Những bộ phim kinh điển tròn 20 tuổi vào năm 2016
Năm 2016 là thời điểm đánh dấu các bộ phim nổi tiếng “Ngày độc lập”, “Nhiệm vụ bất khả thi”, “Bệnh nhân người Anh”, “Người trong giang hồ”… tròn hai thập kỷ ra mắt khán giả.
Independence Day: Với 817,4 triệu USD, tác phẩm khoa học viễn tưởng của đạo diễn Roland Emmerich không có đối thủ tại phòng vé trong suốt năm 1996. Nhờ kỹ xảo tân tiến tại thời điểm đó và sự tham gia của Will Smith, Independence Day chinh phục hoàn toàn khán giả khi xoay quanh cuộc chiến bất ngờ giữa nhân loại với người ngoài hành tinh. Sau đúng 20 năm, thương hiệu sẽ trở lại trong mùa hè tới với phần tiếp theo mang tên Indepedence Day: Resurgence.
Mission: Impossible: Năm 2016 đánh dấu thương hiệu hành động Nhiệm vụ bất khả thi tròn 20 tuổi. Khi tập phim đầu tiên ra mắt, nó gây ra không ít tranh cãi khi biến nhân vật chính diện ở nguyên tác truyền hình thành phản diện, mở đường cho Ethan Hunt của Tom Cruise trở thành ngôi sao của loạt phim kể từ đó về sau. Trải qua hai thập kỷ,Mission: Impossible vẫn giữ được phong độ ổn định, khi phần năm mang tên Rogue Nation mới thu được 682,3 triệu USD hồi mùa hè 2015.
The Rock: Sau thành công của Bad Boys (1995), ông hoàng “cháy nổ” Michael Bay tiếp tục chinh phục khán giả bằng The Rock – tác phẩm hành động gay cấn có sự góp mặt của các ngôi sao Sean Connery, Nicolas Cage và Ed Harris. Doanh thu toàn cầu của bộ phim là 335,1 triệu USD, nằm trong danh sách top 5 phim ăn khách nhất 1996.
The English Patient: Bộ phim của cố đạo diễn Anthony Minghella là tác phẩm được giới phê bình ưu ái nhất năm 1996, thể hiện qua 9 tượng vàng Oscar, trong đó có giảiPhim truyện xuất sắc. Bệnh nhân người Anh lấy bối cảnh cuối Thế chiến thứ II, khi nữ y tá trẻ Hana (Juliette Binoche) gặp gỡ và chăm sóc cho một nạn nhân rơi máy bay và tình cờ biết được quá khứ đầy thăng trầm của ông.
Jerry Maguire: Không chỉ chinh phục phòng vé bằng Mission: Impossible, Tom Cruise còn chiếm trọn cảm tình của giới phê bình qua bộ phim hài của đạo diễn Cameron Crowe, kể lại mối quan hệ giữa người đại diện và khách hàng là một vận động viên thể thao đang gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp. Tom Cruise nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc, còn Cuba Gooding Jr. thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 1997 nhờ Jerry Maguire.
Scream: Năm 1996 đánh dấu sự ra đời của Scream – thương hiệu phim kinh dị nổi tiếng do Wes Craven gây dựng, sau này được kéo dài thêm bốn tập và một series truyền hình ăn theo. Cảnh Casey (Drew Barrymore) bị tên sát nhân mang mặt nạ Ghostface rượt đuổi rồi sát hại dã man ở đầu phim thường được bầu chọn là một trong những trường đoạn đáng sợ nhất dòng phim kinh dị thập niên 1990. Wes Craven mới qua đời hồi tháng 8/2015 sau thời gian dài chống chọi căn bệnh ung thư não.
Video đang HOT
Primal Fear: Tác phẩm tâm lý hình sự gây bất ngờ tại phòng vé năm 1996 khi thu tới hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Primal Fear đem tới cho công chúng là màn trình làng của ngôi sao Edward Norton. Trong vai diễn đầu tay là một người trợ tế bị gán cho tội danh giết người, tài tử chinh phục cả khán giả lẫn giới phê bình, qua đó nhận đề cử Oscar tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc năm ấy.
Fargo: Ra đời năm 1996, bộ phim của anh em đạo diễn Coen luôn nằm trong danh sách các tác phẩm tâm lý hình sự vĩ đại nhất. Phim là cuộc đối đầu căng thẳng giữa gã bán xe hơi Jerry Lundegaard – kẻ mưu toan bắt cóc vợ để đòi tiền chuộc từ bố vợ, với nữ cảnh sát đang mang thai Marge Gunderson. Fargo thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes 1996 và Nữ diễn viên chính cùng Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar 1997. Trong hai năm qua, tác phẩm được chuyển thể lên sóng truyền hình, kéo dài qua hai mùa và nhận được nhiều lời ngợi khen không kém gì nguyên tác.
Evita: Dựa trên vở nhạc kịch cùng tên của Tim Rice và Andrew Lloyd Webber, bộ phimEvita gây xôn xao dư luận khi chọn nữ hoàng nhạc pop Madonna vào vai Evita Perón – Đệ nhất Phu nhân Argentina từ năm 1946 cho tới khi qua đời. Sinh thời, bà được người dân quốc gia Nam Mỹ ngưỡng mộ vì luôn luôn đấu tranh cho phụ nữ, người lao động và trẻ mồ côi. Bên cạnh phần diễn xuất tròn vai, Madonna đem đến cho công chúng nhiều ca khúc nhạc phim xuất sắc, như You Must Love Me, Don’t Cry for Me Argentina…, qua đó giúp Evita thu 141 triệu USD tại phòng vé.
Romeo Juliet: Trước khi trở thành chàng Jack trong Titanic (1997), Leonardo DiCaprio đã có lần cướp tim nhiều thiếu nữ với tác phẩm ca vũ nhạc dựa trên nguyên tác Romeo and Juliet của William Shakespeare. Tuy nhiên, thay vì lấy bối cảnh thế kỷ XIV, Romeo Juliet của Baz Luhrmann lại diễn ra trong thời hiện đại, khi nhà Montague và Capulet là hai băng đảng mafia, còn nhân vật trong phim sử dụng súng ống thay vì đao kiếm. Tuy gây ra không ít tranh cãi, phim nhìn chung vẫn được công chúng và giới phê bình đón nhận, qua đó mở đường cho Leonardo DiCaprio và Baz Luhrmann đến với những thành công tiếp theo trong sự nghiệp.
The Nutty Professor: Thập niên 1990 là thời kỳ mà danh hài Eddie Murphy đứng trên đỉnh cao danh vọng với hàng loạt tác phẩm ăn khách. Một trong số đó là The Nutty Professor, phiên bản làm lại bộ phim cùng tên năm 1963. Phim nhận nhiều lời khen ngợi về kỹ thuật hóa trang và sau đó thắng giải này tại Oscar 1997. Sắm vai bảy nhân vật khác nhau trong The Nutty Professor, cá nhân Eddie Murphy cũng nhận được đề cử Quả cầu vàng. Tuy nhiên, phần hai ra mắt bốn năm sau đó không còn giữ được sự màu nhiệm của bộ phim gốc.
The Hunchback of Notre Dame: Dựa trên nguyên tác Nhà thờ Đức Bà của nhà văn Victor Hugo, Thằng gù nhà thờ Đức Bà là bộ phim hoạt hình dài thứ 34 của xưởng Walt Disney, thu 325 triệu USD và nằm trong top 5 phim ăn khách nhất 1996. Giống như bộ tiểu thuyết gốc, tác phẩm xoay quanh Quasimodo – chàng gù dị dạng có nhiệm vụ rung chuông tại nhà thờ Đức Bà nước Pháp, tình yêu mà anh dành cho nàng Esmeralda, cũng như nỗ lực của anh trong việc hòa nhập vào xã hội đầy rẫy sự kỳ thị. Rất nhiều chi tiết đen tối của Victor Hugo đã được Disney giảm nhẹ trên màn ảnh để bộ phim trở nên phù hợp hơn với khán giả nhỏ tuổi.
Comrades, Almost a Love Story: Điềm mật mật – ca khúc nổi tiếng của Đặng Lệ Quân, cũng là tựa đề bộ phim lãng mạn đến từ đạo diễn Trần Khả Tân, kể lại mối tình đầy trắc trở của hai người Trung Quốc đại lục cùng đam mê nữ ca sĩ “Tiểu Đặng” và nhập cư tới Hong Kong. Sắm vai chính trong phim là Lê Minh và Trương Mạn Ngọc. Họ xóa tan những nghi ngờ về khả năng diễn xuất với Điềm mật mật, cùng bộ phim giành tới 9 chiến thắng tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong 1996, cũng như có thắng lợi thuyết phục tại giải thưởng điện ảnh Kim Mã 1996.
Young and Dangerous I, II, III: Năm 2016 đánh dấu những Trần Hạo Nam, Gà Rừng, Hạt Tiêu… tròn 20 năm kể từ lần đầu tiên bước chân lên màn ảnh với Người trong giang hồ. Bộ phim mang đề tài xã hội đen của đạo diễn Lưu Vĩ Cường, xoay quanh những cuộc tranh giành địa bàn của băng đảng Hồng Hưng tại vịnh Đồng La, thành công tới nỗi được làm thêm hai phần tiếp theo cũng trong năm 1996. Đây đồng thời là loạt phim giúp tên tuổi của Trịnh Y Kiện, Trần Tiểu Xuân, Ngô Chấn Vũ, Lê Tư… bước lên hàng sao trong làng giải trí Hoa ngữ.
Shall We Dance?: Bộ phim lãng mạn của điện ảnh xứ sở hoa anh đào chinh phục cả giới phê bình trong nước với 14 giải thưởng năm 1996 của Viện hàn lâm Nhật Bản, lẫn nhiều nhà phân tích phim quốc tế. Mượn chuyện khiêu vũ để nói đến những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, Shall We Dance? được Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh Mỹ chọn là Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong năm. Bước sang đầu thế kỷ XXI, Hollywood quyết định làm lại bộ phim với hai ngôi sao Richard Gere và Jennifer Lopez.
Theo Zing
10 thương hiệu phim tỷ USD bị Oscar ngó lơ
Các phim giải trí thường tìm được đề cử hoặc tượng vàng Oscar ở các hạng mục kỹ thuật. Song, không ít thương hiệu ăn khách vẫn chưa một lần được Viện hàn lâm nước Mỹ để mắt tới.
Fast & Furious (3,89 tỷ USD): Sau bảy tập phim, Fast & Furious là một trong những thương hiệu điện ảnh thành công nhất lịch sử nhân loại. Riêng phần 7 ra mắt hồi tháng 4 thu tới 1,51 tỷ USD, góp phần giúp hãng Universal có được mùa hè thắng lợi. Song, chưa tập phim hành động tốc độ nào nhận được đề cử Oscar, ngay cả ở những hạng mục về kỹ thuật như kỹ xảo hay âm thanh. Tuy nhiên, tình thế rất có thể sẽ thay đổi trong cuối năm nay khi ca khúc tri ân Paul Walker trong Fast & Furious 7 mang tên See You Againđược đánh giá rất cao và từng thống trị Billboard Hot 100 suốt nhiều tuần liền.
The Twilight Saga (3,34 tỷ USD): Trải qua năm tập phim, thương hiệu phim chuyển thể từ loạt tiểu thuyết Chạng vạng của Stephenie Meyer là cú hích lớn về mặt doanh thu đối với hãng Lionsgate, biến studio trở thành thế lực mới tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Song, loạt phim lại bị giới phê bình ghét cay ghét đắng và chưa một lần có tên trong danh sách đề cử Oscar, ngay cả khi các ca khúc chủ đề trong phim thường rất hay.
Mission: Impossible (2,77 tỷ USD): Nhiệm vụ bất khả thi là loạt phim gắn liền với sự nghiệp của Tom Cruise. Đem đến cho khán giả vô số pha hành động mạo hiểm trong suốt 20 năm qua, nhưng tài tử và các nhà sản xuất luôn bị Viện hàn lâm làm ngơ, ngay cả ở những hạng mục kỹ thuật. Nếu Oscar có giải thưởng vinh danh pha hành động gay cấn xuất sắc trong năm, hẳn Tom Cruise và Mission: Impossible sẽ luôn là ứng cử viên sáng giá.
The Hunger Games (2,31 tỷ USD): Jennifer Lawrence là cái tên quen thuộc tại lễ trao giải Oscar trong vòng 5 năm qua, nhưng Viện hàn lâm không vinh danh minh tinh bởi loạt phim chuyển thể ăn khách. Bất chấp doanh thu vượt trội, The Hunger Games chưa bao giờ có cơ hội cạnh tranh tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất Hollywood. Tại một giải thưởng uy tín không kém là Quả cầu vàng, series có ba lần nhận đề cử ở hạng mục Ca khúc chủ đề xuất sắc nhưng cũng đều thất bại. Giờ thì loạt phim chỉ còn Mockingjay - Part 2 để thay đổi thực tế đáng buồn ấy.
Madagascar (2,25 tỷ USD): Loạt phim hoạt hình của xưởng DreamWorks, xoay quanh những cuộc phiêu lưu vui nhộn của bốn người bạn Alex - Marty - Melman - Gloria, dành trọn tình cảm của người hâm mộ trên toàn thế giới, điều được thể hiện qua doanh thu khổng lồ của ba tập phim. Tuy nhiên, loạt phim chưa bao giờ có tên ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc của Oscar. Đây là một điều khá bất công bởi có không ít tác phẩm hoạt hình chưa chắc đã hay bằng Madagascar nhưng lại từng nhận được đề cử từ Viện hàn lâm.
The Hangover (1,41 tỷ USD): Sự thật là The Hangover Part II và Part III rất tệ và chỉ đơn thuần ăn theo thành công của tập phim đầu tiên. Mùa hè 2009, The Hangover gây ra cơn sốt phòng vé khi thu 467,5 triệu USD dù bị dán nhãn R. Sau đó, bộ phim được Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood trao giải Quả cầu vàng cho Phim truyện xuất sắc - Thể loại hài hước. Tuy nhiên, Viện hàn lâm tỏ ra không mặn mà với The Hangover và hoàn toàn bỏ qua bộ phim.
Night at the Museum (1,35 tỷ USD): Thương hiệu phim hài nhắm đến đối tượng gia đình của Ben Stiller hiện đã trải qua ba tập phim. Nội dung phim là những rắc rối mà anh chàng bảo vệ Larry tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nước Mỹ gặp phải khi các bức tượng cứ thế sống dậy và gây náo loạn hàng đêm. Sở hữu phần kỹ xảo tương đối bắt mắt và tân tiến, nhưng Night at the Museum chưa bao giờ có tên tranh giải ở hạng mục kỹ thuật ấy.
Robert Langdon (1,24 tỷ USD): Nhờ nguyên tác văn học bán chạy của Dan Brown, hai bộ phim chuyển thể The Da Vinci Code và Angels & Demons với nhân vật trung tâm Robert Langdon lần lượt thu tới 758 triệu USD và 486 triệu USD. Tiểu thuyết gốc gây tranh cãi nhưng vẫn được nhiều độc giả yêu mến, còn hai phim của Tom Hanks phải đón nhận không ít lời chê bai từ cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng. Tuy nhiên, vào tháng 10/2016, khán giả sẽ được gặp lại giáo sư Robert Langdon trong tập phim tiếp theo mang tên Inferno (Hỏa ngục).
Alvin and the Chipmunks (1,14 tỷ USD): Nhắm đến đối tượng khán giả gia đình, ba tập phim xoay quanh những chú sóc chuột biết hát đạt tổng doanh thu trên 1 tỷ USD. Con số đó chuẩn bị được đẩy đi xa hơn với phần bốn mang tên Alvin and the Chipmunks: The Road Chip, ra mắt trong cuối năm nay. Song, Alvin, Theodore và Simon chỉ mang lại tiếng cười có phần dễ dãi, nên thật khó để chúng có cơ hội lọt vào mắt xanh của Viện hàn lâm.
Ocean's Eleven (1,12 tỷ USD): Giống The Hangover, Ocean's Eleven thành công nhất ở phần đầu. Ocean's Twelve và Thirteen không được đánh giá cao bằng, và thậm chí doanh thu còn kém hơn cả tác phẩm đầu tiên. Dù có sự tham gia của George Clooney, Matt Damon, Andy Garcia và Brad Pitt, Ocean's Eleven vẫn không có chút cơ hội nào tại đường đua Oscar 2002.
Theo Zing
10 nhân vật điệp viên nổi tiếng trên màn ảnh Nhân dịp "Spectre" vẫn đang thắng thế trên toàn cầu, hãy cùng điểm lại những nhân vật điệp viên từng ghi dấu ấn sâu đậm với công chúng. James Bond trong loạt 007 (1962 - nay): Điệp viên 007 là nhân vật do nhà văn Ian Fleming sáng tạo nên vào đầu thập niên 1950 và trở nên bất tử kể từ khi...