Những bẫy tình của “phù thủy” gây mê
Nghiêm Xuân Thảo Ly, kẻ cầm đầu
Bốn “ phù thủy” do Nghiêm Xuân Thảo Ly cầm đầu đã gây ra hàng chục vụ đầu độc làm dư luận hoang mang. Thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng sắc đẹp để dụ những người “hám của lạ” vào khách sạn rồi chuốc thuốc mê để cướp tài sản.
Mặc dù 4 “phù thủy” này đã bị bắt nhưng người dân chưa hết bàng hoàng khi được các đối tượng khai nhận đã thực hiện 60 vụ đầu độc, cướp tài sản liên tỉnh.
Đều không chồng
Bốn “phù thủy” Nghiêm Xuân Thảo Ly (tự Thảo, SN 1968, ở tỉnh Hậu Giang), Nguyễn Thị Tư (tự Tư Anh, SN 1952, ở TP Cần Thơ), Ngô Thị Tuyết Hương (SN 1962, ở TP Cần Thơ) và Lê Nguyễn Ngọc Hà (SN 1971, ở Kiên Giang), không sinh ra cùng ngày cùng tháng nhưng lại có chung âm mưu, thủ đoạn trong kế hoạch cướp tài sản.
Từ trái qua phải: Nghiêm Xuân Thảo Ly – cầm đầu băng nhóm gây ra hơn 60 vụ gây mê cướp tài sản, Nguyễn Thị Tư, Lê Nguyễn Ngọc Hà, Ngô Thị Tuyết Hương..
Theo điều tra của CSĐT Công an TPHCM, thủ đoạn của những “phù thủy” này rất tinh vi, khó lường. Chúng đóng vai là khách đi xe đò, quý bà Việt kiều về nước, đã ly hôn với chồng và có nhu cầu sinh lý mạnh. Chúng lê la các quán xá tìm kiếm những người đàn ông giàu có “hám của lạ” để ra tay.
4 “phù thủy” này đều có chung hoàn cảnh là không chồng. Người thì bị chồng ruồng bỏ, kẻ ly dị hoặc chồng đã chết. Nghiêm Xuân Thảo Ly sống tại thị xã Hậu Thanh, tỉnh Hậu Giang và có 3 người con. Năm 2000, do không chịu nổi người vợ sống ngày càng ăn chơi, đua đòi, tính tình xấu xa nên anh Huỳnh Văn Loan (chồng của Ly) đành chấp nhận ly hôn. Như “chim sổ lồng”, kể từ đây “phù thủy” này bắt đầu lao vào cuộc sống bằng những trò lừa tình, lừa tiền.
Video đang HOT
Có chút nhan sắc, giọng nói lại sắc ngọt như mía lùi, Nghiêm Xuân Thảo Ly không mấy khó khăn để đưa nạn nhân vào tròng. Hàng chục vụ dùng thuốc gây mê, cướp tài sản làm dư luận phẫn nộ. Công an Cần Thơ đã vào cuộc điều tra và nhiều lần bắt giam “nữ quái” này, nhưng chứng nào tật nấy, mạn hãn tù là Ly lại lao vào con đường cũ, tiếp tục gây mê và cướp tài sản. Ngày 19-8-2008, Ly bị Công an TP Cần Thơ bắt giữ về tội “cướp tài sản” và bị Tòa án Trà Vinh phạt 9 năm tù. Ngày 17/12/2009, Nghiêm Xuân Thảo Ly bị Tòa án nhân dân TP Cần Thơ phạt 12 năm tù giam. Đến ngày 28-12-2009, Ly bị Tòa án nhân dân TP Cà Mau xử phạt 8 năm tù giam.
Các đệ tử dưới trướng “phù thủy” Ly cũng có cuộc đời tương tự. Thay vì làm ăn lương thiện giúp đỡ gia đình, nuôi con, các đối tượng này nghe theo lời “nữ quái” Ly, tụ tập kết bè, kết phái để gây án lấy tiền ăn chơi. Theo điều tra của cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Tư sinh ra và lớn lên tại Ninh Kiều (Cần Thơ). Hết lớp 5, Tư phải nghỉ học để đi làm thuê.
Năm 1992, cũng do thói ăn chơi đua đòi, không chịu được cảnh làm thuê, Tư bán luôn cả nhà đang ở, trở về sống với gia đình dưới ghe để bán than, củi. Năm 2001, sau khi chồng qua đời, Tư không tu chí làm ăn để nuôi con ăn học, lo cho gia đình mà nhận làm đệ tử của Ly, tham gia đầu độc, cướp tài sản. Ngày 8-11-2008, Tư bị Công an TP Cần Thơ bắt giữ về tội “cướp tài sản” và bị Tòa án nhân dân Cần Thơ phạt 10 năm tù giam.
“Phù thủy” Lê Nguyễn Ngọc Hà mới học hết lớp 1. Gia đình khó khăn, sau khi chồng chết vào năm 2000, cuộc sống khó khăn ngày càng chồng chất. Không lo cho đứa con nhỏ 3 tuổi đang gửi cho bà ngoại, Hà gia nhập nhóm các “phù thủy” gây án. Tháng 9-2008, Hà bị Công an TP Cần Thơ bắt giữ và bị Tòa án tỉnh này tuyên phạt 8 năm tù giam. Trong khi đó, “phù thủy” Ngô Thị Tuyết Hương là người có trình độ, dù sinh ra trong gia đình nghèo khó có 7 anh chị em.
Lập gia đình, có một người con nhưng đã nổi tiếng là một “phù thủy” gây mê kinh hoàng. Sau khi cùng với chồng về sống tại TPHCM, Hương vẫn móc nối với Ly để gây án. Đến tháng 12-2009, sau khi biết đồng bọn bị bắt, Hương đã đến Công an TP Cần Thơ đầu thú. Ngày 17-12-2009, Hương bị Tòa án nhân dân TP Cần Thơ phạt 7 năm, 6 tháng tù giam.
Dụ đại gia “vui vẻ” rồi cướp
Ngày 11-1, theo điều tra ban đầu của Công an TPHCM, hiện 4 “phù thủy” gây mê trên đã gây ra hàng chục vụ đầu độc cướp tài sản của nạn nhân. Ly là người cầm đầu đã gây ra 22 vụ, hiện còn 10 vụ cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được. Tại cơ quan điều tra, Ly cùng đồng bọn đã thừa nhận là tác giả của hơn 60 vụ án tại nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Hiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM…
Tháng 5-2008, sau khi chủ động làm quen được với ông Q.B.H (SN 1933, Việt kiều Mỹ, lưu trú quận 11, TPHCM), Ly rủ ông H vào khách sạn Hải Phòng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) để “vui vẻ”. Tại đây, Ly mời ông H uống ly sinh tố đã được Nguyễn Thị Tư chuẩn bị sẵn thuốc mê. Sau khi nạn nhân lịm đi, Ly và Tư lấy 1 nhẫn vàng 18K, 1 ĐTDĐ, lượng lớn tiền mặt lẫn ngoại tệ.
Cuối tháng 8-2008, Ly lấy tên giả là Thuỷ và Nguyễn Thị Tư dùng tên là Hương tiếp cận làm quen, xin số điện thoại của ông N.V.M (SN 1954, ngụ quận 3, TPHCM) tại một quán cơm ở quận 3. Sau khi dụ được nạn nhân vào tròng, Ly suốt ngày gọi điện thoại mời ông M đi uống cà phê, rồi tìm khách sạn trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) “vui vẻ”.
Lần đầu tiên, do ông M không uống ly nước mía của Ly mời nên thoát nạn. Khoảng một tháng sau, Ly lại gọi điện cho ông M đến trên đường Hùng Vương (quận 5) để tiếp tục “mây mưa”. Lần này, ông M bước vào phòng thấy Ly và Tư ngồi uống bia nên cũng tham gia. Thấy ông M ngà ngà say, Ly dìu ông sang phòng bên cạnh để tâm sự nhưng được một lát, ông M không biết trời đất gì nữa. Tỉnh giấc, ông M mới phát hiện 1 dây chuyền 18K, 2 nhẫn vàng, 1 dây chuyền vàng, 2 ĐTDĐ, 5 triệu đồng tiền mặt (tổng giá trị trên 50 triệu đồng) không cánh mà bay.
Hay một vụ điển hình khác, giữa tháng 9-2008, cũng bằng thủ đoạn tương tự, Ly và Nguyễn Ngọc Hà dụ dỗ ông N.H.O (một đại gia ở TP Cần Thơ) vào khách sạn ở quận Ninh Kiều để tâm sự cho đỡ buồn. Vừa vào đến nơi, ông O được Ly mời uống ly nước và sau đó cũng “chìm trong giấc ngủ say” tại khách sạn. Khi tỉnh dậy, ông O được cơ quan công an mời đến gặp mặt 2 quý bà nói trên, lúc này ông O mới tá hỏa khi biết “tình nhân” của mình là hai “phù thủy”. Lấy lời khai nhanh của 2 đối tượng này, Công an TP Cần Thơ đã bắt tiếp nhiều đối tượng trong băng nhóm gây mê cướp tài sản do Nghiêm Xuân Thảo Ly cầm đầu.
Theo kết quả giám định của Phân viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), thuốc mê mà băng nhóm “phù thủy” này sử dụng, nếu dùng ở liều cao sẽ làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái ngủ sâu ngay tức thì, gây mệt mỏi, yếu cơ…
Theo Tiền Phong
Bộ mặt thật của các "phù thuỷ" gây mê
Những năm 2003-2004, trên các tuyến giao thông ở nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam xảy ra những câu chuyện vừa thực vừa hư.
Thực là có những hành khách đi xe đi tàu sức khỏe đang bình thường chỉ trong chốc loáng bỗng chìm vào một cơn mê dài bí ẩn. Khi tỉnh dậy, tàu chưa tới ga, xe chưa tới bến thì họ đã bị mất toàn bộ tài sản đem theo...
Theo nhận định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an, thủ đoạn cướp của, giết người bằng thuốc gây mê đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng những năm 2000 với hàng loạt các vụ án ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Công an các địa phương và Cục C45 đã khám phá được khá nhiều vụ án loại này và đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thủ đoạn của bọn tội phạm để quần chúng nhân dân cảnh giác.
Tuy nhiên, cho đến một vài năm gần đây, loại tội phạm này vẫn tiếp tục xuất hiện với thủ đoạn mới tinh vi hơn mà hàng loạt các vụ án do "phù thủy" gây mê Đào Thị Ngừng thực hiện mới đây là một ví dụ điển hình.
"Phù thuỷ" gây mê: Sự thật và đồn đại
Những năm 2003-2004, trên các tuyến giao thông ở nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam xảy ra những câu chuyện vừa thực vừa hư. Thực là có những hành khách đi xe đi tàu sức khỏe đang bình thường chỉ trong chốc loáng bỗng chìm vào một cơn mê dài bí ẩn. Khi tỉnh dậy, tàu chưa tới ga, xe chưa tới bến thì họ đã bị mất toàn bộ tài sản đem theo. Người mất nhẫn vàng, người mất dây chuyền, có người mất tới cả mấy trăm triệu đồng. Thế là trong những lời kể và đồn đại, những người bị hại, có người nhất quyết khẳng định rằng họ đã bị ai đó "thôi miên" khiến họ bị chìm vào một cơn mê dài, mặc cho kẻ đó muốn lấy gì thì lấy.
Có người lại mô tả họ chỉ vừa mới nhai chiếc kẹo cao su, vừa mới uống được vài ngụm nước ngọt do người đồng hành mời mọc, lập tức họ lịm đi không còn biết gì xảy ra xung quanh nữa. Có người kể, họ chỉ vô tình cúi xuống, chạm vào chiếc khăn của hành khách ngồi bên cạnh là ngay tức khắc bị rơi vào trạng thái lơ mơ - mắt vẫn mở, tai vẫn nghe thấy âm thanh nhưng hoàn toàn không kiểm soát được bản thân. Họ nhìn thấy người ta lục ví của mình, thấy người ta cởi nhẫn mình đeo trên tay nhưng không làm sao hô hoán, ngăn cản được.
Tất cả diễn ra, giống như trong một cơn mê. Cho đến khi tỉnh lại thì tài sản đã mất sạch trơn, không còn gì nữa... Nhiều người đồ rằng, họ đã gặp phải những "phù thủy" và họ bị mất tiền vàng, đồ đạc bởi "phép thuật" bí ẩn nào đó.
Nhưng, Đại tá Phạm Văn Tám, Trưởng phòng 8-Cục C45, đơn vị đã tham gia khám phá chuyên án giết người, cướp tài sản bằng thuốc gây mê được coi là phức tạp nhất trong thời gian gần đây thì khẳng định: không có gì là bí ẩn trong những vụ việc nói trên. Những điều mà người bị hại cho rằng họ bị thôi miên, bị chìm vào các cơn mê dài thực ra chỉ là việc họ bị nhiễm chất gây mê do thủ phạm cố tình lừa để họ uống bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. "Phép thuật" duy nhất của các "phù thủy" gây mê thực ra chỉ là các loại thuốc ngủ, thuốc gây mê mà thôi.
Những năm trước, Công an tỉnh Phú Yên đã từng bắt được một nhóm "phù thủy gây mê". Nhóm này thuê hẳn một chiếc xe loại 12 chỗ ngồi, chạy rông từ Hà Nội vào TP HCM. Tài xế và vài người trên xe đều là băng nhóm của chúng. Chúng vờ là xe cơ quan đi công tác, dọc đường bắt 1-2 khách lên xe đi cùng cho vui chứ không lấy tiền lộ phí. Nhiều người tin lời chúng, lên xe đi nhờ và mắc bẫy. Trên xe, chúng đã chuẩn bị sẵn một số đồ ăn, đồ uống như kẹo cao su, nước ngọt. Tất nhiên là số kẹo cao su này đã được chúng tẩm thuốc gây mê và nước ngọt cũng đã được chúng khoan 1 lỗ nhỏ dưới đáy để bơm thuốc gây mê vào rồi hàn lại.
Chúng vờ chuyện trò thân mật với hành khách rồi mời họ ăn kẹo, uống nước. Hành khách đại đa số là không từ chối vì nể lòng tốt của những người đã cho đi nhờ xe. Sau khi hành khách ngấm thuốc, ngủ mê man, bọn chúng bắt đầu lục soát tài sản của họ, lấy sạch trơn rồi khênh vứt họ xuống đường.
Cũng tại Phú Yên, lực lượng Công an đã từng bắt giữ một nhóm đối tượng do Trần Ngọc Ba, tức Sinh "đen" cầm đầu. Nhóm này gồm khoảng chục tên. Chúng đón xe đò và chọn ngồi gần các hành khách đeo nhiều nữ trang hoặc mang hành lý có giá trị. Trên xe chúng vờ làm quen, thân thiện rồi mời các "con mồi" ăn kẹo chewing-gum, uống nước ngọt đã được pha tẩm thuốc mê. Khi "con mồi" ngấm thuốc, chúng sẽ cướp hết tài sản và xuống xe trốn biệt.
Trong hàng chục vụ cướp đã gây ra, có vụ chúng đầu độc luôn cả tài xế khiến tai nạn suýt xảy ra, hàng chục người trên xe thoát chết trong gang tấc. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Chiến, lái xe khách 52 chỗ chạy tuyến Bắc - Nam. Khi cảm nhận mình đã trúng kế kẻ gian do cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, anh Chiến cố gắng tấp xe vào một cây xăng còn sáng đèn ở Xuân Lộc, Đồng Nai.
Còn tại các tỉnh phía Bắc, Cục C45 cũng đã từng dày công đeo đuổi cả năm trời mới khám phá thành công một chuyên án cướp gây mê mà thủ phạm là một người đàn bà không ai ngờ tới. Trên chuyến tàu xuôi Yên Bái - Hà Nội, người đàn bà ấy lên tàu với lỉnh kỉnh nhiều bị bọc hành lý cùng hai đứa con nhỏ. Ba mẹ con lên tàu, chọn chỗ ngồi cùng khoang với hai chị em ruột Nguyễn Thị Ngát và Nguyễn Thị Ngợi.
Qua câu chuyện qua lại làm quen, người đàn bà này tự giới thiệu là bác sĩ tên Hà hiện đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, còn chồng là Nguyễn Phi Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện. Nhân dịp con gái được nghỉ hè, hai vợ chồng đưa cháu về thăm ông bà nội ở Yên Bái. Nhưng do có công việc đột xuất ở bệnh viện nên chồng chị ta đã về Hà Nội từ hai hôm trước đến hôm nay mẹ con chị ta về sau.
Lối nói chuyện cởi mở, khéo léo của "bác sĩ Hà" đã khiến hai chị Ngợi và Ngát thiện cảm. "Bác sĩ" lôi từ trong túi ra đủ các loại bánh trái, hoa quả mời hai chị ăn. Bà ta còn mời hai chị mỗi chị ăn một lát nhân sâm để tỉnh táo kẻo ngủ gật sẽ bị kẻ gian trộm cắp hết tài sản thì khổ. "Bác sĩ Hà" cứ luôn miệng nhắc hai chị phải thật cảnh giác khi đi tàu đêm như thế này...
Tàu chạy đến ga Phú Thọ thì đã gần nửa đêm, bà ta lấy từ trong túi ra một lon nước Coca-Cola mời Ngợi và Ngát uống cho mát. Cảm động trước thịnh tình của người bạn đồng hành, lại đang khát nước, hai chị đã uống hết lon nước ngọt này. Khoảng 30 phút sau, hai chị em bắt đầu rơi vào trạng thái mê mệt. Họ ngủ say như chết, không còn biết được những gì đã xảy ra xung quanh.
Mãi đến sáng hôm sau khi tàu đã về đến ga Hà Nội từ lâu, hành khách đã xuống tàu hết, hai chị mới tỉnh ngủ. Toàn bộ tư trang, tài sản của chị Ngát và chị Ngợi gồm hai nhẫn vàng, 3 nghìn USD và 10 triệu đồng đã bị mất. "Bác sĩ Hà" cùng hai đứa con gái nhỏ cũng đã xuống tàu từ lâu.
Cục Cảnh sát hình sự khi đó đã phải rất dày công mới truy tìm được "bác sĩ Hà". Thị tên thật là Bùi Thị Thanh ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vụ gây mê hai chị em chị Ngát - Ngợi đã là vụ gây mê thứ 8 do thị thực hiện. Cướp được nhiều tiền, thị về quê xây nhà và... tiếp tục lấy chồng.
Khi "phù thủy" thay đổi "phép thuật"
Đào Thị Ngừng ở Tân Bình, Tân Uyên, Bình Dương cũng đã từng là "phù thủy gây mê" như Bùi Thị Thanh. Chỉ khác là Ngừng đã hành nghề này từ những năm 1991-1992. Cho đến năm 1994 thì Ngừng bị bắt và bị Tòa án xử phạt 18 năm tù giam. Cuối năm 2007, Đào Thị Ngừng ra tù và "ngựa quen đường cũ", tiếp tục hành nghề "phù thủy".
Tuy nhiên, khác với chục năm về trước, thủ đoạn vờ làm quen trên tàu xe rồi mời mọc ăn uống những đồ ăn thức uống có tẩm thuốc gây mê đã không còn câu nhử được các "con mồi". Bởi vì, thủ đoạn này đã được Cơ quan Công an nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nên người dân cảnh giác, không sa bẫy.
Vốn là một kẻ tội phạm tinh quái nên Đào Thị Ngừng rất biết điều đó. Bởi vậy, sau khi ra tù, dù tiếp tục hành nghề "phù thủy" nhưng Ngừng đã thay đổi "phép thuật". "Con mồi" mà Ngừng nhắm đến không phải là ở trên các chuyến xe khách, các đoàn tàu hỏa nữa mà là những người dân cả tin ở các nơi thờ cúng.
Bùi Thị Thanh đang diễn lại động tác tháo nữ trang của người
bị hại trong buổi thực nghiệm điều tra.
Tháng 8/2008, Ngừng đi từ TP HCM lên Tây Ninh, mang theo một số viên thuốc mê mà Ngừng đã mua ở bến xe miền Đông từ trước đó và một số đồ uống như sữa Ông Thọ, sữa Milo, cà phê. Tới chợ thị xã Tây Ninh, Ngừng vào mua mỳ rồi lân la làm quen hỏi thăm mấy người bán hàng ở chợ xem ở gần đó có chùa nào do phụ nữ không có chồng tu không để Ngừng đến đó cúng. Thấy Ngừng nói năng khéo léo, lễ phép, gương mặt lại lành hiền dễ coi nên những người dân ở đây tin là Ngừng có lòng thành và họ đã chỉ cho Ngừng tới miếu Bà chúa Xứ ở ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, huyện Châu Thành do bà Nguyễn Thị Hải tu tại đó.
Ngừng tới đây, cúng chùa, tỏ ra thành kính rồi đến tối xin bà Hải cho được ngủ lại. Tin người, bà Hải đồng ý. Sớm hôm sau, bà Hải còn lấy xe máy chở Ngừng đi cúng ở mấy chùa quanh khu vực rồi đến chiều tối lại còn mời Ngừng ăn cơm cùng với mấy người nữa ở miếu. Tối đó, ăn cơm xong, Ngừng đã pha sữa và cà phê mời bà Hải và mọi người cùng uống cho bổ dưỡng. Trong tất cả các ly nước này Ngừng đều lén bỏ vào đó thuốc mê.
Đêm đó, khi bà Hải và những người cùng ngủ ở miếu đã ngấm thuốc, mê man bất tỉnh, Ngừng đã lục soát để lấy tài sản của những người này, tổng cộng được 700 nghìn đồng và 4 chỉ vàng rồi tẩu thoát. Cho mãi đến trưa ngày hôm sau, một người bán vé số tình cờ đi qua miếu, phát hiện thấy bà Hải và một số người ở lại miếu từ hôm qua đến lúc đó vẫn còn mê mệt, gọi không thưa, lay không dậy nên đã hốt hoảng hô hoán bà con đưa các nạn nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh cấp cứu.
Tháng 2/2009, cũng với thủ đoạn trên, Ngừng tìm đến chùa Pháp Tam, phường Phú Khương, TP Bến Tre. Ngừng nói dối là đi cùng đoàn làm từ thiện nhưng bị say xe nên xin vào chùa nghỉ nhờ đến chiều xe của đoàn sẽ qua đón. Chiều đó, lấy lý do là xe chưa qua được nên Ngừng lại tiếp tục xin chùa cho nghỉ lại qua đêm.
Tối đó, lợi dụng lúc mọi người trong chùa không để ý, Ngừng đã lén bỏ thuốc ngủ vào hai ca nước dừa rồi bưng đến mời bà Thủy (trụ trì chùa) và bà Hồng (người làm công quả trong chùa) uống. Đợi cho hai người ngấm thuốc, bất tỉnh, Ngừng đã lục soát tài sản, cướp đi một số tiền, vàng và điện thoại di động.
Ngoài ra, cũng với thủ đoạn trên từ năm 2008 đến khi bị bắt (tháng 12/2009) Đào Thị Ngừng đã ra tay bỏ thuốc mê cướp tài sản ở hàng loạt các chùa và am thờ tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Nam. Như tháng 3/2009, tại nhà của bà Võ Thị Xiêu, một người tu tại gia ở ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang. Tháng 4/2009 ở chùa Diệu Ân xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Tháng 5/2009 ở chùa Bạch Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tháng 6/2009 tại chùa Long Hòa, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tháng 7/2009, tại chùa Quan Âm, thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Theo kết quả điều tra của Cục C45 thì Đào Thị Ngừng đã gây ra tổng cộng 8 vụ án cướp tài sản, giết người bằng thủ đoạn dùng thuốc gây mê ở địa bàn 6 tỉnh là Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Long An. Các nạn nhân của thị không chỉ bị hôn mê mà trong số đó đã có 3 người bị chết bởi tác động quá mạnh của các loại thuốc mà thị đã bỏ vào đồ ăn thức uống của họ.
Theo CAND Online
Tội ác động trời của 'phù thuỷ' chuyên hạ độc Phù thuỷ Đào Thị Ngừng được xác định là tác giả của hàng chục vụ hạ độc thủ để cướp tài sản, trong đó có 2 nạn nhân tử vong. Ra tay tàn độc Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An vừa có báo cáo Bộ Công an về kết luận điều tra vụ án nữ quái Đào Thị Ngừng...