Những bộ phim nổi tiếng tròn 20 tuổi trong năm 2019
Năm nay, lần lượt các bộ phim như “ American Beauty”, “ Fight Club”, “ The Matrix”, “ The Mummy” hay “ The Sixth Sense” sẽ chính thức bước sang tuổi 20.
10 Things I Hate About You: Đây là bộ phim đáng nhớ của ngôi sao quá cố Heath Ledger, với câu chuyện tình cảm lãng mạn lấy bối cảnh trường trung học giữa bộ tứ Cameron (Joseph Gordon-Levitt), Bianca (Larisa Oleynik), Patrick (Ledger) và Kat (Julia Stiles). Đến giờ, nhiều khán giả vẫn nhớ đến màn tỏ tình hài hước, lãng mạn với ca khúc Can’t Take My Eyes off You của nhân vật Patrick trong phim.
All About My Mother: Tác phẩm gai góc của đạo diễn Pedro Almodóvar đã giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc vào đầu năm 2000. Chuyện phim theo chân một bà mẹ đơn thân (Cecilia Roth). Sau khi con trai qua đời vì tai nạn, chị đi tìm kiếm cha đẻ của con mình – người nay đã chuyển giới – để báo tin. Hành trình ấy không hề dễ dàng đối với bà mẹ vừa mất con.
American Beauty: American Beauty là tác phẩm gặt hái thành công vang dội năm ấy của Hollywood: thu hơn 353 triệu USD tại phòng vé, rồi thâu tóm 5 giải Oscar – trong đó có Phim truyện, Đạo diễn, Nam diễn viên chính (Kevin Spacey) và Kịch bản gốc xuất sắc. Do Sam Mendes thực hiện, bộ phim là cái nhìn mang đậm tính châm biếm về tầng lớp trung lưu của Mỹ, đồng thời lồng ghép những thông điệp về tình thân, giới tính, và chủ nghĩa vật chất.
American Pie: Đây là bộ phim hài nhạy cảm rất được giới trẻ yêu thích, với câu chuyện về năm người bạn thân và lời thề sẽ hết làm trai tân trước lễ tốt nghiệp trung học. American Pie thu lãi lớn khi mang về hơn 230 triệu USD, trong khi chỉ tiêu tốn khoảng 11 triệu USD để sản xuất. Vì lý do đó, thương hiệu được kéo dài thêm ba phần hậu truyện, và bốn phim ngoại truyện phát hành thẳng ra DVD. Tuy nhiên, tất cả các phim sau này đều không còn thu hút như phần đầu tiên.
Being John Malkovich: Tác phẩm là màn trình làng trong lĩnh vực điện ảnh đầy ấn tượng của đạo diễn Spike Jonze và biên kịch Charlie Kaufman. Giống như nhiều dự án sau này của họ, Being John Malkovich là một câu chuyện giả tưởng dị thường. Chuyện phim bắt đầu khi một nghệ sĩ (John Cusack) rối tình cờ phát hiện ra cánh cổng thần kỳ, đưa anh tới tâm trí của nam John Malkovich. Và nhân vật cùng vợ mình dần trở nên ám ảnh với chuyện có thể điều khiển nam diễn viên nổi tiếng.
Bicentennial Man: Có nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết The Positronic Man của Isaac Asimov, Bicentennial Man là một điểm nhấn trong sự nghiệp của danh hài quá cố Robin Williams. Trong phim, ông vào vai một người máy có cảm xúc và sống qua hai thế kỷ. Từ câu chuyện ấy, bộ phim khéo léo đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống, từ tình yêu, cho đến sự bất tử.
The Blair Witch Project: Tác phẩm kinh dị siêu nhiên trở thành hiện tượng trên khắp toàn cầu hồi mùa hè 1999. Khi ấy, người ta còn lạ lẫm với phong cách giả tài liệu. Cộng thêm việc tiếp cận thông tin trên mạng Internet còn hạn chế, không ít khán giả nghĩ rằng mọi thứ diễn ra trên màn ảnh là thật. The Blair Witch Project thuộc nhóm phim lãi nhất lịch sử khi chỉ tiêu tốn 60.000 USD để thực hiện, nhưng rồi mang về gần 250 triệu USD cho nhà sản xuất. Sau này, phim có hai phần tiếp theo là Book of Shadows (2000) và Blair Witch (2016) nhưng không thành công bằng.
Cruel Intentions: Lấy nội dung từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những mối quan hệ nguy hiểm hồi thế kỷ XVIII của nhà văn Piere Choderlos de Laclos, các nhà làm phim người Mỹ đặt câu chuyện vào bối cảnh một trường trung học tại thành phố New York. Cruel Intentions gây chú ý khi chứa đựng nhiều cảnh nóng, nhưng không thực sự được lòng giới phê bình. Tuy nhiên, thành công thương mại của bộ phim giúp tên tuổi của các diễn viên Sarah Michelle Gellar, Ryan Phillippe, Reese Witherspoon và Selma Blair trở nên thăng hoa.
Deep Blue Sea: Nhắc đến các bộ phim cá mập nổi tiếng, không thể bỏ qua Deep Blue Sea của đạo diễn Renny Harlin. Tận dụng trường quay cũ của Titanic (1997), tác phẩm kinh dị hạng B đem tới cho khán giả những giây phút căng thẳng, gay cấn đến nghẹt thở. Trên thực tế, doanh thu của Deep Blue Sea chỉ ở mức trung bình khá. Mãi tới năm 2018, phim mới có tiếp phần hai, nhưng chỉ được phát hành trực tiếp ra định dạng băng đĩa.
Eyes Wide Shut: Đây là tác phẩm thuộc dòng tâm lý – phòng the của đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick, với cặp ngôi sao hàng đầu khi ấy là Tom Cruise và Nicole Kidman. Nhà làm phim qua đời đúng 6 ngày sau khi giao cho Warner Bros. bản dựng cuối cùng. Eyes Wide Shut theo chân Bill Harford (Cruise). Đang bối rối khi vợ mình (Kidman) thừa nhận đang mơ thấy cảnh cô trên giường với người khác, anh phát hiện ra một hội kín đeo mặt nạ chuyên tổ chức những bữa tiệc quan hệ quái gở.
Fight Club: Nằm trong số các tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất thế kỷ XX, Fight Club của đạo diễn David Fincher có nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1996 của nhà văn Chuck Palahniuk. Phim xoay quanh một nhân vật vô danh do Edward Norton thể hiện, và quá trình lập nên “câu lạc bộ đánh đấm” của gã. Khi ra mắt, Fight Club không được lòng các nhà sản xuất, khiến giới phê bình tranh cãi nảy lửa, và không đạt doanh thu tốt tại phòng vé. Tuy nhiên, trải qua thời gian, tất cả đã nhìn nhận Fight Club với ánh mắt khác bởi những thông điệp đáng suy ngẫm về cuộc sống hiện đại được lồng ghép trong đó.
The Green Mile: Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1996, The Green Mile được kể theo lối hồi tưởng thông qua nhân vật Paul Edgecomb từng làm cai tù tại một trại giam dành cho tử tù trong thời kỳ Đại Suy thoái. Khi ấy, ông được chứng kiến nhiều hiện tượng siêu nhiên lạ thường. The Green Mile có phần nội dung xúc động, và được ghi nhận qua bốn đề cử Oscar – trong đó có Phim truyện xuất sắc.
Video đang HOT
The Iron Giant: Kết hợp hoạt hình vẽ tay truyền thống và vẽ vi tính, đạo diễn Brad Bird tạo ra tác phẩm vô cùng xúc động The Iron Giant. Chuyện phim xoay quanh giữa tình bạn đẹp giữa một cậu bé loài người với một người máy đến từ vũ trụ. Tuy nhiên, “người khổng lồ thép” sớm bị nhân loại săn đuổi. Sức ảnh hưởng của The Iron Giant vẫn còn thể hiện rõ cho tới tận ngày hôm nay, như bộ phim Bumblebee mới đây là một chứng minh.
King of Comedy: Ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, vào năm 1999, Châu Tinh Trì trình làng tác phẩm Vua hài kịch vô cùng ăn khách. Nhiều người cho rằng anh đã lấy những câu chuyện “cười ra nước mắt” buổi đầu sự nghiệp để đưa vào tác phẩm. Đây cũng thường được coi là tác phẩm giúp giới thiệu Trương Bá Chi tới cho khán giả. Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, họ Châu dự kiến sẽ tung ra Vua hài kịch 2 trong vai trò đạo diễn, biên kịch.
Magnolia: Bộ phim tâm lý của đạo diễn Paul Thomas Anderson quy tụ rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ, với câu chuyện về một nhóm nhân vật đang đi tìm kiếm niềm hạnh phúc và sự tha thứ trong cuộc sống ở khu San Fernando Valley, Los Angeles. Nhà phê bình quá cố nổi tiếng Roger Ebert từng viết về Magnolia như sau: “Chưa từng có bộ phim nào khiến tôi suy nghĩ, cảm động, và đặt ra nhiều câu hỏi như Magnolia“. Và có không ít fan cho rằng Tom Cruise mới là người xứng đáng giành giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc với Magnolia vào đầu năm 2000.
The Matrix: Năm 1999 còn chứng kiến sự ra đời của một tác phẩm mang tính cách mạng khác: Ma trận. Bộ phim hành động – khoa học viễn tưởng của chị em nhà Wachowski đưa khán giả tới tương lai khi toàn bộ nhân loại bị máy móc thâu tóm, rồi đặt vào một thế giới giả lập. Một nhóm ít ỏi con người còn sót lại quyết định đứng lên để thay đổi thực tế đó. Có phần nội dung hấp dẫn, mảng hành động thừa hưởng từ võ thuật phương Đông, kỹ xảo vượt thời đại, The Matrix xứng đáng nằm trong sách giáo khoa điện ảnh dành cho các thế hệ làm phim sau này.
The Mummy: Đạo diễn Stephen Sommers và hai ngôi sao Brendan Fraser – Rachel Weisz cùng nhau tạo ra tác phẩm mang đậm tính giải trí hồi mùa hè 1999. Có nội dung dựa trên bộ phim cùng tên năm 1932, bom tấn đưa người xem trải qua cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn ở miền Ai Cập đầy nắng cát, cũng như sợ hãi mỗi lần thầy tu Imhotep “xuất chiêu”. The Mummy sau này có thêm hai phần nữa, và tập ngoại truyện The Scorpion King. Thương hiệu được tái khởi động năm 2017 với Tom Cruise nhưng không thành công.
Notting Hill: Trong thời kỳ phim hài – lãng mạn (rom-com) còn thịnh trị, người ta không thể bỏ qua Notting Hill của đạo diễn Richard Curtis. Với hai ngôi sao Julia Roberts và Hugh Grant, phim là câu chuyện tình trắc trở của bộ đôi cọc cạch: một chủ hiệu sách (Grant) và một minh tinh Hollywood (Roberts). Đây là bộ phim ăn khách nhất Anh quốc năm đó, và nhiều khán giả hẳn giờ vẫn còn nhớ tới giai điệu ca khúc When You Say Nothing at All của Notting Hill.
Shiri: Điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, và Shiri thường được coi là cột mốc bắt đầu quan trọng. Thuộc dòng hành động, bộ phim của đạo diễn Kang Je-gyu thu hơn 8,5 triệu USD tại quê hương, vượt qua cả Titanic và tạo ra kỷ lục chưa từng có tại xứ kim chi. Shiri là câu chuyện éo le giữa một mật vụ Hàn Quốc và một điệp viên của Bắc Triều Tiên. Thành công phòng vé của tác phẩm đồng thời là bệ phóng cho rất nhiều ngôi sao sau này như Han Suk-kyu, Kim Yun-jin, Choi Min-sik, Song Kang-ho, Yoon Jo-sang, Kim Su-ro…
The Sixth Sense: Tác phẩm kinh dị siêu nhiên giúp M. Night Shyamalan lập tức được gọi là “Steven Spielberg mới”. The Sixth Sense là câu chuyện về một cậu bé (Haley Joel Osment) có thể trông thấy và nói chuyện với người chết, với vị bác sĩ tâm lý (Bruce Willis) của cậu. Bộ phim nhận tới 6 đề cử Oscar – trong đó có Phim truyện xuất sắc. Còn tại phòng vé, Giác quan thứ sáu thu tới 672,8 triệu USD, tức cao thứ hai toàn năm và chỉ chịu đứng sau Star Wars – Episode I: The Phantom Menace.
Sleepy Hollow: Kỵ sĩ không đầu là một trong nhiều tác phẩm hợp tác của bộ đôi đạo diễn Tim Burton – tài tử Johnny Depp. Trong phim, Depp vào vai một thanh tra đến từ New York. Anh lặn lội tới ngôi làng Sleepy Hollow để khám phá bí ẩn về những vụ sát hại liên quan đến Kỵ sĩ Không đầu. Tại Oscar 2000 sau đó, phim thắng giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.
The Talented Mr. Ripley: Ngay sau thành công của Bệnh nhân người Anh (1996), đạo diễn Anthony Minghella quy tụ dàn sao Matt Damon, Gwyneth Paltrow, Jude Law, Cate Blanchett, Philip Seymour Hoffman cho một dự án mang đậm chất noir. The Talented Mr. Ripley xoay quanh Tom Ripley (Damon) – chàng trai nghèo tình cờ nhận được một lời mời hậu hĩnh sau khi mượn được chiếc áo khoác Princeton. Giả vờ quen biết con trai nhà Greenleaf, anh nhận 1.000 USD từ gia đình quyền quý để tới Italy và thuyết phục Dickie Greenleaf (Law) trở về.
Tarzan: Đây thường được coi là tác phẩm cuối cùng trong “Kỷ nguyên Phục hưng” của Disney vào thập niên 1990, đồng thời là phiên bản hoạt hình lớn đầu tiên về chàng hoàng tử rừng xanh. Tarzan nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo chí, đặc biệt về phần hình ảnh, chuyển động nhân vật, và âm nhạc. Đầu năm 2000, ca khúc chủ đề You’ll Be in My Heart của Phil Collins trong phim đã giành chiến thắng tại Oscar.
The Virgin Suicides: Bộ phim điện ảnh dài đầu tay của Sofia Coppola gây chú ý khi có nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1993 của Jeffrey Eugenides mang chủ đề tự sát. The Virgin Suicides kể lại cuộc sống của năm chị em gái thuộc một gia đình trung lưu ở ngoại ô Detroit vào thập niên 1970. Sau khi cô em út có ý định tự sát, tất cả bị giám sát nghiêm ngặt và khiến bầu không khí càng trở nên tù túng hơn.
The World Is Not Enough: Bộ phim thứ 19 của loạt phim 007 chính thức tròn 20 tuổi trong năm nay. Thế giới không đủ đánh dấu lần thứ ba Pierce Brosnan sắm vai James Bond sau GoldenEye (1995) và Tomorrow Never Dies (1996). Chàng điệp viên có nhiệm vụ bảo vệ Elektra (Sophie Marceau) – cô con gái của tỷ phú quá cố Robert King – trước sự đe dọa từ tên khủng bố Renard (Robert Carlyle). Bất chấp sự chỉ trích từ giới phê bình, đặc biệt về việc chọn Denise Richards vào vai một tiến sĩ lượng tử, bom tấn vẫn thu hơn 360 triệu USD.
Theo zing.vn
12 cô nàng "mọt sách" quyến rũ trên màn ảnh Hollywood
Không quan tâm son phấn cũng chẳng ham tiệc tùng, chẳng có thân hình bốc lửa cùng khả năng thả thính thượng hạng, ấy vậy mà các cô nàng mọt sách đeo "đít chai" vẫn có những sức hút riêng không thể chối từ.
"Mọt sách" là danh từ thường dùng để gọi mẫu người ham học hơn ham chơi, luôn đem theo sách ở bên mình và thường có dấu hiệu nhận biết là đôi kính cận dày cộm trên mặt. Kiểu nhân vật này thường bị Hollywood biến thành trò cười trong các phim hài hoặc là một trong những kẻ bị "hiến tế" đầu tiên trong phim kinh dị.
So với các mọt sách nam thì các nữ mọt sách lại được ưu ái hơn một chút. Bởi thi thoảng, Hollywood cũng rất "thấu hiểu" và tạo ra được những cô nàng mọt sách thú vị, dễ thương làm làm say lòng đông đảo công chúng. Trong những năm 90, Hollywood thậm chí còn làm ra hàng loạt phim tình cảm học đường với nhân vật chính là các nàng mọt sách hay thẹn thùng. Ở đó, họ giống như những cô nàng Lọ Lem của thời hiện đại, vượt qua sự căm ghét của những cô nàng nóng bỏng xấu tính, nhận thức được khả năng của bản thân và hạnh phúc bên chàng hoàng tử điển trai.
1. Gabriella (High School Musical)
Một cô nàng mọt sách kinh điển trong thế giới hào nhoáng của Disney. Bản thân Grabiella cũng mang theo những đặc trưng mà khán giả thường hình dung về các mọt sách: cách ăn mặc an toàn, có khả năng giải những phương trình phức tạp, thao thao bất tuyệt về hàng đống học thuyết khoa học và mù tịt về chuyện yêu đương.
Bên cạnh sự thông minh, Grabiella còn có khả năng ca hát và nhảy tốt. Không ồn ào và phiền phức như "nữ hoàng lắm chiêu" Sharpay, anh chàng hotboy Troy Bolton đã chọn ở bên cô nàng bình dân này trong suốt những năm tháng trung học.
2. Susan Cooper (Spy)
Cô nàng điệp viên Susan Cooper (Melissa McCarthy) thường xuyên bị mỉa mai và xa lánh chỉ vì ngoại hình không bắt mắt. Cô lủi thủi làm việc ở văn phòng nhỏ trong tầng hầm của cơ quan CIA, làm hết mọi việc khó khăn để hỗ trợ anh chàng đồng nghiệp điển trai Agent Fine trong khi anh ta độc chiếm hết mọi vinh quang.
Với sự tham gia của tài tử điển trai Jude Law và nam thần hành động Jason Statham trong vai trò mua vui chọc cười khán giả, Spy đem đến cuộc lật đổ thú vị của cô điệp viên mọt sách mũm mĩm khi lần đầu tham gia thực chiến, sử dụng những kỹ năng sách vở để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
3. Evie Carnahan (The Mummy)
Khảo cổ học là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận tuyệt đối, trong khi cô nàng Evie lại rất long ngóng và vụng về. Cô thậm chí còn bị loại ra khỏi nhiều dự án khảo cổ lớn chỉ vì cái tật hay gây ra tai nạn trên hiện trường. Tuy nhiên,khi bị đặt vào tình huống nguy hiểm chết người, Evie lại là người duy nhất có thể lên kế hoạch chống trả lại Xác ướp, sử dụng sự dũng cảm của bản thân để thoát khỏi các thế lực hắc ám.
Điều đáng phàn nàn duy nhất là Rachel Weisz vẫn quá xinh đẹp, bất chấp nỗ lực hóa trang nhằm biến cô trở thành một nàng mọt sách luộm thuộm, suốt ngày dính đầy bụi đất.
4. Jamie Sullivan ( A Walk to Remember)
Nhân vật nữ chính trong bộ phim tình cảm học đường từng làm say mê bao thế hệ khán giả đầu những năm 2000 là một nàng mọt sách bướng bỉnh, lại hay thuyết giảng người khác về cách sống. Nhưng vẻ đẹp tâm hồn và trái tim lương thiện của Jamie (Mandy Moore) đã cảm hóa được gã trai hư Landon Carter, giúp cậu trưởng thành hơn trong cuộc sống.
5. Kate (Hackers)
Nếu nghĩ rằng con gái không thể trở thành cao thủ công nghệ, thì bạn chắc chắn sẽ phạm phải sai lầm lớn. Giống như anh chàng Dade Murphy trong bộ phim Hackers(1995). Dade luôn tự hào cho mình là bậc thầy về máy tính trong cả thị trấn. Mọi chuyện bỗng chốc thay đổi khi Kate xuất hiện và phá tan ảo tưởng của anh chàng về bản thân.
Với ánh mắt cương nghị cùng gương mặt gợi cảm, Angelina Jolie đã đem đến hình tượng mọt công nghệ lạnh lùng, nổi loạn nhưng cũng vô cùng quyến rũ.
6. Kat Stratford (10 Things I hate about you)
Bộ phim tình cảm học đường này là một trong những nấc thang đầu tiên giúp tên tuổi của cố tài tử Heath Ledger trở nên nổi tiếng ở Hollywood. Trong phim, anh hóa thân thành gã trai hư Patrick được nhờ vả để tán tỉnh một cô nàng kính cận khó tính, không quan tâm đến chuyện yêu đương mà chỉ thích cuộc đời yên ổn bên sách vở.
Mối quan hệ của cả hai được bắt đầu từ những toan tính, nhưng rồi Patrick bỗng nhận ra anh sẽ là kẻ điên nếu để mất Kat - một cô gái thông minh nhưng không biết cách thể hiện cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, bản cover ca khúc Can't Take My Eyes Off You của Heath Ledger đã làm lu mờ bài thơ chủ đề phim mà Julia Stiles đã thể hiện rất xúc động ở cuối phim. Phim còn đề cập tới chuyện một anh chàng mọt sách đã làm thế nào để chinh phục được cô nàng nổi tiếng của trường.
7. Cady (Mean Girls)
Cady (Lindsay Lohan) không hẳn là một nàng mọt sách chính hiệu. Chỉ là cô gái quê hơi bị lạc lõng trong thế giới của các cô nàng thích hàng hiệu, chú trọng chuyện nhan sắc và tán tỉnh trai hơn là làm giàu tri thức cho bản thân.
Việc ép bản thân phải hòa hợp với nhóm những "cô gái xấu tính" đã giúp Cady nhận được một bài học quan trọng: sự thông minh có sức quyến rũ rất riêng của nó. Và hãy dũng cảm để thể hiện bản thân mình chứ đừng giả vờ để trở thành một ai khác.
8. Mia Thermopolis (The Princess Diaries)
Trước khi trở thành công chúa của một đất nước có cái tên Genovia, Mia chỉ là một cô học sinh mang đầy đủ đặc điểm của một nữ mọt sách: mái tóc rối như tổ quả, cặp kính cận to gần nửa mặt, gương mặt lấm tấm tàn nhang và lúc nào cũng cư xử khác người. Loạt phim The Princess Diaries đích thị là hành trình để một cô nàng mọt sách ngại ngùng "lột xác" để trở thành một cô gái xinh đẹp đầy tự tin.
9. Aimee (The Spectacular Now)
Bị cô bạn gái xinh đẹp "đá đít", anh chàng Sutter nổi tiếng không biết làm gì hơn ngoài chuyện uống thật say và bất tỉnh trên bãi cỏ trước nhà người lạ. Chuyện rủi lại hóa may, nhờ vậy mà Sutter có cơ hội gặp gỡ Aimee - một cô nàng hướng nội, dành cả ngày để đọc truyện tranh và truyện giả tưởng. Bằng tính cách chân thành và phong cách của một kẻ mọt sách, Aimee đã giúp Sutter trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều.
10. Hermione (Harry Potter franchise)
Hermione (Emma Watson) có lẽ nên được xem là biểu tượng của những cô nàng mọt sách trong những năm đầu thế kỷ 21. Điểm nổi bật nhất của cô nàng tóc xù dũng cảm, gan dạ chính là khả năng biết tuốt. Cô có thể đọc hết mọi quyển sách trong thư viện, học cùng lúc cả hai chương trình và luôn là người giơ tay phát biểu đầu tiên trong lớp.
Người ta thường nói Harry và Ron thật may mắn khi được làm bạn với người thông minh nhất trong lứa tuổi của mình. Nhưng thực tế thì, đâu phải ai cũng có thể chịu đựng được sở thích hay thắc mắc tới mức có thể gây bực bội của cô nàng như Harry và đặc biệt là Ron.
11. Matilda (Matilda)
Ở tuổi lên 7, Matilda (Mara Wilson) là cô bé bá đạo hơn tất cả những người khác. Từ lúc lên 3, cô nhóc đã thích vùi mình vào những quyển sách dày cộm ở thư viện. Cô năn nỉ bố mẹ để được đến trường. Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Ronald Dahl đem đến câu chuyện xúc động về một cô gái nhỏ thông minh cùng một giáo viên tuyệt vời đấu tranh chống lại hai bậc phụ huynh cổ hủ và gã hiệu trưởng tệ nhất từng xuất hiện trên đời.
12. Barbara (I Kill Gants)
Cô bé tuổi teen Barbara Thorson (Madison Wolfe) quyết định hòa mình vào thế giới kỳ ảo của những gã khổng lồ để trốn chạy cuộc sống hiện thực buồn tẻ, đầy áp lực. Gia đình không thấu hiểu, bạn bè bắt nạt còn thầy cô thì căng thẳng, Barbara chỉ biết làm bạn với trí tưởng tượng phong phú của bản thân. Ở đó, cô bé 4 mắt với tính cách khác biệt với mọi người đã tìm thấy cho mình nhiều điều thú vị, bao gồm cả một người bạn mới.
Dựa trên tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của hai tác giả Joe Kelly và Kem Niimura, I Kill Giants hứa hẹn sẽ đem đến một cuộc phiêu lưu hấp dẫn, pha trộn giữa thực tại và tưởng tượng cùng nhân vật chính là một cô nàng mọt sách - mẫu nhân vật vẫn luôn bị Hollywood thờ ơ hoặc dìm hàng trong suốt những năm qua.
Theo Trí Thức Trẻ
5 tình huống trớ trêu khi khán giả không phân biệt được đâu là phim, đâu là đời thật! Sức ảnh hưởng của những tác phẩm sau đây là quá lớn đến nỗi khán giả Mỹ nhiều khi còn nhầm lẫn giữa đâu là đời thực và đâu là phim. Chắc chắn các nhà làm phim sẽ rất vui khi thấy những tác phẩm của mình được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nhưng dù thế nào, họ cũng khó có thể...