Những bộ phim gây tranh cãi nhất của thế kỷ 21
Mới chỉ trải qua hơn một thập kỷ, nhưng điện ảnh thế giới đã kịp đem tới cho khán giả rất nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết.
Battle Royale (2000): Lấy bối cảnh nước Nhật trong tương lai gần, khi giới trẻ trở nên bê trễ, hư hỏng, chính phủ quyết định thông qua đạo luật Battle Royale để nâng cao ý thức sống cho học sinh. Cứ mỗi năm, một lớp 9 nào đó được lựa chọn ngẫu nhiên rồi bị đưa tới một hòn đảo hoang. Tại đó, các họ sinh phải giết nhau cho đến khi chỉ còn một người duy nhất được phép sống sót. Chứa đựng nhiều màn máu me bạo lực, học sinh xả súng bắn giết, Battle Royale không thể tránh khỏi bị cấm chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu gạt qua yếu tố bạo lực thì Battle Royale là một ẩn dụ hết sức kín đáo về những vấn đề chính trị, xã hội hiện đại.
Visitor Q (2001): Takashi Miike là một đạo diễn chăm chỉ bậc nhất xứ sở mặt trời mọc. Ông có thể làm những bộ phim cho trẻ em như Ninja loạn thị, nhưng đồng thời cũng có thể khiến dư luận dậy sóng với những bộ phim kinh dị máu me, hoặc động chạm tới cả đề tài loạn luân như với Visitor Q. Câu chuyện xoay quanh một gia đình đổ vỡ và cuộc ghé thăm của vị khách lạ khiến toàn bộ ngôi nhà kỳ quái này phải thay đổi. Visitor Q chắc chắn là một trong những tác phẩm điển hình cho lối làm phim điên rồ của Takashi Miike, bên cạnh những Audition hay Ichi the Killer.
The Piano Teacher (2001): Đạo diễn nổi tiếng Michael Haneke người Áo nổi tiếng với phong cách làm phim gai góc, dữ dội, thường xuyên lấy bạo lực và tình dục làm trọng tâm trong tác phẩm của ông. The Piano Teacher là ví dụ điển hình về khả năng khai thác, khám phá những ẩn ức bên trong con người với sự cảm thông của người đạo diễn. Chuyện phim khắc họa rõ nét những xúc cảm dục vọng giữa một giáo viên dạy dương cầm ở tuổi trung niên và cậu học trò trẻ tuổi. Phim có nhiều cảnh nóng mạnh bạo, kích thích người xem cao độ giữa hai nhân vật lệch pha. Dù gây ra nhiều tranh cãi nhưng phim vẫn giành được ba giải thưởng lớn tại LHP Cannes 2001.
Ken Park (2002): Với Ken Park, đạo diễn Larry Clark muốn động chạm tới chủ đề tình dục ở tuổi vị thành niên và thói quen sử dụng chất kích thích của những đứa trẻ. Xoáy sâu vào những chuyển biến tâm lý và hành hạ về mặt thể chất, Larry Clark muốn lột tả ẩn ức tình dục và sự tha hóa trong lối sống của những con người trẻ tuổi với bộ phim này. Sở hữu những cảnh quay ám ảnh và táo bạo, Ken Park rõ ràng là một bộ phim không hề được lòng các bậc phụ huynh.
The Passion of the Christ (2004): Mel Gibson là cái tên quá quen thuộc qua những vụ gây tranh cãi liên quan tới tôn giáo và tư tưởng bài Do Thái trong đời sống cá nhân và cả trên phim ảnh. Bộ phim về những giờ phút cuối cùng của chúa Jesus do ông đạo diễn chính là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, ngoài vấn đề tôn giáo, The Passion of the Christ còn vấp phải chỉ trích do cảnh chúa Jesus bị đày đọa thể xác trên con đường tới nơi bị đóng đinh lên thập giá quá ghê rợn. Phần lớn thời lượng của phim toàn hình ảnh chúa bị hành hạ nên người ta đặt ra câu hỏi về sự chính xác của bộ phim này.
Hard Candy (2005): Chuyện phim bắt đầu khi tay nhiếp ảnh gia Jeff Kohlver tìm cách dụ dỗ cô bé Hayley Stark qua mạng Internet. Nhưng khi gặp gỡ, chính Jeff mới là kẻ bị Hayley tra tấn, hành hạ một cách dã man vì bị nghi là đã sát hại một cô gái khác. Chủ đề lạm dụng tình dục trẻ em vốn luôn nhạy cảm, nhưng những màn tra tấn mà một cô bé 14 tuổi dành cho gã đàn ông 32 tuổi trong Hard Candy mới là điều khiến khán giả ái ngại và ghê sợ. Tuy nhiên, phần diễn xuất trong phim đặc biệt được giới phê bình khen ngợi. Hayley Stark cũng chính là vai diễn bản lề đối với sự nghiệp của nữ diễn viên Ellen Page còn rất trẻ khi ấy.
Hounddog (2007): Tác phẩm do đạo diễn Debrorah Kampmeier thực hiện, có sự tham gia của tài năng nhí Dakota Fanning. Chuyện phim xoay quanh một cô bé rắc rối có tên Lewellen sống tại Alabama trong thập niên 1950. Hounddogkhông được đánh giá cao do có nội dung nhàm chán, cách kể chuyện bình thường, nhưng lại thu hút sự chú ý của dư luận bởi cảnh nhân vật Lewellen bị cưỡng hiếp. Khi đó, Dakota Fanning mới chỉ 13 tuổi và việc cô bé đóng một cảnh người lớn như vậy khiến cho không ít người phản đối bộ phim.
Antichrist (2009): Mỗi tác phẩm của đạo diễn Lars Von Trier đều là một “cú nổ” trong làng điện ảnh bởi phong cách làm phim dữ dội, quyết liệt, thường động chạm tới tôn giáo, bạo lực, tình dục và những sự ám ảnh. Bộ phim Antichrist là tác phẩm đầu tiên nằm trong bộ ba phim tuyệt vọng của ông và chỉ tên phim thôi cũng đủ khiến cộng đồng Công giáo sôi sục. Khi theo dõi bộ phim, khán giả càng thêm choáng váng bởi các nhân vật trong phim có những hành vi tình dục vượt ngoài khuôn khổ tưởng tượng của con người. Cảnh quay cao trào ở cuối phim thậm chí còn khiến một khán giả trong buổi chiếu ra mắt tại LHP Cannes 2009 bị sốc tới nỗi ngất xỉu.
A Serbian Film (2010): Tập trung vào ngành công nghiệp phim khiêu dâm, hành vi cưỡng bức trẻ em, cũng như chứng lệch lạc về tình dục, bộ phim A Serbian Film không dành cho người yếu thần kinh và là tác phẩm gây ra nhiều tranh cãi nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, theo đạo diễn Srđan Spasojevi thì phim của ông phản ánh chân thực những tệ nạn tại Serbia và là một lát cắt ẩn dụ về xã hội của đất nước này. Trước khi A Serbian Film chính thức ra mắt, cảnh sát thậm chí đã “ghé thăm” Srđan Spasojevi bởi những cảnh quay rùng rợn trong phim trông quá đỗi chân thật.
Video đang HOT
Nymph()maniac (2013):Sau Antichrist và Melancholia,Nymph()maniac – Người đàn bà cuồng dâmlà tác phẩm khép lại bộ ba tuyệt vọng của Lars Von Trier. Bao gồm hai phần với thời lượng lên đến hơn 5 tiếng đồng hồ, chuyện phim xoay quanh một người đàn bà nghiện tình dục có tên Joe. Cô bị đánh bất tỉnh trên đường phố và được Seligman cưu mang về nhà. Tại đây, Joe thuật lại đời sống ái tình trong suốt quãng đời 50 năm trước đó cho người đàn ông này nghe. Khỏi phải nói, Nymph()maniac chứa đựng vô số cảnh nóng giữa nữ diễn viên Charlotte Gainsbourg với nhiều bạn diễn đình đám khác và bị dán nhãn cấm trẻ dưới 17 tuổi khi phát hành.
Theo Zing
Những bộ phim bom tấn bị ám quẻ tại Hollywood
"The Matrix", "Waterworld", "The Omen", "Troy"... là các tác phẩm nổi tiếng với vô số những sự kiện đen đủi và trắc trở xảy ra trong quá trình thực hiện.
Theo thông tin gần đây, tài tử Harrison Ford gặp phải chấn thương mắt cá chân trên trường quay của Star Wars: Episode VII và khiến cho toàn bộ quá trình quay phim buộc phải tạm ngưng. Thậm chí, có tin đồn cho rằng ngày ra mắt của bom tấn theo đó cũng sẽ bị đình trệ. Đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên các bộ phim bom tấn Hollywood gặp phải những chuyện đen đủi như vậy. Cùng Zing.vn điểm lại những tác phẩm nổi tiếng thường được gắn mác "bị ám quẻ" bởi nhiều sự kiện khó có thể giải thích diễn ra trong quá trình thực hiện.
The Conqueror (1956)
Trong số 220 người từng làm việc cho đoàn làm phim The Conqueror tại gần Utah vào năm 1955, có tới 91 người nhiễm căn bệnh ung thư vào đầu thập niên 1980 và 46 trong số đó đã qua đời, bao gồm cả những ngôi sao như John Wayne, Susan Hayward, Agnes Moorehead và đạo diễn Dick Powell.
Nhiều diễn viên trong đoàn làm phim The Conqueror tại Utah đã mắc phải căn bệnh ung thư.
Không ai biết chắc về lý do đằng sau vụ việc nhưng nhiều ý kiến cho rằng căn bệnh ung thư bắt nguồn từ những vụ thí nghiệm thử bom hạt nhân ở gần Nevada. Nhà sản xuất Howard Hughes từng nghĩ rằng bộ phim quá tệ và bỏ ra 12 triệu USD để mua lại tất cả các bản phim rồi từ chối cho phát hành The Conqueror. Phải mãi đến năm 1974, hãng phim Paramount mới có thể đạt được thỏa thuận với ông và đưa bộ phim đến với công chúng. The Conqueror cũng đánh dấu lần cuối cùng Howard Hughes đứng vai trò sản xuất.
The Omen (1976)
Bộ phim kinh dị tâm linh ra mắt năm 1976 từng gây tốn nhiều giấy mực bởi những điềm gở diễn ra xung quanh nó. Trước tiên, khi bộ phim đang được thực hiện, nam diễn viên Gregory Peck và biên kịch David Seltzer bay tới nước Anh trên hai chuyến bay khác nhau và cả hai đều gặp phải sét đánh. Khách sạn nơi Richard Donner trú ngụ bị đánh bom bởi tổ chức IRA và sau đó vị đạo diễn còn bị xe hơi tông phải.
Nhiều thành viên của đoàn làm phim The Omen gặp phải những chuyện đen đủi không thể giải thích.
Trong ngày đầu tiên bấm máy, một vài thành viên chủ chốt của đoàn làm phim suýt mất mạng trong một tai nạn xe hơi đấu đầu. Một chuyến bay dự kiến mà đoàn làm phim hủy bỏ vào giờ chót sau đó bị rơi và cướp đi sinh mạng của toàn bộ hành khách. Bất chấp nhiều điềm gở như vậy, không có ai gặp chấn thương nghiêm trọng trên phim trường của The Omen.
Apocalypse Now (1979)
Quá trình thực hiện bộ phim kinh điển của đạo diễn Francis Ford Coppola không hề suôn sẻ. Bộ phim bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 1976 với Harvey Keitel thủ vai chính. Tuy nhiên, tất cả buộc phải hoãn lại bởi vị đạo diễn quyết định đuổi Keitel và thay thế ông bằng Martin Sheen. Nam diễn viên mới sau đó gặp phải một cơn đau tim trên phim trường củaApocalypse Now.
Quá trình thực hiện của tác phẩm kinh điển Apocalypse Now diễn ra không hề suôn sẻ, đặc biệt là ở phần nhân sự.
Tuy nhiên, đoàn làm phim gặp phải một vấn đề khác khi tài tử Marlon Brando mang thân hình quá khổ đến trường quay. Giải pháp được đưa ra là nam diễn viên chỉ xuất hiện trong những cảnh quay cận mặt và một diễn viên khác được chọn để đóng thế ông trong nhiều cảnh quay khác. Phim quay xong trong năm 1977 nhưng quá trình dựng phim quá phức tạp khiến Apocalypse Now chỉ có thể ra mắt khán giả hai năm sau đó.
The Twilight Zone: The Movie (1983)
Khi nhân vật Bill Connor trong phim nói với hai đứa trẻ đang được anh giải cứu trên chiến trường miền Nam Việt Nam rằng: "Chú sẽ giúp cho bọn cháu được an toàn. Chú hứa đấy", không ai ngờ đó lại là một trong những câu thoại cuối cùng của tài tử Vic Morrow. Sự kiện tai nạn trên trường quay của The Twilight Zone phiên bản điện ảnh chính là một trong những vết đen lớn nhất trong lịch sử Hollywood.
Nam diễn viên Vic Morrow bỏ mạng trên trường quay The Twilight Zone cùng hai diễn viên nhí.
Trong cảnh quay bị chiếc máy bay trực thăng đuổi theo, nhân vật Bill Connor cố gắng đưa hai đứa trẻ vô tội thoát khỏi cuộc tấn công của lính Mỹ đóng tại Việt Nam. Không may, pháo hoa trên trường quay phát nổ khiến đuôi máy bay bị hỏng và toàn bộ chiếc trực thăng rơi xuống, cướp đi mạng sống của Vic Morrow và hai diễn viên nhí là Myca Dinh Le và Renee Chen. Sau khi sự kiện thương tâm trên xảy ra, người ta phát hiện ra rằng hai diễn viên nhí đều được thuê diễn một cách phi pháp. Nhưng cho dù gặp phải rất nhiều vấn đề pháp lý, The Twilight Zone: The Movieđến với công chúng vào tháng 6/1983.
Video ghi lại tai nạn chết người trên phim trường 'The Twilight Zone'
Waterworld (1995)
Từ chỗ được kỳ vọng, bom tấn Waterworld trở thành một trong những trải nghiệm đáng quên đối với hãng Universal Pictures. Ban đầu, kinh phí sản xuất dự kiến của bộ phim chỉ là chưa đầy 5 triệu USD. Tuy nhiên, con số thực tế lên đến gần... 200 triệu USD. Điều đáng nói là bộ phim không đạt được doanh thu cao như mong đợi khi chỉ thu được 88 triệu USD khi ra mắt trong mùa hè năm 1995.
Không chỉ thất bại tại phòng vé, Waterworld gặp vô số những chuyện rắc rối trong quá trình thực hiện trước đó.
Quá trình thực hiện bộ phim cũng chẳng hề vui vẻ gì. Nhiều diễn viên và thành viên đoàn làm phim thường xuyên bị say sóng, một bối cảnh quay của bộ phim bị nước cuốn trôi xuống tận đáy biển và phim nhiều lần buộc phải ngừng quay vì gió lớn. Không chỉ có vậy, trong một cảnh quay lặn nước, diễn viên đóng thế cho tài tử Kevin Costner suýt mất mạng, và một thành viên đoàn thì bị sứa cắn. Sau đó, Waterworld thậm chí còn vấp phải cáo buộc từ phía các thành viên trong đoàn phim, cho rằng họ bị bóc lột sức lao động và yêu cầu được bồi thường.
The Matrix (1999), The Matrix Reloaded (2003) và The Matrix Revolutions (2003)
Loạt phim Ma trận lừng danh dường như mang một lời nguyền nào đó dành cho các diễn viên tham gia. Chuyện khởi điểm từ cô bạn gái Jennifer Syme của Keanu Reeves. Cô sinh hạ cho tài tử một bé gái năm 1999, nhưng không may bé đã mất ngay lúc chào đời. Hai người sau đó chia tay và tới năm 2001, Jennifer Syme qua đời trong một vụ tai nạn giao thông sau khi tới dự bữa tiệc của rocker Marilyn Manson.
Tài tử Keanu Reeves gặp nhiều chuyện không may mắn khi đang tham gia vào loạt phimMa trận.
Tiếp đó, nữ ca sĩ 22 tuổi Aaliyah qua đời trong một vụ tai nạn máy bay khi cô đang thủ vai Zee trong tập phim The Matrix Reloaded. Sự kiện đau lòng này cũng khiến quá trình thực hiện bộ phim bị trì hoãn một vài tháng. Không lâu sau khi Aaliyah ra đi, tới lượt Gloria Foster, người thủ vai Oracle trong hai tập phim đầu tiên, qua đời vì căn bệnh tiểu đường.
Nữ ca sĩ Aaliyah (phải) trên trường quay của Ma trận trước khi cô qua đời vì tai nạn máy bay.
Bản thân tài tử Keanu Reeves khi đang tham gia thực hiện bộ phim cũng gặp phải một tai nạn xe máy dù không quá nghiêm trọng. Cũng trong thời gian này, em gái của anh tái phát căn bệnh bạch cầu, khiến Keanu Reeves phải quay về chăm sóc cho cô và quá trình làm phim thêm một lần nữa bị gián đoạn. Khi kinh phí thực hiện bộ phim vượt quá tầm kiểm soát, Keanu Reeves chấp nhận cắt giảm 24 triệu USD tiền cát-xê để giúp đỡ đoàn làm phim. Dẫu gặp phải nhiều chuyện đen đủi kỳ lạ, loạt phimMa trận vẫn tạo ra cơn sốt tại các phòng vé và trong cộng đồng người hâm mộ điện ảnh.
The Passion of the Christ (2004)
Bộ phim gây nhiều tranh cãi của đạo diễn Mel Gibson có tựa đề The Passion of the Christ kể lại những ngày cuối cùng của Chúa Jesus và quãng hành trình ngay trước khi ông bị người ta đóng đinh lên thánh giá. Trong suốt quá trình quay phim, nam diễn viên thủ vai Chúa Jesus là Jim Caviezel gặp phải rất nhiều chuyện không may, trong đó có việc bị sét đánh.
Nam diễn viên Jim Caviezel gặp nhiều tai nạn khi thủ vai chúa Jesus trong tác phẩm gây tranh cãi The Passion of the Christ.
"Đó là trước khi chúng tôi thực hiện cảnh quay Bài Giảng trên Núi. Đúng ba giây trước đó, tôi bị sét đánh", nam diễn viên chia sẻ. Ngoài sự kiện đó, Jim Caviezel còn bị giảm thân nhiệt, trật vai và viêm phổi trong quá trình thực hiện bộ phim. Cứ mỗi lần trước khi diễn xuất, anh phải trải qua 8 tiếng trang điểm và dẫn đến hậu quả là bị viêm da. Chưa hết, Jim Caviezel còn có lần bị roi quật trúng người trong một vài đúp quay và xước da thịt. Xem ra thủ vai Chúa là một "nghề nguy hiểm".
Troy (2004)
Tác phẩm bom tấn dựa trên câu chuyện thần thoại Hy Lạp về thành Troy xem ra không được các vị thần trên đỉnh Olympus ủng hộ cho lắm. Thật trớ trêu khi người thủ vai anh hùng Achilles là Brad Pitt bị chấn thương ở... gân gót Achilles bên trái trong quá trình thực hiện bộ phim.
Brad Pitt bị chấn thương gót chân Achilles khi thủ vai người anh hùng... Achilles.
Nhưng tồi tệ nhất là trường hợp của George Camilleri, một diễn viên phụ bị gãy chân khi quay cảnh hành động tại Ghajn Tuffieha. Anh lập tức được phẫu thuật nhưng gặp phải biến chứng và qua đời sau đó hai tuần. Thêm vào đó, khi thực hiện các cảnh quay kết thúc tại Mexico, đoàn làm phim Troy gặp phải hai cơn bão trong vòng chưa đầy một tháng. Bất chấp những chuyện xui rủi, Troy vẫn là một cú hit tại phòng vé khi ra mắt.
The Man Who Killed Don Quixote
Năm 2000, đạo diễn nổi tiếng Terry Gilliam quyết định đưa tác phẩm văn học kinh điển Don Quixote lên màn ảnh rộng, với Jean Rochefort trong vai Quixote và Johnny Depp trong vai Sancho Panza. Giới phê bình hết sức kỳ vọng vào dự án phim nhưng tới giờ vẫn chưa ai được thấy tác phẩm hoàn chỉnh.
Đầu tiên, Rochefort gặp chấn thương lưng và buộc phải rời bỏ dự án phim. Sau đó, đoàn làm phim khám phá ra địa điểm quay tại Tây Ban Nha rất gần với một khu tập trận của NATO có tiếng ồn lớn. Cuối cùng, một cơn lũ quét sạch toàn bộ phim trường và thiết bị quay phim khiến cho việc thực hiện The Man Who Killed Don Quixote rốt cuộc bị hủy bỏ.
Hậu trường không thể giải thích nổi của The Man Who Killed Don Quixote được kể lại trong bộ phim tài liệu Lost in La Mancha.
Chi phí bảo hiểm cho toàn bộ chuỗi sự kiện đen đủi này ước tính rơi vào khoảng 16 triệu USD. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Người quan sát, đạo diễn Gilliam cho biết: "Một phần trong tôi không tin vào những điều đã xảy ra. Đây là một dự án phim khó khăn kể từ ngày đầu tiên, nhưng những chuyện tôi gặp phải thực sự kỳ quặc tới mức siêu thực". Câu chuyện kỳ lạ về hậu trường bộ phim chưa bao giờ ra mắt The Man Who Killed Don Quixote sau này được kể lại qua tác phẩm tài liệu Lost in La Mancha.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Hollywood Reporter, Terry Gilliam đã sẵn sàng trở lại với dự án này kể từ tháng 9.
Theo zing
Toàn cảnh phim tình dục gây sốc "Người đàn bà cuồng dâm" Cùng nhìn lại hành trình đến với rạp chiếu của bộ phim về đề tài tình dục gây sốc "Người đàn bà cuồng dâm". Nymphomaniac (Người đàn bà cuồng dâm) của đạo diễn Lars von Trier được coi là bộ phim gây tranh cãi vô tận và là cái tên gây sóng gió nhất làng điện ảnh thế giới trong suốt một thời...