Những bệnh ung thư nào đứng đầu ở Việt Nam?
Theo thống kê Ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả 2 giới là ung thư gan (15,4%); ung thư phổi (14,4%); ung thư dạ dày (10,6%); ung thư vú (9,2%); ung thư đại trực tràng (8,9%).
Ảnh minh họa.
Năm 2018, Việt Nam có hơn 164 ngàn ca mắc mới và gần 115 ngàn ca tử vong do ung thư. Ung thư đã trở thành gánh nặng đối với toàn xã hội, là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.
Ung thư gan
Năm 2018, 25.404 người tử vong vì ung thư gan và hơn 25 ngàn trường hợp mắc mới. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm ung thư gan có thể chữa khỏi, tuy nhiên người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn bệnh tiến triển, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Bệnh ung thư gan hay gặp ở những người bị bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ, người nhiễm viêm gan virus trong đó chủ yếu là viêm gan B và C; ung thư gan cũng có thể do di truyền, thói quen sử dụng thực phẩm không sạch, ẩm mốc và nhiễm chất độc dioxin. Nhiều nghiên cứu cho thấy đa phần những người mắc ung thư gan đều uống nhiều rượu bia và các chất kích thích.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu với gần 800.000 ca tử vong mỗi năm.
Đáng lưu ý, tỉ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư. Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan.
Với tỉ lệ này, Việt Nam chỉ đứng sau Mông Cổ (tỉ lệ 93,7/100.000 dân), Ai Cập (32,2), và Gambia (23,9). Vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt thuộc về Lào (22,4) và Campuchia (21,8), vị trí thứ 8 thuộc về Thái Lan (21).
Ung thư phổi
Theo Globocan 2018, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Ở Việt Nam, con số này là 23.667 ca ung thư phổi mới phát hiện và 20.170 người tử vong mỗi năm. Đây thực sự là con số đáng báo động, cho thấy rằng ung thư phổi đang đe dọa sức khỏe và mạng sống của rất nhiều người.
Mỗi năm có hơn 23.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 20.700 người đã tử vong. Ung thư phổi không chỉ gặp ở nam mà còn gặp ở cả nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh ung thư thường gặp thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 trong những bệnh ung thư ở phụ nữ hay mắc.
Nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này là sử dụng thuốc lá, bao gồm cả chủ động và thụ động. 90% bệnh nhân ung thư phổi đều hút thuốc lá.
Ung thư dạ dày
Video đang HOT
Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển khối u ác tính trong dạ dày. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp và rất dễ di căn đến các bộ phận khác. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 17.527 người mắc ung thư dạ dày; 15.065 ca tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư thường gặp trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa. Người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc, sử dụng những thực phẩm ướp muối, chế biến sẵn, thực phẩm hun khói hay thức ăn nướng ….. có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người khác.
Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới tại Việt Nam và trên thế giới, đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở phụ nữ.Ung thư vú đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa khi bệnh được phát hiện ở người độ tuổi 20, 21. Nguyên nhân gây bệnh được xác định có thể do di truyền do mẹ, chị em gái đã từng mắc bệnh; chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo. Với phụ nữ sinh con sớm, hoặc sinh con muộn, không sinh con thường có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng thường bao gồm ung thư trực tràng và ung thư kết tràng. Trong thực tế, nếu có polyp phát triển trong đường ruột là một điều bình thường, không có vấn đề gì lớn, thậm chí có polyp tăng sản, polyp bạch huyết, polyp tuyến tiến triển thành khối u…
Ung thư đại tràng là bệnh thường gặp ở nam và nữ giới. Nếu bạn có chế độ ăn nhiều chất béo, protein cao, ít chất xơ trong thời gian dài và thiếu tập thể dục, rất dễ sinh ra ung thư đại trực tràng. Đặc biệt với người hút thuốc lá sẽ là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Theo infonet
Ngừng ăn bẩn độc, hút thuốc lá để tránh ung thư
Bác sĩ cảnh báo ăn bẩn, độc, hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Tại Hội thảo phòng chống ung thư quốc gia đang diễn ra tại Hà Nội (18-19/7), Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tỉ lệ mắc mới ung thư của Việt Nam đang gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Số ca mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và đạt gần 165.000 người vào năm 2018. Theo ước tính đến năm 2030 tỷ lệ ung thư ở Việt Nam khoảng 206 nghìn người trong đó 120 nghìn nam giới mắc ung thư và 86 nghìn nữ giới mắc ung thư.
Các bệnh ung thư đầu bảng ở Việt Nam là ung thư gan, ung thư vú (ở nữ giới), ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng.
Giải thích nguyên nhân khiến số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K chỉ ra 4 nguyên nhân:
Thứ nhất, do tuổi thọ người Việt không ngừng tăng, hiện đã đạt 73,5 tuổi. Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc ung thư càng lớn.
Thứ hai, do nhận thức của người dân tốt hơn nhờ truyền thông nên người dân đi khám sức khoẻ định kỳ nhiều hơn, từ đó phát hiện bệnh nhiều hơn.
Thứ ba, do những tiến bộ y học, kĩ thuật chẩn đoán tốt hơn nên tỉ lệ phát hiện bệnh cao hơn.
Thứ tư, nguyên nhân gây ung thư chỉ có 10% do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền bên trong cơ thể, còn lại 80% do các tác nhân không lành mạnh bên ngoài như liên quan đến hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao...
"Trong đó riêng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, cổ tử cung..." - GS Thuấn chia sẻ. Hiện Việt Nam nằm trong top 15 nước có người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.
Ngoài ra chế độ ăn uống không hợp lý, ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35% nguyên nhân như ăn nhiều thịt, ít rau làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ăn các thực phẩm bị nấm mốc làm tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày...
Ngoài ra còn các yếu tố do vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ...
Đáng chú ý, dù tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là cao, không phải cao nhất thế giới nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân.
Giám đốc BV K Trần Văn Thuấn cho biết, có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư đến BV điều trị ở giai đoạn muộn nên điều trị rất khó khăn, riêng ung thư gan, ung thư phổi, tỉ lệ điều trị ở giai đoạn muộn lên tới 80 - 90%.
"Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, rất nhiều ung thư có tỉ lệ chữa khỏi lên tới 95 - 99%. Ngay như ung thư vú, hiện tỉ lệ chữa khỏi tại Việt Nam cũng đã đạt 75%, tương đương với thế giới" - ông Thuấn thông tin.
Để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư, GS Thuấn nhấn mạnh, người dân cần có thói quen khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm ung thư, đây là điều kiện tiên quyết để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư. Với các trường hợp gia đình có tiền sử người thân mắc ung thư vú, ung thư đại tràng... cần đi tầm soát ung thư sớm hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đa phần người dân phát hiện ung thư muộn dẫn tới việc điều trị là khó khăn.
"Hiện tại các kĩ thuật của nước ta tuy chưa phải đứng đầu thế giới nhưng đã bắt nhịp, theo sát với thế giới, kiến thức, trang thiết bị có. Điều cần quan tâm nhất là người dân thường phát hiện muộn, có trường hợp phát hiện sớm nhưng nấn ná điều trị chỉ vào viện khi đã muộn dẫn tới tỉ lệ tử vong cao" - Thứ trưởng Tiến bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu quan tâm đúng mức, đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư, từ nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, giảm tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Làm thế nào để không bị ung thư?
PGS.TS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, 70 % bệnh ung thư là phòng tránh được. Những yếu tố nội sinh như do di truyền, gen, do tuổi tác con người không thể thay đổi nhưng các yếu tố khác ngoại sinh như chế độ dinh dưỡng, thừa cân béo phì, lười vận động, ô nhiễm môi trường mỗi người có thể tự phòng và tránh xa để hạn chế nguy cơ mắc ung thư.
Ngừng lui tới ẩm thực đường phố không nguồn gốc.
Ông Quảng cho biết hiện nay, thủ phạm gây ung thư hàng đầu là thuốc lá. Không chỉ gây ung thư phổi, thuốc lá còn gây ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư vú, ung thư vòm mũi họng. 95 % ung thư phổi do thuốc lá gây ra. Hút thuốc lá không chỉ người hút bị ung thư mà hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ bị ung thư.
PGS.TS. Lê Văn Quảng nhấn mạnh, bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư hơn.
Bia rượu cũng là tác nhân gây ung thư. Hiện nay, Luật phòng chống bia rượu đã được thông qua nhưng thực tế để mọi người hiểu về tác hại của bia rượu và hạn chế tối đa còn cần nhiều thời gian. Ngừng hút thuốc, uống rượu sẽ tự giảm nguy cơ mắc ung thư phần nào.
Các nguyên nhân khác như yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò mật thiết trong các bệnh ung thư. Đặc biệt là các chất bảo quản, thực phẩm không an toàn chứa thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm ôi thiu, cách chế biến món ăn. Tăng cường rau xanh, trái cây, các loại vitamine là cách tốt nhất ngừa ung thư. Hạn chế thực phẩm nhiều gia vị, các đồ ăn mốc, thiu để phòng ung thư.
Ngoài ra, PGS.TS. Lê Văn Quảng khuyến cáo nên tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa ung thư như vắc xin viêm gan B trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung HPV. Các loại vi khuẩn, vi rút như HPV, HP, Viêm gan B làm tăng gánh nặng ung thư ở nước ta nhất là ung thư gan hiện nay.
Thực hiện bài tập 10 nghìn bước chân mỗi ngày thực sự hữu hiệu và giúp ngăn ngừa bệnh ung thư nói riêng và nhiều bệnh tật khác.
Cúc Phương (Tổng hợp)
Theo baodatviet
Thực hư tác dụng Vidatox - 'thần dược' ung thư giá 6 triệu đồng Vidatox được quảng cáo có công dụng giảm đau, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Chúng được bán với giá gần 6 triệu đồng một chai. Hiện nay, nhiều sản phẩm từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba được quảng cáo có tác dụng điều trị ung thư. Tuy vậy, các thông tin về thành phần...