Những bộ phim phá cách cho mùa Valentine
“Love Actually”, “50 First Dates” hay “Pretty Woman” có lẽ đã quá quen thuộc với công chúng. Có những bộ phim khai thác tình yêu theo khía cạnh độc đáo, thực tế hoặc góc cạnh hơn.
Before Sunrise (1995), Before Sunset (2004) & Before Midnight (2013): Bộ ba Beforecủa đạo diễn Richard Linklater là mối quan hệ kéo dài hơn hai thập kỷ giữa Jesse (Ethan Hawke) và Celine (Julie Delpy). Ba tập phim chủ yếu là những cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật, xoay quanh nỗi sợ của họ về cuộc sống, tình yêu, quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai. Có lẽ điều đó giúp cho ba phim Before trở nên chân thực và ghi điểm với nhiều thế hệ khán giả. Ảnh: Columbia Pictures
Amélie (2001): Bộ phim đầy sáng tạo của điện ảnh Pháp từng đưa tên tuổi minh tinh Audrey Tatou lên hàng ngôi sao. Xuyên suốt Amélie là chuyến hành trình thực hiện những điều tốt đẹp tại thành phố Paris hoa lệ của cô gái Amélie Poulain dễ thương. Cũng nhờ đó, cô khám phá ra tình yêu tuyệt vời mà mình xứng đáng nhận được. Amélie từng nhận tổng cộng năm đề cử Oscar 2002. Ảnh: Canal
Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004): Chia tay do có quá nhiều khác biệt, Joel Barish (Jim Carrey) và Clementine Kruczynski (Kate Winslet) đều tham gia quá trình “tẩy não”, nhằm xóa sạch những ký ức về đối phương. Nhưng trong lúc những kỷ niệm cứ dần trôi đi trong tâm trí, Joel mới nhận ra rằng mình vẫn còn rất yêu Clementine. Ra đời cách đây hơn một thập kỷ, Eternal Sunshine of the Spotless Mind luôn nằm trong danh sách những bộ phim lãng mạn nhất, dù nó mang dư vị cay đắng nhiều hơn là ngọt ngào. Phim từng được trao giải Oscar Kịch bản gốc xuất sắc hồi đầu 2005. Ảnh: Focus Features
Once (2007): Đạo diễn John Carney kể lại câu chuyện diễn ra trong một tuần giữa hai nhân vật nam nữ không tên (Glen Hansard & Markéta Irglová) tại Dublin, Ireland. Họ tình cờ gặp nhau và phát hiện ra mình cùng sở hữu đam mê âm nhạc. Thông qua hàng loạt giai điệu du dương tự sáng tác, mỗi người giãi bày tâm sự về cuộc sống và tình yêu, cũng như phải lòng người kia lúc nào không hay. Bộ phim độc lập nhỏ từng thắng giải Ca khúc trong phim xuất sắc tại Oscar 2008 với Falling Slowly. Ngoài ra, bản thân hai ngôi sao của Once cũng yêu nhau ở ngoài đời thực trong một thời gian dài, lập nên ban nhạc chung trước khi chia tay trong sự nuối tiếc của người hâm mộ. Ảnh: Samson Films
Lars and the Real Girl (2007): Lars Lindstrom (Ryan Gosling) là chàng trai rụt rè, nhút nhát sống tại vùng thị trấn nhỏ. Một ngày nọ, anh bất ngờ đem bạn gái về giới thiệu cho anh trai và chị dâu. Chỉ có điều, đó là một cô búp bê tình dục mà Lars mua trên mạng Internet. Dĩ nhiên tất cả đều cho rằng anh bị điên, nhưng những sự kiện bất ngờ diễn ra sau đó khiến tất cả trở nên cảm thông và ủng hộ Lars. Tới nay, đây vẫn được đánh giá là một trong những vai diễn thành công nhất của tài tử Ryan Gosling. Bản thân phim cũng nhận được đề cử Oscar Kịch bản gốc xuất sắc hồi đầu 2008. Ảnh: MGM
Video đang HOT
(500) Days of Summer (2009): Toàn bộ tác phẩm là những hoài niệm của nhân vật nam Tom Hansen (Joseph Gordon-Levitt) về mối tình kéo dài 500 ngày với Summer Finn (Zooey Deschanel), từ lúc anh mới yêu cô cho tới khi trở nên tan nát vì người đẹp thực sự ra đi. Toàn bộ (500) Days of Summer là những chiêm nghiệm thực tế về tình yêu: có thể đầy nhiệt huyết khi mới ở trong một mối quan hệ, nhưng cũng dễ dàng sụp đổ khi tất cả tan biến. Chính điều đó giúp phim nhận được tình cảm nồng nhiệt từ phía khán giả kể từ ngày ra mắt. Ảnh: Fox Searchlight
Scott Pilgrim vs. the World (2010): Dựa trên loạt truyện tranh cùng tên, nếu nhìn thoáng qua, Scott Pilgrim vs. the World giống như một phim hành động giả tưởng dành cho tuổi teen. Song, cốt lõi của tác phẩm là chuyến hành trình trưởng thành của nhân vật chính Scott Pilgrim (Michael Cera), cũng như nỗ lực chinh phục trái tim Ramona (Mary Elizabeth Winstead bằng cách “đánh bại” nhóm người yêu cũ của cô gái. Hài hước, sáng tạo và mang đậm tính cách mạng, Scott Pilgrim vs. the World là một tác phẩm gần như hoàn hảo đến từ đạo diễn Edgar Wright. Ảnh: Universal
Moonrise Kingdom (2012): Nổi tiếng với phong cách làm phim tưng tửng, Wes Anderson đem đến cho người hâm mộ tác phẩm lãng mạn nhưng đầy trong sáng hồi mùa hè 2012.Moonrise Kingdom là chuyện tình lấy bối cảnh thập niên 1960 giữa hai cô cậu thiếu niên Sam (Jared Gilman) – Suzy (Kara Hayward). Quyết định bỏ trốn khỏi nhà để vào rừng sinh sống, chúng khiến cả thị trấn trở nên náo loạn và mọi chuyện cứ thế vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Sự phá cách trong nội dung và cách kể chuyện giúp Moonrise Kingdom cũng từng có đề cử Oscar Kịch bản gốc xuất sắc. Ảnh: Fox Searchlight
Silver Linings Playbook (2012): Xét tổng thể, Silver Linings Playbook có cấu trúc và nội dung rất giống với các tác phẩm tình cảm lãng mạn thông thường. Tuy nhiên, điều khiến phim trở nên khác biệt là bộ đôi nhân vật chính: Pat Solatano Jr. (Bradley Cooper) – người đàn ông bị rối loạn lưỡng cực, từng hành hung tình nhân của vợ nhưng luôn mong được tái ngộ với cô; kẻ còn lại là Tiffany Maxwell (Jennifer Lawrence), nàng góa phụ luôn cho rằng cái chết của chồng là do bản thân và mắc chứng nghiện tình dục. Mỗi người có những uẩn khúc riêng, nhưng họ cùng giúp nhau vượt qua từng chướng ngại, để rồi nhận ra tình cảm mà mình dành cho nhau. Tiffany cũng chính là vai diễn đem về cho JLaw tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Ảnh: The Weinstein Company
The One I Love (2014): Càng biết ít về The One I Love trước khi theo dõi tác phẩm càng tốt. Bộ phim khởi điểm khi cặp vợ chồng Ethan (Mark Duplass) và Sophie (Elisabeth Moss) gặp trục trặc trong hôn nhân và quyết định đi nghỉ dưỡng để hâm nóng lại mối quan hệ. Song, đó là khởi điểm cho những sự kiện mà họ không bao giờ có thể ngờ tới. The One I Love là bộ phim tình cảm pha trộn yếu tố giật gân, có thể gây ám ảnh cho người xem trong suốt một thời gian dài. Ảnh: RADiUS-TWC
Theo Zing
10 bộ phim hay để thưởng thức trong dịp Tết nguyên đán
Có lẽ không nhiều người muốn chọn một bộ phim quá nặng nề để tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới. Zing.vn chọn ra mười bộ phim để thưởng thức trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay.
Raiders of the Lost Ark (1981): Trong thập niên 1980, Steven Spielberg cùng George Lucas cùng nhau sáng tạo ra một trong những nhân vật hành động nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh: nhà khảo cổ học Indiana Jones. Theo chân tài tử Harrison Ford, người xem được dấn thân vào những chuyến phiêu lưu đầy lý thú và hài hước, đến với những cổ vật hay kho báu chứa đựng quyền năng bí ẩn. Sau Raiders of the Lost Ark, Indiana Jones của Ford còn xuất hiện trong ba tập phim nữa là Temple of Doom, The Last Crusade và Kingdom of the Crystal Skull.
My Neighbor Totoro (1988): Ra đời cách đây gần ba thập kỷ, My Neighbor Totoro là bộ phim hoạt hình biểu tượng của Studio Ghibli. Chuyện phim bắt đầu khi Satsuki và Mei chuyển tới một căn nhà cũ để có thể được ở gần hơn chỗ bệnh viện nơi mẹ hai cô bé đang điều trị. Tại đây, hai chị em gặp gỡ và làm quen nhiều sinh vật kỳ lạ nhưng hết sức dễ thương, trong đó có "hàng xóm Totoro". Mang nội dung trong sáng và ý nghĩa, My Neighbor Totoro là tác phẩm mà cả nhà có thể cùng nhau thưởng thức trong ngày đầu năm mới.
Terminator 2: Judgment Day (1991): Ra đời trong đầu thập niên 1990, Judgment Day luônđược coi là đỉnh cao của loạt phim hành động Kẻ hủy diệt. Bộ phim của đạo diễn James Cameron đem đến nhiều pha hành động hoành tráng với tài tử Arnold Schwarzenegger, nhân vật "người máy chất lỏng" T-1000 đáng sợ với những kỹ xảo điện ảnh tới nay vẫn chưa lỗi thời, và câu thoại nổi tiếng "I'll be back" (Tôi sẽ trở lại). Mùa hè năm nay, khán giả sẽ được thưởng thức phần năm của Teminator mang tên Genisys.
The Truman Show (1998): 1,7 tỷ người đã chứng kiến khoảnh khắc Truman Burbank chào đời và 220 quốc gia dõi theo bước đi đầu tiên trong đời của anh. Chàng trai Truman là một ngôi sao thực sự, chỉ có điều anh hoàn toàn không hề biết điều này! Cả cuộc đời của nhân vật chính vốn là một chương trình truyền hình thực tế được xây dựng công phu bên trong phim trường trong suốt gần ba thập kỷ. Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra khi Truman khám phá ra sự thật đó? Bên cạnh chuyện châm biếm sâu cay các chương trình truyền hình thực tế, The Truman Show còn như một lời nhắc nhở người xem đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ bên trong mình.
Amélie (2001): Bộ phim hài hước của điện ảnh Pháp là một tác phẩm "gối đầu giường" đối với nhiều thế hệ khán giả nữ. Amélie xoay quanh nhân vật chính cùng tên do Audrey Tautou thủ vai, một cô bồi bàn nhút nhát, ngây thơ. Cô gái muốn thay đổi cuộc sống của những người xung quanh mình sao cho tốt đẹp hơn, và cũng nhờ đó mà khám phá ra tình yêu đích thực của đời mình. Xem Amélie, khán giả được thưởng thức lối diễn xuất quyến rũ của Audrey Tautou, cách kể chuyện độc đáo của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet, cũng như được du ngoạn tới Paris qua màn ảnh nhỏ.
The Prestige (2006): Đến từ đạo diễn Christopher Nolan là câu chuyện bí ẩn và kịch tính về hai ảo thuật gia thù địch. Lấy bối cảnh London thế kỷ XIX, Robert Angier và Alfred Borden vốn là những cộng sự ăn ý, cho tới khi vợ của Angier là McCullough gặp phải tai nạn trên sân khấu và bỏ mạng. Angier cho rằng chuyện này đến từ lỗi của Borden và hai người trở nên thù địch kể từ đó, liên tục phá hoại những buổi diễn của nhau. Mang đúng phong cách Nolan nên The Prestige gây ra rất nhiều tranh luận suốt gần một thập kỷ qua về những gì thực sự đã diễn ra cũng như cái kết của toàn bộ câu chuyện.
Little Miss Sunshine (2006): Nhà Hoover là một gia đình kỳ lạ. Họ bao gồm hai vợ chồng Sheryl và Richard thất bại trong công việc; người em vợ tên Frank vừa có ý định tự sát do bị bạn trai đồng tính khước từ; cậu con trai Dwayne thề im lặng sau khi "giác ngộ" tư tưởng của Nietzsche; người ông Edwin luôn có phần bỗ bã. Nhưng quan trọng nhất là bé Olive với ước mơ trở thành Hoa hậu nhí ánh dương. Chuyến hành trình đưa Olive đến với cuộc thi sắc đẹp cũng là lúc từng thành viên của gia đình gạt đi những bất đồng, chấp nhận khiếm khuyết của nhau để cùng nhau giúp Olive đăng quang.
Toy Story 3 (2010): Câu chuyện đồ chơi là một trong những loạt phim hiếm hoi phá vỡ định kiến "phần sau dở hơn phần trước". Trong đó, phần ba thường được đánh giá cao nhất, bắt đầu từ chuyện nhóm nhân vật đồ chơi bị chuyển nhầm tới một nhà trẻ ngay trước khi cậu chủ Andy chuẩn bị gia nhập trường đại học. Song, chàng cao bồi Woody và những người bạn cho rằng họ chưa hề bị bỏ rơi và quyết định tìm đường trở về nhà. Toy Story 3 là một tác phẩm gây cảm xúc cho cả trẻ em lẫn người lớn, bởi ai cũng có lúc phải trưởng thành và phải quyết định xem mình sẽ làm gì với đống đồ chơi gắn liền với tuổi thơ.
Begin Again (2014): Đến từ tác giả của Once, đạo diễn John Carney, là chuyến hành trình âm nhạc đầy cảm xúc của nhà sản xuất hết thời Dan Mulligan và nhạc sĩ kiêm ca sĩ Gretta James. Cả hai đều có đổ vỡ với cuộc sống riêng, người là vì công việc, kẻ thì vì tình yêu, nhưng mau chóng tìm thấy sự đồng điệu trong âm nhạc. Begin Again có sự tham gia diễn xuất của Keira Knightley, Mark Ruffalo và Adam Levine. Phim giành được đề cử Oscar 2015 tại hạng mục Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc với Lost Stars và sẽ được trình chiếu trên sóng VTV3 trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Whiplash (2014): Sau một cuộc gặp gỡ tình cờ, tay trống Andrew Neiman lọt vào mắt xanh của thầy giáo "hắc ám" Terence Fletcher và được lựa vào ban nhạc jazz danh giá nhất tại Nhạc viện Shaffer, New York. Tưởng như mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp, mối quan hệ giữa hai thầy trò liên tục xảy ra xung đột, chủ yếu bởi cách dạy dỗ hà khắc của thầy Fletcher. Whiplash đặt ra cho người xem nhiều câu hỏi sau khi khép lại, cả về ý chí bên trong mỗi con người cũng như cái giá phải trả cho sự vĩ đại trong nghệ thuật. Phim giành được 5 đề cử Oscar năm nay, trong đó có hạng mụcPhim truyện xuất sắc.
Theo Zing