Những bộ phim dựa trên chuyện leo núi có thật
“ Touching the Void”, “ North Face”, “Cold” hay “ Everest” mới đây là những bộ phim mang đề tài leo núi dựa trên những câu chuyện từng xảy ra ngoài đời thực.
Touching the Void (2003): Một trong những bộ phim leo núi hay nhất tái hiện trải nghiệm kinh hoàng của hai nhà thám hiểm khi họ cố trèo lên sườn Tây của ngọn Siula Grande, một phần của dãy Andes trên lãnh thổ Peru. Joe Simpson gặp tai nạn kinh hoàng dẫn đến bị gãy chân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Simon Yates tìm mọi cách để đưa Simpson xuống dưới nhưng trong tình thế nguy cấp, anh buộc phải bỏ bạn để tự cứu bản thân. Chỉ còn lại một mình trên núi, với cái chân bị thương và không chút đồ ăn, thức uống, nhưng Simpson quyết không đầu hàng số phận.
North Face (2008): Bộ phim của điện ảnh Đức dựa trên sự kiện có thật xảy ra năm 1936 khi hai đội leo núi đặt mình vào cuộc thi chinh phục đỉnh Eiger thuộc dãy Alpes nằm trong địa phận Thụy Sĩ.
Nội dung tập trung chủ yếu vào cuộc chiến sinh tồn của hai nhà leo núi với dụng cụ thô sơ, buộc phải bấu víu vào từng mỏm đá, từng đoạn dây thừng để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ có nội dung mang nhiều nút thắt bất ngờ, North Face còn sở hữu những cảnh quay sống động và khiến người xem mãn nhãn.
The Wildest Dream (2010): Dân leo núi đều biết đến George Mallory, nhân vật được cho là người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Cuộc đời ông chứa đựng nhiều vinh quang, nhưng lại kết thúc trong bi kịch khi George Mallory mất tích vĩnh viễn trong băng tuyết trên “nóc nhà thế giới”.
Video đang HOT
The Wildest Dream là bộ phim tài liệu nhằm tưởng nhớ nhà leo núi vĩ đại. Phim có hai tuyến truyện song song: một là cuộc đời Conrad Anker, nhà thám hiểm phát hiện ra xác George Mallory sau 75 năm bị chôn vùi, và hai là những lát cắt cuộc đời của chính Mallory được kể lại qua những bức thư.
Cold (2011): Không phải chuyến leo núi nào cũng diễn ra trong điều kiện thời tiết lý tưởng. Cold đặt ra câu hỏi liệu con người có thể lên tới đỉnh một ngọn núi cao 8000 m vào giữa mùa đông hay không? Tác phẩm tài liệu ngắn được được thực hiện từ máy quay cầm tay nhỏ của Cory Richards, người có chuyến hành trình đáng nhớ trong cuộc đời khi trở thành người Mỹ đầu tiên leo lên đỉnh núi cao 8000 m trong điều kiện thời tiết gió lạnh và băng tuyết liên tục.
127 Hours (2010): Không quá tập trung vào chuyện leo núi, nhưng bộ phim của đạo diễn Danny Boyle và tài tử James Franco cũng có những yếu tố liên quan tới độ cao khi kể lại chuyến đi bộ thám hiểm của nhân vật Aaron Ralston. Bị kẹt lại trong tảng đá ở hẻm núi Utah, anh phải chịu đựng suốt 127 giờ liền cho đến khi quyết định tự cắt bỏ cánh tay mình bằng một con dao cùn nhằm thoát ra ngoài.
Phim dựa trên cuốn hồi ký của chính Aaron Ralston mang tên là 127 Hours: Between a Rock and a Hard Place. Toàn bộ tác phẩm rất chân thực và mãnh liệt. Dù người xem biết trước cái kết, họ vẫn hồi hộp mong chờ thời khắc quyết định đáng sợ của Ralston.
Everest (2015): Đỉnh Everest thuộc dãy Himalaya được cho là ngọn núi cao nhất thế giới (8.848m), nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng. Không ít người khao khát được đặt chân lên “nóc nhà thế giới”, bất chấp những thử thách khắc nghiệt tột cùng có thể cướp đi cả sinh mạng. Theo thống kê trong thế kỷ 20, “cứ 4 người leo lên đỉnh Everest thì lại có một người không thể trở về”.
Tuy nhiên, năm 1996 được coi là thời khắc đen tối nhất trong lịch sử thám hiểm Everest khi có tới 19 người nằm lại trên núi, bao gồm cả Rob Hall và Scott Fischer – hai nhà leo núi dẫn đường kỳ cựu. Bộ phim năm 2015 xoay quanh thảm kịch mà họ gặp phải khi một cơn bão bất ngờ ập tới Everest vào tháng 5/1996.
Theo Zing
Phim 'Everest': Kỳ vĩ nhưng thiếu cảm xúc
Dựa trên sự kiện đau thương năm 1996 trên "nóc nhà thế giới", bộ phim thành công về mặt hình ảnh nhưng chưa tạo được mối liên kết cảm xúc giữa người xem và nhân vật.
Với chiều cao 8.848 m, đỉnh Everest là ngọn núi cao nhất trên Trái đất nếu tính từ mặt nước biển. Đây đồng thời cũng là một trong những địa điểm khắc nghiệt nhất hành tinh khi có hệ thời tiết riêng, rất khó dự đoán. Ở đó, tốc độ gió thường xuyên nằm trong khoảng 160 km/h, nhưng thậm chí có thể lên tới 281 km/h. Những trận lở tuyết hay bão tố có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Chinh phục đỉnh Everest là ước mơ của nhiều nhà leo núi trên toàn cầu.
Nhiệt độ thấp nhất trên Everest có thể xuống tới -60 độ C. Ngay cả lúc thời tiết ổn định nhất, nhiệt độ trung bình vẫn xuống tới -19 độ C vào mùa hè và -36 độ C vào mùa đông. Lượng oxy trên núi không đủ để hoạt động hô hấp có thể diễn ra bình thường và giúp con người tồn tại. Song, vẫn có vô vàn lý do để các nhà leo núi tìm cách chinh phục Everest: vì đam mê mạo hiểm, vì mong muốn vượt qua chính mình, vì thích được khám phá...
Cũng tại Everest, không biết bao nhiêu bi kịch đã xảy ra. Một trong những thảm kịch nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 5/1996, khi hai đoàn leo núi của Rob Hall và Scott Fischer bất ngờ gặp bão và khiến một số thành viên tử nạn. Nay đạo diễn Baltasar Kormákur muốn kể lại câu chuyện đau lòng ấy, dựa trên kịch bản của hai nhà biên kịch William Nicholson và Simon Beaufoy.
Để các diễn viên có được cảm giác chân thực nhất, hãng Universal và Kormákur có một quyết định khá mạo hiểm: đưa đoàn làm phim lên vùng núi Everest suốt ba tháng liền để ghi hình, thay vì sử dụng trường quay nhân tạo hay quá dựa dẫm vào kỹ xảo vi tính. Đây cũng là một trong số ít những tác phẩm điện ảnh năm 2015 được ghi hình bằng máy quay IMAX.
Bởi vậy, trải nghiệm điện ảnh mà Everest đem tới là rất tuyệt vời. "Nóc nhà thế giới" bị tuyết che phủ trắng xóa hiện lên qua tầm nhìn trong vắt. Hiệu ứng 3D của phim được thực hiện khá kỹ lưỡng. Mỗi khung hình đều có đủ độ nổi và độ sâu cần thiết. Kèm theo phần hòa âm xuất sắc, mỗi khi bão tuyết nổi lên, khán giả lại được chứng kiến những trận cuồng phong đáng sợ qua cả thị giác lẫn thính giác.
Hiệu ứng hình ảnh và 3D của bộ phim là cực kỳ ấn tượng khi phim được quay tại một số vùng của Everest.
Song, do Everest có quá nhiều nhân vật, cảm xúc mà bộ phim đem tới bị phân tán theo quá nhiều hướng, khiến phim trở thành một tác phẩm tâm lý mang chất tài liệu nhiều hơn là điện ảnh.
Trên danh nghĩa, nhà leo núi dẫn đường Rob Hall (Jason Clarke) là nhân vật chính. Nhưng anh không được đạo diễn Kormákur và các biên kịch dành cho đủ thời gian. Càng đáng tiếc khi vấn đề ấy cũng xảy ra với toàn bộ các nhân vật còn lại.
Ôm đồm quá nhiều nhân vật khiến Everest không tạo được liên kết cảm xúc cần thiết với người xem.
Mất hơn một tiếng giới thiệu nhân vật và những khó khăn trở ngại trong việc chinh phục Everest, bộ phim đem tới hàng loạt nhân vật khác nhau: Beck Weather (John Brolin) - vị bác sĩ "trốn nhà" đi leo núi để chứng tỏ sự oai phong; Doug Hansen (John Hawkes) - một người đưa thư mang mong muốn truyền cảm hứng cho những đứa trẻ tại quê nhà khi leo Everest; Scott Fischer (Jake Gyllenhaal) - nhà leo núi dẫn đường có tính cách phóng khoáng, hơi khùng điên; Yasuko Namba (Naoko Mori) - người phụ nữ Nhật Bản đã chinh phục 6 trong 7 đỉnh núi cao nhất hành tinh...
Từng câu chuyện rất thú vị, nhưng quá nhiều nhân vật xuất hiện khiến mạch cảm xúc của Everest liên tục bị đứt quãng. Không một ai gây ấn tượng đủ sâu với người xem và mọi thứ đều chỉ dừng ở mức thoáng qua.
Trailer bộ phim 'Everest'
Điều cần thiết đối với một phim thảm họa là khiến khán giả có cảm tình với nhân vật, thích họ, quan tâm đến họ rồi vui khi họ thoát nạn, hay đau buồn khi bất trắc xảy ra... Tuy nhiên, Everest chưa làm được điều đó. Có chăng, câu chuyện về người vợ ở quê nhà của Rob Hall lại là điều đọng lại lâu nhất trong tâm trí khán giả, chứ không phải những con người đang gian nan vượt bão trên ngọn núi cao.
Zing.vn đánh giá: 3,5/5
Everest khởi chiếu trên toàn quốc từ 18/9.
Theo Zing
Sao "Kẻ hủy diệt" lấy nước mắt khán giả trong phim thảm họa Jason Clarke, ngôi sao của "Kẻ hủy diệt 5" sẽ thể hiện vai diễn nhà leo núi Rob Hall - linh hồn của bộ phim "Everest". Được xem là ứng viên cho những giải thưởng điện ảnh năm nay, bộ phim nói về thảm họa ở "nóc nhà thế giới" Everest đang là một trong những tác phẩm được cả giới chuyên môn...