Những bi kịch phía sau bức ảnh “Quý cô phủ bụi” trong vụ khủng bố 11/9
Bức ảnh “ Quý cô phủ bụi” là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được xem là biểu tượng của thảm kịch ngày 11/9.
Bức ảnh nổi tiếng mang tên “Quý cô phủ bụi” (Ảnh: Stan Honda/AFP).
Stan Honda – khi đó là một nhiếp ảnh gia của hãng tin AFP – vào ngày 11/9/2001 đã nhận được một cuộc gọi từ đồng nghiệp báo rằng, một máy bay đã lao vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ.
Honda đã chụp được khoảnh khắc khi một trong hai tòa tháp đôi đổ sập xuống.
“Tôi ra khỏi trạm tàu điện ngầm và trên mặt đất là hàng trăm người đứng quan sát tòa tháp đôi. Tòa nhà vẫn đứng ở đó và có khói bốc ra ngùn ngụt. Tôi chưa nghe tin về việc chiếc máy bay thứ 2 đã đâm vào tòa nhà nên chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Một đám mây bụi khổng lồ xuất hiện, đổ xuống đường. Mọi người bắt đầu bỏ chạy”, Honda kể.
Sau đó, nhiếp ảnh gia này bắt đầu chụp ảnh những người hoảng sợ trước thảm kịch khủng bố kinh hoàng cho tới khi bầu không khí tối sẫm lại vì bụi. Honda sau đó quan sát thấy cảnh sát kéo nhiều người vào trong sảnh một tòa nhà văn phòng. Ông chạy theo và đó là thời khắc mà ông chụp được một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được xem là biểu tượng của thảm kịch ngày 11/9.
“Một phụ nữ hoàn toàn bị bụi phủ lên. Dù cô ấy mặc đồ công sở và đi giày, nhưng bạn không thể biết chúng màu gì. Cô ấy dừng lại một vài giây gần thang máy và tôi giơ máy lên chụp cô ấy”, Honda kể lại.
Sau khi AFP đăng tải bức ảnh lên, người phụ nữ trong ảnh đã được truyền thông gọi bằng cái tên “Quý cô phủ bụi”. Chỉ tới năm 2002, danh tính của người này mới được biết tới. Đó là Marcy Borders từ Bayonne, New Jersey. Vào thời điểm đó, Borders là trợ lý luật tại Ngân hàng Mỹ, làm việc ở tầng 81 trong tòa tháp đôi và đã may mắn thoát ra ngoài kịp trước khi tòa tháp đổ sập.
Bi kịch dai dẳng
Nhìn lại những khoảnh khắc thảm khốc trong vụ khủng bố 11/9
Borders 28 tuổi khi thảm kịch 11/9 xảy ra và cô thừa nhận rằng chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn khỏi chứng trầm cảm sau vụ tấn công khủng bố. Sau nhiều năm, Borders vẫn mắc chứng sợ nghe thấy tiếng máy bay, sợ các tòa nhà cao tầng và thề sẽ không bao giờ quay lại khu vực Hạ Manhattan.
Năm 2014, bà Borders bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày, căn bệnh mà cô tin là do bụi độc mà Borders tiếp xúc sau khi tòa tháp sụp xuống. Borders qua đời năm 2015 ở tuổi 42.
Đây không phải là câu chuyện của riêng Borders, không phải là bi kịch mà chỉ một mình bà phải hứng chịu sau vụ khủng bố kinh hoàng 20 năm trước. Đã 2 thập niên trôi qua, hàng chục nghìn người như Borders vẫn đang đối mặt những di chứng lâu dài của vụ khủng bố, không chỉ là những ám ảnh, sang chấn tâm lý, mà còn là hàng loạt các căn bệnh ung thư nghiêm trọng do hậu quả của việc hít phải bụi độc.
Theo AFP , 2 tòa tháp sập xuống đã đẩy một lượng lớn hóa chất chưa từng có ra môi trường xung quanh gồm dioxin, asbestos và những chất kịch độc gây ung thư. Hai mươi năm sau thảm họa gây chấn động thế giới, New York và Mỹ vẫn đang tiếp tục thống kê số người mắc ung thư hoặc các bệnh nặng khác có liên quan tới lượng hóa chất độc hại bị đẩy ra ngoài không khí Manhattan vài tuần sau thảm họa.
Theo AP , khoảng 110.000 người đã đăng ký tham gia Chương trình Y tế của Trung tâm Thương mại Thế giới, chương trình chăm sóc y tế miễn phí cho những người có vấn đề sức khỏe có thể liên quan đến khói bụi. Nhiều người tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe có chung triệu chứng như ung thư da, trào ngược axit hoặc ngưng thở khi ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ ung thư tăng cao hơn 10-30% với những người đã tiếp xúc với hóa chất ở hiện trường khi so sánh với những người không tiếp xúc.
Mỹ đã chi 11,7 tỷ USD để chăm sóc và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi bụi độc, nhiều hơn 4,6 tỷ USD so với tiền bồi thường Washington chi cho gia đình những người chết hoặc thiệt mạng trong vụ 11/9.
“Tôi thấy buồn khi nghe tin Borders qua đời năm 2015. Bà ấy là một người đã sống sót qua thảm kịch 11/9 và thật buồn khi chứng kiến bà ấy chết trẻ như vậy”, phóng viên ảnh Honda.
Sự kiện 11/9 gồm 4 vụ tấn công khủng bố do các phần tử Al-Qaeda thực hiện. Chúng đã cướp 4 máy bay chở khách tại Mỹ trước khi lần lượt thực hiện các vụ tấn công thảm khốc.
Hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi cao 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, một máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc ở Virginia, máy bay còn lại đã bị rơi khi đang nhắm tới tấn công Washington D.C. Các vụ tấn công đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương, cũng như gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Giải mã 3 giả thiết liên quan đến vụ 11/9
Các vụ khủng bố 11/9 đã qua đi 20 năm qua nhưng các thuyết âm mưu vẫn tràn ngập thế giới. Nhân dịp kỷ niệm này, tạp chí Popular Mechanics (PMC) đã giải mã một số nghi vấn liên quan tới vụ tấn công.
Tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York bị sụp đổ trong vụ tấn công 11/9 (Ảnh: Getty).
Vì sao tòa tháp đôi bị sập?
Nghi ngờ: Chiếc máy bay bị không tặc đầu tiên đâm xuyên từ tầng 94 đến tầng 98 của tòa tháp Bắc 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York (Mỹ) vào sáng ngày 11/9/2001; chiếc máy bay thứ hai lao vào tầng 78 đến tầng 84 của Tòa tháp Nam 110 tầng. Tác động của vụ va chạm và vụ cháy xảy ra sau đó đã ngay lập tức làm gián đoạn dịch vụ thang máy ở cả hai tòa nhà. Thêm vào đó, các hành lang của cả hai tòa nhà đã bị hư hại trước khi các tòa tháp sụp đổ.
"Không thể nào mà máy bay lại có thể gây thiệt hại trên diện rộng đối với hơn 80 tầng phía dưới như vậy", một nghi vấn được đăng tải trên trang Trung tâm truyền thông độc lập San Diego (sandiego.indymedia.org) viết. "Rõ ràng và không thể bác bỏ là các vụ nổ khác (... như các vụ nổ bom chấn động) đã được kích hoạt tại các tầng dưới của tòa tháp cùng thời điểm máy bay đâm.
Sự thật: Sau báo cáo sơ bộ tháng 5/2002 của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) - chi nhánh của Bộ Thương mại Mỹ, cũng đã đưa ra một báo cáo khác vào mùa xuân năm 2005. Cuộc điều tra của NIST cho thấy các mảnh vỡ máy bay đã cắt xuyên qua trục của tháp Bắc, tạo ra một đường ống dẫn để đốt nhiên liệu của máy bay và gây đám cháy khổng lồ bao trùm tòa nhà. Forman Williams, cố vấn NIST và là chuyên gia về đốt cháy cho hay: "Rất khó để biết nhiên liệu đã rơi đi đâu, nhưng nếu nó phun ra và bắt lửa, điều đó sẽ khiến khu nhà nổ tung".
Việc đốt cháy nhiên liệu di chuyển xuống các trục thang máy, làm gián đoạn hệ thống thang máy và gây ra thiệt hại lớn cho các hành lang. NIST đã nghe lời khai của nhân chứng đầu tiên rằng "một số thang máy bị sập tức thì" và rơi xuống tầng trệt. James Quintiere, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Maryland và là cố vấn của NIST cho biết: "Các cánh cửa bị mở trên sảnh giúp ngọn lửa bùng lên làm mọi người thiệt mạng".
Một bằng chứng tương tự được ghi lại trong bộ phim tài liệu của Pháp về 11/9 do Jules và Gedeon Naudet thực hiện. Khi Jules Naudet bước vào sảnh tháp Bắc, vài phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên va chạm, anh nhìn thấy các nạn nhân bốc cháy, cảnh tượng mà Naudet thấy kinh hoàng nên nhanh chóng ghi lại được.
Nhìn lại những khoảnh khắc thảm khốc trong vụ khủng bố 11/9
Thép tòa tháp đôi WTC bị nóng chảy?
Nghi ngờ: Trang web AttackOnAmerica.net cáo buộc rằng: "Chúng ta đã bị lừa". "Lời nói dối đầu tiên là nhiên liệu từ máy bay là nguyên nhân dẫn đến hỏng kết cấu thép. Thực tế, không một ngọn lửa bằng xăng dầu nào có đủ sức nóng để hóa lỏng sắt thép cả", bài báo nghi ngờ.
Sự thật: Nhiên liệu máy bay cháy ở 427-815 độ C, không đủ nóng để nấu chảy thép (khoảng 1510 độ C). Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý, để các tòa tháp sụp đổ, khung thép không cần phải nóng chảy mà chỉ cần mất đi một phần sức mạnh kết cấu, nên mức nhiệt ít hơn so với mức nóng chảy cũng gây ảnh hưởng.
Phó giám đốc Sở cứu hỏa New York nay đã nghỉ hưu Vincent Dunn nói: "Tôi chưa bao giờ thấy thép nóng chảy trong một vụ cháy tòa nhà, nhưng tôi đã thấy rất nhiều thép bị xoắn cong vênh, và chảy xệ. Điều xảy ra là thép biến dạng ở cả hai đầu, nhưng khi không thể giãn nở ra được nữa, nó bị chùng xuống và bê tông xung quanh nứt ra".
Kỹ sư cấp cao Farid Alfawak-hiri từ Viện Xây dựng Thép Mỹ nhận định: "Thép mất khoảng 50% độ bền khi ở 593 độ C, và ở 982 độ C độ cứng chỉ còn dưới 10 phần trăm". NIST cũng tin rằng phần lớn lớp cách nhiệt chống cháy dạng phun có khả năng bị văng khỏi các dầm thép nằm trên đường va chạm của máy bay, khiến kim loại dễ bị tác động bởi nhiệt hơn.
Forman Williams, giáo sư kỹ thuật tại Đại học California, San Diego, cho hay máy bay không phải là thứ duy nhất gây cháy bởi trong khi nhiên liệu máy bay là chất xúc tác cho hỏa hoạn thì còn nhiều chất trợ cháy khác ở chính tòa tháp như thảm, rèm cửa, đồ nội thất và giấy. Theo báo cáo của NIST, tại trung tâm đám cháy, nhiệt độ ngọn lửa đo được lên tới khoảng 1000 độ C,
"Nhiên liệu máy bay là nguồn đánh lửa. Nó có thể cháy trong 10 phút, và tòa tháp vẫn đứng yên trong 10 phút. Phần còn lại của những thứ cháy được sau đó là nguyên nhân dẫn đến sự tăng và truyền nhiệt lên cao khiến tòa nhà sụp đổ", Forman Williams nhận định.
Mây bụi khổng lồ do đâu mà ra?
Nghi ngờ: Khi từng tòa tháp sụp đổ, người ta nhìn thấy rất rõ những luồng bụi khổng lồ kèm theo những mảnh vỡ văng ra từ các phía của tháp. Một quảng cáo cho cuốn sách "Những câu hỏi nhức nhối: Phân tích về vụ tấn công ngày 11/9" viết: "Những đám mây bụi bắn ra khỏi các tòa nhà có thể không phải do sự cố sập, mà là do các vụ nổ bên trong". Nhiều thuyết âm mưu dẫn lời Van Romero, chuyên gia về chất nổ và là phó chủ tịch của Viện Khai mỏ và Công nghệ New Mexico rằng "có một số thiết bị nổ bên trong các tòa nhà khiến các tòa tháp sụp đổ. Sự sụp đổ của các cấu trúc giốngnhững vụ nổ có kiểm soát được sử dụng để phá hủy các cấu trúc cũ".
Sự thật: Khi một tòa nhà bất kỳ bắt đầu sụp đổ, trọng lượng của tất cả các tầng phía trên tác động trực tiếp xuống tầng nguyên vẹn phía dưới là rất lớn. Không thể tải được sức va chạm khổng lồ, tầng đó sẽ bị hỏng, truyền lực tiếp xuống tầng bên dưới, gây ra sự sụp đổ dây chuyền.
Giống tất cả các tòa nhà văn phòng khác, tòa tháp đôi WTC chứa một lượng không khí khổng lồ. Khi chúng xoay tròn, không khí đó cùng với khói bụi bê tông và các mảnh vỡ khác bị nghiền nát bởi lực của vụ sụp đổ được phóng ra với một năng lượng khổng lồ.
"Khi sàn bị sập, nó sẽ bắn không khí và bụi bê tông ra ngoài qua cửa sổ, giống như khi ta đập một chiếc hộp rỗng", điều tra viên chính của NIST, Shyam Sunder nói. Ông Sunder còn cho biết thêm, những đám mây bụi đó có thể tạo ra ấn tượng về một sự phá hủy có kiểm soát, "nhưng chính sự đổ vỡ của sàn nhà dẫn đến sự suy đoán này".
Liên quan đến giả thiết trên, chuyên gia về chất nổ Van Romero lấy làm tiếc những bình luận trên của ông trở thành "miếng mồi" những người theo thuyết âm mưu. "Tôi đã bị trích sai lời khi nói rằng tôi nghĩ đó là chất nổ đã phá hủy tòa nhà. Tôi chỉ nói rằng đó là những gì trông giống như thế", Romero đính chính. Romero nhấn mạnh rằng ông đồng ý với kết luận khoa học rằng hỏa hoạn khiến các tòa nhà của WTC bị sập.
Mỹ sẽ chiếu đèn trời, cắm 2.977 lá cờ tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 Tròn 20 năm xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001, nhiều hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng và bị thương vào ngày đen tối nhất trong lịch sử Mỹ sắp diễn ra. Tower of Light thắp sáng bầu trởi Arlington, Virginia, ngày 9/9. Ảnh: AP Buổi chiếu đèn đặc biệt Tower of Light sẽ thắp sáng khu vực...