Những bố mẹ chồng khiến con dâu phát… sợ
Cấm đưa con về nhà bố mẹ đẻ
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạ ở Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) kể về những tình huống chết dở vì phải sống chung cùng với bố mẹ chồng khó tính.
Hiện vợ chồng chị Hạ đã có với nhau một cậu con trai gần 2 tuổi và phải sống với bố mẹ chồng vì chồng chị là con trai một.
Từ nhà chị đến nhà chồng là anh Minh không xa lắm, chỉ độ 60km. Cuộc sống khá giả, thoải mái về vật chất, thi thoảng cũng không tránh khỏi bất đồng. Tuy nhiên có một điều khiến chị Hạ luôn phiền muộn là bố mẹ chồng luôn cấm chị mang con về quê ngoại.
Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Hồi trước, khi mới cưới, chị và chồng được về nhà bố mẹ vợ để lại mặt. Từ đó, chị không được về lần nào nữa, cho đến mãi sau này khi sinh con và được khoảng hơn 6 tháng thì nhỏ bạn thân học từ bé đi lấy chồng định cư ở nước ngoài về quê chơi và mong muốn gặp chị để tâm sự hàn huyên sau bao năm xa cách.
Để giữ ý tứ, mẹ chị cũng đã gọi điện thoại tới nhà chồng để xin phép cho chị và cháu về nhà chơi mấy hôm nhưng bố mẹ chồng nhất quyết không cho.
Đáp lại điều đó, mẹ chồng chị cho rằng, việc anh chị sống chung trong nhà với bố mẹ thì phải có sự thống nhất, kể cả việc xin đi đâu, ở đâu. Còn việc mang con cùng về chơi thì nhất quyết không được vì cho rằng cháu mình còn quá nhỏ.
.Lúc ấy, chị cảm thấy đau và nhục lắm! bởi chị thấy thương mẹ mình vì tự dựng bị xúc phạm, hơn hết, chị còn thấy mặc cảm với đứa bạn thân nữa.
Sau lần đó chị vẫn quyết định về và sẽ xin lỗi ông bà sau. Nếu bây giờ cứ giằng co mãi cũng không thể giải quyết được vấn đề gì. Trái lại, tình cảm gia đình, mẹ con ngày càng sứt mẻ và hơn hết là sẽ khiến chồng chị khó xử.
Cho đến đợt gần đây, khi cô em gái chị ăn hỏi, chị Hạ một lần nữa ngỏ ý xin mang cả con về nhà bố mẹ đẻ thì bố mẹ chì chiết bảo: “Dì đến tuổi thì dì cưới, để thằng M đại diện về (chỉ chồng chị) chứ con còn bé mà cứ tha lôi về hết lần này lần nọ thì không được”.
Video đang HOT
Nhà chị chỉ có hai chị em gái, em ăn hỏi chị không về thì ăn nói sao được với họ hàng làng xóm. Hơn hết con chị cũng có mỗi một người dì, đưa con về để chơi với ông bà ngoại, với dì thì có sao đâu. Chị không nghĩ bố mẹ chồng chị lại khó tính và có kiểu suy nghĩ độc đoán như thế.
Lần này chị cũng không dám cãi vì nghĩ cũng chỉ do ông bà thương cháu, nghĩ cháu còn nhỏ đi đường mệt nên mới cư xử như thế. Sau đó hai vợ chồng chị vẫn nhất quyết mang cháu về cùng. Ai dè khi về đến nhà bố mẹ đẻ thì bố chồng gọi điện mắng nhiếc và cho rằng bố mẹ chị không biết dạy để con cái không biết phép tắc, thể thống, lề lối gia phong.
Không dừng lại ở đó, khi mới bước chân về đến sân nhà, ông bà còn không cho chị bế con vào mà bắt chị đứng ở bên ngoài cửa để họ lấy bùa chú mua ở chợ về đốt, khuơ khuơ trước mặt và xung quanh người con chị để đuổi tà ma khiến chị rất bực mình nhưng vì chồng và con nên không thể nói gì, làm gì được.
Đuổi đi chỉ vì 200 nghìn đồng
Câu chuyện của chị Mai Thị Loan, Phú Diễn, (Từ Liêm, Hà Nội) có chút khác với câu chuyện trên.
Chị Loan và chồng cưới nhau cách đây 5 năm nhưng mãi sau 3 năm chị và chồng mới sinh được mụm con nhưng là con gái.
Chồng chị là con trai cả trong gia đình và kinh tế không mấy khá giả nên lẽ đương nhiên sau khi cưới hai vợ chồng chị phải sống chung và phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ chồng.
Chính những điều trên đã khiến cho cuộc sống gia đình anh chị trở nên nặng nề, thậm chí nhiều lần mẹ chồng còn tỏ ra khinh thường chị.
“Tôi kể những câu chuyện này không có ý chê bai những bố, mẹ chồng cực kỳ khó tính, bởi tôi biết không phải ai cũng như vậy. Tuy nhiên sau gần 5 năm chung sống trong cùng một mái nhà, cách hành xử của họ khiến tôi phát… sợ”. – chị Loan nói.
Chị Loan kể, chị nhớ rất rõ lần mới đây nhất là từ đầu tháng 2, vì đứa bạn thân cùng học đại học với chị lấy chồng và mời cả hai vợ chồng cùng tham dự, chồng chị bận không đi được.
Sau một hồi bàn bạc chị nói với chồng là nên đi 500 nghìn, nhưng chồng không đồng ý và chỉ đưa 300 nghìn đồng và nói chỉ đi như vậy thôi.
Chị bảo chồng: “Đi số tiền ấy không được vì ngày xưa bạn ấy cũng mừng mình ngần ấy tiền rồi, chả lẽ lúc đi lại mình không đi được chừng ấy”.
Rồi chị bảo chồng đưa thêm 200 nghìn nữa nhưng anh nhất quyết không đưa và hai bên bắt đầu cãi cọ. Trong lúc tức giận, chị Loan lấy vội cốc nước để uống thì không may lỡ tay làm rơi vỡ khiến đứa con gái khóc thét.
Bố mẹ chồng cũng ở phòng bên cạnh nghe thấy câu chuyện nhưng lại tỏ ý bênh con trai mình. Họ xúm lại mắng chị là đồ nhà quê mà sĩ diện, là mất dạy rồi đòi đuổi chị ra khỏi nhà.
Lúc đó vì cũng phải chuẩn bị đi đám cưới nên chị đành ngậm đắng và bế con bước ra khỏi nhà luôn.
Chiều hôm đó, gia đình chồng gọi điện thoại cho mẹ đẻ chị và nói rằng bà trả con dâu về, yêu cầu gia đình chị phải mang cháu nội (tức con vợ chồng chị) trả cho bà.
Chị Loan không bao giờ nghĩ cái giá của mình lại rẻ mạt như vậy, chỉ vì 200 nghìn đồng tiền mừng đám cưới bạn mà chồng chị lại như thế. Hơn hết ngay cả bố mẹ chồng chị cũng không đứng ở giữa để suy xét mà đổ lỗi lên chị, đuổi chị ra khỏi nhà.
Đó chỉ là một trong số cái cớ mà gia đình chồng đã từng lấy để “tố” chị với bố mẹ đẻ trong suốt gần 3 năm sống chung. Cũng chả hay ho gì để phơi bày những chuyện đó nhưng những năm tháng tiếp theo chị phải sống như thế nào để bố mẹ chồng không còn đuổi chị về nữa.
Theo VNE
Không thiết tha nhà chồng
Tôi không hạnh phúc ở ngôi nhà ấy thì tại sao tôi phải về? Mẹ chồng tôi nói: "Nếu đi thì đi luôn đi nghen, đừng có về nữa, tôi không có chứa đâu". Tôi nhìn Tuấn cầu cứu.
Anh bước tới gần mẹ khẽ nắm lấy tay bà: " Để cho vợ con về bển coi sao đi mẹ, lỡ có chuyện gì sau này khỏi ân hận". Mẹ chồng tôi gạt mạnh tay anh: " Thôi đi, chuyện gì là chuyện gì? Tôi thì tôi biết chẳng có chuyện gì đâu, chỉ tìm cớ trốn việc. Mấy lần trước cũng nói là bệnh nặng, là hấp hối đó, rồi vẫn sống nhăn ra đó có chết đâu?".
Câu nói này của mẹ chồng tôi chẳng khác nào giọt nước làm tràn cái ly ấm ức trong lòng tôi. Ba tôi bệnh nặng, mấy đứa em gọi điện bảo về gấp vì tụi nó không biết làm sao, trong nhà lại không có tiền bạc gì. Tôi biết cái bệnh hen suyễn mãn tính của ba tôi. Mỗi lần lên cơn nếu không có thuốc men kịp thời thì tính mạng có thể bị đe dọa. Nhưng lần này, con út nói nó thấy trong hồ sơ khám bệnh mới nhất của ba ghi là K phổi. Tụi nó còn nhỏ không biết đó là căn bệnh chết người. Con út nói ba không cho gọi tôi nhưng nó thấy ba mệt quá nên phải gọi...
Vậy mà mẹ chồng tôi cứ khăng khăng cho rằng tôi kiếm cớ để trốn việc. " Con biết là có nói gì thì mẹ vẫn nghĩ là con kiếm cách về bên đó để trốn việc hoặc là đút nhét gì đó cho nhà con. Thưa mẹ, tuy nhà con nghèo thật nhưng từ ngày về làm dâu nhà này, con chưa bao giờ lấy cái gì của nhà chồng để đưa về nhà cha mẹ ruột. Con có cho ba mẹ con thứ gì thì đều do chính tay con làm ra. Nếu lần này mẹ không cho con về thăm mà ba con có mệnh hệ nào, con sẽ không bao giờ quên đâu...". Tôi phải cố gắng lắm mới nói được trọn vẹn suy nghĩ của mình.
Và tôi không chờ để nghe tiếp những lời chì chiết lạnh lùng của mẹ chồng. Tôi bỏ vào phòng. Cứ nghĩ tới cảnh ba tôi đang thở nặng nhọc, thậm chí đang đau đớn vì bệnh tật hành hạ, tôi không thể nào cầm được nước mắt. 5 năm tôi về làm dâu nhà Tuấn là bấy nhiêu thời gian tôi sống trong đọa đày. Anh biết điều đó, hết lòng an ủi, động viên nhưng tôi không bao giờ tìm được cảm giác ấm áp, tin cậy bởi cuối cùng rồi thì lần nào anh cũng nhân nhượng mẹ.
Tuấn là con trai út trong gia đình. Trên anh có tới 4 anh em, trai có, gái có. Các anh chị đều đã lập gia đình nhưng vẫn ở chung trong ngôi nhà lớn. Trong đó vợ chồng tôi được phân công ở cùng ba mẹ chồng. Ngày trước tôi nghĩ các chị dâu khác ở được thì mình cũng ở được nhưng khi về sống chung thì tôi mới biết, họ yên thân, thậm chí có phần được ba mẹ chồng tôi nể nang là vì khi về nhà chồng, họ đã mang theo một số hồi môn không nhỏ. Không như tôi, chỉ có hai bàn tay trắng.
"Ba mẹ già rồi, không sống được bao lâu nữa... thôi thì thương anh, hãy nhịn mẹ đi cho vui cửa vui nhà em à"- Tuấn dỗ dành khi thấy tôi cứ khóc rấm rức. Tôi không trả lời bởi đã quá mỏi mệt. Không biết có phải vì lúc nào cũng sống trong trạng thái căng thẳng như vậy hay không mà đã 5 năm, tôi chẳng thể có con. Chính điều đó càng làm cho ác cảm của mẹ chồng tôi tăng lên.
Thật sự, tôi không còn tha thiết đến chuyện vợ chồng nữa (Ảnh minh họa)
Con út lại gọi. Lần này nó vừa nói vừa khóc: " Chị hai ơi, sao em thấy ba không thở gì hết... em sợ quá, chị hai về với tụi em đi". Tôi nói với Tuấn, cố giữ vẻ thản nhiên: " Em phải về xem ba thế nào. Anh liệu lời mà nói khi mẹ hỏi". Anh bảo sẽ đi cùng tôi nhưng tôi kiên quyết không chịu. Tôi lấy mấy bộ quần áo, mấy thứ lặt vặt và nhìn quanh căn phòng đã giam cầm mình suốt 5 năm qua và có cảm giác, đây là lần cuối cùng...
Từ quận 1 về Cần Giờ, tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Và ba tôi đã không chờ đợi được. Hình như ông đã đi trước lúc con út gọi cho tôi mà nó không biết. Tôi nhìn ba tôi nằm trên bộ ván trước hiên nhà. Y như ông đang nghỉ trưa chứ không phải đã mãi mãi không trở về nữa. Tôi nắm tay cha. Bàn tay ông đã bắt đầu lạnh. Tôi nắn bóp chân ông như những lần về thăm vẫn bóp chân cho ba. Nhưng bây giờ không còn ai xoa đầu tôi, hỏi thăm chuyện ăn ở nhà chồng, hỏi thăm chuyện con cái và trách móc sao tôi không đẻ cho ông đứa cháu ngoại...
Tất cả ký ức ùa về khiến tôi thấy tim mình thắt lại. Ba tôi đã ở vậy để nuôi chị em tôi khôn lớn kể từ khi mẹ tôi mất đi. 2 đứa em kế tôi đã phải bỏ học để đi làm phụ ba nuôi mấy đứa nhỏ. Trong nhà chỉ có mình tôi được ăn học đàng hoàng. Ngày chưa bị bệnh, ba hay nói, mong tới ngày con gái trả hiếu. Tôi hỏi, ba muốn tôi trả hiếu như thế nào, ba bảo tôi sắm cho ba "bộ đồ vét" để đi ngồi sui.
Thế nhưng tới ngày tôi đi lấy chồng, nghĩ tới nghĩ lui, sợ con tốn tiền, ba nhất định không chịu may đồ mới mà đi mượn bộ đồ đã cũ của bác tư bên hàng xóm. Vậy mà ba rất vui vì con gái được gả về nơi giàu có... " Ráng mà ăn ở cho người ta thương nghe con"- ba xoa đầu tôi căn dặn sau lễ rước dâu.
Bây giờ ba cũng bỏ chị em tôi mà đi rồi. Tôi nhìn lũ em mà không biết sau này chúng sẽ sống ra sao... Đám tang ba tôi, nhà chồng đi phúng điếu rất hậu hĩ, bà con lối xóm ai cũng trầm trồ khen ngợi khi thấy tấm giảng thật to, con heo quay thật bự, mâm trái cây toàn thứ đắt tiền. Tôi nhìn những thứ ấy mà lòng nghe đắng chát. Không hiểu vì lý do gì, mẹ chồng tôi không có mặt. Nhưng tôi cũng không hỏi Tuấn.
Xong đám tang ba tôi, Tuấn nấn ná chờ tôi về nhưng tôi bảo anh: " Anh về trước đi. Vài hôm nữa em về". Anh chần chừ: " Em không về... sợ mẹ lại giận hờn. Mấy hôm nay không có ai chăm sóc, hình như mẹ mệt hơn mọi ngày". Tôi nhìn anh: " Vậy chớ mấy chị và mấy đứa cháu đâu?". Anh nói lý do này nọ nhưng tôi kiên quyết không về...
Và đến nay đã hơn 1 tháng, Tuấn đã đến đón mấy lần, tôi vẫn không về. Anh hết năn nỉ lại dọa dẫm và đưa mẹ ra để làm áp lực. Nhưng tôi vẫn không muốn về. Tôi không hạnh phúc ở ngôi nhà ấy thì tại sao tôi phải về? Trong khi ở đây, lũ em đang cần tôi và tôi thấy thật thoải mái khi được trở về sống trong ngôi nhà của cha mẹ mình. Thật sự, tôi không còn tha thiết đến chuyện vợ chồng nữa. Có lẽ duyên nợ của tôi với anh đến đây là hết rồi.
Nhưng nếu nói lý do để chấm dứt một cuộc hôn nhân như vậy liệu có là hợp lý?
Và người ta có cho tôi ly hôn chỉ vì lý do như vậy?
Theo 24h
Bị người cũ "vạch tội" sống thử Anh đe dọa, sẽ cho gia đình chồng tôi biết chuyện tôi và anh đã từng sống thử. Sau khi đọc bài "Nữ sinh đắng lòng vì sống thử", tôi như tìm thấy hình ảnh của mình trong những câu chuyện đó! Đúng thật, ngày đang yêu nhau, đang chung sống với nhau thì sao thấy hạnh phúc, yên ấm quá! Nhưng khi...