành trình hấp dẫn, hồi hộp, tràn ngập tiếng cười và cả những tình tiết xúc động…
Moonrise Kingdom xây dựng một thế giới trẻ con, và rất ít người lớn ở trong đó. Những người lớn chỉ làm nhiệm vụ đuổi bắt, và giống như một thế giới khác soi chiếu thế giới của những đứa trẻ. Cả hai thế giới đều có những rắc rối của riêng mình. Thế nhưng trong khi trẻ con tìm cách giải quyết rắc rối thì người lớn lại mắc kẹt trong đó. Trẻ con đắm mình trong những cuộc phiêu lưu mạo hiểm và mới mẻ còn người lớn lại dừng chân ngay khi cuộc phiêu lưu còn chưa cả bắt đầu. Trong khi thế giới của bọn trẻ rực rỡ, sống động, tươi vui bao nhiêu thì thế giới của người lớn lại buồn tẻ, nhàm chán và nhạt nhẽo bấy nhiêu…
Nếu bạn muốn tìm kiếm một bộ phim “độc lạ”, “không đụng hàng”, tràn ngập tiếng cười từ đầu tới cuối, rực rỡ và tươi sáng, nhưng cũng tràn đầy những thông điệp để suy ngẫm, thì Moonrise Kingdom sẽ là bộ phim dành cho bạn. Xem phim, bạn sẽ ước rằng cặp đôi Sam – Suzy đừng bao giờ lớn, hãy luôn ngây thơ và “yêu nhau” như thế. Và có thể, bạn cũng sẽ nghĩ về tuổi thơ của riêng mình, những ngày tết tóc đội vòng hoa cùng cậu bạn hàng xóm tập làm “cô dâu chú rể”, và cũng lại ước rằng giá như mình chưa lớn…
Stand By Me
Stand By Me có thể xếp vào hàng những bộ phim kinh điển của Hollywood, một tác phẩm gợi nhắc ta về thời thơ ấu, về tình bạn và những điều một đi không trở lại. Bộ phim này nói về những cậu trai 12 tuổi nhưng là để dành cho những người trưởng thành xem và suy ngẫm.
Video đang HOT
Stand By Me mở đầu bằng bối cảnh những năm giữa thập niên 80, nhà văn Gordie Lachance tình cờ đọc một bài báo khiến anh nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình. Đó là mùa hè năm 1959, ở thị trấn Castle Rock, Oregon, nước Mỹ, Gordie, khi đó vẫn còn là cậu bé 12 tuổi thường xuyên tụ tập với 3 cậu bạn thân là Chris, Teddy và Vern. Một ngày, 4 cậu nhóc quyết định thực hiện cuộc phiêu lưu đi tìm xác của một cậu bé đã chết vì bị tàu đâm nằm đâu đó trong khu rừng. Các cậu bé tưởng tượng ra cảnh chúng sẽ trở thành người hùng trong mắt mọi người khi tìm ra xác chết mà các nhà chức trách cũng chưa thể xác định được.
Khởi nguồn là một trò vui bồng bột của con trẻ, nhưng hành trình của các cậu bé 12 tuổi lại có ý nghĩa nhiều hơn thế. Cuộc phiêu lưu nho nhỏ ấy đã phơi bày con người, tính cách thật của 4 đứa trẻ, phơi bày tình bạn mà chúng dành cho nhau, và cũng là cuộc hành trình mà ở đoạn kết, là nơi chúng giã từ tuổi thơ ngây để thật sự đến với CUỘC ĐỜI.
Cuộc hành trình trong phim chân thực và giản dị, nhưng chắc chắn, ai đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu này, sẽ không bao giờ muốn quay trở lại nữa.
“Sau này, tôi không có bất kỳ người bàn nào giống như những người bạn mà tôi từng có vào năm 12 tuổi ấy nữa. Chúa ơi, thật vậy sao?” – câu nói tự sự của nhân vật nhà văn Gordie Lachance khi kết thúc cuốn hồi ký về thời thơ ấu của chính mình cũng soi chiếu suy nghĩ của rất nhiều người trong chúng ta. Tuổi thơ chỉ đến một lần, giá mình chẳng bao giờ lớn để có thể đắm chìm mãi trong thế giới thơ trẻ hồn nhiên, không bao giờ có dối trá lọc lừa hay những toan tính thiệt hơn trong đời như vậy…
The Way Home là một bộ phim thấm đẫm giá trị nhân văn và tình yêu đến từ Hàn Quốc. Bộ phim là một câu chuyện giản dị mà ấm áp về 2 bà cháu. Và câu chuyện trong The Way Home khiến bạn muốn quay lại những năm tháng tuổi thơ của mình, lấy lại quãng thời gian đã mất bên ông bà, những người mà thời gian và những bận rộn cuộc sống khiến bạn ngày càng bị tách ra khỏi họ. Và đến một ngày nhìn lại, ông bà đã không còn nữa…
The Way Home kể về cậu bé thành thị Sang Woo bị mẹ mình “bỏ lại” với bà ngoại 77 tuổi sống một mình nơi vùng quê nghèo xa xôi hẻo lánh. Đang quen với cuộc sống hiện đại, tiện nghi đủ đầy, cậu bé Sang Woo gần như “sốc nặng” khi phải làm quen với cuộc sống ở vùng quê nghèo lạc hậu. Thói chảnh chọe của trẻ em thành thị khiến Sang Woo vô cùng hỗn láo và coi thường bà ngoại. Cậu bé không cho bà đụng vào người vì sợ… bẩn. Khi ăn cơm, Sang Woo cũng ăn đồ mang từ thành thị về chứ không ăn thức ăn bà nấu. Sang Woo cũng hỗn xược gọi bà bằng những biệt danh như bà già ngốc nghếch, đần độn. Chẳng những vậy, cậu cháu hư còn liên tục bày ra những trò nghịch ngợm tai quái để “phá” bà.
Bà ngoại Sang Woo bị câm nên chỉ có thể ra hiệu bằng cử chỉ. Trước những hành động nghịch ngợm vô lễ của cậu cháu, bà vẫn âm thầm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hàng ngày bà đi gánh nước, nấu cơm, giặt đồ, may vá… bằng đôi lưng còng hằn in những dấu vết tảo tần.
Cứ như vậy, bộ phim tái hiện lại cuộc sống của hai bà cháu giữa miền quê hẻo lánh và buồn tẻ, ngày này qua ngày khác trong sự im lặng có phần đáng thương của người bà và thói “ác độc” trẻ thơ của người cháu.
Xem The Way Home, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nhận ra mình cũng từng như Sang Woo. Và nếu Sang Woo trong phim đã có cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm của mình thì rất nhiều Sang Woo trong đời thực đã không bao giờ có cơ hội đó nữa. Thời gian không chờ đợi ai, không có gì là mãi mãi, nên hãy yêu thương khi còn có thể, đó là những gì The Way Homemuốn gửi tới người xem.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Với khán giả Việt Nam, còn gì soi chiếu tuổi thơ chân thật và cảm động hơn tác phẩm gây tiếng vang gần đây của đạo diễn Victor Vũ – Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Lấy bối cảnh làng quê nghèo miền Nam Trung Bộ thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước, phim là câu chuyện ấu thơ của 2 anh em Thiều – Tường, cùng một bé gái tên Mận.
Thiều – Tường lớn lên với những cá tính trái ngược nhau. Cậu anh nhút nhát, cậu em dạn dĩ; cậu em hiền hòa, cậu anh hay ganh đua… Bước vào tuổi dậy thì, một ngày cậu anh bỗng phát hiện ra mình thích chơi với cô bạn xinh xắn cùng lớp. Thế nhưng khi cô bạn ấy đến nhà của 2 anh em ở nhờ, Thiều lại ganh tỵ vì cô bạn hay chơi với cậu em Tường. Sự ganh tức của trẻ nhỏ gây ra những lỗi lầm, những lỗi lầm hóa thành nỗi đau trong veo của tuổi ấu thơ, như một bài học để đứa trẻ mang theo trong hành trang bước vào đời…
Bạn là người đã từng lớn lên với câu chuyện cổ tích về cóc tía và công chúa? Bạn đã từng sợ run trước những câu chuyện ma và đến mức không dám đi ngủ một mình? Bạn đã từng lớn lên với những trò chơi quen thuộc như bắn bi, nhảy dây, cút bắt, đã từng trải nghiệm cảm giác thả diều trên triền đê lộng gió, hay niềm hạnh phúc vì mót được những củ khoai cuối cùng trên cánh đồng trơ trọi sau mùa thu hoạch?… Tất cả những câu chuyện nhỏ bé xinh xắn ấy được gói gọn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – một bộ phim dành cho những câu chuyện trẻ thơ, những tình cảm trong trẻo của trẻ thơ, những nỗi buồn trẻ thơ, đố kỵ trẻ thơ, và thậm chí cả sự độc ác cũng rất trẻ thơ.
Trải qua cuộc du hành về miền nhớ với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta chỉ ước ao rằng được mãi đắm mình trong những ký ức trong trẻo nên thơ ấy.
Theo La La / Trí Thức Trẻ
Điện ảnh Việt và xu hướng 'đưa rạp phim về nhà'
Khoảng cách giữa màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ ngày càng thu hẹp khi các bộ phim điện ảnh Việt Nam đẩy mạnh thêm kênh phát hành để phủ sóng nhiều đối tượng khán giả.
Thời gian gần đây, đa số những tác phẩm sau khi chiếu rạp đều nhanh chóng lên sóng truyền hình, đáp ứng tốt hợn nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người xem.
Nở rộ rạp tại gia
Trên thế giới, xu thế thưởng thức phim ảnh tại gia là một nét văn hóa làm thay đổi ngành công nghiệp nghe nhìn. Người mê điện ảnh đua nhau làm rạp phim tại gia (home cinema) bằng màn hình tivi kích thước lớn và dàn loa chất lượng. Trong khi đó, nhiều bộ phim điện ảnh đình đám sau khi càn quét phòng vé cũng nhanh chóng lên truyền hình để tiếp tục lôi kéo khán giả. Xem HBO hay StarMovies, dễ dàng nhận ra giới hạn giữa màn ảnh nhỏ, màn ảnh rộng đã dần xóa nhòa, HBO thậm chí tự tin khẳng định tên tuổi bằng lời tuyên bố "It's not TV. It's HBO" (Đó không phải là truyền hình, đó là HBO).
Tại Việt Nam, xu hướng "đưa rạp phim về nhà" cũng được khởi xướng vài năm gần đây. Bên cạnh sự đầu tư của khán giả cho thiết bị nghe nhìn, phía nhà cung cấp cũng bắt kịp thị hiếu bằng cách đa dạng nội dung phát sóng. Đơn cử như K , đơn vị mang hàng loạt tác phẩm điện ảnh trong nước từ rạp lên truyền hình.
Trước đây, một bộ phim sau khi ra rạp vài năm mới phát sóng trên màn ảnh nhỏ. Nhưng trong vòng hơn một năm trở lại đây, những tác phẩm đình đám như Scandal: Bí mật thảm đỏ, Cô dâu đại chiến 2, Quyên, Chàng trai năm ấy, Để mai tính 2, Yêu... đều đổ bộ K sau thời gian ngắn ra mắt. Thậm chí Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Em là bà nội của anh đã phát sóng trên truyền hình K khi bộ phim vẫn còn đang gây thổn thức cho các khán giả vừa xem ngoài rạp chiếu và kịp thời đáp ứng mong muốn thưởng thức của nhiều khán giả chưa kịp tới rạp.
Yêu của Chi Pu và Gil Lê đã nhanh chóng ra mắt khán giả truyền hình sau thời gian ra rạp.
Hợp tác kéo dài tuổi thọ các bộ phim
Khán giả tự xây rạp phim tại gia, kênh truyền hình cung cấp nội dung phong phú hơn, hai yếu tố này lý giải tại sao việc "đưa rạp phim về nhà" trở thành xu hướng trong làng nghệ thuật thứ bảy Việt Nam. Có thể thấy, đây là xu hướng có lợi cho nhiều bên: khán giả, nhà cung cấp nội dung truyền hình và đơn vị sản xuất phim.
Khán giả trải nghiệm điện ảnh theo cách của riêng mình, mọi lúc mọi nơi. Nhà cung cấp tiếp cận được nhiều người xem, bằng chứng là sự thành công của K trên thị trường khi có định hướng phát triển rõ rệt: chọn lọc phim chất lượng, đạt giải quốc tế hoặc phải là bom tấn phim Việt, mạnh dạn bỏ qua tác phẩm kém so với tiêu chí.
Trong khi đó, việc hợp tác với K cũng giúp các bộ phim kéo dài tuổi thọ, mang lại lợi nhuận cho hãng phim, nhà sản xuất. Không thể phủ nhận bây giờ là thời kỳ rạp phim bùng nổ, nhưng thực tế như vậy vẫn chưa đủ để duy trì tuổi thọ cho một tác phẩm điện ảnh. Trung bình phim lên màn ảnh rộng 2-4 tuần, sau đó bị thay thế bởi những cái tên mới. Nếu lên truyền hình, phim có thể được chiều lại nhiều lần, khán giả dễ dàng xem bất cứ lúc nào, không phải đi xa.
Phát hành rộng rãi trên sóng truyền hình, phim điện ảnh Việt đã đến với nhiều khán giả hơn so với việc chỉ chiếu rạp.
Đại diện Galaxy M&E, đơn vị sản xuất và phát hành phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhận định: "Nhà làm phim ai cũng mong tác phẩm của có nhiều người xem. Thế nhưng thời gian một bộ phim được chiếu rạp lại có hạn. Do vậy Galaxy M&E hợp tác với K để phim tăng sức lan tỏa, &'sống' lâu hơn". Thêm nữa, khi danh tiếng bộ phim lan xa sẽ khích lệ nhà làm phim sản xuất những tác phẩm mới hay hơn. Càng đông khán giả, nhu cầu tái đầu tư vào phim càng lớn, chất lượng điện ảnh càng được nâng cao.
Theo Zing
'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' giành giải tại LHP Toronto Theo tin từ nhà sản xuất, phim của đạo diễn Victor Vũ giành giải phim điện ảnh hay nhất tại LHP Quốc tế Thiếu nhi, thuộc khuôn khổ LHP Quốc tế Toronto. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh giành giải phim điện ảnh hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Thiếu nhi, thuộc Liên hoan phim Quốc tế Toronto (TIFF). TIFF...