Những bộ phim nhận đề cử tại cả Oscar lẫn Mâm xôi vàng
Có không ít phim, đặc biệt thuộc dòng giải trí, được Viện hàn lâm trao cơ hội tại các hạng mục kỹ thuật của Oscar, nhưng đồng thời còn có tên ở giải thưởng Mâm xôi vàng.
Wall Street (1987): Trong tác phẩm điện ảnh giật gân mang đề tài tài chính, Michael Douglas đem tới màn trình diễn lôi cuốn nhất sự nghiệp khi sắm vai Gordon Gekko với câu thoại nổi tiếng “Greed is good” (Tham lam là tốt). Ông được Viện hàn lâm trao giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc chính là nhờ nhân vật. Song, Daryl Hannah – người đồng nghiệp của Douglas trong Wall Street – lại bị gọi tên ở Mâm xôi vàng cho giải Nữ diễn viên tệ nhất. Tới nay, Wall Street vẫn là bộ phim duy nhất vừa sở hữu giải Oscar, vừa phải ẵm Mâm xôi vàng. Ảnh: Fox.
The Last Temptation of Christ (1988): Đạo diễn Martin Scorsese hiếm khi bị Viện hàn lâm bỏ qua như với Silence (2016) năm nay. Cách đây gần ba thập kỷ, ông nhận đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc với một tác phẩm khác mang đậm tính tôn giáo và đó cũng là cơ hội duy nhất dành cho The Last Temptation of Christ tại sự kiện điện ảnh năm 1989. Nhưng ban tổ chức Mâm xôi vàng tỏ ra không hào hứng với màn trình diễn của Harvey Keitel trong vai Judas nên đã “trao” đề cử Nam diễn viên phụ tệ nhất cho ông cùng năm. Ảnh: Universal.
The Godfather 3 (1990): Phần ba của Bố già rõ ràng kém xa hai tập trước, nhưng Viện hàn lâm vẫn rất ưu ái tác phẩm khi trao cho nó tới 7 đề cử Oscar. Song, phim chịu cảnh tay trắng sau khi lễ trao giải Oscar 1991 khép lại. Ngoài ra, Sofia Coppola – con gái của đạo diễn Francis Ford Coppola – phải ẵm hai giải Mâm xôi vàng cho Nữ diễn viên phụ và Ngôi sao mới tệ nhất. Đây là điều có phần đáng tiếc bởi cô chỉ là người bất đắc dĩ thay thế Winona Ryder để khắc họa nhân vật Mary Corleone vào phút chót. Dù sao, giờ Sofia Coppola cũng đã trở thành đạo diễn nghệ thuật hàng đầu tại Hollywood. Ảnh: Paramount.
Hook (1991): Thường bị coi là một trong những tác phẩm kém chất lượng hiếm hoi của Steven Spielberg, nhưng Hook vẫn có được 5 đề cử Oscar đều thuộc về lĩnh vực kỹ thuật làm phim. Nhưng ngôi sao hạng A của bộ phim, Julia Roberts, thì phải nhận đề cử Nữ diễn viên phụ tệ nhất. Có tin đồn cho rằng “người đàn bà đẹp” tỏ ra thiếu hợp tác trên trường quay và bị đặt cho biệt danh là “Tinkerhell” – nhại theo tên nhân vật Tinkerbell mà cô thể hiện. Ảnh: Sony.
The Addams Family (1991): Chuyển thể từ series truyền hình nổi tiếng cùng tên, The Addams Family được Viện hàn lâm ghi nhận bằng một đề cử Oscar về phục trang khi tác phẩm điện ảnh mang đậm phong cách Gothic. Song, bản hit U Can’t Touch This của MC Hammer lại khiến tác phẩm phải ẵm giải Ca khúc trong phim tệ nhất của Mâm xôi vàng 1992. Ảnh: Paramount.
Basic Instinct (1992): Tác phẩm giật gân mang yếu tố phòng the có hai đề cử Oscar cho Dựng phim và Nhạc nền trong phim xuất sắc. Một số tờ báo năm đó cho rằng lẽ ra Sharon Stone cũng phải có đề cử bởi những gì cô thể hiện trong Basic Instinct là rất ám ảnh và gợi cảm. Song, bạn diễn của Stone – Michael Douglas – thì lại có tên trong danh sách tranh giải Nam diễn viên chính tệ nhất (kèm màn trình diễn trong Shining Through) của Mâm xôi vàng. Ảnh: TriStar.
The Bodyguard (1992): Sở hữu Whitney Houston trong vai chính giúp The Bodyguard không khó khăn trong việc giành đề cử hạng mục Ca khúc trong phim xuất sắc với cả I Have Nothing và Run to You. Bản hit I Will Always Love You không có vinh dự ấy bởi đó thực chất là ca khúc cover từ bản gốc của Dolly Parton. Song, The Bodyguard lại bị ban tổ chức Mâm xôi vàng ghét bỏ và trao cho tới 7 đề cử. Tuy không có tượng Oscar, nhưng phim cũng may mắn không phải ẵm giải Mâm xôi vàng nào. Ảnh: Warner Bros.
Con Air (1997): Thật kỳ lạ khi cùng một ca khúc How Do I Live của nhạc sĩ Diane Warren khiến bom tấn Con Air vừa được Oscar trao cơ hội, nhưng cũng đồng thời có tên ở Mâm xôi vàng năm 1998. Phim còn có một đề cử Oscar khác về âm thanh, nhưng bị gọi tên “chiến thắng” ở một hạng mục khá kỳ cục của Mâm xôi vàng khi có nội dung tàn phá, không quan tâm đến sinh mạng dân thường, công trình công cộng (Worst Reckless Disregard for Human Life and Public Property). Ảnh: Fox.
Video đang HOT
Armageddon (1998): Đây lại là một trường hợp kỳ quặc khác khi bản hit I Don’t Want to Miss a Thing của Aerosmith vừa có đề cử Oscar, vừa nhận đề cử Mâm xôi vàng. Trên thực tế, bom tấn mang đề tài thảm họa thiên thạch của đạo diễn Michael Bay còn có mặt ở ba hạng mục kỹ thuật khác của Oscar 1999. Song, cũng vì bộ phim mà ngôi sao Bruce Willis phải ẵm giải Nam diễn viên tệ nhất. Ảnh: Disney.
Vanilla Sky (2001): Đề cử Mâm xôi vàng ở hạng mục Nữ diễn viên tệ nhất dành cho Pénelope Cruz là sự tổng hợp của ba màn trình diễn ở Vanilla Sky, Blow và Captain Corelli’s Mandolin trong cùng một năm. Nhưng riêng bộ phim Vanilla Sky cũng có mặt tại Oscar 2002 khi ca khúc mang chính tựa đề bộ phim của Paul McCartney tham gia tranh giải ở hạng mục Ca khúc trong phim xuất sắc. Cuối cùng, nó chịu thua trước If I Didn’t Have You của Randy Newman trong Monsters, Inc. Ảnh: Paramount.
Pearl Harbor (2001): Bom tấn về trận Trân Châu Cảng của đạo diễn Michael Bay muốn tái lặp thành công của Titanic (1997) khi mang nội dung lịch sử, nhưng đồng thời chứa đựng một câu chuyện tình hư cấu cảm động. Song, Pearl Harbor gây ra những phản ứng trái chiều, và phải nhận 6 đề cử Mâm xôi vàng, trong đó có Phim truyện và Đạo diễn tệ nhất. Ngược lại, Oscar vẫn ghi nhận khía cạnh kỹ thuật của bộ phim khi trao cho nó giải Dàn dựng âm thanh xuất sắc. Ảnh: Buena Vista.
Batman Begins (2005): Batman Begins là một trong những tác phẩm đầu tiên đưa dòng phim siêu anh hùng tới thời kỳ hoàng kim trong khoảng hơn một thập kỷ qua. Viện hàn lâm khi ấy chỉ ghi nhận tác phẩm bằng một đề cử duy nhất ở hạng mục Quay phim xuất sắc cho Wally Pfister (người sau này thắng giải với Inception (2010) cũng của Christopher Nolan). Nhưng một trong những điểm yếu lớn nhất của bom tấn là Katie Holmes và vợ cũ của Tom Cruise năm ấy phải nhận đề cử Nữ diễn viên chính tệ nhất. Ảnh: Warner Bros.
The Lone Ranger (2013): Các bom tấn của nhà sản xuất Jerry Bruckheimer hiếm khi gặp thất bại tại phòng vé như The Lone Ranger. Nhưng Viện hàn lâm vẫn công nhận một số khía cạnh kỹ thuật của bộ phim khi trao cho nó đề cử Kỹ xảo hình ảnh và Hóa trang và làm tóc xuất sắc. Song, chất lượng nội dung của The Lone Ranger thực sự kém cỏi, và phim bị trao giải Mâm xôi vàng cho Phim làm lại, ăn theo hoặc phần tiếp theo tệ nhất. Cũng may là tác phẩm có sự tham gia của Johnny Depp chưa bị gọi tên ở hạng mục Phim truyện tệ nhất. Ảnh: Disney.
Fifty Shades of Grey (2015): Trường hợp của 50 sắc thái khá giống với The Bodyguard. Bản hit Earned It của The Weeknd tranh giải Ca khúc trong phim xuất sắc, nhưng cuối cùng thất bại. Điểm khác là Fifty Shades of Grey “thắng lớn” tại Mâm xôi vàng 2016, khi nó bị xướng tên những 5 lần, trong đó có Phim truyện tệ nhất (chia sẻ cùng Fantastic Four). Ảnh: Universal.
Suicide Squad (2016): Bom tấn siêu anh hùng của DC và Warner Bros. thu lãi lớn tại phòng vé, nhưng lại bị giới phê bình ghẻ lạnh và hết lời chê bai. Tuy nhiên, nếu so với Batman v Superman: Dawn of Justice, hai đề cử Mâm xôi vàng cho Nam diễn viên phụ (Jared Leto) và Kịch bản tệ nhất vẫn còn là khá ít. Ngược lại, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ lại trao cho bom tấn đề cử Oscar ở hạng mục Hóa trang và làm tóc xuất sắc và đây thực sự là một điểm sáng của bộ phim. Ảnh: Warner Bros.
Theo Zing
'Toni Erdmann': Hãy gắng tìm niềm vui trong cuộc sống
Tác phẩm của điện ảnh Đức tranh giải tại hạng mục Phim nước ngoài của Oscar 2017, lấy tâm điểm là mối quan hệ giữa một đôi cha con với nhiều khúc mắc và khoảng cách về hệ tư tưởng.
Thể loại : Hài, tâm lý
Đạo diễn: Maren Ade
Diễn viên chính: Peter Simonischek, Sandra Hller
Zing.vn đánh giá: 9/10
Ở cái tuổi xế chiều, thay vì quây quần bên con cháu, ông giáo dạy nhạc Winfried Conradi (Peter Simonischek) sống cô đơn trong căn nhà bừa bộn bên chú chó già Willi và trái tim bệnh tật.
Ly dị vợ, con gái luôn bận bịu công việc ở nước ngoài, không còn nhiều học trò tới học đàn, Winfried chỉ còn mỗi niềm vui duy nhất là lắp bộ hàm vẩu luôn thủ sẵn trong túi để chọc cười mọi người bằng những câu nói đùa cợt chẳng mấy ai hưởng ứng.
Một sáng thức giấc giữa khu vườn cạnh nhà, Winfried phát hiện ra chú chó Willi mà mình hết mực yêu quý đã qua đời. Chẳng còn ai ở bên, Winfried quyết định xách vali từ Đức sang Romania để thăm cô con gái Ines (Sandra Hller) đang làm tư vấn viên tại thành phố Bucharest.
Chuyến thăm đường đột của ông bố đặt Ines vào tình huống khó xử khi cô còn đang phải đau đầu giải quyết yêu cầu của vị khách hàng khó tính Henneberg (Michael Wittenborn) trong việc tái cơ cấu và sa thải công nhân người bản xứ khỏi các dự án khai thác dầu mỏ ở quốc gia kém phát triển bậc nhất châu Âu này.
Lần đầu ra mắt tại Cannes 2016, Toni Erdmann đã gây được tiếng vang lớn với truyền thông quốc tế, và được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2017.
Về phần mình, không chỉ khám phá ra một đất nước Romania với sự phân cách đến cùng cực giữa người giàu và người nghèo, Winfried còn chợt nhận ra rằng cuộc sống của cô con gái thực ra chẳng hạnh phúc hơn mình là bao. Ines đang phải sống giữa thành phố xa lạ với áp lực thường trực của công việc và sự thờ ơ của những người "bạn" chỉ thích chia sẻ những câu chuyện phiếm bên bàn rượu.
Quyết tâm thay đổi cuộc sống ảm đạm của con gái, Winfried lắp bộ hàm vẩu quen thuộc và mái tóc giả bù xù để biến mình thành "chuyên gia khai vấn cách sống" Toni Erdmann - người luôn theo bám Ines mọi nơi, mọi lúc với những trò đùa vô duyên.
Nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì Winfried hay Toni Erdmann chỉ càng khiến lnes thêm căng thẳng và tức giận vì sự vụng về, cũng như khoảng cách quá lớn về tuổi tác, suy nghĩ, và cách sống giữa hai cha con.
Thứ duy nhất còn giữ hai người lại gần nhau là tình cảm bố con và những mảnh vụn ký ức về gia đình nhà Conradi. Liệu thế có là đủ để Winfried níu kéo người thân duy nhất còn lại trong cuộc đời ông và giúp Ines thoát khỏi vực thẳm của công việc, cũng như cuộc sống đoạ đầy ở Bucharest?
Một bộ phim về những giá trị truyền thống
Toni Erdmann do nữ đạo diễn người Đức Maren Ade thực hiện là một trong những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao nhất của điện ảnh châu Âu năm 2016.
Lấy cảm hứng từ chính người cha của Ade, bộ phim bi-hài kịch thực sự là bức tranh về xã hội hiện đại châu Âu nói chung, trong thời điểm vị trí gia đình cũng như các giá trị truyền thống như tình bạn, tình yêu đang dần phai nhoà trước sức ép đến từ công việc, tham vọng thăng tiến, và những nhu cầu vật chất của cuộc sống gấp gáp thế kỷ XXI.
Câu chuyện về cha con nhà Conradi không chỉ gói gọn quanh tình phụ tử, mà đạo diễn Maren Ade còn muốn đề cập đến nhiều điều hơn thế.
Bối cảnh chính của Toni Erdmann - thủ đô Bucharest, Romania - là nơi mà khán giả có thể chứng kiến rõ ràng sự đối đầu giữa cái cũ và cái mới. Bởi tại đó, các toà nhà chung cư sang trọng tồn tại song song cùng những khu ổ chuột nhếch nhác bẩn thỉu. Bởi tại đó, người ngoại quốc giàu có như Ines hoàn toàn có thể sống thoải mái, sung túc bên cạnh những người Romania nhân hậu nhưng nghèo khó, luôn phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Điểm khác biệt của kịch bản Toni Erdmann là việc Maren Ade không hề tận dụng bối cảnh giàu kịch tính ấy để đẩy nhanh nhịp phim bằng những bi kịch hay số phận khác biệt. Trái lại, xuyên suốt bộ phim, cô lựa chọn nhịp phim tương đối chậm rãi để các nhân vật có cơ hội bộc lộ dần dần những góc khuất bên trong con người họ.
Bởi thế, khi bộ phim khép lại, người xem chắc chắn sẽ có một cái nhìn khác hẳn về từng nhân vật, từ cha con nhà Conradi cho tới những nhân vật phụ tưởng chừng chẳng có nhiều tiếng nói như cô trợ lý người địa phương Anca (Ingrid Bisu) của Ines.
Tuy có nhịp phim chậm và thời lượng khá dài lên tới 162 phút, nhưng Toni Erdmann vẫn hết sức cuốn hút nhờ sự cân bằng giữa bi kịch và xung đột của các nhân vật với những chi tiết hài hước đến từ Winfried/Toni Erdmann và sự tương tác của ông với những con người Romania chân thành, nhân hậu.
Nói không ngoa, Maren Ade là ngôi sao sáng nhất của Toni Erdmann khi cô không chỉ xây dựng được một bộ phim có kết cấu chắc chắn, dễ hiểu với tuyến nhân vật đặc sắc, mà còn đưa vào tác phẩm nhiều lớp lang những chi tiết biểu tượng và các thông điệp ngầm về triết lý sống mà nếu không để ý, khán giả sẽ dễ dàng bỏ qua.
Sự tỏa sáng của bộ đôi diễn viên chính
Với một kịch bản pha trộn cả chất bi và hài như Toni Erdmann, dàn diễn viên chính của phim có trách nhiệm rất lớn trong việc giữ cho mạch phim không bị đứt đoạn bởi những pha hài quá lố hay sự uỷ mị không cần thiết.
Peter Simonischek trong vai Winfried/Toni Erdmann đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy khi sự vụng về và vẻ ngoài luộm thuộm của ông dễ dàng làm người xem phải phì cười, nhưng cũng hoàn toàn có thể cảm nhận thấy nỗi buồn và nỗi cô đơn sâu thẳm ẩn giấu bên trong ông lão to lớn, kiệm lời.
Không hề kém cạnh Simonischek, Sandra Hller cũng hết sức thành công trong một vai diễn đòi hỏi sự kiềm chế rất lớn về mặt cảm xúc như Ines Corandi.
Cả hai diễn viên chính của Toni Erdmann đều mang đến cho bộ phim màn trình diễn tuyệt vời.
Tuy có vẻ ngoài hiện đại và tác phong hết sức năng động, nhưng Hller đem lại cho khán giả cảm giác bất an về một "quả bom tinh thần nổ chậm" bên trong Ines. Nó hoàn toàn trái ngược với sự vững chắc, bình thản từ ông giáo già Winfried "chẳng có tham vọng gì với cuộc sống".
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Simonischek và Hller, đặc biệt trong nửa cuối bộ phim, thực sự đã biến Toni Erdmann trở thành bức tranh chân thực về quan hệ gia đình trong xã hội hiện đại mà hẳn nhiều người xem có thể cảm thấy giật mình khi tham chiếu với cuộc sống bản thân.
Một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất của Toni Erdmann là khi Winfried đệm đàn để Ines hát ca khúc nổi tiếng Greatest Love of All của danh ca Whitney Houston. Không sở hữu giọng hát quá xuất sắc, nhưng Ines vẫn khiến các khán giả bất đắc dĩ phải trầm trồ bởi tiếng hát buồn bã như xuất phát từ sâu thẳm tâm can.
Cô lặng lẽ bỏ ra ngoài sau khi kết lại bằng câu cuối cùng của bài hát, "And if, by chance, that special place. That you've been dreaming of. Leads you to a lonely place. Find your strength in love" (Nếu chẳng may giấc mơ của bạn lại dẫn tới một nơi chốn cô đơn, hãy tìm kiếm sức mạnh từ trong tình yêu).
Thành công của Toni Erdmann khiến người Mỹ hiện muốn thực hiện phiên bản tiếng Anh của bộ phim.
Có lẽ đó cũng là thông điệp mà Toni Erdmann muốn dành cho con gái, dành cho khán giả. Cuộc sống chẳng hề dễ dàng, nhưng ít nhất hãy cố gắng tìm lấy cho mình chút niềm vui, hay tình yêu nào đó.
Không có nhân vật "chính diện" hay "phản diện", cũng chẳng cố gắng áp đặt bài học to tát, cách tiếp cận nhẹ nhàng và nhân văn mà Maren Ade dành cho một đề tài gai góc, khó nhằn như sự tan vỡ của mô hình gia đình truyền thống và cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng niềm vui cuộc sống đã giúp Toni Erdmann tránh được lối mòn giáo điều, đồng thời giúp khán giả tĩnh tâm, bình thản hơn để nhìn lại cuộc sống của chính mình.
Tại Oscar 2017, Toni Erdmann là một trong năm tác phẩm tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc và được giới quan sát đánh giá là có khả năng cao được Viện hàn lâm trao tượng vàng. Hiện người Mỹ đã có kế hoạch thực hiện phiên bản tiếng Anh của bộ phim với Jack Nicholson và Kristen Wiig.
Theo Zing
Oscar 2017: Những dự đoán trước "giờ G" Càng gần đến ngày công bố Oscar 2017, các dự đoán chiến thắng càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hãy cũng nhìn lại cơ hội cầm tượng vàng của các diễn viên như thế nào. Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 dự kiến diễn ra vào đêm 26/2 (Mỹ), tức sáng 27/2 theo giờ Việt Nam. Trước thềm Oscar...