Những bí mật ít biết về Chánh Tín!
Câu chuyện đổi đời của Chánh Tín từ bộ phim này còn được dệt bởi nhiều giai thoại…
1. Chánh Tín vừa kêu khổ trong bài báo đầu tiên, bạn vong niên của tôi một nghệ sĩ có tiếng, nói sẽ sớm gửi tiền ủng hộ bởi “cùng nghệ sĩ với nhau”.
Tôi thử ướm với người bạn khác cũng đang chuẩn bị ra bưu điện gửi tiền “còn nhiều người tận khổ cần giúp lắm” thì nghe giải thích đơn giản “Chẳng gì cũng thần tượng một thời. Nom ông ấy trên báo thảm quá”.
Thập kỷ 80, Chánh Tín ra Hà Nội dự Liên hoan phim Việt Nam, có lần tôi nhìn thấy anh trước cửa rạp Tháng Tám, mặc cả cây bò màu chàm sáng, rất cao. Gầy và trẻ hơn trong phim. Khi ấy anh đã nổi lắm rồi với những tập đầu tiên “ Ván bài lật ngửa”. Xứng đáng nhận Bông sen vàng diễn xuất cho bất cứ tập nào, cuối cùng được ghi nhận ở tập “Trời xanh qua kẽ lá”.
Vừa mới đây Chánh Tín kể lại, 7 ngàn khán giả Pleiku từng chen nhau để được thấy anh, đến nỗi sập cả tường sân vận động. Dân thủ đô thì không thế, họ chỉ đứng ngắm từ xa. Nhưng cái tên đặc Nam Bộ Chánh Tín len vào câu chuyện của từng nhà và không nghi ngờ gì nữa, đó là diễn viên được hâm mộ nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Nào là “người đàn ông đẹp nhất Việt Nam”, “Đâyanốp Việt Nam”.
Đâyanốp hoặc Đianốp – vai diễn của diễn viên Xtêphan Đanailốp trong bộ phim Bulgary “Trên từng cây số” không ai không biết, người có vẻ đẹp hoàn hảo với chiếc cằm chẻ và gương mặt khả ái.
Gần đây, tivi liên tục phát lại “Ván bài lật ngửa” – kể cả kênh An Ninh TV. Xem lại 8 tập vẫn không thấy một khiếm khuyết diễn xuất nào của Nguyễn Thành Luân, trong khi hai bạn diễn Thúy An và Thanh Lan có phần cứng.
Mí mắt dưới của Chánh Tín có hơi mọng mọng so với tuổi 30 song ánh mắt thì không chê được, quyến rũ từ động tác bật lửa hút thuốc trở đi. Chỉ một cử chỉ lấy tay bịt chiếc điện thoại đang dùng dở và quay sang Thùy Dung (Thanh Lan): “Pha cho anh một ly càphê thật nóng đi” đã khiến cả nhà bạn tôi xuýt xoa ngưỡng mộ bởi vẻ duyên dáng, bặt thiệp.
Câu chuyện đổi đời của Chánh Tín từ bộ phim này còn được dệt bởi nhiều giai thoại, ví dụ chuyện ông Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM Dương Đình Thảo và nhà văn – nhà chính trị Trần Bạch Đằng, tức Nguyễn Trương Thiên Lý (tác giả kịch bản “Ván bài lật ngửa”) đã có “con mắt xanh” nhìn ra tài năng của Chánh Tín, sốt sắng bảo lãnh để anh được đóng vai này sau cái phốt anh vượt biên không thành.
Thông tin Chánh Tín phá sản, mất nhà lan truyền chỉ vài ngày đã có người hứa cho 500m2 đất và cả kinh phí xây nhà; người thì muốn gánh nợ cho, có hai người trao ngay 100 triệu đồng tiền tươi. Người bạn nghệ sĩ của tôi kể, mấy năm nay mỗi lần ra Hà Nội, Chánh Tín thường được bạn bè tổ chức hát ở phòng trà kiếm chút tiền.
Tuổi đã 60 hơn, “Nguyễn Thành Luân” vẫn diện bộ veston trắng, đi giày trắng. Lúc trở về bạn bè và khán giả lại tặng ít tiền tiêu pha. Hóa ra chỉ sợ không có người để ái mộ chứ một khi đã có thì lòng ái mộ này khá dai dẳng, mấy chục năm.
Video đang HOT
Chánh Tín nói một phần nhờ anh tiến cử đóng “ Dòng máu anh hùng” mà Ngô Thanh Vân nổi tiếng. So với sự nổi tiếng của Chánh Tín, Thương Tín ngày xưa thì Ngô Thanh Vân cũng như nhiều người nổi tiếng hoặc tự xưng diễn viên bây giờ chưa thể gọi là nổi tiếng, chưa phải diễn viên đúng nghĩa dù được truyền thông đề cập ngày ngày.
Hãng phim mà Chánh Tín có cổ phần làm nhiều phim và có lẽ “Dòng máu anh hùng” không phải nguyên nhân duy nhất khiến anh vỡ nợ. Xem những phim hãng sản xuất như “ 14 ngày phép”, “ Sài Gòn Yo”, “ Bẫy rồng”, “ Hiệp sĩ guốc vông”…, thấy không lỗ mới lạ. Phim hay còn lỗ chổng vó nữa là.
Có vợ đảm là ca sĩ Bích Trâm, bằng cấp đầy người và giỏi nấu nướng, nhưng quán ăn hai vợ chồng mở hồi nào cũng thất bại rất nhanh. Đã vậy từ khi mở quán, thường xuyên phải tiếp khách, nghệ sĩ sinh tật nhậu liên miên. Rượu và có lẽ không chỉ rượu đã tàn phá gương mặt đẹp sang trọng “nhất Việt Nam”.
Ít năm trước, nghe tin một nữ nghệ sĩ nổi tiếng vừa qua đời, khi tuổi tương đối trẻ, tôi thử điện thoại cho Chánh Tín xem anh có biết không. Anh cho biết đang nhậu ở Đà Lạt và chẳng biết gì cả, giọng nghe nhừa nhựa. Số là trước đó, anh từng thừa nhận với tôi rằng có tình cảm nhất định với diễn viên này, còn chị cũng hơn một lần công khai thán phục anh trên báo.
Đám tang cũng không thấy anh, chỉ thấy bạn diễn Trần Quang của chị. Ít ngày sau, đêm trao giải Cánh diều có dành ít phút tưởng nhớ và tôn vinh chị. Ngay sau đó, Chánh Tín tươi cười lên phát biểu nhận giải cho phim truyền hình mà mình làm. Tôi chờ đôi câu Chánh Tín hồi nhớ, tôn vinh nữ nghệ sĩ mà không thấy.
Giờ anh lên báo, mười phần xuân đã hao gầy tám chín phần, cầu cứu báo chí và người hâm mộ. Lập tức hiệu quả; nhưng thần tượng một thời lại cũng phải chịu sự phán xét của người đời, khá nghiệt ngã.
Người bạn nghệ sĩ mau mắn ủng hộ Chánh Tín nói “Ông ấy ra nông nỗi này cũng vì điện ảnh không phát triển, người tài và đẹp thế mà không có vai lớn để đóng. Hết “Ván bài lật ngửa” là hết chuyện luôn”.
Trong dòng phim mỳ ăn liền cuối thập kỷ 80 Chánh Tín cũng góp mặt, có phim đóng với Đồng Thu Hà. Nhưng rồi cho đến sau này, anh khá lòa nhòa trong các bộ phim nhì nhằng và đến gần đây, với những vai như ông trùm trong “Lệnh xóa sổ”, còn đâu Nguyễn Thành Luân ngày nào.
Thỉnh thoảng, liên tưởng quá khứ hiện tại, phim và đời của một số “thần tượng”, tôi lại nhớ truyện ngắn “Chàng Đỏ” của Somerset Maugham. Người đàn ông trầm tính nọ có vợ đẹp nhưng họ không hạnh phúc vì người vợ này suốt ngày tơ tưởng mối tình đầu, chàng trai có biệt danh Chàng Đỏ-tuyệt mỹ, mái tóc màu lửa còn miệng thì “như một vết thương đỏ chói”.
Người kể chuyện xưng tôi: “Vốn có ngoại hình tầm thường, tôi đánh giá rất cao sự duyên dáng của người khác” và trong một lần để tâm kiếm tìm, ông đã tình cờ gặp lại Chàng Đỏ.
Sau bao năm lưu lạc, nay chàng hiện ra là kẻ thô lỗ quê mùa, xấu xí – hậu quả của những chuyến hải hành mưu sinh khốn khổ, và cả cú đấm của thời gian. Người kể chuyện xưng tôi cảm thấy bẽ bàng cho mình và vợ đã dựng lên một thần tượng trong tâm trí suốt bao năm.
Dù sao, cũng may mà Việt Nam có một “Ván bài lật ngửa”, một Chánh Tín. Kẻo biết lấy ai, phim nào mà nhớ đến mấy chục năm ròng, để rồi hy vọng hay thất vọng.
Có tin câu chuyện về “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn cũng sẽ được chuyển thể điện ảnh và truyền hình, nghe mà ái ngại. Lấy đâu ra một Chánh Tín thứ hai mà làm đây.
2. Có một người tuy không phải “ngôi sao” hay thần tượng, nhưng cũng được nhiều người trong giới tôn trọng kể cả người viết bài này, sau khi ông làm một hai phim đàng hoàng. Bỗng một ngày ông thay đổi. Khi ngồi vào ghế giám khảo thấy ông bênh chằm chặp bộ phim mà ai cũng thấy là đạo rành rành một bộ phim Mỹ (giám khảo Chu Lai còn nói toẹt là đạo 100% chứ không phải 70-80%, bởi “có mỗi cái kịch bản thì ông ăn cắp hết của người ta”).
Gần đây giải thích vì sao đưa” Thần tượng” – phim hội khá đủ căn bệnh hồn nhiên hoang sơ của điện ảnh Việt – lên chiếu Cánh diều vàng, thà ông nói nó đỡ hơn so với các phim thảm họa khác, song ông lại đôn lên như thể nó là thần tượng điện ảnh mới từ xử lý âm nhạc đến quay phim, đạo diễn, diễn viên. Choáng.
Có người trong nghề nói, ông ấy và gia quyến cũng vướng phải những hệ lụy của kinh tế thị trường. Cũng cần tiền, cần được mời làm phim chứ.
Đời là thế, và nhân vô thập toàn. Như Tom Hanks ngoài phim dở hơi Larry Crowne thì đóng phim nào ra phim đó, thực sự là “đỉnh”. Gương mặt không hẳn đẹp song ấm áp và càng già càng lịch duyệt. Thế mà nghe nói ngoài đời chàng rất kẹo, chả cho ai đồng nào. Beatrice Dalle thì bị đồn mắc bệnh “cầm nhầm” giống Wiona Ryder.
Thần tượng một thời, đến ngày không thần tượng nữa, Chàng Đỏ đã chết, cảm giác xót xa còn những chuyện nhỏ hơn như thế này trôi nhanh thôi…
Theo Tiền Phong
Các tài tử điện ảnh Việt đình đám một thời giờ ra sao?
Nghệ sĩ Chánh Tín đang đối diện với nguy cơ phá sản, Thương Tín từng một thời vướng vòng lao lý giờ đã tạm yên bình khi được làm cha ở tuổi gần 60.
NSND Thế Anh sinh năm 1938, tại Hà Nội. Thời niên thiếu, ông được gia đình cho ăn học rất tử tế. Ông từng công tác tại Trường Trung Cao cấp quân sự trong 2 năm trước khi trúng tuyển vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1961. Tuy nhiên, chỉ đi học được 4 tháng, ông quyết định chuyển sang Trường Nghệ thuật Sân khấu. Ba năm sau, Thế Anh được giao vai trung úy Phương trong Nổi gió. Đây là vai diễn đầu tiên đầu tiên trong sự nghiệp nhưng Thế Anh đã rất thành công và nhanh chóng trở thành thần tượng của người yêu điện ảnh Việt thời bấy giờ.
Ưu điểm lớn nhất của NSND Thế Anh là trẻ hơn tuổi. Chính bởi vậy, năm 1977 - khi đã gần 40 tuổi, ông còn được giao vai chàng sinh viên trẻ trong bộ phim Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh. Với vai diễn này, ông đã nhận giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980. Năm 2001, ông được nhà nước phong danh hiệu NSND. Hiện tại, ông sống ở TP.HCM cùng gia đình và thỉnh thoảng vẫn góp mặt trong một số bộ phim truyền hình hoặc các lễ trao giải điện ảnh lớn...
Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952, tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống võ học. Cuộc đời của ông đã trải qua khá nhiều thăng trầm. Từng theo học trường luật, từng là ca sĩ được nhiều người biết tới với giọng hát ngọt ngào nhưng cũng có lúc Chánh Tín "xộ khám" vì tìm đường vượt biên. Vai điệp viên Nguyễn Thành Luân đến với ông chính vào thời điểm đó. Khi thực hiện bộ phim Ván bài lật ngửa, biên kịch Trần Bạch Đằng nhắm tới một diễn viên khác. Nhưng quay xong tập 1, ông lại cảm thấy không ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên cho vai này. Chánh Tín được một vị quan chức ngành văn hóa tin tưởng và bảo lãnh ra tù để thử vai. Trong lần thử vai, biên kịch Bạch Đằng thích cách diễn tự nhiên, chân thật và có nét gì đó khác người của Chánh Tín nên vai Nguyễn Thành Luân đã thuộc về ông.
Rất nhiều năm đã trôi qua, nhắc tới Nguyễn Chánh Tín, nhiều người chỉ nhớ tới nhân vật Nguyễn Thành Luân và Ván bài lật ngửa. Những năm 1980, Chánh Tín là thần tượng trong lòng biết bao người Việt. Thậm chí câu nói "Đẹp trai như Chánh Tín" đã trở thành câu "cửa miệng" của các chị các em thời đó. Nhưng sau ánh hào quang, ông vẫn phải bươn chải kiếm tiền để lo toàn cuộc sống thường nhật. Hiện tại, Nguyễn Chánh Tín đang phải đối mặt với nỗi lo mất đi ngôi nhà duy nhất vì những thua lỗ của hãng phim Chánh Phương khi làm phim Dòng máu anh hùng. Hình ảnh mới nhất của ông (ảnh phải) được chụp vào trưa ngày 14/3 sau một thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện 115 - TP.HCM. Chánh Tín đang cầu cứu các cơ quan chức năng để tránh tình thế hai vợ chồng già phải dắt díu nhau ra đường.
Thương Tín nổi lên cùng thời với Nguyễn Chánh Tín. Những năm 1980-1990, ông là át chủ bài của làng kịch nghệ miền Nam. Ông còn giữ kỷ lục diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa nhất Việt Nam với con số lên tới 200 tác phẩm lớn nhỏ. Vai diễn thành công nhất của Thương Tín là Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn. Sau ánh hào quang danh vọng, Thương Tín từng là một tay chơi có tiếng và rất đào hoa. Chính ông từng tâm sự: "Ở thời bao cấp, thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng. Sở dĩ tôi đóng được nhiều phim mà vẫn tiêu xài như thế được vì sau khi ly dị xong đã có một phụ nữ rất giàu yêu tôi. Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào". Thương Tín từng kết hôn với ca sĩ Mỹ Dung và có một con trai. Có thời gian, cả gia đình ông chuyển sang Mỹ sinh sống nhưng nhớ quê, nhớ nghề, ông lại quay về Việt Nam.
Tuy nhiên, sau scandal đánh bạc năm 2007, cuộc sống của Thương Tín lật sang một trang hoàn toàn mới. Sáu Tâm đẹp trai, hào hoa ngày nào giờ chỉ còn là ông lão già nua, hom hem và lặng lẽ. Niềm vui tuổi già của Thương Tín là bỗng dưng có một đứa con gái nhỏ. Ông hạnh phúc chia sẻ về kế hoạch đi đóng phim để nuôi con nhỏ và người vợ trẻ: "Thời hoàng kim, tôi luôn ước ao mình sẽ có một đứa con gái. Nhưng ước hoài mà có được đâu, thậm chí lúc tôi có nhiều tiền nhiều bạc vẫn không thực hiện được ước mơ đó. Đến giờ, điều kiện không còn như xưa, thì lại có. Mỗi lần về thăm con, bàn tay bé xíu của con gái sờ mặt, sờ mũi mình, tôi sướng ghê lắm, sướng không giải thích được". Những bộ phim gần đây của Thương Tín có thể kể đến Tình người xứ hoa, Bên kia sông, hay Tối qua mơ gì.
Trần Lực thuộc lớp đàn em của ba tài tử điện ảnh nói trên. Anh sinh ra trong một gia đình có nhiều người thành công ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Ông nội anh là nhà văn Trần Tiêu - em trai của nhà văn Khái Hưng. Còn cha anh chính GS. NSND Trần Bảng. Trần Lực từng được ví von như thể công tử hào hoa của điện ảnh Việt. Nhưng chính anh lại đến với điện ảnh một cách tình cờ: "Năm ấy, tôi đi học về sân khấu ở Liên Xô mới về nước. Tôi đến đoàn làm phim cùng bạn bè, nhưng ở đó, người ta thấy tôi trắng trẻo quá, thư sinh quá, cứ mời đi đóng phim. Rồi sau đó, những lời mời cứ đến liên tục...".
Trong hành trang điện ảnh - truyền hình của Trần Lực, có thể kể đến những bộ phim ấn tượng như Mẹ chồng tôi, Hoa ban đỏ, Người đi tìm dĩ vãng, Anh chỉ có mình em, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, Đời chè... Trong cuộc sống riêng, Trần Lực cũng trải qua khá nhiều thăng trầm. Anh ba lần kết hôn mới tìm được bến đỗ bình yên của riêng mình. Hiện tại, Trần Lực và người vợ thứ ba cùng nhau quản lý hãng phim riêng.
Theo Tri thức
Chánh Tín trả Ngô Thanh Vân cát-xê 10 triệu Tham gia bộ phim Ngôi nhà trong hẻm, cát-xê của Ngô Thanh Vân là 10 triệu đồng. Những ngày vừa qua, câu chuyện về nghệ sỹ Chánh Tín bị "vỡ nợ" và lâm vào cảnh túng thiếu đã trở thành tâm điểm của dư luận. Bên cạnh nhiều khán giả, nghệ sỹ bày tỏ sự thương cảm dành cho Chánh Tín thì cũng...