Những bi kịch của tân sinh viên
Xa nhà, ăn ở, đi lại khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, thêm lối sống khép kín, thậm chí là sự phân biệt, kỳ thị âm thầm khiến nhiều tân sinh viên rơi vào nỗi chán chường.
Thu mình vì phân biệt vùng miền
“Bạn quê ở đâu? – Hải Phòng. Còn bạn? – Ái. Hải Phòng à? Thế thì đanh đá ghê gớm lắm!”
Đó là đoạn hội thoại đầu tiên trong suốt hai tuần học đầu tiên của Nguyễn Thị Duyên (SV năm nhất, quê ở Hải Phòng) với ba người bạn ngồi bàn trên. Mọi hào hứng kết bạn biến mất. Nỗi ấm ức thay cho sự ngại ngùng – Duyên không nói thêm lời nào.
Bước vào giảng đường, không ít sinh viên thu mình vì những kỳ thị vùng miền (Ảnh VNN)
“Em cảm thấy tức không chịu được, chẳng hiểu vì sao họ lại đặt chuyện ra như vậy? Nhưng chẳng lẽ cãi nhau ngay trong lớp? Thế chẳng khác nào khẳng định lời của họ là đúng!” – Duyên ấm ức nói. Kể từ đó, Duyên lặng lẽ hẳn, không còn muốn chủ động kết bạn với ai trong lớp nữa.
Còn Lã Thị Phượng (SV HV Báo chí tuyên truyền, quê Nghệ An) đã có nguyên một tuần liền không trò chuyện gì với bạn bè cùng phòng trong KTX. Phượng cũng hạn chế tối đa giao tiếp với các bạn, chỉ vì sợ bị chê giọng mình khó nghe.
“Hồi mới ra Hà Nội, mỗi lần trò chuyện, các bạn lại nhìn nhau rồi hỏi lại em vì khó hiểu. Có bạn rất ác, rấm rứt cười khiến em thấy mình như bị đem ra làm trò cười vậy” – Phượng rụt rè nói.
Vốn nhút nhát, cô bé quyết định càng ít nói càng tốt, càng ít giao tiếp càng tốt cho đỡ bị để ý.
Bi kịch hơn, một số tân sinh viên còn chia sẻ họ vô cớ bị bạn bè cùng phòng trọ tẩy chay, chơi xấu vì quan niệm vùng miền.
“Lúc biết em quê Nam Định, các bạn chỉ cười nhạt, rồi dần dần thấy họ lạnh nhạt với mình. Phòng có sáu người, nhưng các bạn chỉ mượn đồ, dùng đồ của nhau, còn chẳng bao giờ hỏi đến em. Đi ăn cơm, đi mua sắm họ cũng rủ nhau đi, không rủ em” – Trần Thị Liên (SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) buồn nói.
Video đang HOT
Liên càng đau lòng hơn khi tìm hiểu ra lý do khiến mình bị “hắt hủi” là vì những người bạn kia cho rằng “dân Nam Định ghê gớm”, “dân hai ngón”, không nên thân thiết hay qua lại nhiều. Những câu truyền miệng, những lời nói vô tình ác ý đã khiến quãng thời gian đầu nhập học của Liên thật nặng nề.
“Sóng ngầm”…
Mỗi người mỗi quê, ai cũng có những tự hào, những tâm sự riêng. Vì nhiều định kiến, suy nghĩ chưa chín chắn khiến không ít bạn trẻ tự đặt ra những ranh giới, đẩy chính mình và bạn bè vào những con sóng ngầm của sự phân biệt, kỳ thị.
Nhiều SV trong lớp của Phan Thị Thanh (xin giấu tên trường đang học) đã quá quen với kiểu tách nhóm của hội “quý tộc”. Theo Thanh, nhóm này toàn những bạn con nhà khá giả, được chu cấp đầy đủ xe đẹp, “dế” xịn và đều là “người Hà Nội”. Các bạn chỉ chơi với nhau, tụ tập, chia sẻ với nhau còn các sinh viên tỉnh lẻ khác thì lại chia thành nhiều nhóm nhỏ khác. Bởi vậy học chung nhưng có nhiều bạn không biết tên của nhau là chuyện bình thường. Mặc dù không ai nói ra nhưng tất cả đều cảm nhận được không khí thiếu đoàn kết trong lớp qua những khác biệt trong phong cách, lối sống.
“Đến lớp nhiều lúc hơi buồn vì chẳng mấy ai thực sự thân thiết, hòa đồng. Mình cũng là sinh viên tỉnh lẻ nên cũng có phần mặc cảm. Bạn nào nói chuyện, chia sẻ gì thì mình quan tâm lại, còn không cũng kệ” – Thanh nói.
Nguyễn Thanh Loan (SV Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội) cho biết, thời gian đầu chưa hiểu hết về nhau, cũng có nhiều khoảng cách giữa các bạn nông thôn và thành thị, lớp chia thành nhiều tốp, học và chơi theo hội, thậm chí có cái nhìn không thiện cảm lắm với các bạn xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn do khác nhau về phong cách, cách ứng xử. Tuy nhiên, nhờ những chuyến dã ngoại hay các buổi ngoại khóa, các bạn chia sẻ nhiều hơn, đồng cảm và gần như không còn những ánh mắt nghi ngại như trước nữa.
“Dù bạn là ai, đến từ đâu không quan trọng. Thời sinh viên tưởng dài nhưng ngắn ngủi lắm, nếu không nắm tay nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống sẽ cảm thấy hối tiếc khi mất đi những tình bạn đẹp chỉ vì định kiến, suy nghĩ hẹp hòi…” – Loan chia sẻ.
Theo TTVN
Cạm bẫy rình rập tân sinh viên
Một trong những nỗi lo của sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội trong mùa nhập trường là vấn đề về nhà ở. Khi đối mặt với "cuộc chiến" tìm nhà trọ khốc liệt nhiều tân sinh viên dễ dàng trở thành miếng mồi ngon của các "cò"...
Mùa hoạt động của "cò"
Những ngày này, "cò" nhà trọ xuất hiện khắp nơi tại nhiều cổng trường đại học, cao đẳng mời chào các tân sinh viên chân ướt, chân ráo tìm chỗ ở khi lên Thủ đô học tập.
Vừa dừng xe gần cổng trường Đại học KHXH&NV đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, ngay lập tức một người đàn ông tiến về phía chúng tôi mời chào: "Tìm phòng trọ phải không.Định kiếm phòng giá bao nhiêu? Thời điểm này là hơi khó đấy, muốn thuê phải đặt cọc trước...".
Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, anh ta bồi thêm: "Bọn em tìm đúng người rồi đấy. Xung quanh đây nhiều "cò" lắm. Đây là phòng trọ "gia đình" nên giá cả rất hợp lý. Đồng ý anh dẫn đi chỉ mất 100.000 đồng tiền phí đến khi nào tìm được phòng ưng ý thì thôi". Thậm chí, tại một số bến xe, bến tàu như Giáp Bát, Long Biên, chỉ cần "bắt sóng" đối tượng là sinh viên, ngay lập tức "cò" nhà trọ, thậm chí những người hành nghề "xe ôm" lại gần co kéo: "Đi "xe ôm" không? Anh giới thiệu phòng trọ tốt, giá rẻ cho...".
Những khu nhà trọ chật chội mà các bạn sinh viên đang ở
Khảo sát quanh khu vực các trường đại học như Bách khoa, Sư phạm Hà Nội, Ngoại ngữ... chúng tôi bắt gặp quảng cáo cho thuê phòng trọ dán khắp nơi. Mặt buồn so, vai khoác ba lô nặng trĩu, mắt ngân ngấn nước, Huỳnh Thanh Tú, tân sinh viên Đại học Ngoại ngữ buồn bã: "Biết tìm phòng trọ ở Thủ đô rất vất vả nên cách đây 3 tuần, em đã cùng bố lên Hà Nội tìm được phòng trọ ưng ý và đặt tiền cọc cho chủ nhà.
Tưởng mọi việc suôn sẻ, vậy mà em mới lên muộn một ngày họ đã bảo cho người khác thuê và nhất định không trả lại em tiền đặt cọc... Ở nơi xa lạ, không người thân, họ hàng, em chẳng biết phải xoay xở thế nào...". Nhiều bạn sinh viên sau khi bị ăn "quả lừa" đã rút ra chân lý, "cò" luôn đưa sinh viên đến những nơi không thể ở được, khiến họ nản chí, sau đó, lấy luôn khoản tiền đặt cọc từ 100.000-150.000 đồng. Nếu muốn tìm phòng tốt hơn, các bạn sinh viên phải tiếp tục móc hầu bao trả thêm 100.000 đồng thì họ mới dẫn đi tìm phòng tiếp. Và rốt cuộc nhiều bạn mất oan tiền cho "cò" mà chưa chắc đã tìm được phòng trọ...
Hiện không ít "cò" nhà trọ còn dùng thủ đoạn "cháy phòng", buộc thí sinh và người nhà phải đặt cọc thì mới giữ phòng cho, nhưng sau đó thì biến mất. Hoàng Oanh, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc thở dài: "Em thấy quảng cáo được dán gần cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội "cho thuê phòng trọ, liên hệ số điện thoại 0904...". Em gọi điện đến số điện thoại này thì được họ cho biết phòng trọ gần trường, điều kiện tốt. Nếu em muốn sẽ có người dẫn đi xem, nhưng phải đặt cọc trước 300.000 đồng. Khi tìm được phòng ưng ý, số tiền đó sẽ trừ vào tiền phòng và trong vòng 1 tuần nếu không có phòng, họ sẽ trả lại một nửa số tiền đã đóng. Tuy vậy, sau khi dẫn em đi xem một số nơi nhưng em không ưng, họ nói để mấy ngày nữa có phòng sẽ gọi lại. Mấy ngày sau, em sốt ruột gọi điện lại thì họ nói chưa có phòng. Hai hôm trước, em gọi đến số máy đó thì không liên lạc được".
Giá cao, chất lượng kém
Tìm được một phòng trọ với giá hợp lý đối với những người có "kinh nghiệm" đã khó, đối với các sinh viên lần đầu ra Hà Nội trọ học càng khó bội phần. Sau nhiều ngày rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm đi tìm phòng trọ, Nguyễn Tuấn Anh, quê ở Hải Dương, tân sinh viên của trường Đại học Kiến trúc cho biết vẫn chưa kiếm được một chỗ trọ nào phù hợp. "Lựa chọn mãi, em mới tìm được một căn phòng trọ cấp 4 ở Ngũ Hiệp - Thanh Trì rộng khoảng 14m2, giá 800.000 đồng/tháng.
Nhưng do không tìm được ai ở cùng, một mình thuê cả phòng thì không đủ tiền, nên mấy ngày nay em vẫn đang cố gắng đi tìm chỗ khác...", Tuấn Anh cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên, nếu như năm ngoái giá 1 căn phòng cấp 4, từ 10-12m2, có giá từ 350.000-500.000 đồng/tháng, thì năm nay có giá 600.000 - 800.000 đồng/tháng. Những căn hộ trong các khu tập thể cũ của Hà Nội cũng có giá từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi giá nhà trọ tăng, chất lượng phòng trọ lại không tương xứng. Nhiều phòng trọ diện tích khá hẹp, mất vệ sinh nhưng lại có giá "trên trời", nhưng nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận thuê. Nguyễn Hồng Nhung, quê ở Lạng Sơn thở dài: "Cách đây hai tuần bố mẹ em đã nhờ người quen tìm nhà, đặt cọc để em lên Hà Nội là có nhà ở ngay.
Mặc dù giá thuê khá cao, 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước, nhưng căn phòng em đang ở rất tồi tàn, chỉ rộng khoảng 10m2. Đã vậy, cả khu nhà trọ có tới gần 20 phòng, nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh chung. Em đành ở tạm, chờ đến hết tháng rồi tính tiếp vậy...".
Tại một khu nhà trọ, gồm 2 dãy nhà cấp 4 ở Thanh Xuân Bắc chúng tôi thấy trong căn phòng rộng hơn 10m2 có tới 3 sinh viên ở chung, 200.000 đồng/tháng/người, chưa kể điện nước. Mặc dù, cảm thấy khá ái ngại cho điều kiện sinh hoạt của các bạn sinh viên ở đây, nhưng chủ nhà trọ này cho biết, với giá thuê 600.000 đồng/phòng/tháng thì như vậy là phù hợp, dù hơi chật chội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các phòng đã kín chỗ, nhiều phụ huynh và sinh viên đến hỏi thuê trọ, nhưng họ cũng đành phải từ chối.
Trước nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho sinh viên mùa nhập trường các trường đại học cũng mở cửa ký túc xá nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ, phần đông vẫn trông chờ vào phòng trọ của nhà dân. Thậm chí, tại nhiều địa bàn tập trung đông các trường đại học như phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, CAP và các cơ quan đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền đến các chủ nhà trọ không bắt chẹt giá, nâng giá đối với sinh viên. Song tình trạng "cò" nhà trọ, ăn chặn tiền đặt cọc của sinh viên vẫn diễn ra phổ biến.
Những chiêu moi tiền của chủ nhà trọ
Hơn 1 tháng nay, các khu vực cho thuê nhà trọ sinh viên quanh các trường đại học lớn tại Hà Nội đã trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Sau một tuần lọ mọ khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố, lần theo các địa chỉ rao vặt trên Báo Mua và Bán, Nguyễn Văn Tùng (SV năm nhất, Học viện Bưu chính Viễn thông) mới tìm được một phòng trọ cũ rộng khoảng 8m2 ở làng Phùng Khoang, huyện Từ Liêm.
Tùng chia sẻ, ngay từ khi biết tin đỗ ĐH, gia đình Tùng đã nhờ một số người quen ở Hà Nội tìm giúp nhà trọ song chỉ tìm được phòng có giá cao nên Tùng không có đủ điều kiện chi trả. Do vậy, đến sát ngày khai giảng, Tùng phải đích thân đi tìm nhà. Khi thấy Tùng ngỏ ý muốn thuê, chủ nhà nói thẳng tưng: "Phòng này trước đây cho thuê 1,5 triệu đồng.
Nay giá cả đắt đỏ nên tăng thêm 500.000 đồng nữa, tổng cộng là 2 triệu đồng/tháng nhưng chỉ được tối đa ba người ở. Đồng ý thì đặt cọc, không đồng ý thì... lượn" . Không chỉ có vậy, chủ nhà còn cho biết, giá điện nước cũng sẽ tăng lên từ 20-40% so với năm trước. Cụ thể là giá điện trung bình 5.000-7.000 đồng/kWh, nước từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/m3.
Cũng theo Nguyễn Văn Tùng, càng gần khu vực trường giá nhà trọ càng cao. Với những phòng có gác xép, giá còn tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Thông thường, ngoài tiền đặt cọc chủ trọ còn yêu cầu sinh viên đóng tiền theo quý, thậm chỉ cả nửa năm học nhằm tránh trường hợp người trọ chỉ ở một thời gian ngắn.
Không chỉ tăng giá vô tội vạ, nhiều chủ trọ còn yêu cầu sinh viên gửi xe ở ngoài (nếu để trong phòng phải trả thêm tiền) đồng thời sẵn sàng đuổi người trọ ra khỏi nhà khi có người khác trả tiền thuê cao hơn. Bạn Vũ Thanh Hoa, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, sinh viên ĐH Văn hóa than thở, dù đã nộp tiền đầy đủ hàng tháng nhưng mới chỉ về nghỉ hè được 3 tuần, khi lên đến nơi, Hoa đã được chủ nhà trọ thông báo nhanh chóng thu dọn đồ đạc để họ sửa phòng. Khi Hoa vừa dọn đi khỏi, ngay lập tức phòng đã được cho thuê lại với giá cao hơn 250.000đ/tháng.
Cũng rơi vào trường hợp "dở khóc, dở cười", Nguyễn Thị Thảo (sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết: "Dù đã nộp tiền đặt cọc nhưng khi lên nhận phòng em lại được thông báo phòng đã có cháu họ của chủ nhà đến ở. Nếu muốn thuê, em phải đưa thêm cho chủ nhà 150.000 đồng để nhờ người môi giới tìm nhà cho người cháu của bà chủ. Dù rất bực mình nhưng do chưa tìm được chỗ ở khác nên em đành trả thêm tiền. Tìm hiểu những anh chị đang trọ thuê ở đây em mới biết, đó là cách moi tiền các tân sinh viên của chủ nhà".
Lợi dụng tình trạng khan hiếm nhà trọ không ít chủ nhà trọ còn bắt chẹt sinh viên bằng cách đặt ra những quy định rất phi lý như mỗi tuần mỗi người chỉ được phép giặt đồ 2 lần, nếu giặt quá số lần cho phép sẽ bị phạt tiền, bạn bè hay người thân đến chơi mà ngủ lại qua đêm cũng phải đóng thêm tiền trả "chi phí phát sinh", hàng tháng phải nộp tiền thông cống đề phòng... mưa ngập, tiền "bảo lãnh trang thiết bị" trong nhà. Dù bức xúc nhưng hầu hết sinh viên đều phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì có chuyển đi chỗ khác thì cũng dễ rơi vào tình cảnh "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa".
Theo ANTĐ
Cậu SV mồ côi người Jarai khốn khó nơi giảng đường Dù đã chính thức nhập học trường ĐH Tây Nguyên nhưng Nay Lép rất lo âu khi nghĩ về những tháng ngày sắp tới. Mồ côi cả bố lẫn mẹ khi còn nhỏ, gia đình lại có đến 7 anh em nên cậu tân SV người Jarai không biết trông nhờ vào ai. Hôm gặp chúng tôi tại Trường ĐH Tây Nguyên, Nay...