Những bếp ăn tình thương luôn đỏ lửa trong mùa dịch COVID-19
Thời gian này, những bếp ăn tình thương của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang, các tổ chức thiện nguyện, nhóm từ thiện luôn đỏ lửa ngày đêm để chia sẻ từng phần cơm nghĩa tình cho đội ngũ y, bác sĩ, người bệnh, thân nhân người bệnh tại các bệnh viện, khu cách ly ở Kiên Giang.
Bếp ăn Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái, huyện Châu Thành chuẩn bị các suất ăn từ thiện trong mùa dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang Bùi Thúy Hào cho biết, từ khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang bị phong tỏa do các ca mắc COVID-19, nhiều nhà hảo tâm tặng các suất cơm cho bệnh viện nhưng do tự phát nên không phân bổ đều số lượng suất cơm từ thiện hằng ngày để ai khó khăn cũng được chia sẻ. Trước tình hình này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ban Công tác xã hội của bệnh viện tập hợp danh sách các “mạnh thường quân” hỗ trợ, sau đó liên hệ với các bếp ăn từ thiện để đăng ký số lượng suất cơm cụ thể cho mỗi ngày.
Nhờ vậy, đến thời điểm này, các bếp ăn đã bảo đảm suất cơm ổn định cho bệnh viện và khu cách ly, với khoảng 2.500 – 3.000 suất ăn/ngày. Trong đó, bếp ăn Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái là 600 phần; bếp ăn Tình thương Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang 450 phần, bếp Tâm Lành 1.100 phần; bếp Mỹ Thuyên 450 phần, bếp cô Út 200 phần…
Video đang HOT
Tại bếp ăn Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, từ 3 giờ hằng ngày đã bắt đầu đỏ lửa để chuẩn bị những suất cơm nghĩa tình. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái Nguyễn Hữu Tín chia sẻ: “Chúng tôi muốn chung tay cùng xã hội, góp công sức nhỏ để giúp đỡ những người không may mắn vì đại dịch. Thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh, bếp ăn có khoảng 15 – 20 tình nguyện viên tham gia. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 6 – 7 người do yêu cầu giãn cách xã hội. Các tình nguyện viên được sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, làm việc tại chỗ”.
Ông Nguyễn Hữu Cường, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái cho hay: “Tham gia nấu ăn tại đây tôi rất vui, vì tôi muốn chia sẻ niềm vui cho mọi người. Tôi sẵn sàng thức khuya dậy sớm để đóng góp công sức của mình, chia sẻ miếng cơm, manh áo giúp đỡ mọi người”.
Thực tế, hoạt động thiện nguyện tại các bếp ăn ngày càng có sự lan tỏa lớn, các nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ tấm lòng của mình; trong đó, người tặng tiền, tặng cá, thịt, rau… hoặc người trực tiếp nấu nướng, chế biến thành từng suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, trước khi chuyển đến tận tay những trường hợp khó khăn cần được giúp đỡ.
Trao suất ăn từ thiện cho bệnh nhân lọc thận có hoàn cảnh khó khăn ở trong khu cách ly Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang.
Trải qua hơn 40 năm hoạt động, bếp ăn Tình thương Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang (thành phố Rạch Giá) đã trở thành điểm tựa cho những bệnh nhân, thân nhân nghèo và cũng tiếp thêm động lực để các bệnh nhân nghèo yên tâm điều trị. Hiện, bếp ăn phục vụ hai buổi trưa và chiều, với khoảng 450 suất cơm. Gắn bó hơn 20 năm qua, công việc ở bếp ăn tình thương đã trở thành thói quen của ông Phan Văn Cọp, làm nghề xe ôm, ngụ phường An Bình, thành phố Rạch Giá. Hằng ngày, ông dậy từ 3 giờ để chuẩn bị nguyên liệu, rồi nấu các món theo số lượng khẩu phần ăn. Đến 9 giờ, ông dọn dẹp rồi nghỉ và từ 14 – 17 giờ, tiếp tục nấu bữa chiều. Sau đó, ông trở về Công viên An Hòa, phường An Bình, làm công việc xe ôm đến 21 giờ mới nghỉ. Ông tâm sự: “Tôi không sợ cực khổ. Bao nhiêu năm nay, tôi chỉ suy nghĩ một điều là mình cần lo đủ miếng cơm cho bà con cô bác nghèo, họ được ăn no, ngon miệng là mình rất vui. Nguyện vọng của tôi chỉ có vậy thôi!”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang Bùi Thúy Hào cho biết, trong quá trình chế biến, vận chuyển các suất ăn, tình nguyện viên các bếp ăn từ thiện luôn thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc vì được góp công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, để chăm lo từng suất cơm đậm nghĩa tình. Hành động thiết thực này đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, thể hiện tinh thần tương thân tương ái quý báu, ấm tình người trong đại dịch…
Người giữ lửa bếp ăn cho bệnh nhân nghèo
Sau một lần thăm và chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của 4 cháu bé là anh em ruột mồ côi, bà Trần Thị Tuyết (65 tuổi; ngụ phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tìm mọi cách để giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh.
Năm 1993, sau khi nghỉ hưu sớm, bà Trần Thị Tuyết bắt đầu với sự nghiệp kinh doanh, còn chồng bà là ông Lê Tự Hồng Hà vẫn công tác trong một cơ quan nhà nước. Thời điểm ấy, dù kinh tế gia đình không mấy dư giả nhưng khi gặp người khó khăn, vợ chồng bà Tuyết sẵn sàng giúp đỡ hết mình. Sau một lần đến nhà thăm 4 anh em ruột mồ côi ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) nói trên, vợ chồng bà Tuyết quyết định vận động bạn bè lập quỹ từ thiện để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, không có tiền chữa trị và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân vợ chồng bà Tuyết hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập từ việc kinh doanh của gia đình để giúp đỡ những trường hợp này. Tháng 4-2007, công việc thiện nguyện đã đưa bà Tuyết đến với CLB Người tình nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, sau đó là chủ nhiệm CLB này. Tuy vậy, phải đến năm 2011, ông Hà nghỉ hưu, bà Tuyết nghỉ kinh doanh thì cả hai mới có nhiều thời gian dành cho công việc từ thiện.
Bà Tuyết (trái) chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại bếp ăn tình thương
Tháng 9-2014, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định thành lập, bà Tuyết được bầu vào Ban Thường vụ và phụ trách bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo. Để hình thành và duy trì hoạt động bếp ăn, vợ chồng bà Tuyết đã vận động người thân, bạn bè từ khắp nơi hỗ trợ. Không chỉ lo kinh phí, vợ chồng bà Tuyết còn phải lặn lội tìm người phục vụ bếp ăn. Tháng 11-2014, bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chính thức đi vào hoạt động. Hiện bếp luôn đỏ lửa phục vụ từ 4-5 ngày/tuần với công suất 400 - 800 suất ăn/buổi. Ngoài ra, bà Tuyết còn vận động thành lập 8 điểm cháo tình thương tại các bệnh viện, trung tâm từ thiện ở Bình Định. Các điểm cháo này mỗi tháng hoạt động 2 - 4 buổi, phát từ 1.000 - 1.300 suất/buổi cho bệnh nhân nghèo. "Đáng mừng là các hoạt động thiện nguyện của chúng tôi ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ. Mong rằng hoạt động này ngày càng lan tỏa hơn để giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời khó khăn" - bà Tuyết chia sẻ.
Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, cho biết: "Năm năm qua, CLB Người tình nguyện do bà Tuyết làm chủ nhiệm đã vận động được hơn 20,7 tỉ đồng để hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, riêng bà Tuyết đã vận động được 1,7 tỉ đồng. Đây là kết quả tích cực trong quá trình hoạt động rất nỗ lực của CLB Người tình nguyện cũng như cá nhân bà Tuyết".
Triển khai Chương trình 'Đoàn kết chống dịch', hỗ trợ người khó khăn Ngày 9/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình "Đoàn kết chống dịch", hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, ra mắt Fanpage trên mạng xã hội Facebook: "Đoàn kết chống dịch" và công bố các số điện thoại đường dây nóng tại các quận, huyện, thị xã...