Những bệnh dễ mắc nhất khi thời tiết nóng nực
Trời nắng nóng dễ khiến một số bệnh có điều kiện để hoành hành, gây khó chịu cho mọi người. Hãy cùng chúng tôi điểm danh những bệnh dễ mắc nhất khi trời nóng.
1 Bệnh lý tiêu hóa
Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp rất dễ xảy ra vì nhiệt độ 36-37OC là môi trường rất lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển khiến thức ăn mau hư và dễ bị ôi thiu hơn bình thường. Ngoài ra khi đi ngoài trời nắng nóng, chúng ta thường dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.
Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa: Khi thời tiết quá nóng, hệ tiêu hóa sẽ hoạt động kém, dịch tiêu hóa, dịch mật bài tiết ít, khả năng hấp thu giảm nên ăn không ngon, chán ăn; khi ăn uống dễ đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
2 Bệnh lý tim mạch
Trời quá nóng làm người có bệnh tim mạch từ trước dễ bị trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não.
Trời quá nóng cũng khiến tim đập nhanh và mạnh hơn, từ đó dễ gây ra những cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp. Hoặc đơn giản là khó ngủ, mệt mỏi, cáu gắt do trời nóng cũng làm tăng huyết áp bất thường, gây tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim dẫn đến các cơn đau ngực hay nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Ngoài ra ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng qua lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) sẽ làm các mạch máu co lại đột ngột dẫn đến thiếu máu não, nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, việc đổ nhiều mồ hôi cũng gây mất nước. Nếu chúng ta không uống đủ nước để bù lại khiến máu bị cô đặc, làm tăng gánh nặng cho tim và dòng máu lưu thông không tốt.
3 Bệnh lý hô hấp
Các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp dễ xảy ra hơn trong mùa nóng, từ viêm mũi họng đến viêm xoang, viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi.
Video đang HOT
Trong đó, với các bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mãn tính, hen suyễn dễ bị lên các cơn kịch phát do nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân là khí hậu nóng làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp, cộng với bụi sẽ dễ kích ứng đường hô hấp, gây co thắt phế quản làm lên các cơn khó thở, khò khè.
Ở nhiệt độ thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy với chức năng giống như chất sát khuẩn dùng để giữ chặt vi khuẩn, virút lại rồi tống chúng ra ngoài cơ thể. Với khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi khuẩn, virút dễ xâm nhập sâu bên trong gây bệnh.
4 Hệ thần kinh trung ương (não bộ)
Một hiện tượng dễ gặp khi trời nóng quá là bị say nắng (say nóng) dẫn đến choáng váng, vã mồ hôi, ngất xỉu và sốt.
Thể nặng nhất là “đột quỵ do nóng”. Bệnh nhân bị tổn thương não bộ do nhiệt độ môi trường quá nóng làm cơ thể mất hoàn toàn khả năng điều hòa thân nhiệt và làm suy đa cơ quan phủ tạng rất dễ tử vong. Triệu chứng gồm sốt cao 41-42OC không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân bị co giật, nói sảng, thậm chí hôn mê, tim chậm hoặc loạn nhịp tim, huyết áp thấp. Da niêm lúc đầu còn ửng đỏ, sau đó sẽ chuyển dần sang tím tái.
5 Khi ai đó bị đột quỵ, người nhà có thể sơ cứu như sau:
Nhanh chóng giảm thân nhiệt cho bệnh nhân bằng cách đưa vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
Tuyệt đối không giội nước lạnh lên người bệnh nhân vì sẽ làm co các mạch máu ở da, làm cơ thể không thoát nhiệt được, càng nguy hiểm hơn.
Nếu bệnh nhân không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt, phải nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
6 Phòng bệnh mùa nắng
Cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước, đem theo khăn ướt để lau mát phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài. Về vấn đề tiêu hóa, mọi người nên chú ý ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản. Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám thường xuyên hơn để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
Để phòng say nắng, say nóng, mọi người không làm việc quá lâu ngoài trời nắng nóng, tránh các hoạt động thể lực quá sức, uống đầy đủ nước…
Lời khuyên & Cảnh báo
Trong trường hợp sử dụng máy lạnh, cần chú ý
- Điều chỉnh nhiệt độ từ 26-28OC.
- Tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh mà phải có từng bước từ từ như từ ngoài nắng nóng bước vào nhà, rồi rửa mặt bằng nước hoặc lau bằng khăn ướt sau đó mới vào phòng máy lạnh.
- Chỉ nên mở máy lạnh trong khoảng 2 giờ, sau đó tắt và mở cửa cho không khí thông thoáng; sử dụng quạt hút và vệ sinh máy lạnh thường xuyên.
- Không ngủ máy lạnh suốt đêm.
Theo VNE
Bệnh dễ mắc khi trời giá lạnh
Tiết trời lạnh giá cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe khoa học và hợp lí.
Những ngày gần đây thời tiết ở nước ta luôn thay đổi, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều ngày đã có tuyết (Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn), ở một số tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về đêm nhiệt độ cũng đã giảm xuống dưới mức bình thường. Điều này tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt ở người cao tuổi (NCT). Sự suy giảm chức năng hoạt động của hệ tim mạch và hệ miễn dịch là yếu tố quan trọng làm gia tăng bệnh tật như bệnh đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đau nhức khớp...
Người cao tuổi dễ mắc bệnh gì trong mùa rét?
Khi trời lạnh, NCT thường mắc hoặc tái phát nhiều bệnh:
Bệnh đường hô hấp (ho, rát họng, chảy nước mũi, viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng), nhất là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là mối đe dọa đến tính mạng người bệnh mỗi khi đông đến, rét đậm, lạnh, mưa. Đối với NCT có sức yếu, lú lẫn, nằm lâu ngày, khi lạnh bị viêm phế quản, viêm phổi cấp tính thì thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ ít được người nhà quan tâm. Do đó, khi bệnh đã nặng gây không ít khó khăn cho việc điều trị. Thêm vào đó, do giá rét, một số người nghiện thuốc lá, thuốc lào thường hút tăng lên cho đỡ rét thì bệnh lại càng tăng nặng. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, đóng kín các cửa (do lạnh) cũng là những yếu tố thuận lợi cho bệnh hô hấp phát triển, đặc biệt ở NCT.
Người cao tuổi cần giữ ấm trong mùa đông để phòng bệnh.
Bệnh tim mạch: Song song với các bệnh về hô hấp thì bệnh tim mạch cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó đáng lưu ý là bệnh tăng huyết áp kịch phát. Tăng huyết áp kịch phát rất dễ gây nên đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Bệnh xương khớp: Thời tiết giá lạnh, với NCT thì các bệnh về xương khớp cũng luôn luôn rình rập đối với họ, đặc biệt là các bệnh gút, đau thần kinh liên sườn, đau lưng, thắt lưng, cứng khớp gối, khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay. Chính thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa lạnh làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, các bệnh dạ dày, viêm đại tràng co thắt mỗi khi mùa lạnh đến cũng hành hạ NCT làm cho ăn không ngon, ngủ không yên. Bên cạnh đó, ở nam giới khi bị bệnh tiền liệt tuyến càng lạnh càng đi tiểu, nhất là ban đêm gây nhiều phiền toái cho họ.
Cần làm gì để phòng bệnh ở NCT trong mùa đông?
Để phòng bệnh mùa lạnh thì NCT cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa, nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm, nếu cần thiết ra khỏi nhà phải mặc quần áo thật ấm, đi tất, găng tay, cổ quàng khăn ấm, đeo khẩu trang và nên đội mũ len. Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh giá. Ở trong phòng có thể sưởi ấm tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Ở miền núi và nông thôn có thể dùng than củi nhưng phải sưởi ở phòng thoáng gió tránh ứ đọng khói, khí độc và với gia đình có điều kiện thì nên dùng lò sưởi điện hoặc điều hòa. Ở thành thị nếu có điều kiện thì sưởi bằng lò sưởi, quạt sưởi điện hoặc bằng điều hòa nhiệt độ, tránh dùng than tổ ong để sưởi rất dễ bị ngộ độc bởi khí CO. Thời tiết lạnh giá nhưng NCT cũng có thể tắm, rửa bằng nước nóng trong buồng tắm kín gió; tắm xong phải lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo thật ấm.
Trường hợp có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn thì những ngày nhiệt độ giảm xuống thấp nên hạn chế tắm, chỉ nên lau người và rửa tay, chân bằng nước ấm. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế nước muối nhạt). Trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp. Người bị bệnh tăng huyết áp cần hết sức tránh lạnh đột ngột, nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm. Thường tai biến đột quỵ, nhồi máu cơ tim dễ xảy ra khi cơ thể bị lạnh đột ngột. Vì vậy, khi tỉnh giấc nên nằm yên, thở đều khoảng 5 phút sau đó mới bỏ chăn ra và ngồi dậy từ từ. Ngay lúc đó cần mặc ấm và chưa nên ra khỏi nhà vội. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những NCT đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm xoang, bệnh về tim mạch. Cần ăn, uống đủ nóng và tránh dùng các loại có tính chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Theo VNE